CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật doanh nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2020;
- Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp;
- Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2014 quy định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.
NỘI DUNG TƯ VẤN:
Bước vào giai đoạn hiện nay, khi mà nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi bản chất của quá trình cạnh tranh cùng với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã có tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Điều đó mang đến cho chúng ta những cơ hội và cũng như những thách thức với một quốc gia đông dân nhưng thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Xu thế mở cửa nền kinh tế đã và đang có những tác động nhất định đến các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như phát huy các ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước thì việc từng bước hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết. Và để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo nội dung phía dưới về một số thông tin về mô hình tập đoàn kinh tế trong pháp luật Việt Nam.
1. Khái niệm, đặc điểm của tập đoàn kinh tế:
1.1. Khái niệm tập đoàn kinh tế
Ở Việt Nam hiện nay chưa có một định nghĩa chính xác về tập đoàn kinh tế, xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Anh thì tập đoàn kinh tế được định nghĩa là: “Tập đoàn kinh tế là một thực thể pháp lí, mà trong khi được sở hữu chung bởi một số người tự nhiên hoặc những thực thể pháp lí khác có thể tồn tại hoàn toàn độc lập khỏi chúng sự tồn tại độc lập này cho tập đoàn những quyền riêng mà những thực thể pháp lí khác không có. Qui mô và phạm vi về khả năng và tình trạng của tập đoàn có thể được chỉ rõ bởi luật pháp nơi sát nhập”.
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM thì: "Khái niệm tập đoàn kinh tế được hiểu là một tổ hợp lớn các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoạt động trong một hay nhiều ngành khác nhau, có quan hệ về vốn, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác xuất phát từ lợi ích của các bên tham gia. Trong mô hình này, "công ty mẹ" nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của "công ty con" về tài chính và chiến lược phát triển”.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Tập đoàn kinh tế được xếp là một thành phần trong nhóm công ty (khoản 1 Điều 149). Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng chỉ đưa ra khái niệm chung nhất về tập đoàn kinh tế, theo đó: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. ” Tiếp đó, trong Luật doanh nghiệp cùng đề cập đến rằng: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật."
Như vậy, qua các định nghĩa trên về tập đoàn kinh tế chúng ta thấy có một điểm chung đó là tập đoàn kinh tế có kết cấu tổ chức nhiều cấp, liên kết với nhau bằng quan hệ tài sản và qan hệ hợp tác nhằm đáp ứng đòi hỏi của sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp trong tập đoàn có tư cách pháp nhân độc lập.
1.2. Đặc điểm của tập đoàn kinh tế
- Các tập đoàn kinh tế thường có quy mô lớn về vốn, doanh thu và phạm vi hoạt động.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau trong một tâp đoàn luôn nhằm mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết những khó khăn về vốn phục vụ kinh doanh. Vì vậy, khi dã hìn thành tập đoàn, các doanh nghiệp thành viên phát triển nhanh hơn, tài sản có quyền sở hữu cũng tăng lên khá nhanh dẫn đến tổng tài sản của tập đoàn khá lớn. Các tập đoàn kinh tế thường chiếm thị phần lớn thị phần trong những mặt hàng chủ đạo của tập đoàn đó nên doanh thu cao. Ví dụ: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm khoảng 60% thị phần trong mặt hàng xăng dầu của cả nước.
Về lao động, tập đoàn kinh tế thường thu hút một số lượng lớn lao động. Ví dụ: Tập đoàn Air France (Pháp) bao gồm 16 công ty con với khoảng 45.000 lao động. Tập đoàn Fiat (Ý) có khoảng 242.000 nhân viên.
Phần lớn các tập đoàn mạnh trên thế giới hiện nay là tập đoàn đa quốc gia, tức là có nhiều các chi nhánh, công ty con ở các quốc gia khác. Ví dụ: Tập đoàn Henkel (Đức) có khoảng 330 chi nhánh, công ty co ở nước ngoài, tập đoàn Unilever (Anh) có khoảng 90 chi nhánh, công ty con ở nước ngoài… Phần lớn các tập đoàn kinh tế đã và đang hoạt động trên thế giới là những tập đoàn đa ngành. Ví dụ: Mitsubishi (Nhật) ban đầu chỉ hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo nhưng hiện nay đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực: khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, ngân hàng, hóa chất, bảo hiểm, ngoại thương…
- Sự đa dạng về cơ cấu tổ chức và sở hữu vốn:
Về cơ cấu tổ chức: cho đến nay chưa có một văn bản pháp lý của một quốc gia nào quy định một cơ cấu tổ chức thống nhất cho tập đoàn kinh tế. Bởi lẽ, các tập đoàn kinh tế được hình thành dần dần trong quá trình phát triển, hai hoặc nhiều doanh nghiệp hình thành một tập đoàn theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương.
Sở hữu vốn trong các tập đoàn kinh tế rất đa dạng. Trước hết, vốn trong tập đoàn do các công ty thành viên làm chủ sở hữu. Quyền sở hữu vốn trong tập đoàn cũng tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc của các công ty thành viên vào công ty mẹ và thường biểu hiện dưới hai cấp độ:
Cấp độ thấp (cấp độ liên kết mềm): vốn của công ty mẹ, công ty con… là của từng công ty.
Cấp độ cao (cấp độ liên kết cứng): công ty mẹ tham gia đầu tư vào các công ty con, biến các công ty con, công ty cháu thành công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu hoặc công ty mẹ chiếm trên 50% vốn điều lệ (với công ty TNHH), giữ cổ phần chi phối (công ty con là công ty cổ phần). Trên thực tế, không có một tập đoàn kinh tế nào chỉ có quan hệ về sở hữu vốn theo một cấp độ mà đan xen cả hai cấp độ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
2. Một số mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới
Thế giới cũng đã có rất nhiều các mô hình tập đoàn kinh kế (TĐKT) được áp dụng, từ mô hình các tập đoàn ở các quốc gia Âu – Mỹ cho đến các nước châu Á như Nhật Bản (mô hình Keiretsu), Hàn Quốc (mô hình Chaebol), Trung Quốc (mô hình Jituan Gongsi) và nhiều mô hình tập đoàn khác.
Ở Nhật Bản, mô hình Keiretsu xuất hiện trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai thông qua hoạt động liên kết giữa các công ty với nhau bằng việc mua cổ phần để hình thành liên minh liên kết theo chiều ngang trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Mô hình Keiretsu thường lấy một ngân hàng làm hạt nhân trung tâm liên kết thông qua quan hệ tín dụng cũng như quan hệ sở hữu hay chi phối vốn cổ phần.
Không giống như mô hình Keiretsu tại Nhật Bản, mô hình Chaebol của Hàn Quốc lại lấy trung tâm liên kết là các công ty gia đình liên kết thông qua quan hệ sở hữu hay chi phối vốn cổ phần tại các công ty con. Các công ty gia đình có mối quan hệ “thân hữu” với chính phủ và nhận được nhiều ưu đãi từ phía nhà nước. Ngược lại, các Chaebol cũng chịu sự định hướng của chính phủ về mục tiêu kinh doanh, nhưng các mục tiêu xã hội khác thì không bị ràng buộc. Cũng giống như các mô hình tập đoàn khác, các Chaebol cũng có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động, bành trướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Mô hình Jituan Gongsi tại Trung Quốc lại cho thấy những đặc điểm khác biệt khi hạt nhân liên kết trong các tập đoàn là các doanh nghiệp và tổng công ty Nhà ước. Từ cuối thế kỷ XX, Trung Quốc đã đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển các tổng công ty lớn thành những tập đoàn đủ mạnh để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế chủ đạo như công nghiệp luyện kim, đóng tàu, điện tử viễn thông, phần mềm, dượphẩm và các ngành khác. Quá trình hình thành các tập đoàn tại Trung Quốc bắt đầu từ việc sáp nhập các doanh nghệp Nhà nước thành các tổng công ty lớn cho tới khi đạt đến một quy mô nhất định. Tại đó, tổng công ty sẽ phân quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên. Tiếp theo là đa dạng hóa sở hữu và hình thức nắm giữ cổ phần đan chéo giữa các doanh nghiệp thành viên. Cuối cùng là thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
3. Kết luận:
Như vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, các tập đoàn kinh tế Việt Nam đã được hình thành với những đặc trưng rất cơ bản. Các tập đoàn kinh tế này đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây có thể coi là “tay chèo” chủ lực của con tàu kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với lịch sử phát triển hàng trăm năm trên thế giới nhưng đối với Việt Nam, tập đoàn kinh tế vẫn còn là mô hình kinh tế khá mới mẻ. Vì vậy, để các tập đoàn kinh tế phát triển bền vững tạo lực đẩy cho công cuộc hiện đại hóa nhất là trong giai đoạn hiện nay thì pháp luật phải sớm hoàn thiện các hàng lang pháp lý, các chính sách phù hợp với thực tiễn.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khu