Mục lục bài viết
1. Hội đồng đề hình là gì?
Hội đồng đề hình là hội đồng được Toàn quyền Đông Dương thành lập theo Sắc lệnh ngày 15.9.1896 của Tổng thống Pháp để xét xử những người Việt ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có hành động chống lại chế độ thống trị thuộc địa.
Hội đồng đề hình là một cơ quan thuộc Tòa án thời Pháp thuộc có chức năng để xử những vụ án mang tính chất cách mạng chống Pháp và lật đổ chính quyền. Những vụ án này thuộc quyền của ngành cai trị thuộc địa. Chánh án là quan cai trị. Tòa án binh thuộc thẩm quyền của cơ quan quân sự. Trong vụ ném tạc đạn nhằm ám sát tay sai của thực dân Pháp ở Thái Bình và Hà Nội do Quang phục Hội thực hiện vào tháng 4 năm 1913, Hội đồng Đề hình Hà Nội đã tuyên phạt 7 người tử hình, 62 người tù có hạn đến chung thân và 13 người tử hình vắng mặt. Hội đồng đề hình làm việc miệt mài khi các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam lên cao. Năm 1930 - 1931, Hội đồng đề hình đã xử 1.086 bản án trong đó xử tử 80 người, đày 383 người và khổ sai chung thân 106 người.
2. Hệ thống Toà án thời Pháp thuộc
Ngày 13 - 1 - 1894, Tổng thống Cộng hòa Pháp ra Sắc lệnh về việc thành lập Tòa Thượng thẩm tại Hà Nội. Theo sắc lệnh, Tòa Thượng thẩm Hà Nội được thành lập với thẩm quyền xét xử tại các xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tòa Thượng thẩm gồm 1 chánh án, 2 cố vấn, 1 cố vấn cán sự, 1 lục sự và 1 thư ký tòa. Chức năng Viện Công tố bên cạnh Tòa Thượng thẩm do Chưởng lý đảm nhiệm. Các quan tòa của Tòa Thượng thẩm do Tổng thống Cộng hòa Pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng phụ trách thuộc địa, Chưởng ấn và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ngày 15 - 9 - 1896, Tổng thống Cộng hòa Pháp ra Sắc lệnh về tổ chức Tòa án Pháp tại Bắc Kỳ. Theo sắc lệnh, tại Bắc Kỳ có 1 Tòa án Thượng thẩm, 2 tòa Sơ thẩm ở Hà Nội và Hải Phòng, các tòa án cấp tỉnh và 2 Tòa Đại hình ở Hà Nội và Hải Phòng. Tòa Thượng thẩm ở Hà Nội có 1 chánh án, 3 cố vấn, 1 chưởng lý, 1 tham lý và 2 tùy viên công tố. Mỗi tòa sơ thẩm có 1 chánh án, 1 phó thẩm phán, 1 thẩm phán dự khuyết, và 1 biện lý. Phạm vi xét xử của Tòa Sơ thẩm và Tòa Đại hình ở Hà Nội gồm các tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Chợ Bờ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên và Phủ Lý. Các tòa án ở Hà Nội có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ án dân sự và thương mại ở khu nhượng địa Pháp.
Mô hình tòa án Nam đặt ở Hà Nội là Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Tòa án này do hai viên quan người Việt Nam phụ trách xét xử. Tuy nhiên, họ được triều đình Huế chỉ định theo sự lựa chọn của Toàn quyền Đông Dương. Như vậy là trong thực tế tòa án Nam triều cũng chịu sự kiểm soát của thực dân Pháp. Năm 1898, Tòa thượng thẩm Hà Nội bị xóa bỏ và thay vào đó là Tòa thượng thẩm Đông Dương, mở rộng đối tượng xét xử tù phạm ra toàn cõi Đông Dương.
Để biểu trương sức mạnh của công lý, người Pháp đã xây dựng một lâu đài Công lý ở Hà Nội (Palais de Justice). Tòa án chiếm một diện tích rộng lớn, khoảng 16.000 m2 ở thôn Phụ Khánh. Tòa án là một ngôi nhà lớn đồ sộ, có 4 tầng và mặt ngoài được làm theo kiến trúc cổ Hy Lạp. Tầng dưới là chỗ làm việc của Tòa án Sơ thẩm Hà Nội, tầng trên là chỗ làm việc của Tòa án Thượng thẩm, tầng trên cùng là phòng lưu trữ hồ sơ. Ngôi nhà hai tầng nhỏ hơn ở sân sau là Bộ phận Hội đồng Trọng tài, xử những vụ liên quan đến bộ máy chính quyền.
Hầu hết dân chúng không biết đến những chỗ phức tạp của luật pháp thực dân. Họ chỉ biết Tòa án Áo đen xử những vụ án hộ, vụ án trừng trị. Tại các phiên tòa này, quan tòa mặc áo màu đen. Tòa án Áo đỏ chuyên xử những vụ hình sự là Tòa Đại hình. Tại các phiên tòa này, các quan tòa đều mặc áo đỏ. Ngoài chánh án là người có chuyên môn tư pháp còn thêm một số Hội thẩm chọn trong nhân dân cũng có quyền biểu quyết định tội của vụ án.
Tòa án Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc đã xử một số vụ án lớn, tiêu biểu như xử vụ án nhà yêu nước Phan Bội Châu năm 1925. Ban đầu Phan Bội Châu bị tòa kết án tử hình vì tội chống lại nhà nước thực dân. Nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Hà Nội, đấu tranh chống lại bản án vô lý đó. Tòa án Pháp buộc phải hạ xuống mức chung thân khổ sai. Tuy nhiên, mức án này vẫn bị dân chúng kịch kiệt phản đối. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương A.Varrenne đã phải ân xá cho Phan Bội Châu và đưa cụ về giam lỏng ở Huế. Vụ án này cho thấy sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân có thể làm thay đổi kết quả vụ án. Tiếp đến là vụ xử những người Việt Nam tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930. Tòa án Hà Nội còn phải xử thêm nhiều vụ án chống Pháp của các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Những vụ án liên quan đến người Tây ở Hà Đông thuộc quyền thẩm phán của Tòa án Hà Nội. Công sứ Hà Đông chỉ có quyền xét phạt vi cảnh. Những vụ án liên quan đến người Việt Nam tùy theo loại tội mà xét xử ở Tòa sơ cấp, đệ nhị cấp và đệ tam cấp. Ở mỗi phủ, huyện đều có một tòa án sơ cấp do quan phủ, huyện kiêm chức thẩm phán. Thẩm phán ở tòa sơ cấp có quyền xét xử những tội vi cảnh, còn những tội khác phải tham vấn và tuân theo mệnh lệnh của quan trên; chung thẩm những vụ dân sự và thương mại, nhưng với số tiền không quá 30 đồng. Mỗi tuần lễ phải mở ít nhất hai phiên tòa. Quan huyện có thể mở những vụ xét xử ở ngoài nha huyện. Tòa đệ nhị cấp đặt ở tỉnh lị. Công sứ kiêm chức Chánh án. Tuy nhiên, Phó Công sứ thường đảm nhiệm chức này. Tòa đệ nhị cấp xét xử những vụ kháng cáo các bản án mà tòa sơ cấp đã xử, chung thẩm những vụ dân sự và thương mại với số tiền không quá 100 đồng. Tòa đệ tam cấp thuộc phòng thứ hai của Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Phòng này do một quan cố vấn Tòa Thượng thẩm người Tây làm Chủ tọa và hai quan người Việt Nam làm bồi thẩm. Tòa đệ tam cấp xét xử những vụ kháng cáo các bản án của tòa đệ nhị cấp, những việc xin tiêu án của tòa đệ nhị cấp. Người Việt Nam quen dần với những thể lệ của tòa án mới. Các vụ án ngày càng tăng lên. Năm 1919 ở tỉnh Hà Đông có 368 án văn, thì đến năm 1924 là 784 án văn.
3. Một số xét xử của Hội đồng Đề hình với các nhà yêu nước
3.1. Xét xử của Hội đồng Đề hình với nhà yêu nước Phan Bội Châu
Hội đồng Đề Hình nhóm ngày 23-11-1925, xử án Phan Bội Châu.
Chủ tọa: viên giám đốc Bride.
Phụ thẩm: hai ông đốc lý Hanoi Dupuy và quan ba Bellie.
Lục sự: Arnoux Patrich.
Trạng sư cãi cho cụ Phan là hai ông Bona ở Hanoi và Larra ở Hải Phòng.
Tờ trạng cáo buộc 8 điều:
+ Khi ở Xiêm, ở Tàu có lấy lời hứa, lấy uy bức, xui giục và chủ sự tên Phan Văn Tráng tức là Cháng, ném bom giết quan tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn ngày 12-4-1923.
+ Cấp hung khí cho tên Tráng làm việc ấy.
+ Khi ở Xiêm và ở Tàu xui giục vả chủ sự tên Nguyễn Văn Quý tài xế và Nguyễn Khắc Cần tức là Nguyễn Văn Túy liệng trái bom vào Hanoi Hôtel ngày 28 tháng 4-1923, giết hai ông quan tư Tây là Montgrand va Chapuis.
+ Cấp bom cho thên Quý và tên Cần làm việc ấy.
+ Dự vào việc âm mưu xúi giục cho nhân dân Bắc kỳ và Trung kỳ để phá họai Chính phủ Bảo hộ.
+ Cấp khí giới cho nhân dân về việc âm mưu hãi Chính phủ bảo hộ Trung kỳ và Bắc kỳ.
+ Âm mưu làm những việc bạo động để cốt khuấy rối sự trị an trong nước, và sinh ra nhiều sự rối lọan về chính trị.
+ Dự vào những hội đảng mục đích là để làm hại sinh mạng, tài sản của tư nhân.
Đại ý bàn cãi của cụ Phan:
“Nước Nam cũng là một nước xưa nay chịu dưới quyền chuyên chế, dân tình khổ cực đã lâu.
Vua quan đối với dân xa cách nhau, ức chế nhau, lại tệ dân tình không có cách gì thượng đạt. Nhờ có Chính phủ Bảo hộ là một nước văn minh, nói rằng sang khai hóa cho, tôi chắc rằng dân Giao Chỉ mấy nghìn năm đã đến kỳ mở mày mở mặt. Chẳng ngờ chính phủ sang cai trị 20 năm mà chính sách không có đều gì thay đổi. Đến năm 1904 mà Trung, Bắc kỳ chỉ có hai trường Hanoi và trường Huế mà cả trường chỉ dạy làm thông ngôn. Người du học không cho, lối thi cũ vẫn để, hình luật không chịu thi hành hình luật Pháp, quan tham lại nhũng, hối lộ công hành. Tôi là người nước Nam, tôi muốn đánh thức cho dân tộc Việt Nam. Tôi thấy thế sinh ra các tư tưởng phản đối chính trị. Nếu mà tôi, trong tay có mấy trăm vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, tinh binh, lương túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến có, tàu bay có, thì có lẽ tôi hạ chiến thư, đường đường chính chính đánh lại với chánh phủ. Nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không một đồng tiền, tay không có một tấc sắt, không thể lấy vũ lực mà phản đối được. Vậy tôi chỉ dụng văn hóa, nghĩa là trước thư, lập ngôn để cổ động nhân dân yêu cầu chính phủ cải lương chính trị. Chẳng ngời chính phủ ngờ vực bắt bớ, tôi phải trốn ra ngọai quốc để hành động cho đạt cái mục đích của tôi.
Tôi chiêu tập các đồng chí, gom tiền, góp sức để phái người đi du học, làm sách gửi về cho nhân dân. Việc làm của tôi chỉ là dụng cái lưỡi và ngòi bút, mục đích của tôi chỉ là cải lương chính trị, cử động của ôti rất là chính đại quang minh. Nếu tôi là người có tội thì tôi chỉ có bốn tội như sau này:
+ Chính phủ sang bảo hộ nước Nam, không có ai phản đối, mà chính tôi phản đối, muốn cho nước Nam độc lập.
+ Nước Nam xưa nay la chính thể chuyên chế mà tôi muốn cho nước Nam thành một nước dân quốc.
+ Nhà nước cấm không cho người đi du học ngọai quốc mà tôi trốn đi và rủ ngưới đi ngọai quốc.
+ Tôi trước thư, lập ngôn để cổ động dân Nam thức dậy, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị làm hết cái thiên chức khai hóa của mình.
Tòa lại hỏi:
– Ông phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, hay là chính trị của nước Nam?
– Tôi phản đối cái chính trị của của chính phủ bảo hộ, chứ nước Nam có nước đâu và có chính trị đâu để mà tôi phản đối ? Ấy, tội lỗi chỉ có thế, chính phủ chiếu luật gia hình bắt tội thế nào tôi cũng chịu…”
Cụ Phan hùng biện, hai trạng sư Larre và Bonrad lại kế tiếp chống cãi cho cụ Phan. Phiên tòa xử hồi 8 giờ 25 sáng đến 8 giờ tối, tòa mới nghe xong lời bị cáo và lời chống cãi của trạng sư.
Hội đồng Đề hình vào trong nghị án, rồi trở ra tuyên án: khổ sai chung thân.
3.2. Xét xử của Hội đồng Đề hình với Nguyễn Thái Học
Sáng ngày 23 tháng 3, hai đội lính Khố xanh vơ trang dưới quyền chỉ huy của giám binh Cases, phụ tá có rất đông thám tử do thanh tra mật thám la Reiner phụ trách áp giải 83 chiến sĩ VNQDĐ từ ngục thất tỉnh Yên Bái ra trước Hội đồng Đề hình nhóm phiên xử công khai tại trại binh tỉnh Yên Bái, Poulet Osier ngồi ghế chánh án. Bởi phòng xử quá hẹp, nên chỉ có mấy chục người vừa Pháp vừa Việt, là những người có thần thế mới được vào xem xử mà thôi. Để chứng tỏ công bằng, một sự công bằng chỉ huy, chính quyền thực dân cử 4 luật sư: Mandrette, Bona, Mayet va Demistre ra biện hộ cho bị cáo.
Bắt đầu buổi họp, hội đồng đề hình tuyên bố tha bổng cho các bị cáo: Vũ Hữu Hóa, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Văn Ninh, Lê Văn Châu, còn lại 83 bị cáo chia ra như sau: 1 phụ nữ (Nguyễn Thị Bắc) 37 thường dân, 45 binh sĩ. Người bị gọi ra thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Với thái độ chững chạc, bình tĩnh, Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm và toan phân trần về lý do chính trị của cuộc khởi nghĩa, liền bị chủ tịch hội đồng chặn lại không cho nói. Nguyễn Thái Học nói to: Nếu vậy th́ì cái ṭa này là nơi đem cường quyền mà đàn áp công lý, ta còn nói nữa mà làm chi! và ta cũng không cần ai biện hộ cả!
Hội đồng Đề hình tuyên án:
39 người bị án tử hình;
33 người bị án khổ sai chung thân;
9 người bị án 20 năm khổ sai ;
5 người bị án tội đày