Làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc mức độ, tính chất hành vi vi phạm. 

 

1. Giấy tờ giả là gì?

Giấy tờ giả là những giấy tờ không có giá trị về mặt pháp lý, không được ban hành theo đúng trình tự, điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định như sử dụng chữ ký giả chữ ký của người có thẩm quyền, sử dụng con dấu đóng dấu trên giấy tờ là con dấu giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền. Ở đây, các giấy tờ được làm giả thường là các giấy tờ có gắn với yếu tố cơ quan nhà nước.

Trên thực tế, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà người làm giả giấy tờ cũng cung cấp rất nhiều loại giấy tờ giả: các văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng đại học, bằng cấp ba, bằng cao đẳng, bằng thạc sỹ ...., giấy khám sức khỏe cho người lao động, căn cước công dân/chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, ngay cả Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng được làm giả. Gần đây nhất có thể kể đến đó là làm giả và sử dụng Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 giả.

 

2. Xử phạt hành chính hành vi làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả

Hành vi làm giả giấy tờ là đặc biệt nguy hiểm làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch và giải quyết các thủ tục hành chính. Có thể thấy trên thực tế, hành vi làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả ở trong nhiều lĩnh vực trong đời sống. Và cũng tùy trong từng lĩnh vực mà hậu quả nguy hiểm ở mức độ khác nhau. Ở bài viết này, Luật Minh Khuê sẽ liệt kê một số quy định xử phạt hành chính đối với hành vi làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả điển hình như đối với văn bằng chứng chỉ giáo dục, Căn cước công dân, trong lĩnh vực đất đai, ....

 

Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, làm giả văn bằng, chứng chỉ

Một thực tế hiện nay mà không thể phủ nhận đó là tình trạng làm giả và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả. Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả nhằm mục đích đáp ứng điều kiện tuyển dụng tại các đơn vị, và có cầu thì sẽ có cung.

+ Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp (bằng cao học, đại học, trung cấp, chứng chỉ về trình độ kỹ năng như tin học, ngoại ngữ) mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền là từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

+ Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

 

Xử lý kỷ luật công chức có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả

Theo quy định tại Điều 13, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức là buộc thôi việc.

 

Sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai

Trong lĩnh vực đất đai, không chỉ trong thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước mà trong giao dịch dân sự cũng tồn tại nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa về mặt giấy tờ để đạt được mục đích. Hành vi sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng (khoản 3 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP), đồng thời sẽ bị tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng, hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện.

 

Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân giả, Làm giả Giấy chứng minh nhân dân

Trên thực tế hành vi sử dụng Chứng minh nhân dân giả để thực hiện hành vi lừa đảo trong giao dịch dân sự, giao dịch với cơ quan nhà nước, ngân hàng không hề thiếu. Những tin tức trên các trang báo cũng đã cập nhật và đưa tin rất nhiều. Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân là Giấy tờ được cấp bởi Cơ quan công an mà đối tượng làm giả vẫn có thể làm giả được thì thật sự không thể đánh giá được mức độ tinh vi của hành vi vi phạm này. 

+ Hành vi "làm giả Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân" chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vi phạm đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

+ Hành vi "Sử dụng Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân giả" chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

 

3. Xử lý hình sự hành vi làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả

Trong các quy định về xử phạt hành chính hành vi sử dụng  giấy tờ giả, làm giả giấy tờ luôn có cụm từ "mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Vậy ở mức độ nào thì hành vi làm giả giấy tờ và sử dụng giấy tờ giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Về vấn đề này, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rất cụ thể tại Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà khung hình phạt áp dụng sẽ khách nhau. Cụ thể:

+ Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Anh B đã có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 02 năm; Trường hợp Anh B thực hiện hành vi phạm tội này có tổ chức/phạm tội 02 lần trở lên/làm từ 02-05 con dấu, tài liệu, giấy tờ khác/thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp Anh B làm giả từ 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên/ thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Bên cạnh đó, anh B còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

+ Đối với hành vi sử dụng con dấu/tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: Chị T thực hiện hành vi sử dụng con dấu, tài liệu/giấy tờ giả cỏa cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Trường hợp chị T phạm tội có tổ chức/phạm tội 02 lần trở lên/sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng/thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp chị T sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng/thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm. Và chị T cũng có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trên đây là chia sẻ về nội dung "Sử dụng giấy tờ giả, làm giả giấy tờ có bị phạt không", hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quy định pháp luật về vấn đề này. Thực tế hành vi sử dụng giấy tờ giả, làm giả giấy tờ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi không thể đề cập được chi tiết cụ thể trong bài viết. Nếu bạn đọc có vướng mắc nào khác về hành vi làm giả giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả cần giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 19006162 để được tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!