1. Cơ sở pháp lý

- Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017

- Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Thông tư 14/2019/TT-NHNN

- Thông tư 40/2018/TT-NHNN

2. Hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng là gì? Mục tiêu xác lập hệ thống kiểm soát?

2.1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là gì?

Hệ thống kiểm soát nội bộ có một vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp nói chung và của một tổ chức tín dụng nói riêng. Cuối những năm 80, khi một loạt các công ty của Hoa Kỳ bị đổ vỡ, người ta đã xác minh được nguyên nhân chính của sự đổ vỡ là do hệ thống kiểm soát nội bộ của các công ty này yếu kém. Kể từ đó, khái niệm hệ thống kiểm soát nội bộ ra đời và tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng hiện đại trên thế giới ngày càng quan tâm đến mức độ đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát

Theo định nghĩa của Viện Kiểm toán quốc tế, “Hệ thống kiểm soát nội bộ” là tập hợp bao gồm các chính sách, quy trình, quy định nội bộ, các thông lệ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng, được thiết lập và được tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của ngân hàng và đảm bảo phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro xảy ra.

2.2. Mục tiêu thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ là gì?

Hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết lập nhằm các mục tiêu:

1. Bảo đảm cho ngân hàng hoạt động tuân thủ pháp luật và các quy định, quy trình nội bộ về quản lý và hoạt động, và các chuẩn mực đạo đức do ngân hàng đặt ra.
2. Đảm bảo mức độ tin cậy và tính trung thực của các thông tin tài chính và phi tài chính.
3. Bảo vệ, quản lý và sử dụng tài sản và các nguồn lực một cách kinh tế và hiệu quả.
4. Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu do Ban lãnh đạo ngân hàng đề ra.

3. Cơ cấu hệ thống kiểm soát nội bộ

Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm 5 cấu phần, cụ thể: là môi trường kiểm soát, hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, hệ thống thông tin và cơ chế trao đổi thông tin, và cơ chế giám sát hoạt động kiểm soát.

Môi trường kiểm soát là nền tảng cho toàn bộ các cấu phần của hệ thống kiểm soát nội bộ, bao gồm cơ cấu tổ chức, cơ chế phân cấp, phân quyền, các chính sách, thông lệ về nguồn nhân lực, đạo đức nghề nghiệp, năng lực, cách thức quản trị, điều hành của các cấp lãnh đạo.

Hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro là quy trình định dạng và phân tích mọi rủi ro liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức tín dụng, cụ thể bao gồm (i) việc xác định mục tiêu, (ii) mức độ phù hợp của các mục tiêu, (iii) việc định dạng các rủi ro liên quan, (iv) đánh giá rủi ro, và (v) các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro.

Hoạt động kiểm soát là các chính sách, quy trình, thông lệ được xây dựng nhằm đảm bảo thực hiện các kế hoạch, các yêu cầu do các cấp quản lý điều hành đặt ra và các quy trình giảm thiểu rủi ro liên quan.

Hệ thống thông tin và cơ chế trao đổi thông tin là hệ thống hỗ trợ toàn bộ các cấu phần của hệ thống kiểm soát nội bộ thông qua việc đảm bảo các thông tin được nắm bắt đầy đủ và kịp thời trong toàn ngân hàng.

Cơ chế giám sát hoạt động kiểm soát là quá trình đánh giá chất lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ do Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng tổ chức thực hiện và do Bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng và/hoặc tổ chức kiểm toán độc lập bên ngoài thực hiện.

Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát chịu trách nhiệm cuối cùng về mức độ đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ thông qua một Bộ phận chuyên trách độc lập. Bộ phận này chính là Bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng. Chức năng cơ bản của Bộ phận kiểm toán nội bộ là thực hiện đánh giá độc lập về mức độ đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát nội bộ còn được thường xuyên tự đánh giá. Công việc này do Tổng giám đốc của ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Tự đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ có tác dụng phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý rủi ro của ngân hàng.

4. Hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng phải có những tuyến bảo vệ độc lập nào?

Tôi đang tìm hiểu các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ trong hệ thống ngân hàng, tôi có chút thắc mắc mong được anh chị giải đáp. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện này thì hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng phải có những tuyến bảo vệ độc lập nào? Mong anh chị giải đáp giúp tôi, cảm ơn anh chị rất nhiều.
Tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định hệ thống kiểm soát nội bộ phải có 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:
- Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận sau thực hiện:
(i) Các bộ phận kinh doanh (bao gồm cả bộ phận phát triển sản phẩm), các bộ phận có chức năng tạo ra doanh thu khác; các bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro;
(ii) Các bộ phận có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro (thuộc bộ phận kinh doanh hoặc bộ phận độc lập) đối với từng loại hình giao dịch, hoạt động kinh doanh;
(iii) Bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán;
- Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận sau đây thực hiện:
(i) Bộ phận tuân thủ quy định tại Điều 18 Thông tư này;
(ii) Bộ phận quản lý rủi ro quy định tại Điều 22 Thông tư này;
- Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

5. Ngân hàng thương mại phải lập báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ?

Thưa luật sư, Theo tôi được biết Ngân hàng phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Vây pháp luật có quy định về việc phải báo cáo với Ngân hàng nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ hay không? (Bàn Ninh - Yên Bái)

Chào bạn, nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Lập báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ là nội dung nổi bật tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể được ghi nhận tại Điều 8 Thông tư này.​

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập báo cáo bằng văn bản giấy và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Theo đó, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập báo cáo và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm:

- Báo cáo hằng năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ theo Phụ lục 01 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về quản lý rủi ro theo Phụ lục số 02 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo Phụ lục 04 của Thông tư;

- Báo cáo hằng năm về kiểm toán nội bộ theo Phụ lục 05 của Thông tư, báo cáo đột xuất về kiểm toán nội bộ.

Ngoài ra, báo cáo phải cập nhật các tồn tại, hạn chế, rủi ro mới phát sinh của hệ thống kiểm soát nội bộ trong toàn bộ ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Hoạt động kiểm soát của ngân hàng gồm những nội dung nào?

Kính chào công ty luật Minh Khuê. Tôi tên là Khương Trung hiện đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Tôi có nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mai. Có vấn đề này tôi chưa rõ mong được luật sư giải đáp. Cụ thể đó là hoạt động kiểm soát của ngân hàng gồm những nội dung nào? Có quy định nào ghi nhận cụ thể hay không? Rất mong được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn! (Khương Trung - Đà Nẵng)

Chào bạn, nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Hoạt động kiểm soát của ngân hàng được quy định tại Điều 15 Thông tư 13/2018/TT-NHNN, theo đó:

Hoạt động kiểm soát của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện thông qua tối thiểu các nội dung sau đây:

Thứ nhất, Việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt phải căn cứ mức độ tin cậy của cấp có thẩm quyền và năng lực của cá nhân, bộ phận thực hiện. Thẩm quyền phê duyệt phải được thể hiện bằng các tiêu chí về quy mô giao dịch, hạn mức rủi ro và các giới hạn khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ hai, Việc quy định chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, bộ phận từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất trong tất cả các giao dịch, quy trình nghiệp vụ tại ngân hàng thương mại (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo nguyên tắc:

- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên không tham gia xem xét, phê duyệt các quyết định có rủi ro thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc), trừ trường hợp thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên là Tổng giám đốc (Giám đốc);

- Phân tách chức năng, nhiệm vụ trong các giao dịch, quy trình nghiệp vụ để không xung đột lợi ích hoặc kiểm soát, ngăn chặn xung đột lợi ích; một cá nhân không chi phối toàn bộ một giao dịch, quy trình thực hiện giao dịch; một cá nhân không cùng lúc được giao các công việc có xung đột lợi ích;

- Có các cá nhân độc lập trong cùng bộ phận hoặc bộ phận độc lập với bộ phận khác để kiểm tra định kỳ và đột xuất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Trường hợp việc thực hiện quy định tại điểm b(ii) và b(iii) mà vẫn có nguy cơ xung đột lợi ích, xảy ra vi phạm quy định nội bộ, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định nguyên nhân, có biện pháp để giảm thiểu tối đa rủi ro trong hoạt động và thực hiện theo dõi chặt chẽ, đánh giá độc lập với tần suất thường xuyên hơn;

Thứ ba, Việc phân cấp trách nhiệm quản lý (bao gồm cả việc giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm tra, kiểm kê) của từng cá nhân, bộ phận đối với tài sản (bao gồm cả tài sản tài chính và tài sản hữu hình) phải dựa trên giá trị của tài sản hoặc giới hạn cụ thể khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ tư, Việc hạch toán kế toán tuân thủ đúng quy định về chuẩn mực và chế độ kế toán; tổng hợp, lập và gửi các loại báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc hạch toán kế toán phải được kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời các sai sót và phải được báo cáo cho cấp có thẩm quyền theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ năm, Có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời đối với các sai phạm, hành vi vi phạm quy định của pháp luật, quy định nội bộ tại ngân hàng thương mại (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác), chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ sáu, Phân bổ nguồn nhân lực phù hợp với từng hoạt động kinh doanh, hoạt động kiểm soát (bao gồm cả nhân sự thay thế khi cán bộ, nhân viên vắng mặt, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ).

Bên cạnh đó, Hoạt động kiểm soát của trụ sở chính của ngân hàng thương mại đối với chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác phải đảm bảo:

Thứ nhất, Trụ sở chính giám sát, kiểm soát được các giao dịch, hoạt động của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác, bao gồm cả việc giám sát, kiểm soát thông qua cá nhân, bộ phận thực hiện hoạt động kiểm soát tại chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác;

Thứ hai, Có quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế báo cáo, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển cán bộ và cơ chế khác để đảm bảo tính độc lập, không xung đột lợi ích của cá nhân, bộ phận thực hiện hoạt động kiểm soát tại chi nhánh, đơn vị phụ thuộc đối với cá nhân, bộ phận khác của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc;

Thứ ba, Có cơ chế cho phép khách hàng tra soát, kiểm tra, đối chiếu giao dịch thực hiện tại chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác với trụ sở chính của ngân hàng thương mại.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (trừ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ) phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành đảm bảo nguyên tắc:

- Cán bộ, nhân viên ở các cấp thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được giao một cách trung thực vì lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không lợi dụng địa vị, chức vụ, sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại tới lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Các cá nhân, bộ phận có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi quy định tại điểm a khoản này và các hành vi vi phạm quy định nội bộ, quy định của pháp luật.

Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo nội bộ về kiểm soát nội bộ gửi các cấp có thẩm quyền theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Báo cáo nội bộ về kiểm soát nội bộ bao gồm đánh giá về hoạt động kiểm soát theo nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này và nội dung khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng thương mại là gì? Tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng thương mại".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Bộ phận tư vấn pháp luật ngân hàng - Luật Minh Khuê