1. Khái niệm thu hồi đất, bồi thường, tái định cư

1.1 Khái niệm thu hồi

Nếu như giao đất, cho thuê đất là cơ sở để làm phát sinh quan hệ pháp luật đất đai, phát sinh QSDĐ của người sử dụng thì thu hồi đất có hậu quả pháp lý hoàn toàn ngược lại, đó là chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai, chấm dứt QSDĐ của người sử dụng, bằng một quyết định hành chính của CQNN có thẩm quyền. Hậu quả pháp lý của việc thu hồi đất có liên quan đến quyền lợi của Nhà nước, các chủ đầu tư và người bị thu hồi đất. Vì vậy, khi tiến hành thu hồi đất, Nhà nước cần phải quan tâm đến lợi ích của xã hội cũng như quyền lợi của người sử dụng đất. Với ý nghĩa là một nội dung của quản lý nhà nước đối với đất đai, vai trò và sự can thiệp của Nhà nước đối với việc thu hồi đất cần phải dựa trên những căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của chủ đầu tư.

 

1.2 Khái niệm bồi thường

Bồi thường thiệt hại hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vỉ gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

 

1.3 Khái niệm tái định cư

Tái định cư là chính sách giúp ổn định cuộc sống, bồi thường thiết hại với các chủ sở hữu nhà, đất, tài sản gắn liền với đất bị nhà nước thu hồi theo quy định. Hình thức bồi thường có thể là nhà xây sẵn, nhà tái định cư, chung cư...

 

2. Ưu điểm trong các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Nội dung các quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước THĐ (sau đây gọi là các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng - GPMB) nhìn dưới góc độ công khai, minh bạch cho thấy, lĩnh vực pháp luật này đang có những ưu điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, nội dung các quy định về bồi thường, GPMB đã thể hiện tương đối rõ nét tính cụ thể, rõ ràng, rành mạch:

- Luật Đất đai năm 2003 (LĐĐ 2003) quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước THĐ do lỗi của người SDĐ gây ra hoặc những trường hợp THĐ vì lý do đương nhiên như đất giao sử dụng có thời hạn mà không được Nhà nước gia hạn khi hết thời hạn SDĐ; người SDĐ chết mà không có người thừa kế tiếp tục SDĐ… tại Điều 38 và những trường hợp THĐ vì lý do khách quan, đó là trường hợp Nhà nước THĐ vì mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế tại Điều 39. Trên cơ sở đó, Nhà nước thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC không giống nhau đối với các trường hợp THĐ: (i) trường hợp THĐ sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế thì người bị THĐ được Nhà nước bồi thường về đất và bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi. Đối với trường hợp thu hồi đất ở (THĐƠ), người bị THĐ ngoài việc được Nhà nước bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi còn được hưởng chính sách TĐC. Trường hợp THĐ nông nghiệp của người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để giao cho họ tiếp tục sản xuất, người bị THĐ nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất và tài sản trên đất còn được Nhà nước hỗ trợ trong việc ổn định cuộc sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; (ii) trường hợp THĐ do lỗi của người SDĐ gây ra thì người bị THĐ không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi.

- LĐĐ 2003 quy định cụ thể thời hạn thông báo cho người bị THĐ biết về quyết định THĐ nhằm tạo điều kiện để họ chủ động trong việc thu hoạch mùa màng, thu dọn đồ đạc, di chuyển chỗ ở để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư “trước khi THĐ, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền phải thông báo cho người bị THĐ biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, GPMB, TĐC” (khoản 2 Điều 39).

- LĐĐ 2003 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước THĐ để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế và các trường hợp SDĐ vào mục đích sản xuất - kinh doanh, chủ dự án phải thỏa thuận với người SDĐ về việc nhận chuyển nhượng quyền SDĐ: “1. Nhà nước thực hiện việc THĐ để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ …; 2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch SDĐ đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền SDĐ, nhận góp vốn bằng quyền SDĐ của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục THĐ” (Điều 40).

- LĐĐ 2003 quy định cụ thể chức năng quản lý quỹ đất thu hồi đã thực hiện bồi thường, GPMB nhưng chưa có dự án đầu tư; cụ thể: “1. Nhà nước quyết định THĐ và giao đất cho tổ chức phát triển quỹ đất do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập để thực hiện việc THĐ, bồi thường, GPMB và trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi sau khi quy hoạch, kế hoạch SDĐ được công bố mà chưa có dự án đầu tư” (Điều 41). Đối với đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn được giao cho UBND xã quản lý. Việc quy định minh bạch vấn đề này góp phần vào việc tạo lập quỹ đất “sạch” nhằm đáp ứng nhu cầu SDĐ của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

- LĐĐ 2003 quy định cụ thể điều kiện được bồi thường khi Nhà nước THĐ tại khoản 1 Điều 42. Điều này góp phần làm giảm những tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết xung quanh việc bồi thường khi Nhà nước THĐ.

- LĐĐ 2003 quy định rõ nguyên tắc: “Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền SDĐ tại thời điểm có quyết định thu hồi” (khoản 2 Điều 42). Quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng người bị THĐ đòi hỏi giá bồi thường quá cao do giá trị của đất đai tăng lên từ việc chuyển mục đích SDĐ hoặc do sự đầu tư của Nhà nước mang lại.

- Pháp luật đất đai hiện hành quy định rõ ràng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập và thực hiện các dự án TĐC trước khi THĐ để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị THĐƠ mà phải di chuyển chỗ ở. Khu TĐC được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ (khoản 3 Điều 42 LĐĐ 2003).

Thứ hai, các quy định hiện hành về bồi thường, GPMB được công bố rộng rãi cho mọi người dân biết thông qua những hình thức như: (i) công bố toàn văn nội dung LĐĐ 2003 trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình; trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh v.v..; (ii) tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về LĐĐ 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành; (iii) tổ chức các cuộc thi tìm hiểu LĐĐ 2003, phát tờ rơi tuyên truyền về nội dung những chế định cụ thể của LĐĐ 2003 v.v..; (iv) lồng ghép việc công bố các quy định về bồi thường, GPMB khi Nhà nước THĐ vào công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý, công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai, v.v.. đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu.

Thứ ba, các quy định về bồi thường, GPMB của LĐĐ 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã dự liệu tương đối toàn diện các trường hợp phát sinh từ việc Nhà nước THĐ gây ra. Điều này thể hiện, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể các trường hợp bồi thường về đất và bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất; những trường hợp không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất và các trường hợp THĐ không được bồi thường cũng như những quy định về TĐC, hỗ trợ ổn định cuộc sống và đào tạo chuyển đổi nghề cho người nông dân bị THĐ nông nghiệp không có đất để sản xuất, v.v..

 

3. Mục đích của minh bạch, công khai hoá trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư:

(1) Công khai trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là việc CQNN có thẩm quyền công bố rộng rãi cho người sử dụng đất biết về lý do, thời gian, kế hoạch di chuyển, quyết định thu hồi đất, giá đất được xác định làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trên cơ sở đó, người bị thu hồi đất so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giám sát việc áp dụng pháp luật của CQNN.

(2) Minh bạch trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là việc CQNN công bố chính xác, trung thực, rõ ràng, đúng pháp luật về các nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan trực tiếp đến lợi ích của người bị thu hồi đất, bao gồm: lý do, thời gian, kế hoạch di chuyển, quyết định thu hồi đất, giá đất được xác định làm căn cứ để tính bồi thường, trình tự, thủ tục thực hiện và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

 

4. Ý nghĩa của minh bạch, công khai hoá trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư:

(1) Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai:

Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, do đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần được tiến hành 1 cách công khai, minh bạch nhằm thực hiện đúng mục đích mà Nhà nước đề ra. Đồng thời, khi thực hiện vai trò quản lý, Nhà nước cần có nguồn thông tin chính xác, khách quan, sát với thực tế để đánh giá được hoạt động thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đưa ra chính sách phù hợp. Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đòi hỏi Nhà nước không thể khép kín phạm vi hoạt động của mình trong nội bộ mà phải mở rộng phạm vi thông tin đến các đối tượng có liên quan chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các chính sách. Nhờ có sự đồng thuận của người dân mà việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án sẽ được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

(2) Tạo điều kiện để người dân, cộng đồng dân cư tham gia vào các quyết định của Nhà nước, quản lý đất đai và giám sát việc thực thi pháp luật:

Yêu cầu minh bạch, công khai, dân chủ trong việc xây dựng và thực thi pháp luật của Việt Nam không phải chỉ xuất phát từ nhu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn nhằm đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người dân, đặc biệt trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

(3) Ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả nguy cơ hối lộ, tham nhũng:

Chế độ sở hữu về đất đai của Việt Nam là sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Theo đó, sẽ có những chủ thể có thẩm quyền ra các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, bao gồm quyết định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc thực hiện công vụ này nếu không được tiến hành một cách công khai, minh bạch thì có thể tạo ra cơ hội để chủ thể có thẩm quyền vụ lợi, tham nhũng. Vì vậy, một trong những lý do nổi bật nhất để đặt ra vấn đề công khai, minh bạch là nhằm góp phần kiểm soát tham nhũng, đặc biệt là trong việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

>> Tham khảo: Trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất