- 1. Trong thời gian nghỉ thai sản có phải đóng phí công đoàn hay không?
- 2. Đóng bảo hiểm 6 tháng có được hưởng thai sản không?
- 3. Điều kiện hưởng chế độ thai sản?
- 4. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nghỉ việc?
- 5. Đóng bảo hiểm được 3 tháng thì sức khỏe yếu có được hưởng thai sản không?
1. Trong thời gian nghỉ thai sản có phải đóng phí công đoàn hay không?
Chào luật sư, nhân viên của em đã nghĩ thai sản 6 tháng (bắt đầu nghĩ cuối tháng 7/2018), sau sáu tháng bé nhân viên đó sắp đi làm lại (ngay thời điểm trước tết 02 tuần). Công ty có tiến hành tặng quà tết cho nhân viên (quà công đoàn),nhưng riêng bạn nhân viên đó của bộ phận em lại không được quà tết.
Khi em hỏi hành chánh nhân sự , thì hành chánh thông báo là vì bạn đó nghĩ thai sản không có đóng kinh phí công đoàn trong 6 tháng nghĩ thai sản đó cho nên không có quà công đoàn tặng cho bạn đã nghĩ thai sản đó.
Vậy liệu hành chánh nhân sự giải đáp như vậy có đúng hay không?
Thứ nhất, quy định tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn:
6. Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Trên thực tế, người lao động này được hưởng chế độ nghỉ thai sản trong 06 tháng, vậy thì thời gian này người lao động đó không phải đóng đoàn phí công đoàn. Người lao động không đóng phí hoạt động công đoàn thuộc diện được miễn, giảm phí hoạt động công đoàn không có nghĩa là vi phạm các nghĩa vụ với công đoàn, vậy nên mọi quyền và lợi ích hợp pháp của họ liên quan đến công đoàn vẫn được giữ nguyên và không phải nhận bất kì hình thức kỉ luật nào do vi phạm nghĩa vụ đóng phí.
Bạn cần lưu ý rằng việc không đóng phí Công đoàn trong thời gian hưởng chế độ thai sản không có liên quan trực tiếp đến việc người lao động có được khen thưởng hay không của Công đoàn, bộ phận Hành chính nhân sự của công ty giải thích như vậy là không khách quan và không đúng với tinh thần pháp luật về lao động. Trừ trường hợp người lao động không hoàn thành công việc, bị kỉ luật hoặc có thỏa thuận khác với người sử dụng lao động, ngoài ra, họ vẫn có quyền được đối xử công bằng, được tặng quà Tết giống như các nhân viên khác.
Mặc dù tiền thưởng Tết là khoản khen thưởng không bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động, tuy nhiên, hành vi của người sử dụng lao động khi tặng quà cho tất cả công nhân viên trừ người lao động nghỉ chế độ thai sản lại có dấu hiệu trù dập, đối xử không công bằng với người lao động. Nếu vậy, đây là hành vi vi phạm quan hệ lao động, làm ảnh hưởng đến tinh thần và công việc của người lao động. Người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo đến Công đoàn hoặc cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp này.
Mức thưởng cho người lao động được công bố công khai tại nơi làm việc, được công nhận bởi tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Mức thưởng phải hợp lý, công bằng, và tùy thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp, và cũng tùy thuộc vào năng lực của người lao động, các chỉ tiêu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người lao động.
Thứ hai, về quy định thưởng Tết của doanh nghiệp: Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về viêc thưởng Tết cho người lao động có phải nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp hay không, vậy nên việc người lao động không nhận được thưởng Tết của công ty về mặt pháp lý là không vi phạm vào qui định của pháp luật.
Tiền thưởng nói chung của người lao động được thực hiện trên cơ sở Điều 103 Bộ luật Lao động 2019:
"1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở."
Pháp luật tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động, vậy nên việc có thưởng Tết hay không sẽ do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Người lao động nên xem xét kĩ trước khi ký hợp đồng lao động để biết cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ lao động. Đồng thời, cần nắm vững các quy định của doanh nghiệp để không rơi vào rủi ro đáng tiếc, ảnh hưởng đến công việc của mình.
>> Xem thêm: Mức đóng đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn là bao nhiêu?
2. Đóng bảo hiểm 6 tháng có được hưởng thai sản không?
Thưa Luật sư, em có ký hợp đồng lao động với công ty, hợp đồng có thời hạn từ 01/06/2015 đến 30/06/2016. Tới ngày 7/12/2015 thì công ty quyết định cho em thôi việc. Thời điểm này em đang mang thai. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với phụ nữ đang mang thai có được không ? Em phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Em đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2015 - 11/2015 là được 6 tháng, em dự sinh vào 9/3/2016, như vậy em có được hưởng chế độ thai sản không thưa luật sư?
Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:1900.6162
Luật sư tư vấn:
- Thứ nhất, về vấn đề chấm dứt HĐLĐ.
Bạn không nói rõ Công ty chấm dứt HĐLĐ với bạn vì lý do gì nên chúng tôi chia thành các trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Công ty chấm dứt HĐLĐ với bạn vì lý do bạn mang thai. Trường hợp này Công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Bởi, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
"Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này".
Khoản 3 Điều 155 quy định như sau:
"3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động".
+ Trường hợp 2: Công ty chấm dứt HĐLĐ với bạn vì lý do khác, đó là: Công ty chấm dứt HĐLĐ vì lý thay đổi cơ cấu, công nghệ; Công ty chấm dứt HĐLĐ vì lý do kinh tế; Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, hết hạn hợp đồng. Trong các trường hợp này, Công ty có quyền chấm dứt HĐLĐ với bạn ngay cả khi bạn đang mang thai.
- Thứ hai, bạn có được hưởng chế độ thai sản không?
Bạn dự sinh vào ngày 09/3/2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được áp dụng từ ngày 01/01/2016 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
"Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này".
Chúng tôi xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh của bạn được tính từ tháng 03/2015 đến tháng 02/2016. Trong thời gian này bạn có các tháng tham gia BHXH như sau: tháng 6, 7, 8, 9, 10, 11 năm 2015. Bạn có đủ 06 tháng tham gia BHXH trong thời gian 12 tháng trước khi sinh, do đó, bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Những điều cần lưu ý: Để xem xét Công ty có chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với bạn hay không trước hết phải xác định được căn cứ chấm dứt HĐLĐ. Về chế độ thai sản, bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật BHXH.
>> Tham khảo bài viết liên quan: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
3. Điều kiện hưởng chế độ thai sản?
Chào luật sư ạ, em có một vấn đề thắc mắc và em rất hi vọng được luật sư giải đáp thắc mắc cho em, không biết có phiền không ạ? Em gái em đóng bảo hiểm trong công ty từ tháng 2/2015. Và tháng 4/2015 em ấy có thai. Và em ấy định nghỉ việc vào cuối tháng 7/2015 này (Tức là em ấy đóng đủ 6 tháng rồi). Và cho em hỏi như vậy có được chế độ thai sản không ạ? Và cần những thủ tục gì ạ? Em xin cảm ơn ạ
Luật sư tư vấn:
Tháng 4/2015 bạn ấy mang thai. Như vậy, thời gian bạn ấy dự kiến sinh sẽ rơi vào khoảng năm 2016. Do đó, Luật áp dụng trong trường hợp này là Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực vào ngày 1/1/2016.
Điều 31, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.".
Để được hưởng chế độ thai sản thì bạn cần tiến hành đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh. Theo thông tin bạn cung cấp không nói rõ thời điểm em bạn sinh và thời gian đóng bảo hiểm xã hội cụ thể như thế nào nên chúng tôi chưa thể xác định chính xác em bạn có được hưởng thai sản hay không. Để biết chi tiết hơn thì bạn vui lòng cung cấp thời điểm dự kiến sinh, và thời gian đóng bảo hiểm cho chúng tôi.
Nếu em bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì thủ tục hưởng chế độ thai sản bao gồm:
Hồ sơ hưởng thai sản :
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Do trường hợp em bạn thôi việc trước thời điểm sinh con cho nên em bạn phải nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội ( điều 102, Luật bảo hiểm xã hội 2014). Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
>> Tham khảo bài viết liên quan: Thủ tục lập hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản
4. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nghỉ việc?
Em tham gia bảo hiểm xã hội được một năm giờ em đang có bầu ngày dự sinh là 7/3/2017 nhưng em viết đơn nghỉ việc ngày 1/11/2016 thì có được hưởng chế độ thai sản không?
>> Luật sư tư vấn pháp luật Bảo hiểm xã hội trực tuyến, gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 số 58/2014/QH13quy định:
"2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con."
Như vậy, bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trường hợp bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
>> Bài viết tham khảo thêm: Cán bộ công đoàn nghỉ thai sản có được hưởng lương công đoàn không?
5. Đóng bảo hiểm được 3 tháng thì sức khỏe yếu có được hưởng thai sản không?
Luật sư cho tôi hỏi là tôi đóng bảo hiểm được 3 năm và hiện nay tôi có bầu từ 7/2016 đến giờ là 2/2017. Nhưng trong thời gian khi mang thai được 5 tháng do sức khỏe yếu lên tôi mới đóng BH được 3 tháng. Mà dự kiến ngày sinh của tôi là 30/3/2017 . Cho tôi hỏi luật sư la như vậy tôi cơ được hưởng bảo hiểm thai sản không?
>> Luật sư tư vấn pháp luật Bảo hiểm xã hội trực tuyến, gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 số 58/2014/QH13 thì lao động nữ mang thai được hưởng chế độ thai sản phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì bạn dự sinh vào ngày 30/03/2017, như vậy thời gian 12 tháng trước khi sinh của bạn sẽ bắt đầu từ tháng 4/2016 đến hết tháng 3/2017, trong khoảng thời gian này bạn phải có đủ 6 tháng đóng BHXH thì mới điều kiện hưởng chế độ thai sản. Việc bạn đã đóng BH 3 năm trước đó và mới chỉ đóng được 3 tháng BHXH thì bạn buộc phải có giấy xác nhận về việc khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền gửi lên bảo hiểm xã hội khi làm hồ sơ bạn mới được hưởng chế độ này.
>> Bài viết tham khảo thêm: Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?