Mục lục bài viết
>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến, gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
1. Kết hôn là gì?
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
- Điều kiện kết hôn là những tiêu chuẩn được nhà nước quy định mà các bên nam, nữ cần phải có hoặc không có điều kiện đó mới có quyền được kết hôn.
- Đăng ký kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 và pháp luật về hộ tịch.
Đặc biệt, đối với trường hợp kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn thì không có giá trị pháp lý.
Như vậy, để việc kết hôn có giá trị pháp lý thì nam, nữ phải đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí là đảm bảo về điều kiện kết hôn và có tiến hành đăng ký kết hôn. Điều này đồng nghĩa với việc nam nữ sẽ phải chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi liên quan với nhau theo quy định của pháp luật.
2. Đổ tuổi đăng ký kết hôn đối với nam và nữ là bao nhiêu?
Theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
"1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này."
Như vậy, bạn không đủ điều kiện kết hôn.
Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hành vi cấm khi kết hôn:
"b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;"
Theo khoản 8 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đinh năm 2014:
"8. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này."
Những điều cần lưu ý: Nếu bạn đăng ký kết hôn không đủ tuổi thì hành vi tảo hôn và là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.
3. Kết hôn không đúng quy định pháp luật bị xử phạt như thế nào?
Tảo hôn là hành vi bị cấm khi kết hôn, trường hợp cố tình vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính, bị Tòa án có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi trên.
* Xử phạt hành chính:
Căn cứ theo Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hành vi tảo hôn có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn trong trường hợp đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó, nếu Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật nhưng cá nhân vẫn cố ý duy trì thì sẽ bị xử phạt số tiền lên đến 5.000.000 đồng.
* Bị Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật
Tòa án sẽ hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 khi phát hiện trường hợp vi phạm thực tế hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ).
Khi giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để thụ lý và giải quyết xử lý.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu cá nhân đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm. Theo đó, trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Theo đó, mỗi cá nhân cần tuân thủ pháp luật về hôn nhân gia đình: nghĩa là kết hôn khi đủ tuổi và phải đáp ứng được những điều kiện đăng ký kết hôn để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra trong thực tế.
Kết luận: Nam 18 sẽ không thể đăng ký kết hôn vì không chưa đáp ứng điều kiện kết hôn được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014. Trường hợp cố tình kết hôn sẽ bị xem là hành vi tảo hôn đồng thời bị xử phạt theo pháp luật tùy vào tình hình thực tế.
4. Thực trạng tảo hôn hiện nay ở nước ta
Hậu quả của nạn tảo hôn:
- Trẻ em sinh ra bị còi cọ, khả năng chống lại bệnh tật rất kém dễ mắc bệnh nhất là các bệnh hiểm nghèo. Chi phí chữa trị tốn kém, khó thoát khỏi đói nghèo, dòng dõi gia đình bị thoái hóa, thế hệ sau ngày càng nhỏ đi và bị suy thoái.
- Trẻ em kém phát triển về trí tuệ, khả năng học tập kém, không có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sẽ không thể phát triển được sản xuất và không thể thoát được đói nghèo.
- Tảo hôn khiến vợ, chồng của người tảo hôn sẽ không có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, mặt khác chưa phát triển đầy đủ về cả sinh lý và tâm lý, chưa đủ khả năng để chăm sóc con phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh, toàn diện, do đó những đứa con đó lớn lên sẽ rất khó khăn về nhiều mặt như sức khỏe, học hành, tìm việc làm…
- Xã hội sẽ phải chăm lo nhiều hơn về mặt y tế, điều kiện học hành đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... đòi hỏi mỗi con người phải có trí tuệ phát triển, có thể hình to cao, có sức khỏe tốt... những đứa con của những người tảo hôn sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực trạng kết hôn ở Việt Nam những năm gần đây diễn ra rất phức tạp, cụ thể:
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam thì tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Như vậy, nam giới kết hôn sớm hơn 2,5 tuổi, nữ giới kết hôn sớm hơn 2,2 tuổi so với quy định của pháp luật. Trước đây, trẻ em gái tảo hôn cũng phải 15, 16 tuổi, nay giảm xuống chỉ còn 12, 13 tuổi.
Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20,1%; nữ giới tảo hôn cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Tất cả 53 DTTS đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%, Mạ 39,2%.
Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn các vùng khác. Năm 2019, vùng Trung du miền núi phía Bắc có 583.297 trường hợp; Đồng bằng sông Hồng có 14.922 trường hợp; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 152.743 trường hợp; Tây Nguyên có 203.639 trường hợp; Đông Nam bộ có 37.375 trường hợp; Đồng bằng sông Cửu Long có 45.293 trường hợp.
Tỉnh Sơn La có 128.873 trường hợp; tỉnh Hà Giang có 73.772 trường hợp; Điện Biên 67.780 trường hợp; Lào Cai 56.939 trường hợp; Lai Châu 56.029 trường hợp; Yên Bái 40.842 trường hợp; Cao Bằng 37.406 trường hợp; Nghệ An 36.854 trường hợp; Gia Lai 84.067 trường hợp; Đắk Lắk 56.029 trường hợp… thuộc nhóm các địa phương có số trường hợp tảo hôn cao nhất cả nước.
Phân tích theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (tức có trình độ từ sơ cấp trở lên) thì chỉ có 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở những người không tảo hôn cao gấp hơn 18 lần (18,8%). 31/53 DTTS có tình trạng 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chỉ có 1,6% nam giới có trình độ chuyên môn kỹ thuật tảo hôn so với tỷ lệ tương ứng của nữ là 0,6%.
Tảo hôn là vấn nạn tồn tại từ rất lâu trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và một bộ phận dân cư, không dễ xóa bỏ trong thời gian ngắn. Để có thể giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng các giải pháp, công cụ tuyên truyền nhằm chuyển đổi hành vi hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí áp dụng mạnh hơn nữa ché tài xử phạt hành vi tảo hôn, đặc biệt là hủ tục bắt vợ của đồng bào Mông. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.