1. Sổ bảo hiểm xã hội tại công ty đã phá sản, giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

2. Nội dung tư vấn:

Kính gửi luật sư! Em tôi làm việc cho công ty VinaXuki được 5 năm, hiện nay đã nghỉ làm từ năm 2010 và đã làm cho công ty mới (được 6 năm), nhưng vẫn chưa lấy được sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên khi chuyển sang công ty mới, thì vẫn đóng bảo hiểm theo số sổ bảo hiểm cũ ở công ty vinaXuki. bây giờ công ty mới yêu cầu nộp sổ bảo hiểm nhưng công ty cũ không cấp. em tôi làm thế nào lấy được sổ nếu công ty làm mât, lấy ở đâu. Trong trường hợp công ty cũ nợ bảo hiểm xã hội những năm em tôi làm việc, thì hiện tại muốn đóng bảo hiểm cho những năm đó được ko? thủ tục thế nào, ở đâu

Căn cứ tại Điểm 3.3 Khoản 3 Điều 46 Quyết định 959/QĐ-BHXH có quy định ghi xác nhận sổ BHXH, BHTN của người lao động trong một số trường hợp đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN như sau:

“Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.”

Trong trường hợp của bạn, do hiện tại công ty đã phá sản rồi nên bạn phải lên cơ quan bảo hiểm xã hội nơi quản lý bảo hiểm của công ty để hỏi thông tin về quá trình đóng của mình. Nếu trước khi phá sản công ty đã hoàn tất khoản nợ bảo hiểm thì bạn lên cơ quan bảo hiểm đó để làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm lại. Trường hợp công ty thực sự gặp khó khăn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội thì cho phép chốt đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới.

Do công ty em mới thành lập nên e muốn hỏi luật sư tư vấn dùm em.Thủ tục ban dầu tham gia bảo hiểm xã hôi cho nhân viên công ty.

Khoản 1 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Chào luật sư! Tôi năm nay 52 tuổi, hiện là giáo viên tiểu học, công tác đến tháng 9 năm 2016 là được 30 năm. Hiện nay do sức khỏe yếu nên tôi muốn về hưu trước tuổi. Nhờ luật sư tư vấn giùm tôi điều kiện và chế độ được hưởng khi về hưu trước tuổi. Tôi chân thành cảm ơn

Để được về hưu trước tuổi và được hưởng lương hưu, bạn phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Xin hỏi luật sư trường hợp này: 1. Tôi đã làm việc cho một đơn vị nhà nước 17 năm và nghỉ viêc. 2. Tôi tiếp tục lam việc cho đơn vị nhà nước khác thêm 20 năm. 3. Tôi sắp về hưu và bên bảo hiểm xã hội nói tôi chỉ được hưởng bhxh và hưu trí dựa trên 20năm. 17 năm trước không được hưởng vì tôi không có giấy nghỉ việc của đơn vị trước. Tôi có có thể xin giấy xác nhận của đơn vị số một là tôi đã làm việc ở đó 17 năm. Xin hỏi luật sư như vậy tôi có được hưởng quyền lợi bhxh của 17 năm đã làm không? Xin cảm ơn.

Trong trường hợp này, bạn có thể đến công ty đầu để xin xác nhận của công ty về việc bạn đã có thời gian làm việc và đóng BHXH tại đó

3. Quy định về hưởng chế độ ốm đau

Khi nằm viện phẫu thuật, tôi xin nghỉ phép năm ở công ty. Thời gian nằm viện và phẫu thuật là 15 ngày. Vậy tôi có thể được thanh toán cả tiền lương tháng đó và tiền bảo hiểm xã hội cho 15 ngày năm viện không.

Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau
1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

4. Quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Thưa Luật sư! Tôi đang có 1 thắc mắc này muốn hỏi luật sư: Công ty tôi có tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng không tham gia hết cho toàn bộ người lao động. Ví dụ: Công ty có 10 người lao động (NLĐ), công ty chỉ đóng BH cho 5 người, còn 5 NLĐ họ thỏa thuận trả hết vào lương cho họ nên cty tôi không tham gia bảo hiểm cho 5 người kia. Vậy xin hỏ luật sư: Công ty tôi làm thế thì vi phạm điều luật gì? Chế tài xử phạt đối với hành vi này ra sao và căn cứ để xử phạt theo luật nào??

Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động là những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

5. Quy định về chế độ thai sản

Vợ tôi trước đây có đóng bảo hiểm xã hội được hơn 2 năm, nhưng đã ngừng đóng cách đây 2 năm nay. Chúng tôi có ý định sinh thêm con, nay muốn hỏi luật sư vợ tôi phải đóng như thế nào để được hưởng chế độ thai sản, và có thể đóng theo hình thức tự nguyện có cả bảo hiểm y tế có được không vậy?

Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./. 

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật.