1. Khái quát về đất nước Canada
Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới với lãnh thổ trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây; giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc; và phía Nam, giáp với Hoa Kỳ bằng một đường biên giới không bảo vệ dài nhất thế giới. Văn hóa Canada là sự pha trộn phong phú giữa nền văn hoá Anh, Pháp và Bắc Mỹ. Canada nổi tiếng là một đất nước an toàn, công bằng và thanh bình. Ở đây, người dân tuyệt đối không được sử dụng vũ khí. Canada là một quốc gia phát triển và nằm trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ tám toàn cầu, và chỉ số phát triển con người cao thứ 11. Canada được xếp vào hàng cao nhất trong các so sánh quốc tế về giáo dục, độ minh bạch của chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, và tự do kinh tế.
- Thủ đô: Ottawa
- Dân số: 34,482,779 (2011)
- Diện tích: 9,984,670km2
- Dù là một nước có diện tích lớn thứ hai thế giới – khoảng 10 triệu km² – nhưng mật độ dân số của Canada lại cực thấp – khoảng 4 người/km². Canada lớn hơn Hoa Kỳ nhưng dân số chỉ bằng 1/9 của Hoa Kỳ.
- 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ: Quebec, Ontario, British Columbia, Alberta, Nova Scotia, Manitoba, Shakachewan, Northwest Teritories, Yukon, Nunavut.
- Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% dân Canada có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, 22% là tiếng Pháp. Đại đa số người nói tiếng Pháp sống tại tỉnh bang Quebec, sau đó là các tỉnh bang Ontario, New Brunswick và Manitoba
- Múi giờ: Canada là một quốc gia có vùng lãnh thổ rộng lớn và do đó kéo theo việc đây là một đất nước có lãnh thổ trải rộng trên các múi giờ.Tiêu biểu trong các tỉnh bang đó là thủ đô của Canada – Ottawa cũng như các thành phố lớn khác là: Thành phố Toronto, Thành phố Quebec và Montreal. Múi giờ Canada (GMT-5) ở những khu vực này so với Việt Nam(GMT+7) (cách nhau 12 giờ đồng hồ).
- Khí hậu: Khí hậu tại Canada cũng có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông
2. Hệ thống chính trị và pháp luật Canada
Canada là quốc gia quân chủ lập hiến; theo mô hình nhà nước liên bang và có nền dân chủ nghị viện. Canada gồm mười tỉnh và ba vùng lãnh thổ. Canada có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị là Nữ Hoàng Canada và là nguyên thủ quốc gia. Bà ủy quyền cho đại diện của mình là Toàn quyền Canada. Thủ tướng và Nội các thực hiện quyền hành pháp.
Quyền lập pháp Canada nằm ở Quốc hội với hai viện: Thượng viện bao gồm các Thượng Nghị sĩ được chỉ định và Hạ viện bao gồm các Hạ nghị sỹ (một người cho mỗi khu vực bỏ phiếu) được bầu cử tự do. Hạ viện, cơ quan lập pháp chính, thường được bầu bốn năm một lần với nhiệm kỳ tối đa là năm năm. Người dân bỏ phiếu bầu ra người đại điện cho khu vực của họ. Đảng nào có nhiều đại diện tại Hạ viện nhất sẽ đứng ra thành lập chính phủ.
Hiến pháp Canada quy định cấu trúc liên bang của chính phủ và các chức năng nhiệm vụ cũng như quyền hạn của chính phủ liên bang. Chính phủ liên bang chịu trách nhiệm về các vấn đề của cả nước như quan hệ đối ngoại, giao thương quốc tế, quốc phòng, ngư nghiệp, giao thông vận tải, truyền thông, thuế, hệ thống tiền tệ và ngân hàng, luật hình sự, nhập cư và nhân quyền.
3. Các cơ quan tham gia vào quy trình xây dựng luật tại Canada
Cơ cấu bộ máy quốc gia Canada được tổ chức theo Hiến pháp năm 1867 và 1982. Chính quyền ở Canada là chính quyền 3 cấp: Liên bang, Bang (tỉnh) và địa phương. Mỗi cấp đều có hiến pháp hoặc hiến chương riêng, trong đó ghi khá rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền. Ví dụ, chính quyền liên bang lo các vấn đề thuộc về đối ngoại và các vấn đề có tính chất liên bang (như quốc phòng, đối ngoại, phát hành tiền, ngân hàng, quy chế quốc tịch/công dân, luật hình sự, bưu chính v.v.). Chính quyền bang lo các công việc như quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính sách y tế, giáo dục, thực thi pháp luật ở địa phương, quyền sở hữu tài sản và quyền dân sự, quản lý tư pháp, tổ chức các chương trình phúc lợi v.v. Chính quyền địa phương (chính quyền cấp thành phố – municipal) lo các công việc thuộc về quy hoạch thành phố, phòng cháy chữa cháy, thư viện, ban hành các quy chế địa phương (local by-laws), cấp thoát nước, thu gom rác thải v.v.
Hoạt động xây dựng các đạo luật ở Canada (các đạo luật liên bang) liên quan tới 4 loại chủ thể cơ bản sau: (1) Chính phủ (Nội các) (đứng đầu là Thủ tướng); (2) Hạ viện (308 thành viên được dân chúng bầu đại diện cho cử tri các địa hạt bầu cử với nhiệm kỳ không quá 5 năm); (3) Thượng viện (gồm 105 thành viên được hình thành theo cơ chế bổ nhiệm để đại diện cho các vùng miền của Canada và được phục vụ trong Thượng viện kể từ khi bổ nhiệm cho tới khi nghỉ hưu vào năm 75 tuổi); và (4) Đại diện của nữ hoàng (toàn quyền).
Trong thực tế, các sáng kiến lập pháp (dự thảo luật trình trước Nghị viện) thường đến từ phía Chính phủ (do các Bộ quản lý ngành đề xuất). Đây cũng là các dự luật mà khả năng được Nghị viện chấp thuận, thông qua là cao nhất. Sau khi dự luật được trình trước Nghị viện, mọi dự luật đều phải trải qua quá trình thảo luận, xem xét, đánh giá, thông qua hoặc không thông qua ở cả hai viện là Hạ viện và Thượng viện. Những dự luật được Hạ viện và Thượng viện thông qua sau đó sẽ được chuyển cho đại diện của Nữ hoàng (Toàn quyền) chuẩn thuận và công bố.
4. Pháp điển hóa ở Canada
Canada là một Nhà nước Liên bang. Theo Hiến pháp Canada, các bang có thẩm quyền lập pháp và xét xử độc lập với Nghị viện và Chính phủ, Liên bang giống như ở Hoa Kỳ, Đức hay Ôxtrâylia. Văn bản quy phạm pháp luật thường được xây dựng dưới hình thức các đạo luật ("Statute/Act") được thông qua bởi cơ quan lập pháp và các quy định dưới luật hoặc văn bản hướng dẫn được ban hành bởi Chính phủ hoặc cơ quan hành pháp theo thẩm quyền mà cơ quan lập pháp giao cho.
Ở Canada, không có sự khác biệt nhiều giữa khái niệm hệ thống hóa và pháp điển hóa pháp luật. "Pháp điển hoá" theo nghĩa rộng nhất, chỉ dẫn tới "những quy trình, thủ tục, quy tắc và thực tiễn chi phối việc xây dựng, soạn thảo, hợp nhát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả những văn bản hướng dẫn có liên quan (như nghị định, quyết định, thống tư...) trong một lĩnh vực điều chỉnh nhất định".
Lấy ví dụ bối cảnh ở bang "British Columbia" (B.C) - Canada, kỹ thuật pháp điển hóa được xác định như sau:
- Mục đích là nhằm củng cố luật hiện hành hơn là thay đổi chúng, mặc dù vậy, có thể có một vài thay đổi trong quá trình này;
- Luật có thể được sửa đổi bằng cách bổ sung, hủy bỏ, diễn đạt lại hoặc bãi bỏ một số điều, mục. Việc sửa đổi chỉ thuần túy mang tính kỹ thuật, cập nhật, hiệu đính đôi với một số đạo luật thường được tập hợp chung trong một dự luật sửa đổi các đạo luật hằng năm được Hội đồng lập pháp thống qua mà không cần thảo luận. Khi những sửa đổi có hiệu lực sẽ trở thành một phần của đạo luật cơ bản và mất đi sự tồn tại độc lập. Điều này dẫn đến hệ quả là, nếu luật cơ bản bị bãi bỏ thì những sửa đổi, bổ sung cũng bị bãi bỏ theo;
- Bãi bỏ là quy trình mà theo đó một đạo luật bị bãi bỏ bởi một đạo luật khác. Những điều, mục cụ thể trong đạo luật cũng có thể bị bãi bỏ. Luật giải thích bao gồm những quy tắc về hiệu lực của việc bãi bỏ, theo đó phải đảm bảo rằng, các quyền đã được hưởng theo luật bị bãi bỏ không bị ảnh hưởng một cách bất lợi do việc bị bãi bỏ;
- Hợp nhất và chỉnh lý. Thuật ngữ "hợp nhất" được sử dụng theo hai nghĩa:
+ Trong một số trường hợp nó chỉ dẫn đến các văn bản luật được công bố, trong đó, phần sửa đổi, bổ sung đã được tích hợp vào với luật gốc. Việc hợp nhất như vậy được gọi là "office consolidation" và bản hợp nhất được đưa lên Internet.
+ Trong một số trường hợp nó chỉ dẫn đến sự hợp nhất chính thức - là kết quả của việc chỉnh lý luật hiện hành.
Theo cách tiếp cận này, những luật được sửa đổi sẽ được thay thế bởi Luật sửa đổi các đạo luật đó.
Nói một cách chính xác, pháp điển hóa là sự tập hợp các quy định pháp luật có liên quan đến cùng một vấn đề vào trong một đạo luật hay bộ luật duy nhất. Ở Canada, tính thống nhất, nhất quán và chặt chẽ của pháp luật trong một lĩnh vực điều chỉnh được để cập không chỉ bởi công tác pháp điển hóa mà xa hơn, còn bởi việc chỉnh lý, thống nhất liên tục và sự kỹ lưỡng trong công tác soạn thảo luật, quy định hướng dẫn do các chuyên gia trong Văn phòng của Trưởng Ban Cố vấn lập pháp - người hiểu rất rõ về các quy định pháp luật hiện hành.
5. Lợi ích của việc pháp điển hóa
- Tiện lợi trong việc tìm kiếm và áp dụng pháp luật: Người tra cứu, sử dụng khi tìm kiếm các quy định hiện hành có liên quan đến một lĩnh vực cụ thể chỉ cần truy cập một văn bản pháp luật duy nhất, thay vì phải lần theo rất nhiều văn bản khác nhau cùng các lần sửa đổi, bổ sung của chúng; qua đó, làm giảm chi phí cho xã hội, góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Xuất phát từ quan điểm pháp luật phải là công cụ của mọi người, mọi chủ thể, trong đó có các cơ quan hành chính áp dụng luật, các cá nhân, tô’ chức trong xã hội thực hiện luật, các cơ quan tư pháp căn cứ vào pháp luật để xét xử...; do vậy, pháp điển hóa góp phần đơn giản hóa, minh bạch hóa hệ thống pháp luật, hạn chế tình trạng không hiểu và không biết về pháp luật; đối nghịch lại với một hệ thống pháp luật rườm rà có thể bị lợi dụng để trục lợi. Nói cách khác, pháp điển hóa chính là phương thức cần thiết để góp phần "đưa pháp luật vào cuộc sống" một cách hiệu quả.
- Duy trì tính hệ thống của pháp luật: Pháp điển hóa giúp các cơ quan nhà nước quản lý một cách có hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành; làm đơn giản hóa pháp luật, giảm đáng kể số lượng các văn bản quy phạm pháp luật; làm tăng tính liên kết của hệ thống pháp luật, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn giữa quy định pháp luật thuộc các văn bản khác nhau về cùng một lĩnh vực; từ đó, nâng cao chất lượng của công tác lập pháp.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)