Mục lục bài viết
1.Khái niệm xung đột pháp luật là gì ?
Xung đột pháp luật là một hiện tượng pháp lý trong đó có hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế)
Như vậy, xung đột không phải là sự xung khắc hay sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật, đó là một hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế. Xung đột xuất hiện khi có hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế.
2.Nguyên nhân xung đột pháp luật là gì ?
a) Nguyên nhân khách quan
- Thứ nhất, do pháp luật các nước có sự khác nhau
Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, tôn giáo, tín ngường, tập quán khác nhau giữa các quốc gia mà hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia cũng có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này sẽ dẫn đến khi điều chỉnh cùng một quan hệ xã hội có thể dẫn đến xung đột.
- Thứ hai, do quan hệ tư pháp quốc tế luôn có yếu tố nước ngoài
Yếu tố nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế làm cho thực tế quan hệ này luôn liên quan tới pháp luật ít nhất là hai quốc gia. Mà thực tế hai hệ thống pháp luật mà quốc gia dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng với nhau nên khi lựa chọn pháp luật để áp dụng một quan hệ là điều khó khăn. Thực tế hiện nay hầu hết các quốc gia đều cho phép việc có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh các quan hệ tư pháp có yếu tố nước ngoài. Vấn đề đặt ra là lựa chọn hệ thống pháp luật của quốc gia nào để giải quyết. Đây là vấn đề mà khoa học tư pháp quốc tế gọi là hiện tượng xung đột.
b) Nguyên nhân chủ quan
Có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước. Như đã nêu trên, xung đột pháp luật xảy ra do nhà nước thừa nhận khả năng áp dụng của pháp luật nước ngoài cho những trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Sự thừa nhận này đặt ra vấn đề cho các cơ quan tố tụng của mỗi quốc gia khi xem xét áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết.
Có thể thấy, tiền đề quan trọng để xuất hiện hiện tượng xung đột bắt nguồn từ các lý do khách quan. Và yếu tố quyết định có tồn tại quan hệ xung đột hay không phụ thuộc vào lý do chủ quan. Cụ thể trong trường hợp các quan hệ tư pháp có yếu tố nước ngoài, nhưng pháp luật quốc gia trong trường hợp đó không cho phép áp dụng pháp luật của nước ngoài để điều chỉnh thì không hề đặt ra vấn đề chọn luật áp dụng cũng tức là không có xung đột.
3. Phạm vi xuất hiện xung đột pháp luật
Các quan hệ tư pháp quốc tế phát sinh mà hầu hết trong số đó sẽ làm phát sinh hiện tượng đặc thù của ngành luật là hiện tượng xung đột pháp luật.
Trong các quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài như hôn nhân, hợp đồng dân sự, thương mại… thì xung đột pháp luật sẽ nảy sinh hầu hết trong các quan hệ này, tuy nhiên xung đột sẽ không xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt do tính chất đặc thù của một số quan hệ, ở đây tiêu biểu là một số quan hệ liên quan về sở hữu trí tuệ, quan hệ tố tụng tòa án, trọng tài.
Như vậy, xung đột pháp luật là một khái niệm đặc thù trong luật pháp quốc tế, là việc có nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau cùng có thể điều chỉnh một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
4. Đặc điểm của quy phạm xung đột
Đặc điểm của quy phạm xung đột về phần cấu trúc bao gồm hai bộ phận: phần phạm vi và phần hệ thuộc.
Phạm vi là phần quy định quy phạm xung đột này được áp dụng cho loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong các lĩnh vực như: Tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và việc dân sự về các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Phần hệ thuộc là phần quy định chỉ ra luật pháp nước nào được áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật đã ghi ở phần phạm vi.
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. quy định: “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Theo quy định này thì phần phạm vi ở đây là tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn và phần hệ thuộc là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
Đặc điểm về đặc tính gồm hai điểm nổi bật:
a, Tính trừu tượng, phức tạp
Quy phạm xung đột sẽ không đưa ra các chế tài hay phương án để giải quyết các sự việc, mà nó chỉ là một kênh luật trung gian, chỉ định, chọn lựa luật pháp của một nước cụ thể giải quyết nên cấu trúc khá phức tạp, mang tính trừu tượng cao.
Như quy định tại Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015. xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
b,Tính điều chỉnh gián tiếp
Tính điều chỉnh gián tiếp thể hiện ở chỗ quy phạm xung đột sẽ làm nhiệm vụ dẫn chiếu để tìm ra phương án giải quyết các quan hệ phát sinh. Quy phạm xung đột luôn mang tính dẫn chiếu, khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới một hệ thống pháp luật cụ thể mà các quy phạm thực chất được áp dụng để giải quyết quan hệ một các dứt điểm thì ở đây ta lại thấy tính chất song hành giữa quy phạm thực chất với quy phạm xung đột trong điều chỉnh pháp luật.
Theo quy định tại Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. quy định về thẩm quyền riêng biệt của pháp luật Việt Nam đối với các trường hợp như Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam hoặc Yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ: Về một quy phạm xung đột có tính dẫn chiếu pháp luật được áp dung như sau:
Khoản 1,2 Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Như vậy, bất động sản ở nước nào sẽ áp dụng pháp luật nước đó trong việc xác định quyền thừa kế cũng như phụ thuộc vào quốc tịch của người để lại di sản trước khi chết để xác định pháp luật áp dụng đối với thừa kế di sản của người đó.
5. Phân loại quy phạm xung đột
Xét về mặt kĩ thuật xây dựng quy phạm thì người ta phân quy phạm xung đột làm hai loại:
Quy phạm xung đột một bên: Đây là quy phạm chỉ ra quan hệ dân sự này chỉ áp dụng luật pháp của một nước cụ thể.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. “Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.”
Quy phạm xung đột hai bên (hai chiều) đây là những quy phạm đề ra nguyên tắc chung để cơ quan tư pháp có thẩm quyền lựa chọn áp dụng luật của một nước nào đó để điều chỉnh đối với quan hệ tương ứng.
Ví dụ Khoản 2 Điều 678 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Hiệu lực.
Việc áp dụng các quy phạm pháp luật xung đột tại Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Cụ thể Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng các quy phạm dẫn chiếu: Đầu tiên là theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam, thứ hai là trong trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên, cuối cùng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Phạm vi áp dụng của các quy phạm xung đột cũng được ghi nhận rõ tại Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
4. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.”
Hiệu lực của các quy phạm xung đột được dẫn chiếu đến của pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng tại Việt Nam trừ trường hợp được quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”
Luật Minh Khuê ( Sưu tầm và biên tập )