1. Người chưa thành niên là gì?

1.1. Người chưa thành niên trong pháp luật quốc tế

- Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 quy định:

"Trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn".

- Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990 định nghĩa "Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi".

- Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên năm 1985 (Các quy tắc Bắc kinh) cho rằng "Trẻ em hay thanh thiếu niên mà tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xử lý khi phạm tội, theo một phương thức khác với người lớn".

Khái niệm về người chưa thành niên theo quy định của một số quốc gia trên thế giới:

  • Các nước như Úc, Ấn Độ, Philippines, Brazil, Croatia, Colombia, New Zealand ... quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Trong khi đó Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan người chưa thành niên là người dưới 20 tuổi. 
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi từ 10 - 17 tuổi là độ tuổi vị thành niên
  • Chương trình Sức khỏe sinh sản/ Sức khỏe tình dục vị thành niên - thanh niên của khối Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lấy độ tuổi từ 10 - 17 tuổi. 

Như vậy, có thể thấy rằng khái niệm cũng như độ tuổi của người chưa thành niên còn được quy định chưa thống nhất giữa các nước trên thế giới. 

 

1.2. Người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm trẻ em và người chưa thành niên được định nghĩa không hoàn toàn giống với pháp luật quốc tế. Luật trẻ em năm 2016, quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị cần phải tăng độ tuổi của trẻ em lên để phù hợp với các công ước, văn kiện quốc tế nhưng các nhà làm luật vẫn giữ nguyên quy định, độ tuổi này.

Trong một số văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay, khái niệm người chưa thành niên được sử dụng có sự khác biệt nhất định, cụ thể:

  • Trong Bộ luật Dân sự 2015: Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi (Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015)
  • Trong Bộ luật Hình sự 2015 sử dụng cùm từ "người dưới 18 tuổi phạm tội".
  • Trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lại dùng "người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi".

Những cách gọi tên như trên không làm thay đổi bản chất của khái niệm người chưa thành niên, nhưng xét cho cùng thì khái niệm người chưa thành niên được hiểu rộng hơn khái niệm trẻ em dưới góc độ về độ tuổi. 

Tóm lại, từ những phân tích trên, người chưa thành niên có thể được hiểu như sau:

Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên có thể tham gia vào tất cả các quan hệ pháp luật dân sự, hình sự, hành chính, lao động...với các vai trò chủ thể khác nhau.

 

2. Một số quy định pháp luật về người chưa thành niên

2.1. Quy định về người chưa thành niên trong pháp luật dân sự

2.1.1. Năng lực chủ thể của cá nhân - người chưa thành niên

Năng lực chủ thể được cấu thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

* Năng lực pháp luật dân sự:

Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết."

Người chưa thành niên (cá nhân) có các quyền và nghĩa vụ dân sự sau đây:

  • Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân gắn với tài sản
  • Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản
  • Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Năng lực pháp luật dân sự của người chưa thành niên (cá nhân) không bị hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định.

* Năng lực hành vi dân sự:

Điều 17 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Năng lực hành dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự".

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi, thể chất của từng người. Đối với người chưa thành niên:

  • Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi
  • Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người địa diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện
  • Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm: cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự:

Khi người chưa thành niên do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi; hoặc, nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự; hoặc tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

Các giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Các giao dịch liên quan đến tài sản của người hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch nhằm phục vụ như cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật quy định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố người đó mất hoặc hạn chế năng lực hành vi thì theo yêu cầu của người có liên quan hoặc chính người đó thì Tòa án ra quyết định tuyên bố hủy bỏ quyết định tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

 

2.1.2. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp khác do luật quy định. 

Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý. 

Theo đó, người chưa thành niên có các quyền nhân thân, bao gồm: quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được khai sinh, khai tử; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể... (từ Điều 26 - Điêu 38 Bộ luật Dân sự năm 2015)

 

2.2. Quy định về người chưa thành niên trong pháp luật hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 đã dành riêng một chương để quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, từ Điều 133 - Điều 140a.

Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính cần phải tuân theo nguyên tắc:

+ Chỉ được xử phạt trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội

+ Xử lý căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội 

+ Áp dụng hình phạt phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính

  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền
  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính: mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào Ngân sách nhà nước theo Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020. Nếu không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thay

+ Trong quá trình xử lý, các bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ.

+ Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ điều kiện. 

 

2.3. Quy định về người chưa thành niên trong pháp luật lao động

* Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là từ đủ 15 tuổi, trừ trường hợp luật quy định khác. Cụ thể:

  • Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động 2019
  • Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành 
  • Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 (Theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019).

* Các công việc nhẹ mà người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm, bao gồm:

  • Biểu diễn nghệ thuật
  • Vận động viên thể thao
  • Lập trình phần mềm
  • Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, làm giấy dó, làm nón lá, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, thêu thổ cẩm, làm bún gạo, làm miến, làm giá đỗ, làm bánh đa, dệt tơ tằm, se sợi hoa sen, vẽ tranh sơn mài, se nhang, làm vàng mã (trừ các công đoạn có sử dụng hóa chất độc hại như sơn ta, hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng để ướp màu, hóa chất tại mùi, tạo tàn nhang cong...)
  • Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống...), nặn tò he, làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lũ, nhặt vỏ sò, điệp để gắn trên tranh mỹ nghệ, mài đánh bóng tranh mỹ nghệ, xâu chuỗi tràng hạt kết cườm, đánh bóng tranh mỹ nghệ, xâu chuỗi hạt kết cườm, đánh bóng trang sức mỹ nghệ; làm rối búp bê, làm thiếp mừng các sản phẩm từ giấy nghệ thuật trang trí trên thiếp mừng; làm khung tranh mô hình giấy, hộp giấy, túi giấy
  • Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, day, cói, quế, guột, đót, lá nón
  • Gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ việc vận hành hoặc sủ dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói)
  • Nuôi tằm
  • Làm cỏ vườn rau sạch, thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa
  • Chăn thả gia súc tại nông trại   
  • Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản
  • Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đống gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công (Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH)

 

2.4. Quy định về người chưa thành niên trong pháp luật hình sự

2.4.1. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng quy định. Các tội này được liệt kê tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như tội giết người, tội hiếp dâm, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác....

 

2.4.2. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

- Đảm bảo lợi ích tốt nhất, nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích.

- Có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 91 và có nhiều tính tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả. 

- Truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi chỉ trong trường hợp cần thiết và có căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

- Khi xét xử, Tòa chỉ áp dụng hình phát đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả phòng ngừa.

- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

- Chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Mức án được hưởng nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung.

- Án tuyên với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. 

 

2.4.3. Các biện pháp giám sát, giáo dục, biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội

Cơ sở pháp lý: Điều 92 - 97 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

- Khiển trách

- Hòa giải tại cộng đồng

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn

- Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 

2.4.4. Các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Cơ sở pháp lý: Điều 98 - 101

- Cảnh cáo

- Phạt tiền

- Cải tạo không giam giữ

- Tù có thời hạn.

 

2.4.5. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

- Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, thì:

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên bố với tội thực hiện trước khi đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên bố đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi.

=> Hình phạt chung không vuột quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ từ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên bố với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi => Hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. 

- Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì:

+ Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phát áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi

=> Hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

+ Nếu mức hình phạt Tòa tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi

=> Hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội. 

Trên đây là bài viết về Người chưa thành niên là gì? Một số quy định pháp luật về người chưa thành niên của Luật Minh Khuê gửi đến bạn đọc mang tính chất tham khảo. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn miễn phí trực tuyến theo số hotline 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư tư vấn pháp luật hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!.