1. Hiểu về Căn cước công dân gắn chip:

Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định cụ thể về căn cước công dân như sau: " Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này."

Theo đó, CCCD có gắn chip là CCCD nhưng được gắn thêm một mã QR nằm ở trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau của thẻ. Hai thành phần này giúp thẻ CCCD có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số CMTND cũ,... mã hóa dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quên quán,...

Như vậy, CCCD có gắn chip chính là thẻ CCCD phiên bản tối ưu hơn, hiện đại hơn nhiều với các lợi ích vượt trội, tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Chính phủ.

 

2. Lợi ích khi đổi sang căn cước công dân gắn chip?

 Lưu giữ được nhiều thông tin: 

- Để biết CCCD gắn chip để làm gì thì chắc chắn không thể không tìm hiểu về công dụng của con chip điện tử nhìn thấy ở mặt sau của thẻ.

- Con chip ở mặt sau là con chip điện tử có kích thước nhỏ giống như con chip trên thẻ ATM. Con chip này có khả năng chứa dữ liệu lớn, lưu giữ được rất nhiều thông tin về nhân thân như: họ tên, quê quán, địa chỉ thường trú, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng,...

Xác thực được số chứng minh nhân dân cũ:

- Ở mặt trước của thẻ CCCD sẽ có một mã QR, khi quét mã này, các thông tin cơ bản của thẻ CCCD như số CCCD, số CMND cũ, họ tên, địa chỉ,... sẽ hiện ra.

- Nhờ có mã QR trên thẻ CCCD gắn chip mà người dân khi đi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ không cần cầm theo Giấy xác nhận số CMND cũ.

- Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các chức năng quét mã QR để kiểm tra thông tin nhân thân, số CMND của công dân trên CCCD và lấy đó làm căn cứ giải quyết thủ tục.

Thông tin bảo mật cao:

- Mặc dù con chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin quan trọng. Tuy nhiên chỉ các cá nhân, cơ quan được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng mới có thể trích xuất thông tin từ con chip này. Vì vậy, người dân có thể yên tâm nếu như không may bị mất CCCD gắn chip, người nhận được cũng không thể đọc được các thông tin trong con chip của thẻ CCCD.

Tích hợp, thay thế được nhiều loại giấy tờ quan trọng: 

Thẻ CCCD gắn chip được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Tích hợp căn cước công dân với các giấy tờ cá nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Một số giấy tờ quan trọng được tập trung triển khai đầu tiên là: thẻ BHYT, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ công chức viên chức,...

Nhờ việc tích hợp nhiều thông tin và giấy tờ lên thẻ CCCD gắn chip, việc thực hiện thủ tục hành chính sẽ trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để tham gia nhiều giao dịch.

Xem thêm: Mẫu tờ khai căn cước công dân mới nhất 

 

3. Những giấy tờ cần sửa đổi khi chuyển sang căn cước công dân gắn chip

Như đã đề cập ở trên, thẻ CCCD có mối liên hệ mật thiết với nhiều loại giấy tờ nhân thân khác. Chính vì vậy, khi chuyển sang CCCD gắn chip, người dân cũng cần sửa đổi, điều chỉnh thông tin của các giấy tờ. Dưới đây, Luật Minh Khuê sẽ liệt kê các giấy tờ cần sửa đổi, cụ thể như sau

 

3.1. Hộ chiếu

Do trên hộ chiếu có thể hiện thông tin số CMND/CCCD nên với trường hợp đổi từ CMND 9 số qua CCCD 12 số thì công dân cần làm thủ tục đề nghị sửa chi tiết trang nhân thân trong hộ chiếu.

Việc thực hiện thay đổi nhằm thống nhất thông tin của hộ chiếu và thông tin CCCD gắn chip mới được cấp phòng trường hợp hải quan cửa khẩu một số nước yêu cầu xuất trình thêm CCCD mà thông tin không trùng khớp giữa 2 loại giấy tờ này khiến công dân khó có thể xuất hay nhập cảnh. 

Hồ sơ, thủ tục sửa đổi hộ chiếu như sau:

- Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm;

- CCCD gắn chip mới được cấp;

- Giấy xác nhận số CMND cũ đã được cấp trước đó;

- Sổ tạm trú đối với trường hợp đề nghị đổi tại nơi đăng ký tạm trú.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú hoặc Cục Quản lý nhập cảnh, Bộ Công an.

 

3.2. Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng

Khi thực hiện các giao dịch tại quầy của ngân hàng mà cần xuất trình CMND/CCCD thì nếu công dân chưa thực hiện các thủ tục cập nhật số CCCD mới thay cho số CMND cũ và hồ sơ thông tin tài khoản thì ngân hàng sẽ từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.

Để cập nhật thông tin, công dân mang theo Giấy xác nhận số CMND 9 số, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục.

Ngoài ra, với những người đang sử dụng số CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi qua CCCD gắn chip thì không cần thực hiện thủ tục đổi, cập nhật nêu trên do việc đổi CCCD gắn chip không làm thay đổi số định danh của cá nhân (Trừ trường hợp trước đó có đổi từ CMND 9 số qua CMND 12 số/CCCD mã vạch mà hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).

 

3.3. Thay đổi thông tin đăng ký thuế

Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý thuế thì cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, khi có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế (ví dụ: thay đổi về số CMND/CCCD,...) phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Người lao động có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế. Người lao động có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi. 

 

3.4. Giấy tờ nhà đất: sổ đỏ, sổ hồng

Thông tư số 24/2014/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ) có quy định về việc ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận.

Giấy chứng nhận bao gồm: cá nhân trong nước thì ghi "Ông/Bà", sau đó ghi họ tên, năm sinh, giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.

Giấy tờ nhân thân là giấy CMND thì ghi "CMND số......", trường hợp thẻ CCCD thì ghi "CCCD số....." , trường hợp chưa có giấy CMND hoặc thẻ CCCD thì ghi "giấy khai sinh số......."

Như vậy, thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền quyền sửu dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Việc thay đổi CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro trong giao dịch sau này (nếu có) nên cân nhắc thay đổi cho khớp với số trên thẻ CCCD gắn chip.

 

3.5. Sổ Bảo hiểm y tế, sổ Bảo hiểm xã hội

Sổ BHXH, thẻ BHYT của công dân không thể hiện trực tiếp số CMND/CCCD trên sổ, thẻ nên công dân không phải thực hiện thủ tục đổi số BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD 12 số. 

Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng của thẻ BHYT... thì công dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, BHYT.

Hiện nay, trong số gần 65 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được in và trả cho người dân, Bộ công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT lên CCCD nhằm phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh được thuận tiện. 

Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề Những loại giấy tờ cần sửa đổi khi chuyển sang căn cước công dân gắn chip mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm bài viết về chủ đề Căn cước công dân gắn chip tích hợp những gì? Có lợi gì? của Luật Minh Khuê. Còn bất kỳ vướng mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline tư vấn pháp luật: 1900.6162 hoặc qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và báo giá chi tiết. Trân trọng./.