>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162

Thôn Bồng Lạng có diện tích vỏn vẹn 1,1km2 nhưng từ năm 2003 đến nay đã có tới 4 dự án xây dựng nhà máy xi măng được phê duyệt, gồm: Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An, Xuân Thành. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là những “dự án hành dân”?

“Quần ngư tranh thực"

Chiều cuối năm, chúng tôi tới thôn Bồng Lạng khi những chiếc xe tải chở đầy vật liệu xây dựng ra vào tấp nập làm xáo xác cả vùng quê vốn yên bình. Từ trên cao nhìn xuống, Bồng Lạng không giống như một khu dân cư mà bị xé lẻ bởi những dự án xây dựng nhà máy xi măng.

Cách đây không lâu, người dân trong thôn còn hồ hởi mỗi khi nhắc tới các dự án xi măng. Họ vui, bởi đây là cơ hội để hàng ngàn lao động có việc làm, không phải treo mình trên những sườn núi cao đầy hiểm nguy rình rập để khai thác đá. Thế nhưng, xét đến cùng, Bồng Lạng cũng chỉ như “miếng thịt” đang bị “xẻ mồi” nên người dân có những nỗi lo không dễ giải quyết.

Gặp chúng tôi, ông Đinh Ngọc Thập, Trưởng thôn Bồng Lạng than thở: “Hỏi người hết ruộng ấy à, tôi chứ còn ai?”. Theo ông, không chỉ có 4 nhà máy xi măng lấy đất, mà có tới gần chục doanh nghiệp, đơn vị thi nhau xà xẻo đất nông nghiệp để xây dựng. Nào là đất thi công cầu Bồng Lạng, nào là cây xăng, trạm thu phí, cơ sở sản xuất khoáng chất thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô… nhưng nhiều nhất vẫn là đất dành cho sản xuất xi măng.

Thôn Bồng Lạng có khoảng 153ha đất sản xuất. Khi thi công cầu Bồng Lạng qua sông Đáy năm 2000, bà con đã mất 2,4ha đất nông nghiệp. Tiếp đến là cây xăng, trạm thu phí, công ty sản xuất vật liệu xây dựng… đều cần mặt bằng từ đất nông nghiệp. Từ năm 2002, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long lấy hơn 11ha đất xây dựng nhà máy, Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm “ăn” gần 40ha, Công ty Xi măng Tràng An lấy 32ha và mới đây là Công ty Xi măng Xuân Thành cũng chiếm phần. Nhiều người ở Bồng Lạng xót xa gọi thôn mình là mảnh đất “quần ngư tranh thực”.

Cạn… đất canh tác

Đến nay, Bồng Lạng chỉ còn lại 62ha đất để nuôi 720 hộ dân (3.000 khẩu) nhưng điều đáng nói là không phải chỗ nào cũng trồng cấy được. Trong số đó, 148 hộ hầu như không còn tấc đất canh tác. Trên 1.000 lao động thiếu việc làm, các công trường khai thác đá hết hạn cấp phép khai thác, trong khi các doanh nghiệp mới thu hút được vài chục lao động.

Trước thực trạng người dân không còn đất để sản xuất nông nghiệp thì ngày 27/3/2008, UBND tỉnh Hà Nam đã ra thông báo cho người dân Bồng Lạng phải nhượng số đất còn lại (gần 50ha) cho Nhà máy Xi măng Xuân Thành. Như “lửa đổ thêm dầu”, người dân Bồng Lạng đã kịch liệt phản đối dự án bất bình thường này. Tuy nhiên, sự phản đối của người dân đều bị UBND tỉnh phớt lờ vì đến nay, dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành đã được cắm mốc phân ranh giới.

Ông Hoàng Văn Nghĩa, người dân trong thôn không khỏi xót xa khi gia đình có 5 người con đều phải rời quê hương đi làm thuê tận miền Nam. Hộ bà Nguyễn Thị Phương có 5 khẩu, trước đây có 3 – 4 sào ruộng, canh tác cũng tạm đủ sống, nay chỉ còn chưa đầy 20m2. Con trai bà sắm chiếc công nông chở đá thuê. Ngày nào có người thuê thì chạy, không thì đắp chiếu. Bà và con dâu suốt ngày chỉ biết quanh quẩn ra vào vì chẳng có việc gì để làm. Bà Phương than thở: “Mai này khi không ai thuê con tôi chở đá nữa chẳng biết gia đình tôi sẽ sống thế nào”. Khắp thôn, đi đâu cũng thấy những khuôn mặt ủ rũ vì không còn ruộng, không việc làm, không thu nhập. Chợ Bồng Lạng trước đây buôn bán nhộn nhịp, nay vắng ngắt, đìu hiu.

Thiết nghĩ, xu hướng “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư để công nghiệp hoá nông thôn là chính sách đúng. Tuy nhiên, sự “bội thực” đầu tư và mất cân đối ở Bồng Lạng đang là nỗi lo không chỉ của người dân mà hậu quả nhãn tiền đã xảy ra. Tiếc thay, chính quyền tỉnh Hà Nam vẫn… lờ đi như không biết!

Tỉnh qua mặt Bộ!

Trong Tờ trình số 03/CTXT/KHĐT ngày 23/2/2008 của Công ty Xây dựng và Phát triển Xuân Thành và Tờ trình số 152/TTr-SXD ngày 25/2/2008 của Sở Xây dựng cùng phê duyệt của UBND tỉnh Hà Nam gửi lên các bộ, ngành có thẩm quyền xin cấp phép đều có nội dung…. thiếu trung thực. Theo đó, những tờ trình này ghi địa điểm xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành như sau: phía Bắc giáp núi đá; phía Nam giáp đường ĐT495B và núi đá; phía Đông giáp đường phân lũ, sông Đáy và khu vực cảng Nhà máy Xi măng Hoàng Long; phía Tây, giáp núi đá. Như vậy, theo các Tờ trình trên thì địa điểm xây dựng nhà máy nằm ở khu vực không có dân cư và đảm bảo môi trường sinh thái.

Nhưng trên thực tế, phía Nam của công trình này nằm sát đường ĐT495B có khu dân cư, một số công trình dân sinh lớn và quan trọng như cửa hàng xăng dầu Hà Nam Ninh, chợ Bồng Lạng, nhà giữ trẻ thôn Bồng Lạng. Và gần đây, tại Văn bản số 1054/BXD-VLXD ngày 4/6/2008 của Bộ Xây dựng gửi 14 tỉnh (trong đó có Hà Nam) đề nghị UBND tỉnh không đầu tư thêm các dự án xi măng, nhưng không hiểu sao, Nhà máy Xi măng Xuân Thành vẫn được UBND tỉnh này phê duyệt (?!)

Quyền lợi của người dân có được đảm bảo?

Từ năm 2003 đến nay, liên tiếp các dự án xây dựng nhà máy xi măng được triển khai tại thôn Bồng Lạng, dẫn đến việc phần lớn diện tích đất canh tác của bà con bị thu hồi. Việc phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam gửi các bộ, ngành chức năng xin cấp phép xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành, chúng tôi thấy có những điểm chưa phù hợp với thực tế và quy định hiện hành. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong danh mục các dự án đầu tư không có dự án nhà máy xi măng trên. Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, chủ yếu tập trung chuyển các nhà máy xi măng công nghệ lò đứng sang lò quay, hạn chế đầu tư, phát triển các nhà máy xi măng thuộc nhóm B, trong khi Nhà máy Xi măng Xuân Thành được xác định thuộc nhóm nên hạn chế đầu tư, phát triển.

Theo văn bản số 43716/BQP – TM ngày 26/8/2008 của Bộ Quốc phòng do thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Khắc Nghiêm ký trả lời UBND tỉnh Hà Nam thì, Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thành không nằm trong quyết định phê duyệt quy hoạch được thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020 (QĐ số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Và Bộ Quốc phòng đề nghị căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo không triển khai thực hiện dự án xi măng nói trên (Xuân Thành-NV).

Người dân thôn Bồng Lạng không khỏi bức xúc từ Thông báo số 11 ngày 27/3/2008 của UBND tỉnh Hà Nam về địa điểm xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành đã xác định sai vị trí, làm sai lệch bản chất của việc quy hoạch các nhà máy xi măng trên địa bàn.

Ông Đinh Ngọc Thập, Trưởng thôn Bồng Lạng cho biết: “Trước đây, toàn thôn có 450 mẫu đất canh tác, sau khi các dự án đầu tư vào địa phương, số đất này co lại chẳng còn là bao. Nhiều gia đình như nhà ông Hoàng Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thị Phương mất 100% diện tích đất canh tác… Cả thôn có trên 1.000 lao động thiếu việc làm nhưng các doanh nghiệp mới thu hút được vài chục người”. ông Ngô Trung Kỳ, Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị cho biết, các công ty xi măng đều nhất trí tuyển lao động địa phương nhưng thực tế cả thôn Bồng Lạng mới có 50 người được nhận vào làm việc, chủ yếu là bảo vệ.

Đem những bức xúc của người dân Bồng Lạng trao đổi với ông Lê Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, ông Sơn đáp: “Tôi không thể trả lời các anh được điều gì, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung giải quyết… (!?)”.

Ngày 25/12/2008, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. ông Tân khẳng định, việc xây dựng 4 nhà máy xi măng tại thôn Bồng Lạng không ảnh hưởng đến môi trường vì tổng công suất của 4 nhà máy này chỉ đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Hơn nữa, đất đai tại thôn Bồng Lạng không thuận lợi cho việc trồng lúa nên xây dựng nhà máy xi măng tại khu vực này là hợp lí! Về vấn đề việc làm của người dân trong thôn, ông Tân khẳng định có 3 hướng giải quyết: lao động dưới 30 tuổi sẽ được tạo điều kiện đi học nghề như thêu thùa, đan lát…; trên 30 tuổi sẽ chuyển sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp; tiếp tục tạo điều kiện cho người dân khai thác đá.

Tuy nhiên, sự bất công bằng đối với người dân Bồng Lạng là việc các doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương mới dừng ở chỗ cam kết. Và câu hỏi đặt ra là, thôn Bồng Lạng đang “oằn mình” cõng 4 nhà máy xi măng và 1 nhà máy hoá chất kia trong tương lai sẽ ra sao?

SOURCE: BÁO KINH TẾ NÔNG THÔN - NAM TRẦN

Trích dẫn từ: http://www.kinhtenongthon.com.vn

-------------------------------------------------------------

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)