1. Đặc điểm tố giác, tin báo về tội phạm

1.1 Tố giác, tin báo về tội phạm mang đặc tính pháp lý

Thứ nhất: Tố giác, tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và phải được báo đến đúng các chủ thể mà theo quy định của pháp luật có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về tội phạm. Khác với những dạng thông tin khác, thông tin từ tố giác, tin báo về tội phạm phải được báo đến cơ quan có thẩm quyền được tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: Trong quá trình tiến hành TTHS, thông tin về tội phạm được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết ở tất cả các giai đoạn từ những nguồn theo quy định của pháp luật TTHS. Trong số những tố giác, tin báo này có những tố giác, tin báo về tội phạm mà pháp luật TTHS quy định là cơ sở để khởi tố các vụ án hình sự.
Vì vậy, đặc điểm pháp lý của tố giác, tin báo về tội phạm thể hiện chính ở chỗ, những tin này là cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án hình sự, mở đầu cho quá trình TTHS đối với những vụ án (tội phạm đã bị phát hiện). Dựa vào cơ sở đó xác định được căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

1.2 Tố giác, tin báo về tội phạm đa dạng về nội dung và nguồn gốc

Theo quy định của Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình”.
Theo khái niệm này thì quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ là rất rộng lớn, vì vậy, tội phạm có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau của  đời sống xã hội, điều này dẫn đến tố giác, tin báo về tội phạm rất đa dạng về nội dung gắn với từng loại tội phạm cụ thể. Đối với từng tội phạm cụ thể thì tố giác, tin báo về tội phạm cũng có những đặc điểm riêng về chủ thể. Bên cạnh đó, tố giác, tin báo về tội phạm rất đa dạng về nguồn gốc từ: Tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc cá nhân, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, chủ thể của tố giác, tin báo về tội phạm cung cấp với các cơ quan chức năng cũng có những động cơ, mục đích khác nhau nên nội dung phản ánh khác nhau. Có những tố giác, tin báo phản ánh đầy đủ, chính xác tình tiết cơ bản của vụ việc, bên cạnh đó thì lại có những tố giác, tin báo chỉ phản ánh một số tình tiết thứ yếu của vụ việc, thiếu chính xác, có khi lệch lạc, gây khó khăn tiếp nhận, xử lý.

1.3 Tố giác, tin báo về tội phạm mang tính thời sự

Khi nói đến tính thời sự là nói đến những sự việc, sự kiện vừa mới xảy ra, nóng hổi liên quan đến nhiều người và có ý nghĩa ngày hôm nay, ngay bây giờ. Tuy nhiên, cũng có sự kiện xảy ra lâu, nhưng nay mới biết và mới được nhận thức lại, được nhiều người quan tâm. Tố giác, tin báo về tội phạm thuộc nguồn tin ban đầu về tội phạm, do vậy nó mang tính thời sự đối với các cơ quan chức năng khi tiếp nhận. Tính thời sự cao hay thấp của tố giác, tin báo về tội phạm, trong các trường hợp khác nhau cũng khác nhau. Tính thời sự của tố giác, tin báo về tội phạm phụ thuộc vào khoảng thời gian từ thời điểm xảy ra đến thời điểm chủ thể cung cấp tin phát hiện ra nó và cung cấp cho các cơ quan chức năng.
Hiệu quả xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tỷ lệ nghịch với các yếu tố sau đây: Khoảng thời gian từ khi xảy ra vụ việc đến thời điểm thông tin đến với các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết; khoảng thời gian từ khi cơ quan chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đến thời điểm cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động xử lý ban đầu. Hiệu quả xử lý tin báo, tố giác về tội phạm tỷ lệ thuận với khả năng của cơ quan chức năng có thể giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra khám phá tội phạm như: Ngăn chặn không để cho tội phạm   xảy ra, ngăn chặn hậu quả của tội phạm nếu nó còn tiếp diễn, truy bắt thủ phạm không để đối tượng tiếp tục gây án, hoặc có những hành vi cản trở,   gây khó khăn cho HĐĐT, thu thập những dấu vết nóng để phục vụ cho việc truy bắt thủ phạm truy tìm, thu giữ vật chứng của vụ án, thu thập các dấu vết vật chứng dễ bị biến dạng, tiêu hủy do thời gian, môi trường xung quanh...
Như vậy, thu thập tin báo, tố giác về tội phạm một cách sớm nhất bằng mọi biện pháp, kiểm tra, xác minh kịp thời, chính xác, đầy đủ đúng pháp luật, đưa ra những biện pháp thích hợp, sáng tạo để giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm có hiệu quả.

1.4 Tố giác, tin báo về tội phạm thường thiếu chính xác và không đầy đủ

Tin báo, tố giác về tội phạm thường do cá nhân, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, thường mang những nhận định chủ quan của người báo tin và do những động cơ, mục đích khác nhau đặc biệt do cá nhân cung cấp, vì vậy tin báo, tố giác về tội phạm thường không đầy đủ và thiếu chính xác. Nguyên nhân của việc này là:
+ Trường hợp phát hiện tội phạm thường là tình cờ, ngẫu nhiên, không có chỉ định từ trước. Khi gây án tội phạm có nhiều thủ đoạn thực hiện và che dấu hành vi phạm tội, có những hành vi đánh lạc hướng để làm người khác ngộ nhận, điều này dẫn đến việc nhận thức và báo tin về tội phạm cho các cơ quan chức năng thiếu chính xác, không đầy đủ.
+  Khi phát hiện tội phạm, do chứng kiến và chịu sự tác động mạnh  bởi các hành vi thực hiện tội phạm một cách dã man của thủ phạm (như: Dùng súng bắn chết nhiều người, dùng dao đâm nhiều nhát vào nạn nhân...) mà người phát hiện thường bị xúc động mạnh, hoảng loạn, dẫn đến tri giác không đầy đủ, thậm chí sai lệch về vụ việc đã xảy ra.
+ Động cơ, mục đích khác nhau dẫn đến người báo tin cho cơ quan chức năng nhiều khi bịa đặt, xuyên tạc sai sự thật nhằm để trả thù, tranh giành quyền lợi... Điều này đã tác động rất lớn đến quá trình phát hiện, thu thập, kiểm tra và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm.
+ Trạng thái tâm lý người tố giác, tin báo về tội phạm không ổn định, tinh thần bị kích động, hoảng loạn, lo sợ, thậm chí mất khả năng điều khiển hành vi của mình do hành vi mà người phạm tội gây ra quá đột ngột khiến nạn nhân bị sốc dẫn đến bất tỉnh. Hoặc với những trường hợp nạn nhân là phụ nữ hoặc trẻ em, người chưa trưởng thành của các vụ bạo hành tình dục, buôn bán người, nạn nhân có thể bị ảnh hưởng tâm lý vô cùng sâu sắc, mắc các bệnh tâm thần,… Điều này ảnh hưởng đến tính chính xác, đầy đủ của tố giác, tin báo về tội phạm.

2. Phân loại tố giác, tin báo về tội phạm

Tố giác, tin báo về tội phạm có thể phân loại theo nhiều cơ sở khác nhau, phụ thuộc vào mục đích của người phân loại. Để tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình nghiên cứu cũng như cho công tác phát hiện, thu thập và xử lý tin báo tố giác về tội phạm có thể phân loại tố giác, tin báo về tội phạm theo những cơ sở sau đây: Trên cơ sở nội dung phản ánh tội phạm, tố giác, tin báo về tội phạm có thể phân loại thành 2 nhóm: Tố giác, tin báo trực tiếp phản ánh về tội phạm; tố giác, tin báo gián tiếp phản ánh về tội phạm. Trên cơ sở hình thức tin báo có thể phân chia thành: Tố giác, tin báo đến cơ quan chức năng bằng miệng, trực tiếp hoặc qua điện thoại; tố giác, tin báo về tội phạm thể hiện bằng bản viết (đơn thư tố giác báo cáo đúng tên người viết hoặc đơn thư nặc danh...). Trên cơ sở theo yêu cầu của chủ thể tố giác, tin báo về tội phạm đối với việc sử dụng tin hoặc yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan chức năng có thể phân loại thành: Tố giác, tin báo về tội phạm có thể xử lý thông thường, công khai; tố giác, tin báo về tội phạm đòi hỏi phải được xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ và giữ bí mật. Trên cơ sở phân loại nguồn cung cấp, tố giác, tin báo về tội phạm có thể phân loại thành 2 nhóm: Tố giác tin báo về tội phạm do các nguồn công khai (cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân) cung cấp cho cơ quan chức năng; tố giác, tin báo về tội phạm do các lực lượng bí mật cung cấp.
Ngoài ra, tố giác, tin báo về tội phạm có thể phân loại theo Điều 143  Bộ luật TTHS năm 2015, bằng cách phân loại này, tin báo, tố giác về tội phạm có thể chia làm 03 loại: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Khái niệm tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Tố giác, tin báo về tội phạm là thông tin phản ánh về các hành vi có dấu hiệu tội phạm hay các sự việc khác có liên quan đến tội phạm. Do vậy, về phương diện khoa học thông tin, tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm chính là quá trình tiếp nhận thông tin. Còn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cũng chính là xử lý thông tin và thông tin ở đây chính là thông tin về tội phạm. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khác với tiếp nhận, giải quyết thông tin thông thường thể hiện ở những phương diện sau đây:
+ Tin báo, tố giác về tội phạm là một cơ sở để có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự. Do đó, tin báo, tố giác về tội phạm phải thỏa mãn những điều kiện nhất định và phải được thể hiện bằng những hình thức do pháp luật quy định. Chủ thể của tin báo, tố giác về tội phạm có những quyền và nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. Đối tượng mà tin báo, tố giác phản ánh phải là những hành vi hay vụ việc mang tính hình sự.
+ Chủ thể tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chỉ có thể là những cơ quan theo luật định. Theo quy định thì CQĐT, VKS và các cơ quan tổ chức khác là các chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của tin báo, tố giác về tội phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời nhằm đảm bảo sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp nên không phải tất cả các cơ quan tiếp nhận đều có thẩm quyền giải quyết mà chỉ có một số cơ quan nhất định đủ điều kiện về trình độ, chuyên môn, tổ chức, phương tiện kỹ thuật mới có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
+ Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được tiến hành theo trình tự, thủ tục mà pháp luật TTHS quy định. Trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, các cơ quan theo luật định chỉ được áp dụng những biện pháp phù hợp với pháp luật để kiểm tra, xác minh và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, phải bảo vệ quyền và nghĩa vụ của chủ thể tin báo, tố giác. Cụ thể theo Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015 thì trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật, từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
+ Tin báo, tố giác về tội phạm sau khi tiếp nhận và kiểm tra, xác minh theo đúng trình tự TTHS, cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định xử lý bằng những hình thức theo quy định của pháp luật đó là phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội pham (khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015).
Trên cơ sở nhận thức về tố giác, tin báo về tội phạm, nhận thức về những vấn đề có liên quan như nêu trên có thể đưa ra khái niệm về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm như sau: “Tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là hoạt động của những cơ quan theo luật định, được tiến hành theo trình tự, thủ tục TTHS nhằm ghi nhận, kiểm tra những thông tin phản ánh về các hành vi, vụ, việc có dấu hiệu tội phạm hay các sự việc khác có liên quan đến tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến bằng hình thức truyền miệng, bằng văn bản hoặc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cơ sở đó ra các quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Khái niệm trên đã chỉ rõ dấu hiệu bản chất của tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Những dấu hiệu bản chất này thể hiện trên các phương diện: Thứ nhất, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền theo luật định; thứ hai, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được tiến hành theo trình tự, thủ tục TTHS; thứ ba, mục đích của tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm là ghi nhận, kiểm tra tin báo, tố giác và ra quyết định theo quy định của pháp luật TTHS; thứ tư, phải đưa ra được các quyết định sau khi tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh theo quy định của pháp luật TTHS.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê