Mục lục bài viết
1. Khái niệm về cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước
Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước là tổng thể các thể chế pháp lý và các thiết chế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vận hành theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ và hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước vận hành theo Hiến pháp và pháp luật, đúng mục đích và hiệu quả.
- Đặc điểm
+ Là một chỉnh thể thống nhất của các thể chế pháp lý và thiết chế có mối quan hệ tác động qua lại nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng và hiệu quả.
+ Là một chỉnh thể thống nhất của các thiết chế bên trong và bên ngoài.
+ Là một chỉnh thể thống nhất của kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát các nhánh quyền lực nói riêng.
+ Là yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng nên chịu ảnh hưởng của trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.
- Yếu tố cấu thành
+ Thể chế pháp lý
Thể chế pháp lý là tổng thể các quy phạm pháp luật, có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung, hậu quả pháp lý của việc kiểm soát quyền lực nhà nước, được biểu hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.
+ Thiết chế
Các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm các cơ quan trong bộ máy của nhà nước như: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; và các thiết chế bên ngoài như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp…
2. Vài nét về hệ thống chính trị của Cộng hòa liên bang Đức
Là nhà nước pháp quyền liên bang dân chủ và xã hội, Đức được đánh giá có hệ thống chính trị đa nguyên, cởi mở, được tổ chức khá logic, chặt chẽ, cho dù “nhiều tầng, nhiều lớp”, nhìn chung trong sạch và vững mạnh. Khoản 1 Điều 22 Luật Cơ bản quy định việc thành lập một đảng phái chính trị là tự do, tuy nhiên, nội dung hoạt động phải phù hợp với các nguyên tắc dân chủ cơ bản cũng như phải công bố công khai nguồn kinh phí duy trì hoạt động và tài sản của đảng.
Với sự ra đời của Luật Cơ bản năm 1949, những nguyên tắc cơ bản đã tạo ra sự tôn nghiêm của pháp luật, sự bất khả xâm phạm của Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp liên bang (gồm 16 Thẩm phán chia làm 02 Hội đồng xét xử ) là Cơ quan Giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nói trên. Tòa án Hiến pháp liên bang với các phán quyết mang tính quyết định đã đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ và gìn giữ hệ thống pháp luật toàn liên bang.
3. Tổng quan về Quốc hội Liên bang Đức
Quốc hội Liên bang Đức có 709 Nghị sĩ, là Quốc hội lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) với 5.200 cán bộ khoa học, kỹ thuật và thư ký, trụ sở đóng tại thủ đô Berlin. Quốc hội Đức có thư viện lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản) với 1,2 triệu đầu sách và hàng ngàn tài liệu chuyên môn.
Quốc hội (QH) là cơ quan quyền lực đại diện cao nhất của nhân dân, hoạt động với nhiệm kỳ 04 năm (nhiệm kỳ QH tại 16 bang là 05 năm), là phần quan trọng của hệ thống chính trị, đảm nhận hai nhiệm vụ cơ bản: Lập pháp và kiểm soát chính phủ.
Theo chủ trương đa nguyên và cởi mở, QH Đức khóa XIX hiện tại có 07 đảng phái chính trị: Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU), Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo Đức (CSU), Đảng Con đường khác cho nước Đức (AFD), Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), Đảng Dân chủ tự do (FDP), Đảng Cánh tả (Die Linke) và Liên minh 90/Đảng Xanh (Buendnis/Gruenen).
4. Cơ chế kiểm soát quyền lực ở CHLB Đức
Quốc hội Liên bang và việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ Liên bang
Điểm nhấn thú vị ở Đức là Đảng Đối lập (Đảng Dân chủ xã hội Đức) thực hiện công bố kết quả giám sát chính phủ trước công luận. Đảng Đối lập thể hiện quan điểm, phương hướng chính trị hợp pháp, có mục đích, phương thức và hoạt động đối lập với đảng chiếm đa số trong QH. Qua sự giám sát, tranh luận, phản biện với các kế hoạch, định hướng của chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng liên bang đại diện cho Đảng chiếm đa số trong QH - Đảng Đối lập góp phần tích cực vào việc phát triển của đất nước.
Trong cuộc hội thảo quốc tế về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của QH Đức tại Hà Nội với mục đích tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ nước bạn, Chánh văn phòng QH Đức cho biết: QH Đức được đánh giá là “số một” của Châu Âu. Mỗi đại biểu QH có 02 văn phòng làm việc, một tại QH và một tại địa phương, 02 thư ký và 01 nhân viên kỹ thuật - điều kiện làm việc tốt nhất châu lục.
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ kiểm soát quyền lực của chính phủ, các Nghị sĩ QH phải được thông tin về công việc và định hướng của Chính phủ. Qua đó, các Nghị sĩ có hàng loạt quyền và phương tiện để thực hiện việc này, cụ thể như: Các thành viên chính phủ phải giải trình và trả lời chất vấn trước QH (khoản 1 Điều 43 Luật Cơ bản) tại các cuộc họp kín, hoặc yêu cầu giải trình trực tuyến trên truyền hình. QH thành lập một số Ủy ban chuyên môn, không chỉ để tham gia vào việc xây dựng pháp luật mà cả Ủy ban điều tra để thực hiện việc kiểm soát chính phủ. Đơn cử như việc QH phải biết chính phủ sử dụng ngân sách có đúng mục đích không vì đây là nguồn tiền do người dân đóng thuế; phương hướng, trọng tâm của chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh được thể hiện như thế nào.
Ủy ban điều tra của QH có thể thực hiện công việc (theo phương thức thủ tục Tòa án hoặc ủy quyền cho người điều tra) được giao trong trường hợp thành viên chính phủ có dấu hiệu vi phạm pháp luật; QH có thể bãi miễn chính phủ sau khi lấy phiếu bất tín nhiệm hoặc ra Nghị quyết giao trách nhiệm cho chính phủ.
Kiểm toán liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra quyết toán ngân sách tài chính của các cơ quan liên bang và cơ quan hành chính công ở cấp liên bang sau khi kết thúc năm tài chính theo quy định tại Điều 14 Luật Cơ bản. Các thành viên của Kiểm toán liên bang được pháp luật bảo đảm tính độc lập như Thẩm phán, thực hiện chức năng nhiệm vụ chỉ tuân theo pháp luật.
Quốc hội bang và việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ bang
Trên cơ sở những nguyên tắc, phương thức, biện pháp khi QH liên bang thực hiện kiểm soát quyền lực của Chính phủ Liên bang, QH 16 bang trên toàn nước Đức có những nét tương đồng trong phương thức, phương pháp và biện pháp kiểm soát quyền lực chính phủ của bang mình, tuy nhiên không thể rập khuôn, máy móc. Sau đây là một ví dụ cụ thể:
Quốc hội bang Bắc sông Ranh (NRW), một bang khá rộng lớn với dân số 18 triệu người, gồm 199 nghị sĩ, trong đó chính phủ chiếm 100 ghế (72 ghế dành cho Đảng Liên minh thiên chúa giáo Đức và 28 ghế cho Đảng Dân chủ tự do); đảng đối lập chiếm 99 ghế (Đảng Dân chủ xã hội Đức với 69 ghế, Đảng Xanh với 14 ghế và Đảng Con đường khác cho nước Đức với 16 ghế) hoạt động theo nhiệm kỳ 05 năm, là cơ quan lập pháp trong hệ thống chính trị của bang. Bên cạnh nhiệm vụ thông qua các đạo luật, QH còn có nhiệm vụ quan trọng khác là bầu thủ hiến bang và kiểm tra chính phủ bang.
Quốc hội có nhiều phương tiện, phương thức và biện pháp để kiểm tra chính phủ bang như yêu cầu thành viên chính phủ trả lời chất vấn trước QH; các Nghị sĩ biểu quyết về việc có nhất trí với dự thảo thu chi nhân sách của chính phủ hay không; đồng ý phê chuẩn các hiệp định chính phủ ký kết hay không…
Thủ hiến bang có thể bị QH bang bãi miễn bất cứ lúc nào (qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm), nếu không còn đủ tín nhiệm.
Kiểm toán nhà nước bang đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra việc sử dụng ngân sách của chính phủ và QH bang, thu chi tài chính của tất cả các cơ qua nhà nước bang, kể cả QH và báo cáo trước QH - cơ quan đã bầu ra các thành viên kiểm toán nhà nước bang.
Tính chất đa nguyên, cởi mở cũng được thể hiện rõ nét tại QH 16 bang, nghĩa là tại các bang nước Đức, nếu đảng nào chiếm đa số tuyệt đối sau khi bầu cử QH hoặc đạt được thỏa thuận với một hoặc nhiều đảng khác để thành lập liên minh chiếm đa số trong QH và qua đó thành lập chính phủ và bầu thủ Hiến bang.
Ngay tại bang Bắc sông Ranh, Chủ tịch QH là người của Đảng Liên minh Thiên chúa giáo Đức nhưng Phó Chủ tịch là người của Đảng Dân chủ xã hội Đức và Phó Chủ tịch QH khác lại là người của Đảng Xanh.
Số lượng Đại biểu QH của 16 bang cũng không giống nhau. Bang nào lớn hơn, đông dân số hơn sẽ có nhiều Đại biểu QH hơn.
Việc phân chia số ghế của các đảng phái chính trị trong QH cũng rất khác nhau; có bang thì 5 đảng phải, có bang lại 6 đảng phái… Chủ tịch QH ở bang này là người của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, ở bang khác Chủ tịch QH lại là người của Đảng Dân chủ xã hội Đức…
Trong cuộc hội thảo quốc tế do Bộ Tư pháp chủ trì về lĩnh vực Luật Tố tụng Dân sự cách đây 22 năm, vị Chánh án một Tòa án khu vực tại thành phố Bremen của Đức là báo cáo viên chính. Cuộc hội thảo thật sôi nổi. Nhiều câu hỏi được phía Việt Nam đưa ra về việc người nhà bị can đưa hối lộ cho Thẩm phán để bị can được xử có lợi, giảm mức hình phạt… Ông Chánh án người Đức tỏ ra rất ngạc nhiên và cho biết, kể từ khi đảm nhận chức vụ này, ông chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy và cũng không thấy xảy ra ở các Tòa án khác của Đức. Thẩm phán Đức có quyền giải thích luật, độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, không ai có thể tác động, gây ảnh hưởng tới quyết định của họ.
Hội đồng Liên bang
Hội đồng Liên bang (Điều 50 đến Điều 53 Luật Cơ bản) là cơ quan của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, có quyền tham gia vào hoạt động lập pháp và cơ chế hành chính liên bang cũng như các công việc của Liên minh Châu Âu, được đánh giá như là Nghị viện thứ 2 (Thượng Nghị viện). Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng Liên bang có 69 thành viên do chính phủ 16 bang cử theo sự phân định của pháp luật tỉ lệ với dân số của mỗi bang đại diện cho lợi ích các bang trong liên bang thông qua các thành viên chính phủ của bang mình. Mỗi bang cử ít nhất 03 thành viên chính phủ. Bang có dân số trên 02 triệu người cử 04 thành viên; trên 06 triệu người cử 05 thành viên và trên 07 triệu người cử 06 thành viên chính phủ (khoản 2 Điều 51 Luật Cơ bản). Với phương thức cơ cấu như vậy sẽ phòng, chống được “nhóm lợi ích” và “địa phương cục bộ” cũng như ý định lạm dụng quyền hạn.
Trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8 (tháng 08/2021), bài "Hành nghề Luật sư tại Tòa án tối cao Liên bang Đức” đề cập tới cơ cấu tổ chức của Tòa án tối cao Liên bang, thể hiện rõ nét tương đồng “Hội đồng bầu Thẩm phán gồm 32 thành viên là sự “kết hợp hài hòa” giữa đại diện của Cơ quan Lập pháp và Cơ quan Tư pháp, được cơ cấu bởi 16 Đại biểu QH Liên bang và 16 Bộ trưởng Bộ Tư pháp của 16 bang trên khắp nước Đức, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang thành lập, có nhiệm vụ bầu và quyết định Thẩm phán đảm nhận công việc tại Tòa án Tối cao Liên bang". Dựa trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” để tất cả các bang đều có thẩm phán đại diện
5. Sự phân quyền trong hệ thống pháp luật CHLB Đức
Thứ nhất: Phân quyền (Gewaltenteilung) là một dấu hiệu của nhà nước dân chủ hiện đại và là một nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc hạn chế quyền lực của nhà nước và mở rộng quyền tự do của công dân. Thông qua phân công nhiệm vụ và giám sát quyền lực, các nhiệm vụ của nhà nước có thể được thực thi một cách hiệu quả nhất. Không có phân quyền thì không có tự do, không có Hiến pháp và không có nhà nước pháp quyền.
Thứ hai: Chính sự tập trung quyền lực là căn nguyên của sự độc tài, chuyên chế và khiến cho người dân không được hưởng những quyền tự do. Ngay từ thời cổ đại, Aristoteles (384–322 TCN) đã đưa ra quan điểm về sự phân công giữa các ba nhóm nhiệm vụ (die Existenz dreier Gruppen von Aufgaben) lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên phải đến thời kỳ khai sáng, vấn đề phân chia quyền lực (Gewaltenteilung) mới thực sự trở thành một học thuyết, nhiều vấn đề được giải quyết cụ thể hơn với những đại diện tiêu biểu như John Locke (1632–1704) và Montesquieu (1689–1755).
Thứ ba: Ở CHLB Đức, đặc trưng của nguyên tắc phân quyền được thể hiện cụ thể ở Điều 20, Khoản 2, Câu 2 và Điều 20 Khoản 3 và Điều 1 Khoản 3 Luật cơ bản Cộng hòa liên bang Đức. Điều 20 Khoản 2 Câu 2 Luật cơ bản qui định rằng: “Quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua các cơ quan độc lập thực hiện của quyền lập pháp (besondere Organe der Gesetzgebung), của quyền thi hành pháp luật (der vollziehenden Gewalt) và của quyền tư pháp (der Rechtsprechung)”. Phân quyền ở Đức được hiểu một cách toàn diện trên cả 3 góc độ: chức năng, tổ chức và nhân sự.
- Phân quyền về chức năng (funktional), chức năng của lập pháp (Gesetzgebung) là xây dựng một trật tự pháp luật, đưa ra các qui định ổn định, giải quyết các vấn đề của cuộc sống liên quan đến cả các vấn đề của tương lai (Festsetzung der Rechtsordnung; dauerhafte Regelung des Zusammenlebens in Bezug auf künftige Sachverhalte); chức năng của hành pháp (Vollziehung) được hiểu là hoạt động của cơ quan hành chính (Verwaltung) nhằm thi hành luật ở thời hiện tại; còn chức năng của tư pháp là quyết định về tính hợp pháp của các vấn đề đã diễn ra ở thời quá khứ (Entscheidung über Gesetzmäßigkeit vergangener Sachverhalte).
- Phân quyền về tổ chức (organisatorisch), quyền lực cũng không tập trung vào một cơ quan nào mà được phân chia cho các cơ quan nhà nước khác nhau mang tính chuyên môn hóa. Mỗi một cơ quan có những thẩm quyền và trách nhiệm khác nhau như Hạ viện (Bundestag), Thượng viện (Bundesrat), Bundesregierung (Chính phủ liên bang), Verwaltungsbehörden (Các cơ quan hành chính), Các tòa án (Gerichte). Ví dụ: Cùng một hoạt động lập pháp (Gesetzgebungsverfahren, Điều. 76 ff. LCB) nhưng do nhiều cơ quan cùng thực hiện. Cụ thể quyền trình dự án luật là Chính phủ, Thượng viện, hay Nghị sĩ hoặc Ủy ban của Hạ viện; Quyền thông qua luật là Hạ viện và Thượng viện; Quyền ký phê chuẩn là Tổng thống liên bang. Như vậy sẽ không ai hiểu máy móc rằng lập pháp ở Đức là chỉ là chức năng hay công việc của Nghị viện. Đây là điểm khác với cơ chế phân chia quyền lực cứng rắn theo mô hình ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Gewaltentrennung/ Separation of powers). - Phân quyền về nhân sự (personell), quyền lực cũng được thực hiện thông qua những con người cụ thể thực hiện thẩm quyền và nhiệm vụ cụ thể. Một người về cơ bản không thể đồng thời thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau (Inkompatibilitaeten - Điều 55, Điều 94 khoản 1 câu 3, Điều 137 khoản 1 LCB). Ví dụ: Thẩm phán không thể là thành viên của Hạ viện, Thượng viện, Chính phủ liên bang (Điều 94 khoản 1 câu 3 LCB) hay không thể một người vừa là Tổng thống, vừa là Thủ tướng, vừa là Chủ tịch Hạ viện được (Điều 63 LCB).
Thứ tư: Vì CHLB Đức là một nhà nước liên bang nên còn tồn tại cả cơ chế phân quyền theo chiều ngang (ngang hàng giữa các cơ quan) và phân quyền theo chiều dọc (quan hệ liên bang và tiểu bang) Khác với các bản Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ Đức (Hiến pháp của Đông Đức - DDR) trước đây thừa nhận cơ chế tập trung quyền lực, trong Luật cơ bản (Grundgesetz) của CHLB Đức hiện nay không có một điều nào khẳng định Hạ viện là cơ quan quyền lực tối cao, cho dù đây là cơ quan do dân bầu ra hay Thượng viện cũng vậy, cho dù đây là cơ quan đại diện của các bang. Với qui định của Điều 20 khoản 2 câu 2 LCB, các ngành quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp về nguyên tắc là quan hệ ngang hàng (Gleichordnung), không phải là quan hệ có tính thứ bậc trên dưới (keine Über- Unterordnung). Sự phân quyền như vậy trong Luật cơ bản được gọi là phân quyền mang đặc tính pháp quyền (Rechtsstaatliche Gewaltenteilung), hay phân quyền theo chiều ngang (horizontale Gewaltenteilung). Hành pháp (Exekutive) và Chính phủ (Regierung) ở Đức không phải đồng nhất là một và chức năng giữa Chính phủ (Regierung) với Hành chính (Verwaltung) cũng được phân biệt rõ. Xuất phát từ bản chất hoạt động của Nghị viện và Chính phủ (Regierung) là hoạt động có những yếu tố "động" (dynamische Elemente), chịu ảnh hưởng mạnh về yếu tố Đảng phái chính trị (starker politischer Einfluss), còn hoạt động hành chính - thi hành luật (Verwaltung) và hoạt động tư pháp - xét xử (Judikative) lại mang nhiều yếu tố "tĩnh" (statisches Elemente), mang tính ổn định (Stabilität), nên ngành hành pháp (Exekutive) được phân chia thành Chính phủ - Regierung (hay còn gọi là Gubernative, gốc Tiếng Latinh là gubernare - điều hành) và Hành chính - Verwaltung (hay còn gọi là Administrative/ Administration, gốc Tiếng la tinh là administrare - hành chính) với những chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Với tính chất của nhà nước liên bang, ở Đức còn có sự phân quyền theo chiều dọc (Vertikale Gewaltenteilung) giữa liên bang và các tiểu bang (Điều 30 LCB). Mỗi một tiểu bang có Hiến pháp riêng của bang, có những cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng được tổ chức và hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật riêng không trái với Hiến pháp và những đạo luật của Liên bang.
Thứ năm: Hiểu về cơ chế phân quyền theo chiều ngang và chiều dọc ở Đức hiện nay hoạt động ra sao trên thực tế cần phải hiểu và đặt trong liên hệ với những yếu tố khác có ảnh hưởng hay tác động đến cơ chế này như: Hệ thống đa đảng (Điều 21 LCB); Tính cạnh tranh bởi nguyên tắc đa số và bảo vệ quyền lợi thiểu số trong Hạ viện (Điều 42 II, 63, 67, 68 LCB; Điều 44, 46, 93 I Nr. 1, 2 LCB); Thiết chế Thượng viện trong việc tham gia vào hoạt động lập pháp (Điều 50 ff., 77, 80 II, III GG); Tự quản địa phương (Điều 28 II LCB); Ràng buộc bởi các qui định của EU (Điều 23 LCB); Cơ chế bảo hiến ở liên bang và tiểu bang (Điều 93, 94 LCB); Chế định công chức suốt đời (Điều 33 II, IV, V LCB); Chế định trưng cầu dân ý (Volksentscheid - Điều 29, 118, 118a LCB); Tác động của quyền tự do ngôn luận, báo chí (Điều 5 LCB), Tác động của quyền lập hội (Điều 9 LCB); Tác động của quyền biểu tình (Điều 8 GG)...Hiểu trong một tổng thể như vậy mới thấy được dù có phân quyền nhưng vẫn đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân và bảo vệ những quyền tự do của công dân.
Thứ sáu: Chính sự phân quyền thông qua việc cùng thực hiện quyền lực (Zusammenwirken) và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan (gegenseitige Kontrolle der Organe) theo cả chiều dọc và chiều ngang như vậy sẽ giới hạn được quyền lực nhà nước (Mäßigung der Staatsgewalt), ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền và độc quyền (Verhinderung von Machtmissbrauch und Monopol) qua đó cũng bảo vệ tự do cá nhân (Sicherung der individuellen Freiheit). Hay nói cách khác, phân quyền là làm cho quyền lực giữa các cơ quan cân bằng, không có quyền lực nào vượt trội hơn quyền lực nào. Quyền lực được kiểm soát và cân bằng (Prinzip der gegenseitigen Kontrolle [checks] und des Machtgleichgewichts [balances]) ở bên trong là chính các cơ quan nhà nước và bên ngoài với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội để tránh nguy cơ độc quyền, lạm quyền.
Thứ bảy: Phân quyền ở Đức không phải là sự phân quyền tuyệt đối (keine Gewaltentrennung), mà là phân quyền tương đối (Gewaltenteilung), có những đặc điểm quan trọng là: 1) Ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp về cơ bản là ngang hàng nhau (Gleichordnung). Hành pháp tiếp tục được phân thành 2 bộ phận: Chính phủ (Regierung) với tính chất là hệ thống điều hành, lập chính sách và Hành chính (Verwaltung) với tính chất là các hệ thống thi hành luật. 2) Phân quyền toàn diện theo chức năng, theo cơ quan và nhân sự. 3) Phân quyền toàn diện theo cả theo chiều ngang và chiều dọc đảm bảo sự kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Thứ tám: Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã có những biểu hiện của cơ chế phân công quyền lực và giám sát quyền lực. Kể từ Hiến pháp năm 1959 trở đi, học tập theo mô hình của Xô-Viết, thay vì phát triển cơ chế phân công quyền lực đã có từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp Việt Nam thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ (das Prinzip des demokratischen Zentralismus). Bản chất của nguyên tắc này là việc kết hợp hai yếu tố „tập trung“ và „dân chủ“. Tập trung quyền lực („Zentralismus“) biểu hiện rõ nhất là quyền lực nhà nước tập trung vào hệ thống các cơ quan quyền lực, ở trung ương là Quốc hội và ở địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp (Ví dụ: Điều 83, Điều 119 Hiến pháp năm 1992) và biểu hiện rõ nhất của dân chủ („demokratisch“) là việc quyết định theo nguyên tắc đa số (Ví dụ: Điều 88, Điều 115 Hiến pháp 1992). Theo Điều 83 Hiến pháp 1992, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, cả phương diện pháp lý cũng như thực tế không diễn ra đúng như qui định ở Điều 83. Điều khoản này mâu thuẫn với qui định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 „Đảng Cộng sản Việt Nam (dieKommunistische Partei Vietnams) […] là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội“ (Điều 4 Hiến pháp 1992).
Thứ chín: Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa có những giá trị lịch sử nhất định, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nhất định của đất nước. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, bước sang thời kỳ hội nhập, cơ chế thị trường, nguyên tắc này đã dần bộc lộ những hạn chế, không phù hợp với xu hướng vận động khách quan của các nhà nước hiện đại dân chủ, pháp quyền trên thế giới. Thay vì tiếp tục thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tôi cho rằng chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và ứng dụng cơ chế phân quyền và giám sát quyền lực đã có từ Hiến pháp năm 1946, cũng như những giá trị của cơ chế phân quyền trong Luật cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức vào việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay.