1. Lương ngừng việc là gì?

Lương ngừng việc là tiền lương trả cho người lao động khi họ không làm việc mà không do lỗi của họ, theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận.

 

2. Các trường hợp ngừng việc:

Điều 99. Tiền lương ngừng việc (Bộ luật Lao động năm 2019)

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật người lao động sẽ được trả lương ngừng việc khi xảy ra một trong ba nguyên nhân sau đây

- Do lỗi của người sử dụng lao động

- Do lỗi của người lao động

- Khi nguyên nhân ngừng việc là do sự kiện bất khả kháng như sự cố điện nước, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…

 

3. Những trường hợp ngừng việc mà người lao động nhận được lương

Không phải trong tất cả các trường hợp người lao động cũng nhận được tiền lương ngừng việc mà phụ thuộc vào yếu tố lỗi do phía bên người lao động hay người sử dụng lao động hay lý do khách quan.

Thứ nhất, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải ngừng việc thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả người lao động tiền lương theo đúng hợp đồng lao động.

Thứ hai, nếu lỗi do phía người lao động thì đương nhiên người lao động đó sẽ không được trả lương. Trong trường hợp, do lỗi của người lao động khiến những người lao động khác trong cùng nơi làm việc thì những người lao động còn lai trong nơi làm việc đó sẽ được trả lương theo thỏa thuận của hai bên với điều kiện không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Thứ ba, lỗi do yếu tố khách quan không thuộc về doanh nghiệp và người lao động: Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, chỉ trong trường hợp do bên người sử dụng lao động hoặc do lý do khách quan thì người lao động mới có thể nhận lương ngừng việc.

 

4. Cách xác định tiền lương chi trả cho người lao động ngừng việc

Tiền lương ngừng việc = số ngày ngừng việc* tiền lương

Trong đó: tiền lương làm căn cứ tính tiền lương ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động ngừng việc.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp áp dụng từ ngày 01/01/2020 có quy định cụ thể như sau:

"Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này."

Tùy vào khu vưc nơi làm việc mà mức lương tối thiểu vùng sẽ khác nhau dẫn tới mức lương ngừng việc cũng có sự chênh lệch nhất định.

 

5. Một số các quy định khác của pháp luật liên quan đến lương ngừng việc

Căn cứ theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:

“3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.”

Như vậy, đối với trường hợp người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm một công việc khác với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động cần phải thực hiện một số biện pháp nhất định để đền bù cho người lao động, tránh việc người lao động chịu thiệt thòi. Nếu trong trường hợp, người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì người sử dụng lao động bắt buộc phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luât. Đây có thể coi là một sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Mặt khác, khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động quy định:

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.

b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.”

Có thể thấy, đối với trường hợp người sử dụng lao động ngưng việc với người lao động do lỗi của bên người sử dụng hay do yếu tố khách quan thì thời gian ngừng việc được tính trong thời gian làm việc của người lao động.

 

6. Thực tế lương ngừng việc đươc trả nếu bị ngừng việc do dịch Covid 19

Tiền lương ngừng việc của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong các trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như sau:

- Đối với người lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Đối với người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Đối với người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động có thể cho người lao động thôi việc và phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)