1. Quy định chung về hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác là sự thảo thuận giữa các bên về việc góp vốn để thực hiện một số công việc nhằm cùng hưởng lợi nhuận và sẻ chia rủi ro. Việc giao kết hợp đồng hợp tác giữa các chủ thể sẽ tạo thành một tổ chức gọi là tổ hợp tác.

 Quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác:

- Tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác là tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo và phải bồi thường thiệt hại.

- Tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có sự định đoạt và thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Các thành viên hợp tác không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận. Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.

Quy định về quyền và nghĩa vụ thành viên hợp tác:

-  Các thành  viên hợp tác được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

- Các thành viên hợp tác được tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

-  Các thành viên hợp tác phải bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

-  Các thành viên hợp tác phải thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

Quy định về xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của tổ hợp tác:

- Nếu các thành viên hợp tác cử người đại diện thì người này là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

-  Nếu các thành viên hợp tác không cử ra người đại diện thì các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Giao dịch dân sự do các thành viên hợp tác thực hiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của tất cả thành viên hợp tác.

 

2. Khi nào được rút lại khoản tiền đã hợp tác đầu tư

Rút khỏi hợp đồng hợp tác là hành vi của thành viên hợp tác sau khi đã giao kết hợp đồng hợp tác nhưng không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, thì có thể rút vốn và không tiếp tục thực hiện công việc hợp tác nữa. Khi một chủ thể rút khỏi hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của chủ thể đó với nhóm hợp tác chấm dứt, các thành viên còn lại tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng như bình thường.

Việc rút khỏi hợp đồng hợp đồng hợp tác sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của các thành viên còn lại. Do đó, việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thể thực hiện tự do mà phải thực hiện theo nguyên tắc chung của pháp luật.Căn cứ theo quy định tại Điều 510 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên hợp tác như sau: 

- Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:

+ Rút khỏi hợp đồng hợp tác theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác;

Khi thỏa thuận xác lập hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về điều kiện dẫn đến việc rút khỏi hợp đồng. Thỏa thuận đó phải được ghi nhận trong hợp đồng bởi hợp đồng hợp tác bắt buộc phải lập thành văn bản. Đây là những điều kiện các bên đã dự liệu trước từ thời điểm đàm phán, giao kết hợp đồng, vậy nên, khi chủ thể gặp các điều kiện đó thì có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác.

+ Rút khỏi hợp đồng hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

Lý do chính đáng là một vấn đề mang tính chất tương đối và được xác định trong từng trường hợp cụ thể. Theo đó, một số lý do chính đáng có thể công nhận như: vấn đề về sức khỏe, thay đổi nơi cư trú khiến cho việc hợp tác không thể tiếp tục thực hiện, hay lầm vào tình trạng phá sản,…Có thể nhận thấy, lý do chính đáng là pháp luật quy định phải là lý do mà có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia, thực hiện công việc hợp tác của chủ thể đó.

Tuy nhiên, chỉ có lý do chính đáng thôi chưa đủ để thành viên đó được rút khỏi hợp đồng, mà còn cần có sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên còn lại. Sự đồng ý của các thành viên được xem như là cơ sở xác nhận lý do mà thành viên muốn rút là hợp lý và có thật. Bởi, lý do mà chủ thể đưa ra có thể không đủ quan trọng, hoặc quan trọng nhưng trên thực tế không hề xảy ra chuyện đó. Vì vậy, các thành viên còn lại có thể xem xét và quyết định đồng ý hay không. Việc bắt buộc 100% các thành viên còn lại đồng ý là điều khó khăn cho thành viên muốn rút khỏi hợp đồng, thế nên, chỉ cần hơn một nửa thành viên còn lại đồng ý thì yêu cầu rút khỏi hợp đồng sẽ có hiệu lực.

- Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Nếu việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.

- Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thuộc trường hợp được nêu trên thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và luật khác có liên quan.

 

3. Làm thế nào để rút tiền hợp tác khi bên hợp tác không thể thỏa thuận được

Rút khỏi hợp đồng tức không tiếp tục thực hiện công việc hợp tác cũng như không tiếp tục hưởng lợi ích từ hợp đồng hợp tác nữa. Chủ thể rút khỏi hợp đồng cũng chấm dứt tư cách thành viên của nhóm hợp tác, chấm dứt quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Do đó, thành viên rút có quyền yêu cầu nhận lại tài sản góp ban đầu và quyền được yêu cầu phân chia tài sản trong khối tài sản chung. Tài sản góp của các thành viên được sử dụng vào mục đích thực hiện công việc hợp tác đem lại lợi ích chung, khi thành viên đã rút khỏi hợp đồng thì phần tài sản của họ trong khối tài sản chung phải được trả lại cho họ. Bởi họ không còn quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến hợp đồng hợp tác nữa. 

Trường hợp thứ nhất, nếu hợp đồng giữa các bên là hợp đồng hợp tác đầu tư thì việc rút vốn đầu tư sẽ được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng, nếu các bên không có thoả thuận trước về việc rút vốn thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nếu các bên thoả thuận là khi một trong hai người rút vốn, người còn lại phải chịu trách nhiệm trả lại khoản vốn đầu tư thì bạn phải trả lại khoản tiền vốn đó, hoặc nếu có thoả thuận khác thì thực hiện theo thoả thuận đó. Nếu các bên không có thoả thuận về vấn đề rút vốn thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, phụ thuộc vào loại hình kinh doanh.

Trường hợp thứ hai, nếu hợp đồng giữa các bên là hợp đồng vay vốn thì bên vay phải trả lại khoản vốn đó kèm theo lãi suất (nếu có thoả thuận về lãi suất lớn hơn 0% hoặc không có thoả thuận về lãi suất) và lãi suất trả chậm (nếu hợp đồng vay vốn có thoả thuận thời hạn vay và bạn vi phạm thời hạn đó).

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Hợp đồng hợp tác đầu tư là gì? Mẫu hợp đồng hợp tác đầu tư của Luật Minh Khuê.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Làm thế nào để rút tiền hợp tác khi bên hợp tác không thể thỏa thuận được mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!