Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết: Luật hình sự Trung Quốc năm 1979; Bộ luật Hình sự Trung Quốc được sửa đổi vào năm 1997; Luật Nhà tù Trung Quốc năm 1994; và Bộ luật tố tụng hình sự Trung Quốc năm 1979 có thể phân tích như sau:

 

1. Mô hình tổ chức xét xử và thi hành án ở Trung Quốc

Về các nguyên tắc tổ chức tòa án yêu cầu việc phân tách ba loại công việc sau: thụ lý vụ án với xét xử; xét xử với giám sát và xét xử với thi hành án. Đơn vị thi hành án do đó được thành lập như một đơn vị riêng rẽ tại Toà án nhân dân tối cao và tại các cấp toà. Thẩm phán phụ trách đơn vị thi hành án chịu trách nhiệm về công việc của phòng thi hành án và được xếp dưới Chánh án tòa án trong hệ thống thứ bậc nội bộ của tòa án. Một nội dung trong Kế hoạch cải cách 5 năm lần thứ nhất được Toà án nhân dân tối cao thông qua vào tháng 10/1999 là yêu cầu tất cả các cấp tòa phải tách riêng các bộ phận thụ lý án, xét xử và thi hành án.

Đồng thời, các toà án cũng được yêu cầu phải bảo đảm có đủ nhân viên và phân công các cán bộ có trình độ cho bộ phận thi hành án. Trình độ của các thẩm phán thuộc bộ phận thi hành án không được thấp hơn trình độ của thẩm phán ở các bộ phận khác. Cải cách này nhằm mục đích nâng cao vai trò, hiệu quả và trình độ chuyên môn của bộ phận thi hành án. Ngoài ra, các toà án cấp trên tại Trung Quốc phải thành lập một bộ phận chịu trách nhiệm giám sát, quản lý thi hành án của toà án cấp dưới. Khác với hệ thống cũ trong đó giao cho một cá nhân chịu toàn bộ trách nhiệm đối với việc thi hành một bản án nhất định nào đó, hiện tại, trong bộ phận thi hành án có sự phân tách trách nhiệm đối với từng khía cạnh khác nhau của công tác thi hành án. Cho rằng giải quyết vấn đề thi hành án là vấn đề ưu tiên, chi bộ Đảng cộng sản Trung Quốc trong mỗi toà án đóng vai trò tích cực trong việc tham gia và điều phối liên lạc giữa bộ phận thi hành án và các cơ quan nhà nước khác. TANDTC cũng ban hành Một số ý kiến của TANDTC về từng bước tăng cường và quản lý công tác thi hành án năm 2009 trong đó nhắc lại yêu cầu này.

Bộ phận thi hành án được thành lập như một bộ phận độc lập trong toà án các cấp. Trong bộ phận thi hành án có nhiều phòng chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng khác nhau của bộ phận. Ví dụ, trong Toà án nhân dân cấp trung tỉnh Quảng Châu, bộ phận thi hành án được chia thành ba phòng. Phòng 1 chịu trách nhiệm nghiên cứu và lập kế hoạch công tác thi hành án của toà án toàn thành phố, tổ chức các cuộc họp, điều tra, nghiên cứu các vấn đề pháp luật, giải quyết các ý kiến khác nhau, các ý kiến phản bác trong công tác thi hành án, chuẩn bị công văn và khảo sát thực tiễn, liên hệ với các phòng ban chính quyền và Chánh án toà án nhân dân cấp cơ sở. Phòng 2 chịu trách nhiệm thi hành các bản án hình sự và dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp trung Quảng Châu, các vụ việc được các toà án khác ủy thác, thi hành các quyết định hành chính, các bản án và quyết định của toà án hoặc cơ quan trọng tài nước ngoài và tổ chức các chiến dịch thống nhất về thi hành án của thành phố Quảng Châu. Phòng 3 chịu trách nhiệm quản lý việc liên hệ giữa Quảng Châu với địa phương liên quan đến các vụ án được ủy thác, giải quyết sự trùng lặp liên quan đến thi hành án giữa toà án ở Quảng Châu và các toà án khác, liên lạc với các các cơ quan chính quyền khác khi có tranh chấp về thi hành án, giám sát các vụ án đã ủy thác cho các toà án cấp dưới nhưng chưa được thi hành trong thời hạn nhất định và sửa chữa những sai sót trong công tác thi hành án ở các toà cấp dưới.

 

2. Khái quát về thi hành án Hình sự ở Trung Quốc

Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định về việc thực thi thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Cơ quan thi hành án xử lý một số lượng nhỏ các vụ thi hành án hình sự. Năm 2004, số vụ thuộc loại này chiếm 3,4% tổng số vụ thi hành án, thường là khi có hình phạt về tài sản chẳng hạn như phạt tiền. Dân sự và hình sự Người bị thiệt hại về vật chất do một hành vi được cho là tội phạm gây ra có thể nộp yêu cầu đòi bồi thường dân sự trong quá trình tố tụng hình sự. Yêu cầu này sẽ được xem xét cùng với các vấn đề về hình sự trừ khi sự chậm trễ trong quá trình truy tố hình sự sẽ gây ra chậm trễ không cần thiết đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự.

Nếu đương sự dân sự trong vụ án hình sự không đồng ý với phán quyết sơ thẩm của toà án, người đó có thể kháng cáo lên toà án cấp cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ bị cáo bị kết án hình sự và phải chấp hành hình phạt tù tự nguyện bồi thường dân sự theo quyết định trong bản án hình sự là rất thấp. Những cải cách gần đây theo chính sách hài hòa giữa “xử lý khoan dung và nghiêm khắc” trong quyết định truy tố và thủ tục kết án đối với những tội phạm ít nghiêm trọng đã có ảnh hưởng đến tỷ lệ thi hành án còn thấp này. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã ban hành một văn bản để thực hiện chính sách này quy định rằng người phạm các tội ít nghiêm trọng, nếu nhận tội, xin lỗi và đồng ý bồi thường cho nạn nhân sẽ không bị truy tố. Cải cách này vừa giảm nhẹ gánh nặng cho toà án trong việc phải truy tố hình sự và giải quyết vấn đề dân sự đi kèm vừa cho phép người phạm tội tránh được việc bị truy tố đối với những tội phạm ít nghiêm trọng bằng cách đồng ý bồi thường cho nạn nhân.

 

3. Hình phạt tử hình ở Trung Quốc

Thứ nhất tử hình: Số lượng án tử hình được tuyên hàng năm là bí mật nhà nước nhưng một số người ước tính có đến gần 10.000 mỗi năm. Số hành vi phạm tội có khung hình phạt tối đa là tử hình đã tăng kể từ khi ban hành Luật hình sự năm 1979. Luật này quy định 28 hành vi phạm tội theo đó người phạm tội có thể bị kết án tử hình, 15 hành vi trong số đó được phân loại là các tội phản cách mạng. Số lượng hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tử hình được mở rộng lên 68 hành vi khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi vào năm 1997. (Lưu ý là số lượng 68 hành vi chỉ là con số ước tính, một số người đưa ra con số thực tế cao hơn, đến 76 hành vi).

Những quy định sửa đổi này thay thế loại tội phản cách mạng bằng loại tội phạm gây nguy hiểm an ninh quốc gia và quy định áp dụng hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh phi bạo lực như các tội phạm kinh tế và tham nhũng. Hình phạt tử hình có thể được tuyên thi hành ngay hoặc việc thi hành được hoãn trong thời hạn hai năm. Đối với những phạm nhân bị kết án tử hình với thời hạn thi hành án được hoãn trong hai năm, không hiếm trường hợp vào cuối thời hạn hai năm đó bản án của họ được hoán đổi thành hình phạt tù có thời hạn. Người chưa thành niên dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai không bị kết án tử hình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho thấy những người ở độ tuổi thanh niên (trong khoảng từ 18 đến 25 tuổi) bị kết án tử hình chiếm tỷ lệ cao (50%). Theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Bộ luật TTHS năm 1979, tất cả các bản án tử hình cuối cùng đều phải được TANDTC phê chuẩn. Năm 1983, việc phê chuẩn cuối cùng án tử hình được ủy quyền cho các tòa án nhân dân cấp cao (được thành lập ở cấp tỉnh và tương đương) như là một phần của Chiến dịch trấn áp tội phạm lần thứ nhất. Trong thời gian diễn ra các chiến dịch trấn áp tội phạm, việc áp dụng án tử hình gia tăng và thời gian giữa việc bắt, kết tội, phê chuẩn cuối cùng và thi hành án được rút ngắn. Trong những năm vừa qua xã hội ngày càng quan tâm về việc số lượng án tử hình được tuyên mỗi năm quá cao. Một phần của chính sách cải cách tư pháp về “sự hài hòa giữa xử lý khoan dung và nghiêm khắc” đề cập đến giải pháp nhằm tăng cường thủ tục xem xét lại án tử hình và hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Tháng 10 năm 2006, Quốc hội Trung Quốc sửa đổi Điều 13 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân để giao lại thẩm quyền phê chuẩn lần cuối tất cả các bản án tử hình cho TANDTC. Một khía cạnh khác của cải cách này là cải cách các quy định về chứng cứ nhằm giảm bớt các trường hợp kết tội sai do dựa vào chứng cứ có được bằng phương thức bất hợp pháp. Quy định về vấn đề này đã được ban hành ngày 31 tháng 5 năm 2010.

 

4. Hình phạt giam giữ hình sự có thời hạn ở Trung Quốc

Hình phạt giam giữ hình sự có thời hạn có thể được áp dụng với thời hạn từ một đến ba tháng. Hình phạt này được chấp hành tại một trại tạm giam do công an quản lý chứ không phải tại nhà tù. Người bị áp dụng hình phạt giam giữ hình sự có thể được phép về nhà một hoặc hai ngày mỗi tháng. Các hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và hình phạt tử hình được chuyển thành hình phạt tù được chấp hành tại nhà tù. Luật Nhà tù năm 1994 đã thay tất cả các trại cải tạo lao động trở thành nhà tù. Luật này vẫn giữ lại mục đích kết hợp giáo dục với cải tạo tù nhân. Tù nhân có nghĩa vụ lao động nếu họ có đủ sức khỏe để lao động.

 

5. Các hình phạt cải tạo không giam giữ

Người bị kết án về tội không nghiêm trọng có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ như quản chế trong thời hạn từ ba tháng đến hai năm. Người bị áp dụng hình phạt quản chế không bị giam giữ và cơ quan công an sẽ giám sát việc chấp hành hình phạt. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thể hiện sự ăn năn, hối cải, có thái độ cải tạo tốt và đã chấp hành được trên một nửa thời hạn tù (hoặc trên 10 năm đối với hình phạt tù chung thân) có thể được xét thả tự do trước thời hạn. Người đang chấp hành hình phạt tù cũng có thể được xét giảm hình phạt nếu lập công lớn. Trong trường hợp giảm hình phạt và tha trước thời hạn, nhà tù phải có văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân cấp trung trở lên và tòa án phải thành lập hội đồng xét xử để xem xét kiến nghị đó. Các chính sách gần đây khuyến khích việc mở rộng việc áp dụng các hình phạt cải tạo không giam giữ khi có thể. Tháng 8 năm 2003, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp liên tịch ban hành Thông báo về việc thực hiện thí điểm việc lao động cải tạo tại cộng đồng. Văn bản này khởi động một chương trình thí điểm cho phép 05 loại tù nhân được chấp hành hình phạt dưới hình thức cải tạo tại cộng đồng.

Đây là những người bị áp dụng hình phạt quản chế, những người được phép chấp hành hình phạt ngoài nhà tù, những người được hưởng án treo, những người được giảm án phạt tù và tha trước thời hạn và những người bị áp dụng hình phạt tước các quyền chính trị.

Bài viết tham khảo:

1. Một số nét cơ bản về thi hành án dân sự, hành chính tại Trung Quốc; Ths. Nguyễn Xuân Tùng; Chánh Văn phòng Tổng cục THADS; Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn;

2. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.

Tham khảo thêm: