Mục lục bài viết
1. Che giấu tội phạm
Theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì: "Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này."
.jpg)
Theo đó, thì có thể thấy, so với quy định tại Bộ luật Hình sự 99, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm một điều khoản quy định về Che giấu tội phạm. Cụ thể, Theo Khoản 2 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 mới được bổ sung, trong trường hợp người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự 2015. Đây là có xem là một điểm mới mang tính nhân văn của pháp luật xuất phát từ văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Vậy, che dấu tội phạm có được xem là đồng phạm hay không? Xem xét quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 về đồng phạm và các yếu tố cấu thành đồng phạm, chúng ta có thể hiểu, 2 hành vi này là khác nhau. Giữa đồng phạm và che dấu tội phạm có những sự khác biệt cơ bản. Cụ thể, hành vi che dấu tội phạm được hiểu như sau:
1.1 Chủ thể của hành vi
Là người từ đủ 16 tuổi trở lên trừ đối tượng che dấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiện hình sự, đây là các đối tượng có mối quan hệ mật thiết với người phạm tội về huyết thống, hôn nhân mà pháp luật hình sự đã loại họ ra khỏi chủ thể của tội danh này. Tuy nhiên đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 thì các chủ thể đặc biệt này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự mà không có bất kỳ sự ngoại lệ nào.
1.2 Hành vi này được thực hiện sau khi một tội phạm khác đã hoàn thành
Đây chính là đặc điểm để phân biệt sự khác nhau giữa hành vi che dấu tội phạm và đồng phạm. Người phạm tội sau khi biết được một tội phạm đã được thực hiện, thay vì tố giác thì họ lại thực hiện các hành vi với mục đích nhằm che dấu tội phạm. Đây chính là sự giúp sức để một tội phạm né tránh việc bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật và tất nhiên việc giúp sức này không phải xuất phát do sự hứa hẹn trước đó mà nó chỉ xuất hiện vào thời điểm tội phạm đã được thực hiện. Nếu có sự hứa hẹn hoặc phân công trước đó thì đây là đồng phạm với vai trò giúp sức của tội phạm đã thực hiện.
1.3 Biểu hiện của hành vi bao gồm
+ Che dấu người phạm tội: cho người phạm tội ẩn náu trong nhà mình hoặc một nơi nào khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che dấu để người khác không biết được.
+ Che dấu dấu vết, tang vật của tội phạm: tương tự việc che dấu người phạm tội thì chủ thể của tội danh này cũng tìm mọi cách để ngăn chặn sự tiếp xúc của đối tượng thứ ba.
+ Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm: thể hiện ở các hành vi như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ dấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…
Hành vi che giấu tội phạm của người phạm tội là thể hiện sự xem thường pháp luật, chủ thể của hành vi không đấu tranh chống tội phạm mà lại góp phần che dấu, khuyến khích tội phạm thực hiện trên thực tế. Do vậy phải chịu trách nhiệm hình sự tương thích và một phần răn đe những ai có định ý bao che cho tội phạm.
2. Không tố giác tội phạm
Theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Theo đó, không tố giác tội phạm là biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn hoặc kịp thời điều tra phát hiện tội phạm, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý người phạm tội.
Hành vi không tố giác tội phạm có một số đặc điểm sau:
- Chủ thể: bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm được quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Hành vi không tố giác tội phạm luôn được thực hiện dưới hình thức “không hành động phạm tội”.
Để phân biệt được với đồng phạm, che dấu tội phạm thì hành vi cấu thành tội danh này hoàn toàn được biểu hiện dưới dạng không hành động. Ví dụ: mặc dù trước đó A đã được B thông báo rằng B sẽ giết C vào tối mai (A hoàn toàn có cơ sở để xác định lời nói của B là có thật, hành vi của B chắc chắn sẽ diễn ra vì trước đó giữa B và C đã có cuộc ẩu đã, tạo tư thù cộng với bản tính giang hồ của B), tuy nhiên A đã không thông báo cho cơ quan chức năng về hành động sắp diễn ra của B và hậu quả là B đã giết C. Sự không hành động thể hiện sự phó mặc cho hậu quả xảy ra của người phạm tội, thể hiện sự vô tâm, hờ hững trước các quan hệ xã hội chuẩn bị bị hành vi phạm tội xâm hại.
Không phải trong mọi trường hợp, việc không hành động của một người đều cấu thành và bị xem xét trách nhiệm hình sự ở tội danh không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật hình sự. Chỉ cấu thành tội danh khi thỏa mãn đồng thời các yếu tố sau:
+ Phải biết rõ tội phạm đang diễn ra: Biết rõ tội phạm là phải biết hành vi của người khác là hành vi phạm tội, bản thân người không tố giác cũng nhận thức được hành vi đó là hành vi cấu thành cấu thành tội phạm mà không tố giác thì mới chịu trách nhiệm hình sự. Nếu biết rõ hành vi nhưng không nhận thức được hành vi đó là hành vi phạm tội thì việc không tố giác không phải là phạm tội. Ví dụ: Một nhân viên nhìn thấy thủ quỹ đưa tiền cho giám đốc, nhưng không biết đó là tiền gì. Sau khi vụ án bị phát hiện thì mới biết số tiền đó là tiền tham ô. Trường hợp này nhân viên này không bị truy cứu về việc không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ai nhìn thấy cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, điều này căn cứ vào hành vi phạm tội đó đòi hỏi người nhìn thấy bắt buộc phải nhận thức được đó là hành vi phạm tội. Ví dụ: A thấy B cầm dao thực hiện hành vi giết người nhưng không tố giác. Trường hợp này, cấu thành của tội và hành vi đó đòi hỏi người nhìn thấy hành vi phải biết đó là hành vi phạm tội.
+ Có điều kiện để thực hiện hành động tố giác tội phạm: Điều này có nghĩa việc tố giác tội phạm không bị cản trở, ngăn cản. Nếu một người sau khi nắm bắt chắc chắn thông tin hoặc có căn cứ xác đáng tội phạm đang diễn ra nhưng không có điều kiện, cơ hội để tố giác thì hành vi của họ cũng không đủ yếu tố cấu thành tội danh tại Điều 390. Ví dụ, A và B nghe trộm được thông tin trao đổi của C với bên giao ma túy và biết C đang nhận vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, biết được số lượng, địa điểm giao hàng nhưng C lẫn bên giao hàng đe dọa sẽ giết A, B và người thân của họ nếu như A, B tố giác hành vi. Do vậy việc không hành động của A, B nếu có cũng không được xem xét là hành vi khách quan của tội phạm.
- Hành vi không tố giác tội phạm có thể xảy ra ở giai đoạn tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện (đã kết thúc). Nếu che dấu tội phạm chỉ được thực hiện sau khi một tội phạm đã được thực hiện trên thực tế thì hành vi không tố giác tội phạm xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào của tội phạm từ giai đoạn chuẩn bị cho đến đang thực hiện hoặc đã thực hiện.
- Lỗi của người có hành vi không tố giác tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
- Cũng như hành vi che giấu tội phạm, hành vi không tố giác tội phạm tuy có liên quan đến tội phạm nhưng không phải là hành vi đồng phạm bởi người không tố giác không “cố ý cùng thực hiện tội phạm” với người mà người đó không tố giác. Hành vi không tố giác tội phạm không có quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội và hậu quả của tội phạm do người khác gây ra.
Điểm mới của Bộ luật hình sự hiện hành so với Bộ luật hình sự 1999 là việc bổ sung thêm một đối tượng là chủ thể của hành vi không tố giác tội phạm. Chủ thể này có điểm đặc biệt chính là người bào chữa, pháp luật quy định trong quá trình thực hiện việc bào chữa mà phát hiện hoặc có căn cứ xác đáng cho rằng người được bào chữa chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội tại chương III (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mà người bào chữa không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm những năm qua cho thấy trong khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, người bào chữa biết rõ người mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện tội phạm nhưng vì lợi ích của người được bào chữa, người bào chữa đã không tố giác tội phạm này. Buộc người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm do người mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện vừa không thực tế vừa buộc người bào chữa phải vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa đối với thân chủ của mình. Do vậy, BLHS năm 2015 bổ sung quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại chương XIII BLHS hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.