Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm và đặc điểm của thương nhân thể nhân
- 1.1 Điều kiện hình thành thương nhân thể nhân
- 1.2 Đặc điểm của thương nhân thể nhân
- 1.3 Cách phân loại thương nhân thể nhân
- 2. Khái niệm và đặc điểm của thương nhân pháp nhân
- 2.1 Khái niệm và đặc điểm của thương nhân pháp nhân
- 2.2 Học thuyết giả tưởng về pháp nhân
- 2.3 Học thuyết thực tại về pháp nhân
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162
1. Khái niệm và đặc điểm của thương nhân thể nhân
1.1 Điều kiện hình thành thương nhân thể nhân
Thương nhân thể nhân, theo quan niệm tương đối chung của các nước, phải hội đủ các điều kiện sau:
- Thực hiện các hành vi thương mại một cách thường xuyên và lấy chúng làm nghề nghiệp của mình;
- Tự thân thực hiện các hành vi thương mại, tức là thực hiện các hành vi thương mại dưới danh nghĩa và tài khoản của họ (điều này loại trừ người hoạt động thương mại dưới danh nghĩa và tài khoản của người khác như người làm công, người quản lý cửa hàng, cơ sở thương mại hoặc chi nhánh thương mại, người được uỷ quyền).
Theo khoản 1, điều 6, Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam xác định điều kiện để được xem là thương nhân thể nhân khi đáp ứng được 03 điều kiện, bao gồm:
- Hoạt động thương mại độc lập;
- Hoạt động thương mại một cách thường; và
- Có đăng ký kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh có thể được giải thích là việc xác định nghề nghiệp chuyên thực hiện hành vi thương mại nào đó. Vì vậy về cơ bản các điều kiện trở thành thương nhân thể nhân theo pháp luật Việt Nam không khác với quan niệm của các nước khác.
Xuất phát từ bản chất thực sự của thương nhân, có thể thấy rằng định nghĩa thương nhân theo kiểu hình thức đăng ký làm bó hẹp phạm vi điều chỉnh của luật thương mại, hay nói chính xác hơn, làm cho luật thực định không tiếp cận tới luật khách quan. Một điều đáng xem xét nữa là định nghĩa như vậy sẽ loại bỏ sự điều chỉnh và giải quyết các hoạt động thương mại trong thực tế. Về mặt lịch sử phát triển có thể thây đăng ký thương mại phát sinh sau các quy tắc thương mại được hình thành giữa các thương nhân, và vào lúc nhà nước muôn quản lý các hoạt động thương mại nhằm các mục đích công cộng, trong đó có cả thuế. Vậy, đăng ký thương mại không tạo nên cái chất của hoạt động thương mại.
1.2 Đặc điểm của thương nhân thể nhân
Lẽ dĩ nhiên các thương nhân thể nhân phải có đầy đủ năng lực trước khi có thể trở thành thương nhân như: Phải đạt đến một độ tuổi theo quy định của pháp luật, có năng lực hành vi dân sự và không bị pháp luật cấm hành nghề thương mại. Thực tế khi được thừa hưởng gia tài, một người vị thành niên vẫn có thể thực hiện các hoạt động thương mại nhưng phải thông qua người giám hộ. Vị thành niên đó không được coi là một thương nhân. Vấn đề về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của thương nhân phải viện dẫn tới các quy định của luật dân sự. Còn luật thương mại phải có các quy định về việc cấm hành nghề thương mại trong một số trường hợp như người đang chấp hành hình phạt tù có thể bị tước quyền quản trị tài sản và thực hiện một số hành vi thương mại.
Điều 18, Luật Thương mại 1997 của Việt Nam quy định tương đối rõ ràng các trường họp không được công nhận là thương nhân. Thế nhưng Luật Thương mại 2005 dường như không đề cập tới qui chế thương nhân và không có các qui định như vậy. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2005 không xây dựng được qui chế thương nhân đầy đủ. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2005 có qui định người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.
1.3 Cách phân loại thương nhân thể nhân
Pháp luật ở một số nước còn có sự phân biệt giữa thương nhân và người làm nghề thủ công. Các yếu tố được xem xét là một người làm thủ công bao gồm:
Thứ nhất, phải là một nghề lao động chân tay;
Thứ hai, phải tự mình làm công việc, nếu có thuê mướn một số lượng rất ít người;
Thứ ba, phải làm cho chính bản thân mình, có nghĩa là chịu hoặc hưởng mọi lỗ lãi do tự mình làm ra.
Mặc dù sự phân biệt này không mấy rõ ràng, nhưng cũng là tiêu chí để xác định người làm nghề thủ công mà không phải là thương nhân.
Thương nhân thể nhân có thể được chia thành thương nhân theo luật và thương nhân thực tế như:
+ Thương nhân có cơ sở thương mại và thương nhân không có cơ sở thương mại;
+ Thương nhân vợ chồng cùng hoạt động thương mại và thương nhân vợ chồng hoạt động thương mại riêng rẽ.
Cách phân loại này theo quan điểm của Pháp có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Mặc dù không đăng ký vào sổ thương mại, nhưng khi tranh chấp xảy ra hay vỡ nợ hoặc phá sản, thì pháp luật vẫn cứ phải xem xét tới tính chất thương mại thực sự liên quan đến thương nhân thực tế để giải quyết. Thương nhân không có cơ sở thương mại là một thực tế xuất hiện rất nhiều ở Việt Nam gọi là nhũng người bán hàng rong hay buôn bán nhỏ lẻ mà không được Luật Thương mại điều chỉnh. Thông thường những thương nhân này được qui định trong các văn bản dưới luật bởi tính bất ổn định của họ và bởi sự cần thiết điểu tiết linh động của pháp luật.
Chẳng hạn: Điều 2, khoản 3, Luật Thương mại 2005 cho Chính phủ quyền qui định đối với loại thương nhân này; Bộ luật Thương mại của Cộng hoà Liên bang Đức cho rằng những thương nhân nhỏ lẻ là những thương nhân khuyết tư cách không bắt buộc thực hiện mọi nghĩa vụ của thương nhân nhưng vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật thương mại. Thương nhân vợ chồng có nhiều điểm phức tạp do quan hệ nhân thân của họ mà không văn bản quy phạm pháp luật nào có thể quy định được đầy đủ. Do đó, việc nhờ cậy tới các nguồn bổ sung như án lệ và học thuyết pháp lý là rất quan trọng.
Do các đạo luật về thương mại của Việt Nam hiện nay chỉ gói gọn trong việc điều chỉnh các hành vi thương mại theo nghĩa rất hẹp, và các đạo luật về doanh nghiệp lại có khuynh hướng tách bạch hẳn với các đạo luật về thương mại nên chúng không đặt ra các khía cạnh như vậy của khái niệm thương nhân và qui chế thương nhân.
2. Khái niệm và đặc điểm của thương nhân pháp nhân
2.1 Khái niệm và đặc điểm của thương nhân pháp nhân
Thương nhân pháp nhân hay nói đúng hơn là các thương hội được coi là các thương nhân bởi hình thức. Bộ luật Thương mại Đức, Bộ luật Thương mại Nhật bản và các Bộ luật Thương mại khác đều có quan niệm như vậy. Điều đó có nghĩa là thương nhân này được thành lập dưới dạng công ty thương mại.
Có nhận xét rằng: Có rất nhiều thực thể mang tên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phẩn, công ty hợp danh... hoạt động trên thương trường với tư cách là thương nhân, và là một thành phần chủ yếu của thị trường. Các thực thể này được gọi chung là các công ty tham gia vào các giao dịch hay các hành vi pháp lý với tên riêng và tư cách riêng. Nhưng các công ty vẫn thuộc về chủ sở hữu của chúng là thành viên hay các thành viên tạo lập nên chúng. Khi thành viên mang tài sản góp vốn vào công ty thì không còn quyền sở hữu đối với tài sản đó nữa. Nhưng tài sản ở trong công ty không thuộc sở hữu chung của các thành viên mà thuộc công ty. Do đó Luật Doanh nghiệp 2005 (văn bản đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo, nghiên cứu tại thời điểm hiện tại) của Việt Nam có qui định:
"Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty" (Điều 4, khoản 4).
Vậy có nghĩa là tài sản được đóng góp có một chủ sở hữu mới là một thực thể mà đứng trước pháp luật được gọi là "người", vì chỉ có người mới là chủ thể của các quyền. Những người này vô hình, vô thể, nên pháp luật gắn cho nó một tính từ và gọi nó là "pháp nhân" (hay con người pháp định) để phân biệt với tự nhiên nhân (hay con người tự nhiên hoặc thể nhân).
Theo Giáo sư Philippe Merle, tư cách pháp nhân cho phép công ty có sản nghiệp riêng, sản nghiệp xã hội (patrimoine social), phân biệt với sản nghiệp cá nhân của các thành viên của nó và có đặc trưng riêng với tên gọi, cư sở (trụ sở), quốc tịch và năng lực pháp lý đầy đủ .
Mặc dù ở các nước theo truyền thống Common Law có nhiều học thuyết khác nhau về bản chất của công ty được sử dụng một cách rất linh động để giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan tới công ty, nhưng khi định nghĩa về công ty, các luật gia ở các nước này thường sử dụng học thuyết hư cấu hay thực thể nhân tạo, có nghĩa là xem công ty là một pháp nhân .
Vậy, có thể nói khi nghiên cứu về luật thương mại nói chung và nghiên cứu về công ty nói riêng, người ta không thể không đề cập tới pháp nhân.
Tuy nhiên quan niệm về pháp nhân không hề đơn giản. Pháp luật Việt Nam hiện nay có các quan niệm và qui định trái ngược về pháp nhân. Chẳng hạn:
- Bộ luật Dân sự 2005 (văn bản đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo, nghiên cứu tại thời điểm hiện tại) qui định thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với những nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện (Điều 193, khoản 3);
- Trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2005 qui định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân (Điều 130, khoản 2) và các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty (Điều 130, khoản 1, điểm b).
Lưu ý rằng trước đây Luật Doanh nghiệp 1999 (văn bản đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo, nghiên cứu tại thời điểm hiện tại) cho rằng công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân, trong khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 203 vẫn bắt công ty hợp danh chịu thuế thu nhập. Lý do để xem một công ty là có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân chưa được làm rõ trong quá trình xây dựng các đạo luật này. Ở các nền tài phán khác, đa số các qui định về pháp nhân đều dựa trên nền tảng một học thuyết nào đó. Vì vậy cẩn phải nói sơ lược về các học thuyết về pháp nhân.
Khái niệm pháp nhân đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, nhưng pháp luật của các quốc gia không có định nghĩa về nó mà chỉ thừa nhận sự tồn tại của nó. Có nhiều học thuyết về pháp nhân khác nhau mà các quốc gia có thể lựa chọn đế xây dựng nên các quan điểm pháp lý của mình. Các quan điểm này thường được phản ánh trong luật thực định, nhưng có những vấn đề khách quan mà khiến cho người ta phải cân nhắc. Có hai học thuyết chính về pháp nhân: Học thuyết giả tưởng; và Học thuyết thực tại.
2.2 Học thuyết giả tưởng về pháp nhân
Xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, học thuyết giả tưởng quan niệm chỉ có con người mới có nhân tính và ý chí, do đó mới là chủ thể của các quyền hay chủ thể của pháp luật. Do nhu cầu quản lý các tổ chức của con người (mà được nhìn nhận là không có nhân tính và ý chí), các học giả theo học thuyết này xem tổ chức có tư cách pháp nhân là chủ thể giả tưởng của pháp luật mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân. Học thuyết này có một hệ quả logic là sự tồn tại của các pháp nhân đều phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật.
2.3 Học thuyết thực tại về pháp nhân
Khác hơn nhiều, học thuyết thực tại ra đời sau này, khi thương mại và công nghiệp phát triển với rất nhiều tổ chức kinh doanh, khẳng định pháp nhân là những thực tại không kém gì thể nhân và có ý chí, nên phải là chủ thể của các quyền hay chủ thể của pháp luật. Học thuyết này dẫn đến một quan niệm rằng, pháp nhân không phải là sự tạo lập của nhà làm luật mà là một thực tại buộc pháp luật phải thừa nhận. Tới lượt mình, học thuyết này lại được chia thành hai trường phái.
Thứ nhất, trường phái tâm lý xã hội cho rằng: Pháp nhân được coi là một cơ thể gồm các tế bào là các thành viên của nó mà đã mất hết cá nhân tính; Bản thể của con người không phải ở phần thể xác mà ở phần ý chí; Do đó một đoàn thể có ý chí tập thể phải được coi là pháp nhân.
Thứ hai, trường phái thực tại kỹ thuật cho rằng: Nhân tính có thể được xem xét tách rời với cơ thể sinh lý (ví dụ: nô lệ đã từng không phải là chủ thể của các quyền; ngày nay bào thai đã được hưởng quyền thừa kế) ; Nhân tính chỉ là khả năng trở thành chủ thể của các quyền vì ý chí không phải là điều kiện của nhân tính (ví dụ: người tâm thần và vị thành niên không có ý chí mà vẫn có nhân tính); Trung tâm của pháp luật là các quyền lợi của cá nhân và tập thể, nên có pháp nhân và thể nhân; Nhà nước không thể tạo ra pháp nhân mà chỉ có thể kiếm soát chúng.
Toà án của Pháp đã hướng về học thuyết thực tại kỹ thuật để giải thích khái niệm pháp nhân qua một bản án của Phòng dân sự ngày 8/1/1954 rằng:
"Nhân tính không phải là một sự sáng tạo của luật lệ. Mỗi một đoàn thể có một sự phát biểu tập thể để bảo toàn những lợi ích hợp pháp, đáng được pháp luật công nhận và bảo vệ, đều có tư cách pháp nhân" .
Đứng về phía học thuyết thực tại, nhiều nhà khoa học pháp lý Nhật Bản nhận định: không có gì là quá đáng, khi nói rằng hiện nay thực tế tất cả các quan điểm khoa học pháp lý về pháp nhân đang phát sinh và tồn tại đều thuộc quan điểm thực tế, tuy rằng có nhiều khuynh hướng khác nhau. Có thể nói, sự thắng thế của học thuyết thực tại được xem là sự thắng thế của quyền tự do lập hội, bởi học thuyết này chôhg lại quan điểm của học thuyết giả tưởng coi sự ra đời và tổn tại của pháp nhân phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật hay chính quyền.
Công ty luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích từ nhiều nguồn trên internet)