Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

1. Cơ sở pháp lý:

- Hiến pháp năm 2013

- Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

2. Mô hình bảo hiến ở Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013

Nhà nước pháp quyền là thành tựu của văn minh nhân loại. Vì vậy, nhà nước pháp quyền có những nguyên lý chung của nhân loại như chủ quyền nhân dân, dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, độc lập của Tòa án và hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau, tùy thuộc bản chất nhà nước, vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, pháp luật… mà ngoài cái chung mang tính phổ quát, nhà nước pháp quyền cũng có những nét đặc thù.

Bảo vệ hiến pháp là yếu tố tất yếu đi liền với nhà nước pháp quyền nhưng cơ chế bảo hiến lại khác nhau ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định sự cần thiết của cơ chế bảo hiến. Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 đã xác định nhiệm vụ “Hoàn thiện pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội, cơ chế bảo vệ luật và Hiến pháp”. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng cũng chỉ rõ cần có một “cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Theo quy định tại Điều 119 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, mô hình bảo hiến ở nước ta là mô hình bảo hiến phi tập trung nhưng không hề giống mô hình bảo hiến phi tập trung của Hoa Kỳ hay của bất kì quốc gia nào trên thế giới. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định. Có thể khẳng định rằng mô hình bảo hiến ở nước ta theo Hiến pháp năm 2013 là mô hình bảo hiến khá độc đảo, đây là mô hình tất cả các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Tư duy về bảo hiến ở nước ta tuy giản dị nhưng cũng thật sâu sắc vì Hiến pháp của nhà nước cũng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước và của tất cả nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 đã quán triệt và thể hiện được phần nào quan điểm đó của Đảng. Với mô hình bảo hiến phi tập trung, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Với tư cách là cơ quan tư pháp của Việt Nam, Tòa án nhân dân chính là cơ quan có trách nhiệm bảo hiến quan trọng. Bài viết phân tích về trách nhiệm bảo hiến của Tòa án nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

3. Trách nhiệm bảo hiến của Tòa án nhân dân

Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Như vậy, chủ thể bảo hiến ở Việt Nam rất rộng, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, viện kiểm sát và toàn dân. Mỗi cơ quan đều có cơ chế bảo hiến riêng được quy định ngay trong Hiến pháp năm 2013 hoặc luật. Tuy nhiên, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được Hiến pháp năm 2013 trực tiếp quy định chức năng bảo hiến. Theo Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”; Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Có thể nói, trong Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân được quy định nhiệm vụ bảo hiến thông qua việc hiến định chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể là:

– Tòa án nhân dân là chủ thể bảo vệ Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 119). Một điều đáng chú ý là ở đây, chủ thể bảo hiến không chỉ là Tòa án nhân dân tối cao mà tất cả các Tòa án nhân dân đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp;

– Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Quyền con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và bảo đảm thực hiện trực tiếp. Các luật chỉ quy định hạn chế quyền con người trong phạm vi Hiến pháp quy định (Điều 14). Vì vậy, thông qua hoạt động xét xử của mình, các Tòa án bảo vệ quyền con người thì cũng là bảo vệ Hiến pháp;

Theo đó, bằng việc giao cho Tòa án nhân dân tối cao chức năng “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”, Hiến pháp năm 2013 gián tiếp giao cho Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan xét xử cao nhất của nước ta chức năng giải thích luật. Bằng các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bằng các án lệ được ban hành, chính Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện việc giải thích Hiến pháp, các luật liên quan đến việc xét xử các các Tòa án nhân dân. Đây cũng là một chức năng bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật quan trọng của Tòa án nhân dân.

Thực hiện xét xử các vụ án, đặc biệt là các vụ án hành chính để phán quyết về các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người và cơ quan hành chính có thẩm quyền, Tòa án nhân dân cũng đã thực hiện chức năng bảo vệ Hiến pháp, pháp luật được Hiến pháp quy định.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các bộ luật, luật về tố tụng đã cụ thể hóa chức năng bảo hiến của Tòa án nhân dân. Cụ thể là:

– Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2013 quy định “Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án” (khoản 7 Điều 2).

Điều 265 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, “trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”… Đồng thời, “Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị” (Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự). Đây cũng là thủ tục được thực hiện ở các quốc gia có cơ chế bảo hiến tập trung (bằng Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến).

Như vậy, mặc dù ở Việt Nam và một số nước khác như Trung Quốc, Cu ba không có cơ quan bảo hiến chuyên biệt, mà cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến, nhưng Tòa án nhân dân đã được giao một số nhiệm vụ bảo hiến nhất định. Cơ chế bảo hiến ban đầu cũng đã được ghi nhận, mặc dù chưa thật rõ ràng, cụ thể.

4. Bất cập, hạn chế trong cơ chế bảo hiến của Tòa án nhân dân

Qua nghiên cứu các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật, bộ luật được ban hành trên cơ sở và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, từ góc độ cơ chế bảo hiến của Tòa án nhân dân chúng tôi thấy một số bất cập và hạn chế sau đây:

Thứ nhất, việc duy trì cơ chế bảo hiến như hiện nay, trong đó cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến là thiếu hợp lý và không hiệu quả. Bởi vì:

+ Cơ chế này đã không quán triệt được quan điểm của Đảng là “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Chỉ có Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp mới có quyền phán quyết. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong các cơ chế bảo hiến phổ biến hiện nay, dù là tập trung (Tòa án Hiến pháp) hay phi tập trung (Tòa án thường), thì chức năng bảo hiến vẫn được giao cho Tòa án. Mặc dù là cơ quan bảo hiến chuyên biệt nhưng không có quyền phán quyết (Hội đồng bảo hiến) cũng dần dần bị thu hẹp hay chuyển dần sang cơ chế tài phán.[2] Ở Việt Nam, việc vừa thiếu một cơ quan bảo hiến chuyên biệt, vừa thiếu thẩm quyền tài phán về vi phạm Hiến pháp đã làm cho cơ chế bảo hiến thiếu hiệu quả;

+ Thiếu một cơ chế phát hiện vi phạm Hiến pháp, vì cơ chế bảo hiến không phải được thực hiện trên cơ sở khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc tự phát hiện vi phạm Hiến pháp qua hoạt động giám sát của chính Quốc hội hoặc cùng lắm là qua kiến nghị của Tòa án là không đủ cho hoạt động bảo hiến;

+ Việc Quốc hội vừa là cơ quan lập hiến, vừa là cơ quan giải thích Hiến pháp, vừa là cơ quan bảo hiến sẽ khiến xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thứ hai, ngay trong cơ chế hiến định hiện nay, cơ chế bảo hiến của Tòa án nhân dân cũng chỉ là những tuyên ngôn mang tính chính trị, mà chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng. Cụ thể:

+ Là cơ quan áp dụng pháp luật, phán xử về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý… nhưng Tòa án nhân dân lại không được chính thức giao nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật;

+ Quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và được áp dụng trực tiếp nhưng với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân không được phán quyết về việc vi phạm quyền con người;

+ Tòa án có quyền kiến nghị về các vi phạm Hiến pháp, vi phạm luật… nhưng thủ tục xem xét kiến nghị đó ra sao; hậu quả của việc giải quyết kiến nghị đó như thế nào… thì không được quy định. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế giải quyết kiến nghị như hiện nay là bất khả thi, vi phạm quyền được xét xử kịp thời trong hoạt động tư pháp. Ví dụ, khi phát hiện một quy định của luật nào đó mà Tòa án áp dụng để ra phán quyết là trái Hiến pháp và Tòa án đã kiến nghị với Quốc hội để hủy bỏ quy định đó; thì liệu trong bao lâu Quốc hội mới có thể xem xét để quyết định về kiến nghị đó trong bối cảnh Quốc hội hoạt động không thường xuyên ở nước ta.

5. Phương hướng khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế bảo hiến của Tòa án nhân dân

– Một là, chức năng bảo hiến phải được giao cho Tòa án. Trong điều kiện Việt Nam, khi trình độ, năng lực đội ngũ Thẩm phán thường còn nhiều hạn chế, độ tin cậy của hệ thống Tòa án trong xã hội chưa cao… thì không nên giao cho các Tòa án thường chức năng bảo hiến. Nên chăng, cần giao chức năng phán quyết về vi phạm hiến pháp cho một Tòa án Hiến pháp với các thẩm phán có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm và có uy tín cao trong xã hội.

Tòa án Hiến pháp có những thẩm quyền như: (i) Phán quyết về sự vi hiến của các văn bản luật; (ii) Phán quyết về vi phạm quyền con người; (iii) Phán quyết về tính hợp hiến của các hoạt động lập pháp, hành pháp như bầu cử, trưng cầu ý dân, phán quyết khác của Quốc hội, Chính phủ…; (iv) Giải quyết tranh chấp giữa chính quyền trung ương và địa phương trong cơ chế phân quyền…

Tòa án Hiến pháp cũng là cơ quan tư pháp nên hoạt động theo nguyên tắc độc lập tuyệt đối và theo thủ tục tố tụng tư pháp. Vụ việc về vi phạm Hiến pháp chỉ được thụ lý khi có đơn kiện hoặc yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, kể cả yêu cầu của Tòa án tư pháp thường khi giải quyết một vụ án cụ thể.

– Hai là, giao cho Tòa án nhân dân, nhất là Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật. Tòa án giải thích Hiến pháp, luật bằng các hình thức khác nhau, không nhất thiết phải bằng một văn bản giải thích như xưa nay chúng ta thường làm.

Một văn bản pháp luật có thể được hiểu khác nhau, nhưng một khi Tòa án đã ra phán quyết và phán quyết đó có hiệu lực thi hành, thì cách hiểu quy phạm pháp luật của Tòa án khi ra phán quyết đó trở thành văn bản giải thích Hiến pháp cũng như luật.

Đồng thời, ngoài giải thích luật, Tòa án nhân dân tối cao cần có thẩm quyền sử dụng các biện pháp khác nhau để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như phát triển án lệ; tổng kết thực tiễn xét xử, ban hành văn bản giải đáp vướng mắc, thống nhất nhận thức về luật áp dụng trong xét xử của các Tòa án nhân dân.

– Ba là, mở rộng thẩm quyền của Tòa án, giao cho Tòa án nhân dân thẩm quyền phán quyết về mọi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; đặc biệt là thẩm quyền xử lý, xử phạt hành chính; thẩm quyền giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với quyết định cá biệt và hành vi hành chính của tất cả người có thẩm quyền, bao gồm cả Thủ tướng, các Bộ trưởng…

Để thực hiện được nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp Điều 2 của Hiến pháp năm 2013, cần có các quy định cho phép Tòa án nhân dân thực hiện việc kiểm soát các hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp. Nếu các chủ thể thực hiện quyền lập pháp, hành pháp được thực hiện quyền của mình đối với bất cứ lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nào của đất nước cũng không nên có “vùng cấm” trong việc thực hiện quyền tư pháp. Việc chỉ cho phép Tòa án nhân dân xem xét lại các quyết định cá biệt của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là chưa đủ. Cần luật định một cách cụ thể, rõ ràng cơ chế bảo vệ Hiến pháp đã được quy định tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013 theo hướng giao cho Tòa án thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp các văn bản quy phạm pháp luật.

– Bốn là, là chủ thể có quyền độc lập đưa ra các phán quyết cuối cùng để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không có lý do gì hoạt động của Tòa án lại bị kiểm soát bởi Viện kiểm sát, mà ngược lại, nên giao cho Tòa án thẩm quyền kiểm soát, kiểm tra các hoạt động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do, dân chủ và các quyền lợi hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức.

– Năm là, trước mắt, cần có quy định thời hạn cụ thể để cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị về tính vi hiến, trái luật của văn bản pháp luật mà Tòa án làm căn cứ phán quyết để Tòa án có căn cứ ra phán quyết kịp thời đối với các vụ án. Riêng đối với kiến nghị về luật, có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trả lời và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm tính kịp thời trong bối cảnh Quốc hội làm việc không thường xuyên ở nước ta..

Nguồn: Trần Văn Độ – Tạp chí Khoa học pháp lý số 03(115)/2018 – 2018

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập