Mục lục bài viết
Xin luật sư cho biết hành vi nào được coi là hành vi tham nhũng? Dấu hiệu nhận biết hành vi tham nhũng là gì? Nguyên nhân vì sao lại có hành vi tham nhũng? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Anh Đào - Nha Trang (Khánh Hòa)
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)
- Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
1. Tham nhũng là gì?
Ở Việt Nam, theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.”
Khoản 7, Điều 3, Luật Phòng chống tham nhũng quy định, vụ lợi: "là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng". Đây là một khái niệm tương đối bao quát, đủ để xác định bản chất của hành vi tham nhũng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Mặc dù có nhiều quan niệm và cách diễn đạt khác nhau, nhưng có một điểm chung thống nhất là: Tham nhũng là hành vi của người (hoặc nhóm người) có quyền lực, đã lợi dụng quyền lực để trục lợi riêng.
2. Nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng là gì?
Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản, mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng của các nước trên thế giới, mặc dù có điểm riêng nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là:
Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân.
Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.
Tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, quản lý công khai, minh bạch, văn minh, tham nhũng xảy ra ít hơn. Ngược lại, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn.
Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hở” tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính. Bên cạnh đó, phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều kiện khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của đội ngũ công chức.
Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ. Thực tế ở các nước phát triển có trình độ dân trí cao, tham nhũng ít xảy ra hơn so với những nước đang phát triển và kém phát triển với trình độ dân trí thấp, người dân chưa có điều kiện tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bộ máy hành chính Nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức Nhà nước sách nhiễu, nhận hối lộ của người dân, doanh nghiệp; cơ chế “xin - cho” trở thành “mảnh đất màu mỡ” của tham nhũng.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân dẫn dến tình trạng tham nhũng tràn lan. Một khi cán bộ, công chức Nhà nước chưa thể sống no ấm, đầy đủ với tiền lương của mình thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ mà Nhà nước giao cho mình kể cả tham nhũng.
3. Dấu hiệu nhận biết hành vi tham nhũng là gì?
Hành vi tham nhũng phải bao gồm đồng thời ba dấu hiệu đặc trưng sau:
Một là, được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn;
Hai là, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao;
Ba là, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi.
Thứ nhất, tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Cụ thể bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi nă, 2017), chủ thể của các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao.
Sự lợi dụng, lạm dụng thông qua: (i) hoặc là chức năng chính quyền; (ii) hoặc là chức năng tổ chức, lãnh đạo; (iii) hoặc là chức năng hành chính, kinh tế theo nhiệm vụ, công vụ được giao; (iv) hoặc theo thẩm quyền chuyên môn mà người đó đảm nhận.
Thứ ba, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi (vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng). Đây là dấu hiệu bắt buộc phải có để phân biệt hành vi tham nhũng với những hành vi vi phạm pháp luật khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Nếu thiếu một trong ba dấu hiệu đặc trưng trên thì không bị coi là hành vi tham nhũng mà bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khác.
4. Các hành vi tham nhũng là gì?
Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng tại Điều 2. Theo đó quy định này có phân loại hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Cụ thể tại khoản 1 Điều này liệt kê các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Khoản 2 Điều này liệt kê các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
5. Các hình thức nhận diện tham nhũng
Thứ nhất, tham nhũng vật chất là dạng tham nhũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của cá nhân như tiền bạc, tài sản.
Thứ hai, tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng mà người tham nhũng lợi dụng quyền lực cá nhân để đưa những người thân tín vào bộ máy công quyền cũng như vào các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính... vì động cơ vụ lợi.
Thứ ba, tham nhũng chính trị là dạng tham nhũng được hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của Nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó.
Thứ tư, tham nhũng hành chính là dạng tham nhũng xảy ra phổ biến trong các hoạt động quản lý hành chính của đội ngũ công chức hành chính. Ở đó, những người được giao quyền đã sử dụng quyền lực hành chính, trình tự thủ tục hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi cho bản thân.
Thứ năm, tham nhũng kinh tế là dạng tham nhũng xảy ra trong hoạt động quản lý kinh tế, như: Sản xuất kinh doanh, dịch vụ, mua sắm tài sản công, quản lý tài sản…được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý Nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp Nhà nước.
Trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những nội dung cụ thể: Tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức,cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường vai trò giám sát trong công tác phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được chú trọng và đạt những kết quả tích cực.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Hành vi tham nhũng là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết hành vi tham nhũng". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập