Mục lục bài viết
1. Bị xóa đăng ký thường trú, làm thẻ căn cước công dân như thế nào?
Thẻ CCCD là loại giấy tờ tùy thân trên đó ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân. Vì vậy, để được cấp thẻ CCCD, người dân cần phải có nơi đăng ký thường trú. Trường hợp đã bị xóa đăng ký thường trú, người dân cần phải đăng ký thường trú trở lại để được giải quyết cấp CCCD.
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 55/2021/TT- BCA của Bộ Công an, người dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú cũ để xin cấp giấy xác nhận về việc trước đây công dân đã đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; giấy tờ, tài liệu chứng minh trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có). Trong thời hạn ba ngày làm việc, công an phải xác nhận và trả kết quả cho người dân. Trường hợp không xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: họ và tên, tên gọi khác (nếu có), ngày - tháng - năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, tôn giáo, số CMND, nơi thường trú, ngày - tháng - năm đăng ký thường trú, ngày - tháng - năm xóa đăng ký thường trú. Khi có giấy xác nhận này người dân sẽ đi làm thủ tục nhập hộ khẩu, sau đó làm CCCD.
Trường hợp người dân sinh sống ở Hà Nội, TP.HCM hoặc địa phương khác đã bị công an địa phương nơi thường trú xóa hộ khẩu và mất CMND cũng được giải quyết tương tự. Riêng trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam (người nước ngoài, người không quốc tịch…) kéo theo không có các giấy tờ hộ tịch, nhân thân (khai sinh, hộ khẩu, CMND…) thì không có cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết cấp CMND/CCCD theo quy định pháp luật Việt Nam.
2. Mất sổ hộ khẩu có làm được thẻ căn cước công dân gắn chíp?
Ngày 13/1/2020, Quốc hội ban hành Luật Cư trú 2020; Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú quy định như sau:
- Kể từ ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cư trú 2020 cho đến hết ngày 31/12/2022
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014, hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 59/2021/TT - BCA hướng dẫn thủ tục cấp thẻ CCCD như sau:
- Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân (trực tuyến hoặc trực tiếp);
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân;
Như vậy, người đã có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã từng được cấp CCCD mã vạch hoặc đã được thu thập thông tin để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) mà mất hộ khẩu vẫn làm CCCD bình thường.
Khi nộp Tờ khai, cán bộ tiếp nhận sẽ đối chiếu các thông tin tại tờ khai và Cơ sở dữ liệu để xác định người cần cấp thẻ. Khi các thông tin tại tờ khai và Cơ sở dữ liệu đầy đủ, trùng khớp và chính xác thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD mà không cần đến Sổ hộ khẩu do sổ hộ khẩu hiện nay đã hết giá trị sử dụng.
3. Rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chíp có được không?
Rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương và là một trong những tiện ích được người dân vô cùng mong đợi. Trước đó, căn cước công dân đã được tích hợp thay thế cho nhiều loại giấy tờ như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế và ngày càng được tích hợp thêm nhiều tiện ích ở mức cao hơn.
Hiện nay việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để thực hiện các giao dịch rút tiền tại khu vực giao dịch tự động (máy ATM) đã được triển khai tại một số ngân hàng. Theo đó, để thực hiện rút tiền từ tài khoản ngân hàng sử dụng CCCD gắn chip cần thực hiện theo các bước hướng dẫn như sau:
Bước 1: Lựa chọn chức năng rút tiền không dùng thẻ tại màn hình của máy ATM. tiếp tục chọn rút tiền bằng CCCD gắn chíp.
Bước 2: Đưa thẻ CCCD gắn chip (mặt sau nơi có gắn chip) vào vị trí đầu đọc trên thiết bị của máy ATM. Đồng thời, nhìn trực tiếp vào camera để được tự động nhận diện khuôn mặt, sau đó nhấn "tiếp tục" để xác nhận thực hiện thao tác.
Bước 3: Xác thực thông tin thẻ CCCD gắn chip.
Hiện nay các máy ATM có hỗ trợ rút tiền sử dụng CCCD sẽ tự động kiểm tra, phân tích và đối chiếu dữ liệu sinh trắc trên CCCD gắn chip với thông tin đã được lưu trữ tại hệ thống ngân hàng. Thới gian xác thực thông tin khách hàng mất từ 6 - 8 giây. Khi dữ liệu đã trùng khớp, có thể thực hiện rút tiền bằng 1 trong 2 cách sau:
Cách 1: Nhập mật khẩu/ mã PIN để xác nhận thông tin.
Cách 2: Sử dụng chức năng quét sinh trắc học vân tay hoặc khuôn mặt.
Sau đó có thể rút tiền như bình thường giống như sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng.
Bước 4: Chọn số tiền cần rút được hiển thị trên màn hình máy ATM hoặc lựa chọn số tiền cần rút khác bằng cách nhấn “Nhập vào số khác”.
Bước 5: Máy ATM trả tiền và biên lai (nếu cần) và kết thúc phiên giao dịch. Bạn nhận lại thẻ CCCD gắn chíp của mình và số tiền đã giao dịch.
Như vậy, bằng việc ứng dụng công nghệ xác thực thông tin khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học đã được kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong giao dịch ngân hàng sẽ giúp người dân giảm thiểu được các rủ ro giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn thông tin giao dịch tài chính.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp người dân mới chuyển đổi từ CMND sang CCCD gắn chip nhưng chưa thực hiện cập nhật, thay đổi thông tin cá nhân tại ngân hàng, vẫn có thể sử dụng được dịch vụ rút tiền sử dụng CCCD tại ATM nhờ tính năng truy xuất dữ liệu ngay trên chip của thẻ CCCD.
4. Căn cước công dân có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Quy định nêu trên cho thấy, căn cước công dân dù là mã vạch hay gắn chip đều có thời hạn sử dụng đến khi người được cấp đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Nhưng nếu đã được cấp trong 02 năm trước các mốc tuổi này, thì vẫn được sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu người dân đi làm CCCD năm 2024 (khi đang 24 tuổi); thì thẻ căn cước có giá trị sử dụng đến 10/05/2040 (khi đủ 40 tuổi).
Trước đây, Chứng minh nhân dân được quy định có thời hạn sử dụng chỉ trong vòng 15 năm, kể từ ngày cấp mà không phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Làm thẻ căn cước công dân gắn chíp ở tỉnh khác có được không? của Luật Minh Khuê.
Quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!