Mục lục bài viết
1.Khái niệm bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì ?
Bảo lãnh phát hành chứng khoán tạm dịch sang tiếng Anh là Securities issuance guarantee.
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức việc phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành.
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc cố gắng tới mức tối đa để bán hết số chứng khoán cần phát hành cho tổ chức phát hành. (Luật Chứng khoán)
Bảo lãnh phát hành bao gồm cả việc tư vấn tài chính và phân phối chứng khoán.
2. Các phương thức bảo lãnh phát hành
Việc bảo lãnh phát hành thường thực hiện theo một trong các phương thức sau:
- Bảo lãnh với cam kết chắc chắn (Firm commitment underwriting): là phương thức bảo lãnh trong đó tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ số chứng khoán phát hành cho dù có phân phối được hết chứng khoán hay không.
Thông thường, trong phương thức này một nhóm các tổ chức bảo lãnh hình thành một tổ hợp để mua chứng khoán của tổ chức phát hành với giá chiết khấu và bán lại các chứng khoán theo giá chào bán ra công chúng (POP) và hưởng phần chênh lệch giá.
- Bảo lãnh với cố gắng cao nhất (Best efforts underwriting): là phương thức bảo lãnh mà theo đó tổ chức bảo lãnh thoả thuận làm đại lí cho tổ chức phát hành.
Tổ chức bảo lãnh không cam kết bán toàn bộ số chứng khoán mà cam kết sẽ cố gắng hết sức để bán chứng khoán ra thị trường, nhưng nếu không phân phối hết sẽ trả lại cho tổ chức phát hành phần còn lại và không phải chịu hình phạt nào.
- Bảo lãnh theo phương thức tất cả hoặc không (All or Nothing): trong phương thức này, tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh bán một số lượng chứng khoán nhất định, nếu không phân phối được hết sẽ huỷ toàn bộ đợt phát hành. Tổ chức bảo lãnh phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã mua chứng khoán.
- Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu – tối đa: là phương thức trung gian giữa phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất và phương thức bảo lãnh bán tất cả hoặc không.
Theo phương thức này, tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh được tự do chào bán chứng khoán đến mức tối đa quy định (mức trần). Nếu lượng chứng khoán bán được đạt tỉ lệ thấp hơn mức sàn thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị hủy bỏ.
- Bảo lãnh theo phương thức dự phòng (Standby underwriting): Đây là phương thức thường được áp dụng khi một công ty đại chúng phát hành bổ sung thêm cổ phiếu thường và chào bán cho các cổ đông cũ trước khi chào bán ra công chúng bên ngoài. Tuy nhiên, sẽ có một số cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu của công ty.
Vì vậy, công ty cần có một tổ chức bảo lãnh dự phòng sẵn sàng mua những quyền mua không được thực hiện và chuyển thành những cổ phiếu để phân phối ra ngoài công chúng. Có thể nói, bảo lãnh theo phương thức dự phòng là việc tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ là người mua cuối cùng hoặc chào bán hộ số cổ phiếu của các quyền mua không được thực hiện.
3. Điều kiện để bảo lãnh phát hành chứng khoán
Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán ngoài giấy phép bảo lãnh phát hành ra, còn cần đảm bảo những điều kiện sau:
- Tổ chức bảo lãnh không liên quan đến tổ chức phát hành. Những trường hợp như công ty mẹ – con, công ty và người quản lý, ký hợp đồng thâu tóm công ty, có quyền chi phối quyết định của công ty, có quan hệ cha mẹ vợ chồng,… đều không được chấp nhận thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán.
- Thực hiện bảo lãnh đúng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức bảo lãnh cần hỗ trợ bên phát hành thực hiện những thủ tục quan trọng trước khi chào bán chứng khoán. Ngoài ra theo luật chứng khoán năm 2019 có quy định rằng: Tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán đáp ứng được các chỉ tiêu về an toàn tài chính.
- Chỉ được phép bảo lãnh phát hành khi tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn toàn bộ vốn chủ sở hữu, đảm bảo thấp hơn 15 lần kết quả của hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn (dữ liệu dựa vào báo cáo quý liền trước đó). Hoặc giá trị bảo lãnh tối đa là 50% vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo lãnh tính đến cuối quý gần nhất với ngày ký hợp đồng bảo lãnh. Ngoại trừ đợt phát hành các trái phiếu của chính phủ.
- Tổ chức phát hành chỉ được chấp nhận thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi đã đăng ký và cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh chứng khoán. Số vốn pháp định yêu cầu là 165 tỷ đồng, tổ chức không vi phạm pháp luật trước thời điểm thực hiện bảo lãnh ít nhất 6 tháng liên tục.
- Cần mở một tài khoản riêng đối với công ty bảo lãnh phát hành để có thể nhận tiền đặt mua chứng khoán của khách hàng. Tài khoản được lập tại ngân hàng hoạt động hợp pháp. Việc này đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch trong toàn đợt phát hành, tránh lẫn lộn giữa các khoản tiền cũng như đề phòng tình trạng gian dối.
Bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn sẽ không được thực hiện trong một số trường hợp:
Bên bảo lãnh phát hành độc lập hoặc bản thân tổ chức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
Một tổ chức cùng nắm giữ ít nhất 30% vốn điều lệ của tổ chức bảo lãnh và tổ chức phát hành. Đồng nghĩa với việc có bên thứ ba liên quan đến hai đối tượng là bên bảo lãnh và bên phát hành.
Nếu đợt phát hành này có giá trị cam kết bảo lãnh lớn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo lãnh thì sẽ phải lập một tổ bảo lãnh phát hành chứ không được tự ý bảo lãnh. Lúc này sẽ có tổ chức bảo lãnh chính nắm tỷ lệ cam kết cao hơn các tổ chức bảo lãnh phụ.
4.Quy trình và phí bảo lãnh
Có tất cả 4 trong quy trình bảo lãnh phát hành chứng khoán:
- Đầu tiên: Phân tích, đánh giá khả năng của đợt phát hành. Tính toán xem mức giá định giá hợp lý không, nên điều chỉnh thay đổi như thế nào.
- Thứ hai: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Hồ sơ được quy định đầy đủ trong luật chứng khoán.
- Thứ ba: Thực hiện phân phối chứng khoán ra thị trường.
- Cuối cùng: Bình ổn và điều tiết thị trường. Lưu ý không can thiệp nhằm thao túng thị trường, nếu không sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định.
Đối với vấn đề phí bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ có sự khác biệt giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ này. Thường bên phát hành phải trả một khoản phí tính dựa trên số tiền nhận được trong đợt phát hành. Mức phí không cố định vì phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phát hành chứng khoán. Nó có thể cao nếu lượng chứng khoán chào bán lớn và ngược lại.
Những khó khăn trong quá trình phân phối cũng sẽ tác động đến phí trả đối với công ty phát hành. Ngoài ra, một số tổ chức thực hiện thu phí lưu trữ với những chứng khoán chưa được hoặc bị trả về. Bên bảo lãnh có trách nhiệm giải thích về phí chịu để tổ chức phát hành hiểu rõ.
5.Bảo lãnh phát hành chứng khoán quan trọng như thế nào?
Có nhiều lý do cần hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán:
Đầu tiên nó đảm bảo việc phát hành chứng khoán của tổ chức diễn ra thành công. Có những công ty khi mới đăng ký niêm yết trên sàn thì luôn muốn định giá chứng khoán của mình cao để huy động được khối lượng vốn lớn. Nhưng nhà đầu tư lại khá e ngại mong muốn được sở hữu chứng khoán với giá thấp hơn. Như vậy nếu không có hoạt động bảo lãnh thì nhà đầu tư và chứng khoán của tổ chức phát hành khó có thể gặp được nhau để giao dịch. Bảo lãnh phát hành có thể điều chỉnh mức giá hợp lý hơn, tiếp cận nhà đầu tư dễ dàng hơn để lượng chứng khoán được lưu hành với tính thanh khoản cao.
Bảo lãnh phát hành giúp tăng khả năng phát hành thành công với những công ty mới xuất hiện trên thị trường.
Hoạt động này giúp tổ chức phát hành chứng khoán tăng thêm mức uy tín của mình, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Trong lần phát hành sau có thể tiếp cận nguồn vốn thị trường tốt một cách dễ dàng.
Đặc điểm của bảo lãnh phát hành chứng khoán
Thứ nhất, đối tượng của bảo lãnh phát hành chứng khoán
Đối tượng của bảo lãnh phát hành không phải là bản thân chứng khoán, hay một nghĩa vụ tài chính nào mà tổ chức phát hành phải thực hiện với nhà đầu tư ….. Nội dung thỏa thuận hỗ trợ phát hành chứng khoán có thể là
– Phát hành được toàn bộ hoặc
– Một số lượng nhất định chứng khoán hoặc
– Sẽ thực hiện việc phát hành theo khả năng của chủ thể bảo lãnh.
Đặc điểm này làm nên sự khác biệt của bảo lãnh phát hành chứng khoán với hoạt động bảo lãnh ngân hàng và bảo lãnh dân sự bởi nội dung của bảo lãnh ngân hàng và bảo lãnh dân sự là cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho một chủ thể có nghĩa vụ. Trong hợp đồng ký với bên được bảo lãnh, bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay đối với bên bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Thứ hai, về chủ thể trong quan hệ bảo lãnh phát hành
Trong quan hệ bảo lãnh phát hành chứng khoán chỉ gồm có hai loại chủ thể tham gia đó là chủ thể bảo lãnh phát hành đóng vai trò “bên bảo lãnh” và tổ chức phát hành đóng vai trò “bên được bảo lãnh”. Bên bảo lãnh với tư cách là chủ thể cung ứng dịch vụ hỗ trợ phát hành chứng khoán một cách chuyên nghiệp để lấy phí, chủ thể bảo lãnh phải có năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong hoạt động phát hành. Bên được bảo lãnh là chủ thể có mong muốn và được pháp luật cho phép thực hiện việc huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội bằng cách phát hành chứng khoán.
Thứ ba, bảo lãnh phát hành là nghiệp vụ kinh doanh có mức độ rủi ro cao
Rủi ro của chủ thể bảo lãnh đến từ việc đánh giá không đúng giá trị của chứng khoán được phát hành khi cam kết bao tiêu chứng khoán hoặc cam kết về việc phân phối một số lượng nhất định chứng khoán, dẫn đến việc thua lỗ do không có người mua hoặc mua thấp hơn giá chủ thể bảo lãnh đã mua từ tổ chức phát hành. Do vậy, để hạn chế rủi ro, các chủ thể bảo lãnh luôn phân tích rất cẩn thận các yếu tố tác động đến giá của chứng khoán trước khi họ quyết định bảo lãnh phát hành đó.
Thứ tư, bảo lãnh phát hành dành hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng ở thị trường sơ cấp.
Thị trường sơ cấp là nơi chứng khoán được phát hành lần đầu ra công chúng nhằm thực hiện nhu cầu huy động vốn. Hoạt động chào bán cổ phần ra công chúng là hoạt động chào bán cổ phần rộng rãi cho các nhà đầu tư không hạn chế về số lượng, tổ chức phát hành chứng khoán phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như thông tin, hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiều thủ tục phức tạp . Trong trường hợp này tổ chức phát hành cần đến sự hỗ trợ của chủ thể bảo lãnh trong việc hoàn thành các thủ tục cũng như phân phối chứng khoán tới đông đảo nhà đầu tư.
Thứ năm, bảo lãnh phát hành là một dịch vụ thương mại vừa là một hoạt động đầu tư. Là một dịch vụ có thu phí, bảo lãnh phát hành có tính chất tương tự như các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn chứng khoán và hoạt động bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng. Khi công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành cũng có cơ hội mua bán chứng khoán để hưởng chênh lệch.