1. Khái niệm hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức

Một hợp đồng bị coi là vô hiệu do vi phạm về hình thức là loại hợp đồng không tuân thủ các quy định về  hình thức mà pháp luật đã quy định và yêu cầu phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Những quy định về hình thức có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở việc phải lập hợp đồng thành văn bản phải có chứng thực hoặc công chứng hoặc phải tuân theo một mẫu cụ thể nào đó mà pháp luật yêu cầu đối với đối với loại hợp đồng đó. Khi một hợp đồng vi phạm những quy định này thì tức là không phải tuân thủ đúng những yêu cầu về hình thức mà pháp luật bắt buộc thì hậu quả là hợp đồng đó sẽ bị coi là vô hiệu. Việc bị coi là vô hiệu đồng nghĩa với việc hợp đồng không có giá trị pháp lý tức là không có hiệu lực bắt buộc đối với các bên liên quan và do đó thì không thể được thực thi bởi tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Nói cách khác thì hợp đồng không thể được sử dụng làm căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền hay giải quyết tranh chấp giữa các bên do đã không tuân thủ các yêu cầu bắt buộc về hình thức của pháp luật.

Hợp đồng có hiệu lực khi có đủ điều kiện sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy, hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định.

Theo quy định của pháp luật tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức hợp đồng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như bằng lời nói bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể:

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực đăng ký thì phải  tuân theo quy định đó.

Ví dụ về một số loại hợp đồng có quy định về điều kiện về hình thức bằng văn bản: 

- Hợp đồng mua bán nhà ở

- Hợp đồng trao đổi tài sản

- Hợp đồng về quyền sử dụng đất

 

2. Quy định pháp luật về hậu quả pháp lý vô hiệu do vi phạm về hình thức

Theo quy định của pháp luật tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2105 quy định khi một hợp đồng bị coi là vô hiệu do vi phạm về hình thức sẽ có những hậu quả pháp lý nhất định như sau:

Thứ nhất, một giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu sẽ không làm phát sinh thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên liên quan kể từ thời điểm giao dịch đó được xác lập. Nói cách khác thì tất cả các thỏa thuận và điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng vô hiệu đề không có giá trị ràng buộc pháp lý. Do vậy, bất kỳ cam kết hay nghĩa vụ nào mà các bên đồng ý trong hợp đồng đó đều không được coi là hợp lệ và không có hiệu lực thi hành trước pháp luật.

Thứ hai, khi một giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu thì các bên tham gia giao dịch phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi giao dịch được thực hiện. Cụ thể, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được từ hợp đồng. Trong trường hợp các tài sản hoặc lợi ích đã  nhận không thể hoàn trả bằng hiện vật thì các bên sẽ phải hoàn trả bằng tiền với giá trị tương đương. Ví dụ, nếu một bên đã nhận tiền hoặc tài sản từ bên kia theo hợp đồng vô hiệu  thì họ phải trả lại số tiền hoặc tài sản đó. Hoặc nếu không thể trả lại hiện vật thì họ phải bồi thường bằng một khoản tiền tương ứng với giá trị của những gì đã nhận.

Như vậy, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì nhấn mạnh khi một hợp đồng bị coi là vô hiệu thì từ thời điểm xác lập hợp đồng đó thì tất cả các điều khoản, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đều không có giá trị. Và các bên phải hoàn trả lại nhau những gì đã nhận khôi phục lại tình trạng như ban đầu trước khi hợp đồng được ký kết.

 

3. Áp dụng hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức

Để áp dụng hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức trước hết thì cần phải có những căn cứ xác đáng để chứng minh rằng hợp đồng đó đã thực hiện vi phạm về mặt hình thức. Các căn cứ chứng minh hợp đồng vi phạm về hình thức có thể bao gồm nhiều loại tài liệu và chứng cứ khác nhau. Một số căn cứ cụ thể có thể được sử dụng để chứng minh vi phạm về hình thức  bao gồm:

- Giấy tờ chứng minh hợp đồng: Các tài liệu văn bản chính thức liên quan đến hợp đồng chẳng hạn như bản sao của hợp đồng, các phụ lục hợp đồng, biên bản ghi nhận các giao dịch liên quan hay các văn bản khác có liên quan trực tiếp đến hợp đồng có thể được sử dụng chứng cứ để chứng minh rằng hợp đồng đã không tuân thủ các yêu cầu về hình thức theo quy định của pháp luật.

- Lời khai của các bên: Lời khai của các bên tham gia hợp đồng có thể là nguồn căn cứ quan trọng. Các bên có thể cung cấp thông tin chi tiết về quá trình ký kết hợp đồng, các thỏa thuận đã đạt được và cách thức mà hợp đồng đó được thực hiện. Lời khai này có thể giúp làm sáng tỏ các vi phạm về hình thức của hợp đồng.

- Kết quả giám định: Trong một số trường hợp thì việc giám định từ các cơ quan chuyên môn hoặc các chuyên gia có thể được yêu cầu để xác định tính hợp pháp về hình thức của hợp đồng. Kết quả giám định có thể cung cấp các bằng chứng khoa học và khách quan về việc hợp đồng có vi phạm các quy định về hình thức hay không. 

- Chứng cứ khác: Ngoài các chứng cứ trên thì còn có thể sử dụng các chứng cứ khác như biên bản cuộc họp email trao đổi, tin nhắn văn bản, hoặc các bằng chứng điện tử khác có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng.

Sau khi có đủ các chứng cứ chứng minh hợp đồng vi phạm về mặt hình thức thì việc áp dụng hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức có thể được thực hiện thông qua một số cách thức cụ thể như sau:

- Thỏa thuận giữa các bên: Các bên liên quan có thể thỏa thuận với nhau về cách thức xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Thỏa thuận này có thể bao gồm việc hủy bỏ hợp đồng, hoàn trả các tài sản trao đổi hoặc các biện pháp xử lý khác mà các bên cho là phù hợp và công bằng.

- Giải quyết tranh chấp tại tòa án: TRong trường hợp  các bên không thể tự thỏa thuận với nhau về hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì họ có thể đưa vụ việc ra tòa án để được giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật và các chứng cứ có liên quan để đưa ra phán quyết về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức. Phán quyết của toán án có thể bao gồm việc hủy bỏ hợp đồng hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại hoặc các biện pháp pháp lý khác tùy thuộc của từng trường hợp cụ thể.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau: Hợp đồng vô hiệu là gì? Cách xác định lý do hợp đồng vô hiệu

Bài viết trên luật Minh Khuê đã gửi tới bạn đọc chi tiết về vấn đề: Hậu quả pháp lý hợp đồng vô hiệu về mặt hình thức? Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài 19006162 hoặc thông qua địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được tư vấn cụ thể.