Trên thế giới những quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển bảo hiểm là một tổ chức trung giai tài chính lớn, có chức năng huy động các nguồn vốn và cung ứng vốn trung, dài hạn cho đầu tư phát triển và ngành kinh doanh bảo hiểm đóng góp từ 5% đến 10% GDP của các nước đó.

So với thế giới ngành bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ, các công tư bảo hiểm trong nước chỉ thật sự hoạt động trong môi trường cạnh tranh những năm gần đây. Vai trò của các công ty bảo hiểm đối với sự phát triển của nền kinh tế còn hạn chế. Năm 2002 doanh thu phí bảo hiểm  chiếm l,32% GDP, ước năm 2003 chiếm 1,6% GDP.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, đã và sẽ có thêm các tập đoàn bảo hiểm lớn, có nhiều kinh nghiệm lẫn nguồn tài chính vững mạnh đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam. Làm thế nào để các công ty bảo hiểm trong nước có thể cạnh tranh và vẫn giừ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Một trong các yếu tố có tính quyết định đó là hiệu quả của công tác huy động và đầu tư vốn của các công ty này.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162

Giải pháp tăng cường sức cạnh tranh của các công ty bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Luật sư tư vấn luật đầu tư - Ảnh minh họa

Đánh giá kết quả hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam

 1. Thị trường bảo hiểm Việt Nam sau 10 năm hoạt động đã đạt được một số thành tựu sau:

- Góp phần duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội.

- Phạm vi, quy mô thị trường bảo hiểm được mở rộng.

- Thị trường bảo hiểm đã từng bước hội nhập quốc tế.

- Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được nâng cao.

2. Bên cạnh đó, thị trường Bảo hiểm Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như:

- Quy mô của thị trường bảo hiểm còn nhỏ.

- Vai trò của bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội còn hạn chế.

- Hoạt động tái bảo hiểm còn dựa vào chế độ bắt buộc.

- Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm còn thấp.

- Môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh.

- Hoạt động môi giới chưa phát triển, chất lượng đại lý bảo hiểm chưa cao.

- Văn bản pháp quy còn thiếu và chưa đồng bộ (Luật Cạnh tranh chưa được ban hành)

II. Tình hình đầu tư vốn của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Nhà nước

 Ngành kinh doanh bảo hiểm không giống như các ngành sản xuất kinh doanh khác. Khi một hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết, nhà kinh doanh bảo hiểm tiến hành thu phí trước của khách hàng. Sau đó - bằng sự cam kết của mình thông qua hợp đồng bảo hiểm, các công ty sẽ thực hiện trách nhiệm đối với khách hàng. Chính vì lẽ ấy, người ta còn gọi kinh doanh bảo hiểm có “chu trình sản xuất ngược”. Nói cách khác, cùng với hoạt động kinh doanh các công ty bảo hiểm luôn phải quản lý một nguồn vốn lớn và ổn định.

Đây là nguồn gốc hình thành nguồn vốn nhàn rỗi, hay còn gọi là các quỹ dự phòng nghiệp vụ trong các công ty bảo hiểm. Pháp luật cho phép các công ty bảo hiểm được sử dụng nguồn quỹ dự phòng này để đầu tư. Việc đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi trong doanh nghiệp bảo hiểm vừa là quyền lợi, cũng đồng thời là trách nhiệm của các công ty bảo hiểm.

Theo xu hướng, kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm không phải là lợi nhuận do hoạt động này mang lại, mà chủ yếu là do kết quả của hoạt động đầu tư tài chính. Trong tình hình kinh doanh cạnh tranh ngày càng gay gắt, công ty nào sử dụng đồng vốn có hiệu quả và đạt được mức sinh lời cao nhất sẽ có ảnh hướng tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của toàn công ty.

Kết quả này đảm bảo cho công ty có lợi nhuận để trích đủ các quỹ dự phòng nghiệp vụ và dự trữ tài chính theo quy định của luật pháp, ổn định thu nhập của cán bộ nhân viên.

Khi nghiên cứu các số liệu về tình hình đầu tư vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ta thấy một số thực trạng sau:

1. Về cơ cấu và xu hướng đầu tư

- Đầu tư dưới hình thức gửi tiền còn chiếm tỷ lệ cao.

- Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngắn hạn trong tổng vốn đầu tư cao.

2. Về quy mô đầu tư:

- Quy mô đầu tư của các DNBH  còn nhỏ.

3. Về hiệu quả đầu tư:

- Hiệu quả đầu tư còn khiêm tốn do các DNBH đầu tư chủ yếu dưới hình thức gián tiếp là gửi tiền ngân hàng.

4. Về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư : Nhìn chung các doanh nghiệp bảo hiểm:

- Chưa chuyên môn hóa cao trong đầu tư

- Chưa đánh giá đúng vai trò to lớn của công tác đầu tư trong bảo hiểm .

Bốn thực trạng trên có mối quan hệ với nhau. Do quy mô đầu tư còn nhỏ, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư chưa cao dẫn đến các doanh nghiệp tập trung đầu tư bằng hình thức gián tiếp là gửi tiền vào ngân hàng để có độ an toàn cao. Từ đó dẫn đến hiệu quả đầu tư vốn thấp.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và đấu tư vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm

 Muốn đạt được mức lợi nhuận cao nhất các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả huy động và đầu tư vốn của mình trên các lĩnh vực:

1. Nâng cao hiệu quả huy động vốn từ bên ngoài.

2. Nâng cao hiệu quả huy động vốn trong nội bộ doanh nghiệp.

3. Nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn. 

Tất cả những giải pháp áp dụng  phải tác động được vào ít nhất một trong 3 lĩnh vực trên. 

Chúng ta đề cập những giải  pháp ở tầm vĩ mô và giải pháp đối với doanh nghiệp. 

Nhóm 1. Các giải pháp ở tầm  vĩ mô

1. Về cơ chế chính sách

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang môi trường pháp lý.

- Cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật cạnh tranh để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm.

- Phát triển mạng lưới bảo hiểm chuyên nghiệp, môi giới bảo hiểm và các kênh phân phối khác.

- Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đại hoá công nghệ thông tin

- Thực hiện ưu đãi thuế thu nhập từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.

- Phát hành thêm các trái phiếu chính phủ.

2. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước

- Đổi mới phương thức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.

- Sắp xếp lại các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hiện có.

- Khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, kể cả thị trường khu vực và quốc tế. 

Nhóm 2: Các giải pháp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm 2 lĩnh vực :

Lĩnh vực 1:Nâng cao hiệu quả huy động vốn

A. Nâng cao hiệu quả huy động vốn từ bên ngoài

1. Nâng cao năng lực thị trường của các doanh nghiệp bảo hiểm:

Doanh nghiệp phải phát huy được mọi tiềm năng, huy động được cao nhất mọi đối tượng tham gia bảo hiểm nhằm nâng cao doanh thu-cơ sở cho nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, Nhà nước và các doanh nghiệp phải bằng mọi biện pháp nâng cao được năng lực kinh doanh bảo hiểm trên thị trường. Giải pháp đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

2. Đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm:

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm phục vụ chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Phấn đấu trong tương lai gần mỗi hộ gia đình trong cả nước ít nhất phải tham gia một loại sản phẩm bảo hiểm. Tiến đến mỗi cá nhân ở các thành phố lớn ít nhất phải chọn được cho mình một loại sản phẩm bảo hiểm. Còn các tổ chức, các doanh nghiệp thì xem bảo hiểm là một công tác không thể thiếu được khi lập kế hoạch hàng năm cho mình.

3. Sắp xếp lại các doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước:

 Hiện tại có 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước hoạt động trên thị  trường. Tuy mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng, nhưng trong kinh doanh các doanh nghiệp này còn cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau thông qua việc hạ phí bảo hiểm, tăng chi hoa hồng và các khoản chi phí khác.

Vì vậy các doanh nghiệp đều cùng tốn chi phí cho cùng một dịch vụ. Để các doanh nghiệp nhà nước mạnh cần phải có sự sắp xếp lại, nâng cao sức mạnh và hạn chế những chi phí cạnh tranh không cần thiết.

4. Kích thích nhu cầu tham gia bảo hiểm:

+ Tăng cường tuyên truyền quảng cáo, thực hiện ở cả hai cấp độ. Về phía Nhà nước, các cơ quan quản lý bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm và doanh nghiệp .

+ Phát triển các kênh phân phối (môi giới và đại lý chuyên nghiệp)

B. Nâng cao hiệu quả huy động vốn trong doanh nghiệp

1. Biện pháp giảm số dư nhàn rỗi:

Doanh nghiệp nên khuyến khích các thành viên chuyển tiền về công ty để đầu tư như:

- Chấn chỉnh việc chấp hành quy chế tài chính về quản lý số dư.

- Kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thanh quyết toán ấn chỉ của đại lý.

2. Quản lý nợ phí bảo hiểm hiệu quả hơn bằng biện pháp:

- Thành lập Ban quản lý công nợ của công ty

3. Phối hợp hiệu quả hơn với hệ thống NH thông qua các lĩnh vực :

- Sử dụng dịch vụ thu tiền hộ của hệ thống ngân hàng.

- Khuyến khích thanh toán qua ngân hàng.

- Sử dụng dịch vụ chuyển tiền tự động của ngân hàng.

4. Quản lý tốt tình hình luân chuyển vốn lưu động, bằng cách:

- Lập kế hoạch sử dụng các ấn chỉ hợp lý.

- Giảm thiểu các loại vật tư, hàng hoá tồn kho.

Lĩnh vực 2: Nâng cao hiệu quả công tác đầu lư

1. Doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp:

Vì một chiến lược đầu tư đúng đắn sẽ có tác dụng làm tăng khả năng mang lại lợi nhuận của đồng người được bảo hiểm, nâng cao phúc lợi trong xã hội.

2. Về biện pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong đầu tư:

+ Doanh nghiệp chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, am hiểu về thị trường tài chính và đầu tư tài chính.

+ Mỗi công ty bảo hiểm nên thành lập một công ty đầu tư để nâng cao vai trò, trách nhiệm  của công tác đầu tư

3 .Về đa dạng hóa hình thức đầu tư

+ Giải pháp trước mắt: doanh nghiệp nên ưu tiên cho hình thức đầu tư hiện có nhiều ưu điểm về độ an toàn, tính thanh khoản và hiệu suất sinh lời là gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

+ Chuẩn bị cho tương lai: Các chuyên viên thực hiện công tác đầu tư phải tích cực tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như tích lũy những kiến thức về đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực, nhất là kinh doanh trên thị trường chứng khoán ngay từ bây giờ .

4. áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ công nghệ: Nhất là công nghệ thông tin trong lĩnh vực đầu tư, trên cơ sở thực hiện chiến lược đầu tư phát triển công nghệ của toàn hệ thống.

Tóm lại, mục tiêu quan trọng nhất để thành công trong việc cạnh tranh của một công ty là phải làm tăng được giá trị của công ty trên thị trường. Một công ty có nguồn vốn dồi dào, các quỹ dự trữ được trích đầy đủ và đều đặn hàng năm, doanh số và hiệu quả ngày càng phát triển đó là mục tiêu chung của tất cả các công ty. Đây cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của một quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế của quốc gia đó có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong tình hình hội nhập hiện nay và sắp tới.  Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam  không thể tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi một nước. Việc hội nhập là một tất yếu khách quan. Dĩ nhiên trong quá trình đó bên cạnh nhiều cơ hội mở ra, Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Để có đủ khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước phải đổi mới và hoàn thiện nhiều lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực được coi là tiên quyết là củng cố và tăng cường năng lực tài chính. Do đó chúng ta phải xác định vị thế. Vai trò của các công ty bảo hiểm Việt Nam - các công ty mà sự hoạt động của nó giữ một vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Để xác lập được vị thế này, chúng ta phải có một nguồn tài chính mạnh, một trình độ sử dụng vốn khoa học, hiệu quả. Có nhiều biện pháp để làm tăng giá trị của công ty, một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng chúng ta không thể bỏ qua việc nghiên cứu huy động tối đa và đầu tư có hiệu quả nhất nguồn vốn huy động được.

Trương Thị Đàm (Nguồn: Theo T/c Phát triển kinh tế)