Luật sư tư vấn:

Để có thể trả lời câu hỏi Một doanh nghiệp có được phép mở nhiều trụ sở kinh doanh không ? Một địa điểm có thể đăng ký nhiều trụ sở chính không ? thì trước hết cần phải nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này như sau: 

 

1. Quy định về trụ sở chính của doanh nghiệp

Hiện nay, trụ sở chính của doanh nghiệp được hiểu là nơi tập trung các hoạt động chính của doanh nghiệp và là nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trụ sở chính của doanh nghiệp được quy định như sau:

- Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp;

- Phải ở trên lãnh thổ Việt Nam;

- Có địa chỉ xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Nếu nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường;

- Thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Điều kiện để đặt trụ sở chính của doanh nghiệp: Có địa chỉ xác định gồm số nhà, tên đường, phường(xã), quận (huyện), thành phố trực thuộc trung ương. Số nhà không đang tranh chấp chủ quyền;

- Trụ sở chính phải có thông tin liên lạc rõ ràng và phải được làm biển hiệu nhận diện trụ sở tại địa chỉ được đăng ký.

Có thể nói, việc lựa chọn trụ sở chính không những thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp có sự ổn định lâu dài. Vì khi muốn thay đổi địa chỉ trụ sở chính đồng nghĩa sẽ phát sinh thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp thay đổi khác quận, khác tỉnh còn phải thực hiện thủ tục xác nhận nghĩa vụ thuế tại chi Cục thuế mới có thể thực hiện thay đổi trụ sở chính.

Hiện nay, tuy Luật doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể về số lượng trụ sở chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên thông qua các quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, có thể thấy một doanh nghiệp chỉ có một trụ sở chính ghi rõ địa chỉ và địa chỉ này phải được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

 

2. Quy định về cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp

Hiểu một cách đơn giản, cơ sở kinh doanh (hay còn gọi là địa điểm kinh doanh theo Luật doanh nghiệp) là một trong những đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể như mua bán, trao đỏi hàng hóa, dịch vụ tạo ra doanh thu giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí vận chuyển, tăng độ phủ của thương hiệu, dễ dàng tiếp cận với đối tác mới và đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng.

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu về mở rộng hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định rằng địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký ở ngoài địa chỉ trụ sở chính (căn cứ theo Khoản 2 Điều 31). 

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ được phép lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Tuy nhiên hiện nay theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đặt ở cùng tỉnh thành hoặc khác tỉnh thành với trụ sở chính. Điều này đã mở rộng khung pháp lý của nhà nước đối với địa điểm kinh doanh. Trên thực tế, mục đích của việc thành lập địa điểm kinh doanh là mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài trụ sở chính. Do đó, việc cho phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài tỉnh/thành phố đặt trụ sở chính của doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện hoạt động kinh doanh dựa theo nhu cầu của chính mình.

 

3. Trụ sở chính và Địa điểm kinh doanh khác nhau như thế nào? 

+ Thứ nhất, địa điểm kinh doanh phụ thuộc vào trụ sở chính

Theo đó, địa điểm kinh doanh không có mã số thuế riêng và phải hạch toán phụ thuộc vào công ty.

+ Thứ hai, địa điểm kinh doanh phải thực hiện hoạt động kinh doanh còn trụ sở chính thì không bắt buộc

Cụ thể, trụ sở chính có thể chỉ là nơi để công ty đăng ký trên Giấy phép kinh doanh, là nơi để khách hàng liên hệ với công ty mà không diễn ra hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh lại là nơi làm việc, diễn ra hoạt động kinh doanh cụ thể. Vì vậy trên thực tế, một số doanh nghiệp sẽ đăng ký trụ sở chính tại một địa chỉ để đáp ứng các điều kiện quy định về trụ sở chính nhưng thực tế lại không diễn ra hoạt động kinh doanh. Đây được gọi là đăng ký “trụ sở ảo”.

Như vậy, trụ sở chính có thể không tiến hành hoạt động kinh doanh còn địa điểm kinh doanh thì bắt buộc phải tiến hành hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề, dịch vụ mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Như vậy nhìn chung, một doanh nghiệp có thể có nhiều cơ sở (địa điểm) kinh doanh khác nhau nhưng trụ sở chính thì chỉ có một địa chỉ trụ sở chính được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước được dễ dàng hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh. Hiện nay, một địa chỉ có thể được dùng cho nhiều doanh nghiệp làm địa chỉ trụ sở chính nhưng một doanh nghiệp thì không thể có nhiều địa chỉ trụ sở chính được. Theo đó, mỗi doanh nghiệp nếu có nhiều cơ sở kinh doanh thì ngoài trụ sở chính cơ sở kinh doanh khác chỉ được đăng ký là các chi nhánh, văn phòng đại diện và số lượng không hạn chế.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê./.