1. Khái niệm về thanh tra ngân hàng
Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá cũng như thực hiện các biện pháp kỉ luật của tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức và quy trình thanh tra sẽ được thực hiện theo trình tự pháp luật nhất định. Các hoạt động thanh tra thường nhằm mục đích phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ các lợi ích nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khác nhau
"Thanh tra ngân hàng là hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. "
2. Đối tượng của thanh tra ngân hàng
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 luật ngân hàng 2010, Ngân hàng Nhà nước thanh tra các đối tượng sau đây:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra hoặc phối hợp thanh tra công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng;
- Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
3. Cơ cấu tổ chức hiện hành của cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng
Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng được tổ chức tại Việt Nam gồm các đơn vị gồm:
1. Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (gọi tắt là Vụ I).
2. Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài (gọi tắt là Vụ II).
3. Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Vụ III).
4. Vụ Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng (gọi tắt là Vụ IV).
5. Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (gọi tắt là Vụ V).
6. Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (gọi tắt là Vụ VI).
7. Vụ Tổ chức cán bộ (gọi tắt là Vụ VII).
8. Văn phòng.
9. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội (gọi tắt là Cục I).
10. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Cục II).
11. Cục Phòng, chống rửa tiền (gọi tắt là Cục III).
Các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được tổ chức phòng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
4. Nội dung thanh tra ngân hàng
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật ngân hàng 2010, nội dung thanh tra ngân hàng được quy định như sau:
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng.
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng.
- Kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành động dẫn đến vi phạm pháp luật.
- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
5. Mục đích thanh tra ngân hàng
Thanh tra ngân hàng nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Phương thức thanh tra ngân hàng
a) Giám sát từ xa
- Khái niệm: Giám sát từ xa là việc thanh tra ngân hàng tổ chức phân tích, đánh giá tình hình của ngân hàng dựa trên cơ sở bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu thống kê định kỳ do tổ chức tín dụng gửi đến thanh tra giám sát ngân hàng theo quy định, trên cơ sở đó có thể cảnh báo sớm cho các ngân hàng những hiện tượng bất thường, những vấn đề cần thiết hoặc kiến nghị biện pháp khắc phục kịp thời.
- Mục tiêu của Giám sát từ xa: Đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của ngân hàng, cảnh báo sớm, ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Hoạt động Giám sát từ xa là hoạt động định hướng cho hoạt động thanh tra tại chỗ.
Phương thức Giám sát từ xa cần một số điều kiện như: khuôn khổ luật pháp, quy chế an toàn, hạ tầng công nghệ, nhân lực, hệ thống kiểm toán, chế độ hạch toán, kỹ luật thông tin báo cáo.
- Đặc điểm chung của phương thức Giám sát từ xa:
+ Việc giám sát do cơ quan thanh tra giám sát thực hiện tập trung;
+ Dựa vào nguồn thông tin trên cơ sở báo cáo của ngân hàng, từ số liệu lịch sử và các nguồn thông tin khác;
+ Việc giám sát thực hiện liên tục theo định kỳ;
+ Các tiêu chuẩn xếp loại ngân hàng dựa trên tiêu chuẩn quy định (phương pháp: CAMELS, FIRST, COLOMBO…)
- Hạn chế của phương thức giám sát từ xa:
+ Không kiểm chứng được tính đầy đủ và trung thực của thông tin;
+ Cần có thông tin bổ sung từ bên ngoài không nhất thiết phải thể hiện qua báo cáo như trao đổi trực tiếp với ngân hàng thương mại hay qua công ty kiểm toán, thông tin tín dụng…
- Các phương pháp giám sát
+ Phương pháp giám sát tuân thủ: Đây là phương pháp mà ngân hàng trung ương thông qua các báo cáo để kiểm tra và theo dõi việc tuân thủ của ngân hàng thương mại trong việc chấp hành đối với các quy định trong hoạt động ngân hàng do ngân hàng trung ương ban hành.
+ Phương pháp giám sát CAMELS: Được xây dựng dựa trên việc giám sát đối với từng hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại bao gồm các tiêu chí: Vốn của ngân hàng; Chất lượng tài sản Có ; Khả năng quản lý ; Khả năng sinh lời ; Khả năng thanh toán ; Độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường Trên cơ sở giám sát từng hoạt động của ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá xếp hạng cho từng hoạt động và từ đó đưa ra những kết luận chung cho hoạt động tổng thể của ngân hàng.
b) Thanh tra tại chỗ
- Khái niệm: Thanh tra tại chỗ là việc tiến hành thanh tra trực tiếp tại trụ sở hoạt động của đối tượng thanh tra, trên cơ sở xem xét, kiểm tra các hồ sơ, tài liệu, chứng từ gốc liên quan đến nội dung cần thanh tra, do đối tượng thanh tra ghi chép và từ các nguồn thông tin khác nhằm xác định tính trung thực của vấn đề, từ đó đánh giá về từng mặt hoặc toàn bộ hoạt động của ngân hàng thương mại tại thời điểm thanh tra.
- Mục tiêu của thanh tra tại chỗ:
+ Đánh giá mức độ tin cậy của những thông tin, tài liệu kế toán, tài chính mà ngân hàng thương mại cung cấp cho thanh tra giám sát;
+ Đánh giá tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, các quy trình, chế độ của ngân hàng Nhà nước, phát hiện những vi phạm, sai sót và kiến nghị những biện pháp chấn chỉnh, xử lý;
+ Đánh giá, đo lường mức độ rủi ro và khả năng chống đỡ rủi ro của ngân hàng thương mại ;
+ Phát hiện những quy trình, quy định chưa hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
- Đặc điểm của thanh tra tại chỗ:
+ Thực hiện tại trụ sở ngân hàng thương mại;
+ Tiếp cận trực tiếp với hồ sơ, tài liệu và người liên quan;
+ Thực hiện theo quy trình sẵn có.
- Hạn chế của phương thức thanh tra tại chỗ: Bị giới hạn về thời gian và chủ yếu kiểm tra, đánh giá xu hướng rủi ro tại thời điểm nhất định; Việc phân tích thông tin theo mục tiêu, phạm vi của cuộc thanh tra quyết định.
⇨ Phương thức giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ đều nhằm mục đích là giám sát các ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn các rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa hai phương pháp thanh tra này là rất quan trọng, chúng hỗ trợ làm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng.
● Phương pháp thanh tra
+ Phương pháp thanh tra tuân thủ: Là phương pháp thanh tra chủ yếu tập trung vào việc phát hiện, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, việc chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác có liên quan của đối tượng thanh tra.Thanh tra tuân thủ kiểm tra các thông tin, các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ của ngân hàng và chỉ đánh giá, kết luận trong phạm vi nội dung, đối tượng, hành vi được thanh tra trên cơ sở các hồ sơ, tài liệu cụ thể.
+ Thanh tra trên cơ sở đánh giá rủi ro: Cho phép định hướng thanh tra vào những lĩnh vực, những ngân hàng có mức độ rủi ro cao và những bộ phận chức năng có quy trình quản lý rủi ro không tốt. Dựa rất nhiều vào báo cáo kiểm toán, kiểm toán nội bộ của ngân hàng. Kết hợp cả đánh giá khách quan và chủ quan của thanh tra viên. Thanh tra trên cơ sở đánh giá rủi ro là phương pháp thanh tra trong đó tập trung vào việc đánh giá NHTM trên các mặt:
- Mức độ và xu hướng của rủi ro;
- Hiệu quả của quy trình quản lý rủi ro;
- Khả năng tài chính của ngân hàng để chống đỡ các rủi ro có thể xảy ra.
7. Căn cứ ra quyết định thanh tra
Việc ra quyết định thanh tra phải trên cơ sở một trong các căn cứ theo Điều 54 Luật ngân hàng 2010:
- Chương trình, kế hoạch thanh tra;
- Yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.