1. Ngày thu hồi đầu tiên

Ngày thu hồi đầu tiên (FIRST CALL DATE) là ngày sớm nhất mà người phát hành trái phiếu có thể mua lại tất cả hoặc một phần của đợt phát hành, với mức giá được quy định cụ thể trong giao kết. Ngày thu hồi thực hiện đầu tiên được ghi trong bảng chào trái phiếu. Trái phiếu được bảo đảm bằng thế chấp có thể thu hồi, nếu vốn gốc giảm xuống một mức nhất định, ngay cả không đề cập ngày thu hồi. Việc phát hành có thể được thu hồi sớm hơn nếu phần trăm số tiền thu được, Ví dụ 80%, không được tái đầu tư vào tài sản thế chấp trong kỳ hạn hai năm. Mục đích là để giữ cho tài trợ thế chấp miễn trừ thuế không bị phân loại như là kinh doanh chênh lệch giá, và mất khoản miễn trừ thuế trên lãi.

 

2. Thời điểm có lệnh thu hồi

2.1. Khái niệm

Thời điểm có lệnh thu hồi (Call date) là ngày mà một trái phiếu có thể được mua lại trước khi đáo hạn. Nếu nhà phát hành cảm thấy việc tái cấp vốn cho việc phát hành là có lợi, thì trái phiếu có thể được mua lại vào thời điểm có lệnh thu hồi bằng mệnh giá hoặc mức phí thấp.

2.2. Đặc điểm của thời điểm có lệnh thu hồi

Chủ trái phiếu dự kiến sẽ nhận được các khoản lãi trên trái phiếu của mình cho đến ngày đáo hạn, tại thời điểm đó, mệnh giá của trái phiếu sẽ được hoàn trả. Các phiếu lãi đại diện (coupon) đại diện cho khoản thu nhập lãi của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một số trái phiếu có thể được thu hồi như được nêu trong khế ước trái phiếu tại thời điểm phát hành. Nhà phát hành trái phiếu có quyền mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn của chúng, đặc biệt là trong thời điểm lãi suất trên thị trường giảm.

Khi lãi suất giảm, bên vay hoặc nhà phát hành có cơ hội trả lãi theo các điều khoản của phiếu lãi trái phiếu với lãi suất thấp hơn, do đó, có thể giảm chi phí vay. Khi trái phiếu được thu hồi trước khi chúng đáo hạn, tiền lãi sẽ không được trả cho các nhà đầu tư.

Để bảo vệ chủ trái phiếu khỏi việc trái phiếu bị thu hồi sớm bởi nhà phát hành, các khế ước trái phiếu thường sẽ nhấn mạnh giai đoạn bảo vệ thu hồi. Giai đoạn bảo vệ thu hồi là giai đoạn mà một trái phiếu không thể được mua lại.

Ví dụ, trái phiếu phát hành có thời hạn 20 năm có thể có thời hạn bảo vệ thu hồi là 7 năm. Điều này có nghĩa là trong 7 năm đầu tiên của trái phiếu, bất kể lãi suất thay đổi như thế nào trong nền kinh tế, thì nhà phát hành trái phiếu không thể mua lại trái phiếu từ chủ trái phiếu. Thời hạn khoá này giúp nhà đầu tư được bảo vệ, vì họ được đảm bảo thanh toán lãi cho trái phiếu trong ít nhất bảy năm, sau đó thì thu nhập lãi không được đảm bảo nữa.

Khế ước trái phiếu cũng liệt kê ngày mà một trái phiếu có thể bị thu hồi sớm sau thời hạn bảo vệ thu hồi. Ngày này được gọi là thời điểm có lệnh thu hồi. Có thể có một hoặc nhiều thời điểm có lệnh thu hồi trong vòng đời của trái phiếu. Chuỗi thời điểm có lệnh thu hồi được gọi là kế hoạch lệnh thu hồi và có một giá trị quy đổi cụ thể được chỉ định cho mỗi một thời điểm.

Một công ty phát hành có thể mua lại trái phiếu hiện tại của mình vào thời điểm có lệnh thu hồi nếu lãi suất thuận lợi. Nếu tỉ lệ và lợi suất tăng đủ cao, các nhà phát hành có thể sẽ chọn không thu hồi trái phiếu cho đến thời điểm có lệnh thu hồi tiếp theo, hoặc đơn giản chỉ đợi đến ngày đáo hạn để thu hồi vốn.

Nhà phát hành trái phiếu chỉ có thể thực hiện quyền chọn mua lại trái phiếu sớm vào các thời điểm có lệnh thu hồi được chỉ định. Để bù đắp cho các chủ trái phiếu khi mua lại trái phiếu sớm, một khoản phí cao hơn mệnh giá sẽ được trả cho các nhà đầu tư.

Bởi vì các điều khoản của lệnh thu hồi khiến nhà đầu tư gặp bất lợi, trái phiếu có điều khoản thu hồi thường có xu hướng có giá trị thấp hơn so với trái phiếu không thể thu hồi. Do đó, để lôi kéo các nhà đầu tư mua trái phiếu có thể thu hồi, các công ty phát hành phải đưa ra lãi suất cao hơn cho trái phiếu có thể thu hồi.

Các nhà đầu tư phụ thuộc vào thu nhập lãi được tạo ra từ trái phiếu phải nắm bắt được thời điểm có lệnh thu hồi khi mua trái phiếu.

 

3. Giá thu hồi (Call price)

3.1. Định nghĩa

Giá thu hồi hay giá mua lại (Call price/Redemption price) là giá mà nhà phát hành có thể mua lại trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Giá thu hồi được thiết lập tại thời điểm phát hành chứng khoán.

3.2. Ví dụ

Giả sử Tập đoàn thể thao TSJ phát hành 100.000 cổ phiếu ưu đãi với mệnh giá 100 đô la trên mỗi cổ phiếu với điều khoản thu hồi (điều khoản mua lại) được thiết lập ở mức 110 đô la trên mỗi cổ phiếu. Điều này có nghĩa là nếu TSJ thực hiện quyền mua lại cổ phiếu, giá thu hồi hay giá mua lại cổ phiếu ưu đãi sẽ là 110 đô la.

Một công ty có thể thực hiện quyền mua lại cổ phiếu ưu đãi trong trường hợp công ty đó muốn ngừng thanh toán cổ tức liên quan đến cổ phiếu ưu đãi. Việc thực hiện quyền mua lại cổ phiếu ưu đãi trong trường hợp này làm gia tăng thu nhập cho cổ đông phổ thông.

3.3. Phân loại

Giá thu hồi có thể là một trong ba mức giá sau tùy vào việc nhà phát hành xác định và công bố tại thời điểm phát hành:

- Giá cố định (single call price regardless of call date): là một mức giá xác định trước và cố định không phụ thuộc vào ngày thu hồi. Ví dụ, công ty ABC phát hành trái phiếu với điều khoản thu hồi, giá thu hồi bằng mệnh giá cộng với lãi tích lũy đến ngày trái phiếu được thu hồi, thời gian trì hoãn thu hồi là 5 năm.

- Giá biến đổi phụ thuộc vào lịch trình thu hồi (call price based on call schedule): giá thu hồi có những mức giá khác nhau được xác định trong lịch trình từ ngày thu hồi đầu tiên cho đến khi kết thúc đợt thu hồi.

Trong trường hợp này, giá thu hồi cao hơn mệnh giá và giảm dần theo thời gian cho đến khi bằng hoặc gần bằng mệnh giá.

Ví dụ: Trái phiếu phát hành vào 1/7/1997 đáo hạn vào ngày 1/7/2013 sẽ được thu hồi vào hoặc kể từ sau ngày 1/7/2007 với mức giá được qui định cụ thể trong bảng dưới đây và mức giá đó cố định trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/7, thời gian trì hoãn thu hồi là 10 năm kể từ ngày phát hành:

- Giá thu hồi cao hơn mệnh giá (call price based on make-whole premium) còn được gọi là điều khoản thu hồi giá cao nhằm duy trì lợi suất (a yield maintenance premium provision).

Mục đích của mức giá này là nhằm bảo vệ lợi suất cho các trái chủ khi trái phiếu được thu hồi. Mức giá được xác định là một giá trị cao hơn mệnh giá sao cho khi tái đầu tư nó với khoảng thời gian tương ứng thời hạn còn lại của trái phiếu thu hồi sẽ mang lại lợi suất bằng với mức lợi suất cũ (là lợi suất của trái phiếu bị mua lại).

 

4. Rủi ro thu hồi (Call risk)

4.1. Định nghĩa

Rủi ro thu hồi hay rủi ro mua lại (Call risk) là rủi ro mà công ty phát hành sẽ mua lại (thu hồi) trái phiếu trước thời điểm trái phiếu đáo hạn. Điều này có nghĩa là trái chủ sẽ nhận được khoản thanh toán trên giá trị của trái phiếu và trong hầu hết các trường hợp khoản thanh toán này sẽ được tái đầu tư vào môi trường có lãi suất thấp hơn.

4.2. Một số lưu ý

- Trái phiếu có thể mua lại hay còn gọi là trái phiếu có thể thu hồi (Callable Bond) là loại trái phiếu có kèm điều khoản cho phép nhà phát hành được mua lại trái phiếu trước thời điểm đáo hạn.

- Quyền chọn đính kèm của trái phiếu có thể mua lại tương tự như quyền chọn mua, cho phép nhà phát hành có quyền mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn. Khi lãi suất trên thị trường giảm, công ty phát hành trái phiếu tìm cách tận dụng mức lãi suất thấp hơn bằng cách mua lại trái phiếu đang lưu hành và phát hành lại với tỉ lệ huy động (lãi suất) thấp hơn.

- Trên thực tế, việc thu hồi trái phiếu khiến cho các trái chủ gặp bất lợi do không còn nhận được các khoản thanh toán lãi trên các trái phiếu đã bị thu hồi. Để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi việc trái phiếu bị thu hồi quá sớm, điều khoản bảo vệ khỏi lệnh thu hồi đã được tạo ra vào thời điểm trái phiếu phát hành.

- Bảo vệ khỏi lệnh thu hồi (Call protection) là một điều khoản bảo vệ của chứng khoán có thể bị mua lại. Nó ngăn cấm nhà phát hành thực hiện mua lại chứng khoán trong một khoản thời gian nhất định.

4.3. Ví dụ

Một trái phiếu có thể mua lại phát hành với lãi suất coupon là 5% và có thời gian đáo hạn là 10 năm. Thời gian bảo vệ khỏi lệnh thu hồi là 4 năm, điều đó có nghĩa là nhà phát hành không thể mua lại trái phiếu trong bốn năm đầu tiên của vòng đời trái phiếu, bất kể lãi suất thay đổi như thế nào.

Sau khi thời gian bảo vệ khỏi lệnh thu hồi kết thúc, các trái chủ phải chịu rủi ro rằng trái phiếu có thể bị mua lại nếu lãi suất giảm xuống dưới 5%. Đó chính là rủi ro thu hồi của trái phiếu này.

 

5. Không thể thu hồi (Noncallable)

5.1. Định nghĩa

Không thể thu hồi hay không thể mua lại (Noncallable)

Chứng khoán không thể thu hồi là công cụ tài chính mà nhà phát hành ra chúng không thể mua lại/thu hồi trước ngày đáo hạn của chứng khoán, trừ trường hợp chấp nhận trả một khoản tiền phạt.

Các nhà phát hành ra chứng khoán không thể thu hồi buộc phải chấp nhận rủi ro lãi suất vì một chứng khoán không thể thu hồi cố định mức lãi suất phải trả trong suốt thời hạn của chứng khoán. Giả sử, trong trường hợp lãi suất trên thị trường giảm, nhà phát hành vẫn phải trả mức lãi suất cao hơn lãi suất trên thị trường cho đến khi chứng khoán đáo hạn.

Hầu hết các trái phiếu kho bạc và trái phiếu đô thị là không thể thu hồi.

5.2. Đặc trưng và ý nghĩa

- Cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu doanh nghiệp có điều khoản mua lại (call provision) được qui định trong bản cáo bạch hoặc các tài liệu có liên quan tại thời điểm phát hành chứng khoán. Điều khoản mua lại (call provision) chỉ ra rằng một chứng khoán có thể được thu hồi hay không thể thu hồi.

- Chứng khoán có thể thu hồi có thể được mua lại sớm và trả phí để bồi thường cho nhà đầu tư do khả năng họ sẽ không kiếm được bất kì lợi ích bổ sung nào đối với trường hợp chứng khoán được mua lại trước ngày đáo hạn.

- Trái phiếu có thể thu hồi khi lãi suất giảm vì lãi suất thấp hơn có nghĩa là công ty có thể tái huy động nợ với chi phí thấp hơn.

 

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).