1. Đoàn kinh tế - quốc phòng là gì?

Tại Điều 3 Nghị định 164/2018/NĐ-CP giải thích: Đoàn kinh tế - quốc phòng là đơn vị quân đội, do Bộ Quốc phòng thành lập để triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển khu kinh tế - quốc phòng.

Khu kinh tế - quốc phòng là khu vực có ranh giới xác định bao gồm một số xã của một hoặc nhiều huyện, thuộc một hoặc một số tỉnh, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khu vực đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

2. Thành lập đoàn kinh tế - quốc phòng

Điều 20 Nghị định 22/2021/NĐ-CP quy định về việc thành lập đoàn kinh tế - quốc phòng như sau:

Thẩm quyền quyết định:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ và quản lý một hoặc nhiều Khu kinh tế - quốc phòng.

Điều kiện thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng:

- Quyết định mở mới Khu kinh tế - quốc phòng;

- Quyết định vị trí đóng quân;

- Quyết định về tổ chức biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng.

Trình tự, thủ tục thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng:

- Quân khu, quân chủng, binh đoàn lập tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng;

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng với cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Căn cứ quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quân khu, quân chủng, binh đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất về quy mô, vị trí đóng quân của Đoàn kinh tế - quốc phòng.

3. Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Đoàn kinh tế - quốc phòng

3.1. Cơ cấu tổ chức

Đoàn kinh tế - quốc phòng là đơn vị quân đội, do Bộ Quốc phòng quyết định thành lập để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định về tổ chức, biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng, đảm bảo phù hợp với tổ chức, biên chế của Quân đội.

3.2. Chức năng, nhiệm vụ

Chức năng:

- Đoàn kinh tế - quốc phòng là đơn vị quân đội thực hiện đồng thời chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng theo quy định của pháp luật;

- Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo tiền đề để nhân dân ổn định đời sống nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo thuộc địa bàn chiến lược; làm công tác dân vận, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; điều phối các hoạt động trên biển, đảo trên địa bàn được giao; tổ chức các hoạt động kinh tế, di dân, ổn định dân cư, bảo vệ môi trường và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống;

- Quản lý, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và chỉ huy tác chiến hiệp đồng theo kế hoạch.

Nhiệm vụ:

- Thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đơn vị;

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện xây dựng và bảo vệ khu vực phòng thủ;

- Xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Thực hiện nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất xây dựng kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng;

- Thực hiện công tác dân vận và tuyên truyền đặc biệt, xây dựng địa bàn vững mạnh về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh;

- Chủ trì, phối hợp với địa phương thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; phối hợp với địa phương trên địa bàn đứng chân xây dựng các cụm điểm dân cư trên tuyến biên giới đất liền, biển, đảo;

- Tổ chức kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, tài sản, nguồn vốn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng;

- Quản lý, chỉ huy các cơ quan đơn vị thuộc quyền;

- Thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phối hợp với địa phương nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc;

- Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.

3.3. Quy chế hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy chế hoạt động, quy chế phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của Đoàn kinh tế - quốc phòng.

Quy chế hoạt động, quy chế phối hợp của Đoàn kinh tế - quốc phòng có các nội dung chủ yếu sau:

- Nhiệm vụ của Đoàn kinh tế - quốc phòng;

- Chế độ làm việc và mối quan hệ công tác;

- Cơ chế phối hợp công tác với các lực lượng đứng chân trên địa bàn.

4. Giải thể đoàn kinh tế - quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại Đoàn kinh tế - quốc phòng khi:

- Có sự biến động về tổ chức, biên chế;

- Thay đổi về chức năng, nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Đoàn kinh tế - quốc phòng khi mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, nhiệm vụ của Đoàn kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành hoặc do yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trường hợp trong Đoàn kinh tế - quốc phòng có tổ chức pháp nhân kinh tế thì việc giải thể thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trình tự thủ tục tổ chức lại, giải thể Đoàn kinh tế - quốc phòng:

- Quân khu, quân chủng, binh đoàn lập tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại, giải thể Đoàn kinh tế - quốc phòng;

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại, giải thể Đoàn kinh tế - quốc phòng.

Quân khu, quân chủng, binh đoàn tổ chức thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trường hợp giải thể, Đoàn kinh tế - quốc phòng tổ chức bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng toàn bộ các công trình cơ sở hạ tầng, dự án, cơ sở vật chất đã được xây dựng trong Khu kinh tế - quốc phòng.

5. Hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng trong khu kinh tế - quốc phòng

5.1. Xây dựng dự án trong Khu kinh tế - quốc phòng

Đoàn Kinh tế - quốc phòng là chủ đầu tư các dự án đầu tư công theo kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Việc thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Đoàn kinh tế - quốc phòng trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng.

Đoàn Kinh tế - quốc phòng là chủ đầu tư có trách nhiệm thành lập Ban quản lý dự án, lập các dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trực tiếp quản lý và tổ chức thực hiện các dự án trong Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng:

a) Phải phù hợp với kế hoạch của từng Khu kinh tế - quốc phòng đã được phê duyệt;

b) Không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng địa bàn của đơn vị;

c) Căn cứ tính chất, nội dung, nguồn vốn, tiến độ, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, chủ đầu tư có thể triển khai một hoặc nhiều dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm.

5.2. Quản lý các dự án đầu tư trong khu kinh tế - quốc phòng

Đoàn kinh tế - quốc phòng trực tiếp quản lý các công trình hạ tầng cơ sở đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Khu kinh tế - quốc phòng gắn với sản xuất của Đoàn kinh tế - quốc phòng. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, Đoàn kinh tế - quốc phòng lập dự toán ngân sách duy tu, bảo dưỡng công trình hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Đối với các công trình hạ tầng cơ sở đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Khu kinh tế - quốc phòng không gắn với sản xuất của Đoàn kinh tế - quốc phòng sau khi dự án hoàn thành thực hiện như sau:

a) Đoàn kinh tế - quốc phòng tổ chức bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng;

b) Đơn vị quản lý sử dụng có trách nhiệm lập dự toán ngân sách duy tu, bảo dưỡng công trình, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; nhận bàn giao, quản lý, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Khu kinh tế - quốc phòng có trách nhiệm bảo đảm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhận bàn giao từ Đoàn kinh tế - quốc phòng.

5.3. Quản lý đất đai trong khu kinh tế - quốc phòng

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Đoàn kinh tế - quốc phòng quản lý đất đai trong Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Khi tiến hành lập hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng, quân khu, quân chủng, binh đoàn có văn bản thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc giao đất quốc phòng, cho thuê đất để thực hiện mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.

Đất trong Khu kinh tế - quốc phòng được sử dụng như sau:

a) Đối với đất được giao cho Đoàn kinh tế - quốc phòng để phát triển kinh tế - xã hội: Đoàn kinh tế - quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp tiếp nhận, bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đối với đất tổ chức sản xuất kinh doanh: Đoàn kinh tế - quốc phòng lập dự án sản xuất, kinh doanh, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng: Căn cứ vào quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng, vị trí đóng quân, kế hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt, Đoàn kinh tế - quốc phòng làm thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

5.4. Quản lý dân cư, cư trú, bảo đảm an ninh, trật tự trong khu kinh tế - quốc phòng

Đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với cơ quan công an tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh xem xét, quyết định việc bố trí, sắp xếp dân cư trong Khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng; ưu tiên sắp xếp, bố trí ổn định dân cư nội tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trường hợp cần thiết, có nhu cầu tiếp nhận nhân dân ngoài tỉnh đến cư trú trong địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện thống nhất với Đoàn kinh tế - quốc phòng về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư trong Khu kinh tế - quốc phòng.

Đoàn kinh tế - quốc phòng có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan trong việc xây dựng thôn, xã, bản mẫu trong Khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với các quy định của pháp luật và phong tục, tập quán của địa phương.

Cơ quan công an địa phương có trách nhiệm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định của pháp luật.

5.5. Công tác giúp dân tổ chức sản xuất, giảm nghèo bền vững

Đoàn kinh tế - quốc phòng tổ chức và hướng dẫn nhân dân trong Khu kinh tế - quốc phòng phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đối với Đoàn kinh tế - quốc phòng sản xuất tập trung thì tạo mọi điều kiện thu hút đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm việc.

Các hình thức giúp dân tổ chức sản xuất, giảm nghèo bền vững, gồm:

a) Xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch;

b) Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ hai đầu để phát triển sản xuất cho nhân dân trong vùng dự án;

c) Tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân;

d) Đưa văn hóa, y tế về thôn, bản để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe của nhân dân và thực hiện an sinh xã hội;

đ) Tiếp nhận nhân dân nơi khác đến lập nghiệp theo kế hoạch của Chính phủ hoặc địa phương;

e) Các hình thức sản xuất khác.

Đảm bảo đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhân dân:

a) Đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát đất ở, đất canh tác trong Khu kinh tế - quốc phòng để sắp xếp, bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Tạo điều kiện giúp đồng bào khai hoang để có đủ đất sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình;

c) Phối hợp với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản, vận động nhân dân yên tâm sản xuất, định canh, định cư trên khu đất được giao;

d) Trợ cấp, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn trong quá trình sản xuất.

Bảo vệ và phát triển rừng trong Khu kinh tế - quốc phòng:

a) Đoàn kinh tế - quốc phòng có trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn; tổ chức thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng; kết hợp giữa bảo vệ và phát triển rừng với chương trình định canh, định cư, bảo vệ môi trường;

b) Đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với cơ quan lâm nghiệp địa phương xây dựng dự án, lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giao khoán rừng, đất rừng cho nhân dân tổ chức sản xuất.

5.6. Công tác dân vận trong khu kinh tế - quốc phòng

Phối hợp với cơ quan công an và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, chính quyền, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa - xã hội cho nhân dân; củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, chế độ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.

Tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao năng lực lãnh đạo, phương pháp quản lý điều hành cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng và khai thác hệ thống thông tin, tuyên truyền, thường xuyên cập nhật tin tức đến người dân.

Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thiết chế văn hóa, giáo dục, coi trọng xóa mù chữ, chống tái mù chữ, phổ cập giáo dục, giúp cán bộ xã, bản làng, phum, sóc nâng cao trình độ quản lý hành chính và phát triển kinh tế - xã hội.

Giúp chính quyền địa phương xây dựng cơ sở y tế và thực hiện chương trình quân dân y kết hợp.

Giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Thường xuyên sâu sát, liên hệ chặt chẽ và nắm chắc phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng, tình hình nội bộ trong nhân dân. Tổ chức các lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế - quốc phòng để thực hiện công tác dân vận.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê