1. Hình thức hợp tác kinh doanh có phải lừa đảo không?

Hiện nay nhu cầu kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức rất cao nhưng không phải mỗi chủ thể, cá nhân, tổ chức đều có thể tự mình thực hiện kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do thiếu nguồn vốn, cơ sở vật chất, điều kiện, năng lực, kinh nghiệm, ... do đó các chủ thể có các điều kiện có thể hỗ trợ nhau bằng hình thức hợp tác kinh doanh. Hình thức hợp tác kinh doanh chính vì thế hiện nay không phải mới, xuất hiện rất nhiều trong các hoạt động kinh doanh của xã hội.

Hợp tác kinh doanh có thể được thể hiện hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 504 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hình thức hợp tác kinh doanh cũng là một dạng tương tự của hợp đồng hợp tác khi đó các bên tham gia hợp tác cam kết đóng góp tài sản, công sức để thực hiện kinh doanh sau đó sẽ cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm với các vấn đề phát sinh.

Theo quy định thì hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ phải được lập thành văn bản và có nội dung chủ yếu sau đây:

- Mục đích, thời hạn hợp tác;

- Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

- Tài sản đóng góp, nếu có;

- Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

- Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; 

- Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

- Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;

- Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

- Điều kiện chấm dứt hợp tác.

Hợp tác kinh doanh là một hình thức hợp tác được pháp luật cho phép thực hiện nhưng để hợp tác kinh doanh có giá trị pháp lý thì các bên phải có đầy đủ các điều kiện để hợp đồng hợp tác kinh doanh có hiệu lực như các bên phải đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện, có các điều kiện hợp tác như các bên đã cam kết, ...

Như vậy hình thức hợp tác kinh doanh là một trong các dạng hình thức kinh tế bình thường, được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nếu lợi dụng hợp tác kinh doanh để lừa đảo thì đây là hành vi vi phạm pháp luật núp bóng hình thức hợp tác kinh doanh. Khẳng định hợp tác kinh doanh có phải là hành vi lừa đảo không thì còn phải xem đối tượng và quá trình thực hiện của các bên có căn cứ chứng minh là hành vi lừa đảo không chứ không đơn thuần chỉ dựa vào hình thức mà có thể khẳng định hợp tác kinh doanh đều là lừa đảo.

2. Rủ hợp tác kinh doanh lừa lấy 8,5 tỷ thì bị tội gì?

Để xác định được hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi lừa lấy 8,5 tỷ bị phạm tội gì thì trước hết phải xem xét các yếu tố hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi lừa lấy tiền đó có đủ yếu tố cấu thành một trong các tội danh được quy định trong bộ luật hình sự hay không.

Vì thông tin không đầy đủ thế nên chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp có thể xảy ra rồi sẽ phân tích theo hướng đó.

- Trường hợp 1: Nếu người có hành vi rủ hợp tác kinh doanh nhưng mục đích chính thì không phải để kinh doanh mà chỉ lợi dụng dùng thủ đoạn nêu ra mong muốn hợp tác kinh doanh, đây là thông tin, thủ đoạn gian dối để có thể thuyết phục những người khác tin vào việc sẽ hợp tác kinh doanh. Sau khi người phạm tội đã nhận được tiền thì chiếm đoạt luôn số tiền không trả lại và cũng không có kinh doanh theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh ban đầu của các bên.

Trong trường hợp này hành vi hợp tác kinh doanh có thể bị xử lý với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu chủ thể thực hiện hành vi này có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì với số tiền chiếm đoạt là 8,5 tỷ thì người thực hiện hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi chiếm đoạt số tiền này của người khác sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) với tình tiết định khung là chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000 đồng trở lên.

- Trường hợp 2: Nếu người đó có hành vi rủ người khác hợp tác kinh doanh sau đó các bên đã thống nhất, thỏa thuận cùng ký với nhau hợp đồng hợp tác kinh doanh. Người có hành vi đó tạo dựng ra các tình huống có thể là làm ăn thua lỗ, gặp khó khăn dẫn đến tài sản đóng góp kinh doanh bị hao hụt hoặc vẫn kinh doanh tuy có lãi nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán lợi nhuận theo đúng cam kết mặc dù có đủ điều kiện. Hoặc cũng có thể dùng luôn số tiền nhận được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản (ví dụ sử dụng tiền nhận được đó đi đánh bạc rồi sau đó thua lỗ hết dẫn đến không còn khả năng để kinh doanh).

Đối với trường hợp này thì người thực hiện hành vi rủ người khác hợp tác kinh doanh có thể bị truy cứu với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và với hành vi chiếm đoạt 8,5 tỷ đồng thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm (căn cứ theo khoản 4 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) với tình tiết định khung là phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, nếu người có hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi lừa chiếm đoạt 8,5 tỷ có các hành vi khác hoặc đồng phạm khác nếu đủ yếu tố cấu thành các tội danh theo quy định thì sẽ bị truy cứu với các tội danh đó.

3. Cách xử lý khi bị lừa đảo bằng hình thức hợp tác kinh doanh.

Khi nạn nhân được xác định là mình đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (tiền) của mình thông qua thủ đoạn rủ đầu tư, hợp tác kinh doanh chung nếu có đủ cơ sở căn cứ thì nạn nhân có thể đến trình báo trực tiếp hoặc viết đơn trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền.

Nếu có đủ bằng chứng và biết rõ người có hành vi lừa đảo đó nhân thân như thế nào thì có thể tố giác trực tiếp hoặc gửi đơn tố giác đơn cơ quan công an có thẩm quyền để được giải quyết. Còn nếu không xác định được chủ thể có hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi sau đó lừa chiếm đoạt tài sản là ai thì nạn nhân cần ghi nhận các cơ sở, thông tin, dấu hiệu rồi trình báo ngay đến cơ quan công an khu vực gần nhất để giải quyết.

Để có căn cứ cung cấp cho bên công an về hành vi hợp tác kinh doanh rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các nạn nhân phải cung cấp bước đầu cho bên công an về thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác của người phạm tội dẫn đến không còn đủ khả năng trả lại tài sản theo cam kết, thỏa thuận ban đầu. Bởi vì đây là hình thức hợp tác kinh doanh nên sẽ theo nguyên tắc "hài hòa lợi nhuận, chia sẻ rủi ro", chính vì thế nếu không có căn cứ thì sẽ không thể xử lý hình sự người có hành vi này được.

Cũng cần phải lưu ý như chúng tôi đã phân tích ở trên thì để hành vi rủ hợp tác kinh doanh rồi lừa lấy tài sản này bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có đủ căn cứ, yếu tố cấu thành tội phạm thì mới xử lý theo hướng hình sự được. Còn nếu không đủ căn cứ cấu thành tội phạm hoặc có tranh chấp về hợp đồng hợp tác kinh doanh thì cá nhân có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi người rủ mình hợp tác kinh doanh cư trú hoặc nếu không biết nơi cư trú của họ thì có thể gửi trực tiếp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi mình sinh sống.

Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết có cùng chủ đề tại địa chỉ sau: Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất năm 2023.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 hoặc địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!