Mục lục bài viết
Xin chào công ty luật Minh Khuê, hiện tại em đang nghiên cứu về nguồn của luật hình sự giai đoạn từ năm 1999 đến nay. Khả năng tìm tài liệu của em có hạn nên rất mong nhận được sự hỗ trợ từ công ty luật về nội dung trên. Hy vọng sẽ nhận được giải đáp sơm. Xin chân thành cảm ơn! (Hồng Huế - Lào Cai)
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Nguồn của luật hình sự là gì?
Nguồn luật hình sự Việt Nam là phương thức tồn tại của luật hình sự Việt Nam, là hình thức bên ngoài chứa đựng nội dung, đồng thời là hình thức xác định phạm vi giới hạn của luật hình sự Việt Nam về không gian, thời gian và đối tượng chịu tác dộng trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.
Về nguồn của luật hình sự chúng tôi đã có rất nhiều bài viết phân tích cụ thể về nguồn của luật hình sự qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Bạn có thể tham khảo thêm qua các bài viết dưới đây:
>> Xem thêm: Nguồn của luật hình sự trước năm 1945 tại đây
>> Xem thêm: Nguồn của luật hình sự giai đoạn 1945 đến năm 1985 tại đây
2. Yếu tố xã hội ảnh hưởng tới nguồn của luật hình sự
Sự phát triển nguồn luật hình sự Việt Nam là một quá trình liên tục từ giai đoạn 1985-1999 đến giai đoạn sau năm 1999. Nghiên cứu về thực trạng nguồn luật hình sự Việt Nam từ năm 1999 đến nay, có thể thấy rằng nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn này chịu sự chi phối chủ yếu bởi hai yếu tố:
- Truyền thống đã có từ các giai đoạn trước
- Các yêu cầu của một nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu hơn vào các giao lưu thương mại quốc tế.
Hai yếu tố này tồn tại song song, vừa xung đột, mâu thuẫn với nhau, vừa kết hợp, thoả hiệp với nhau tạo nên hiện trạng nguồn luật hình sự Việt Nam hiện hành.
3. Nguồn luật hình sự giai đoạn sau năm 1999
3.1. Khái quát về bộ luật hình sự năm 1999
Một điều dễ nhận thấy là, mô hình (cơ bản) của nguồn luật hình sự Việt Nam hiện nay không có sự thay đổi nhiều so với giai đoạn 1985-1999 đã trình bày ở trên: Bộ luật hình sự ở vị trí trung tâm, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này toả ra chung quanh và ngoài cùng là các nguyên lý chung của khoa học pháp lý hình sự. Với việc duy trì mô hình này, yếu tố truyền thông đã chứng minh sức mạnh của nó không chỉ ở tư duy mà ngay trong hiện thực lập pháp Việt Nam. Các nhà lập pháp Việt Nam không phải không nhận ra những lợi ích của việc mở rộng phạm vi nguồn chính thức quy định tội phạm và hình phạt ra ngoài phạm vi Bộ luật hình sự song họ e ngại một sự thay đổi như vậy dường như là chưa thích hợp với tâm lý người dân, hiện trạng đội ngũ cán bộ tư pháp cũng như thực tiễn tư pháp Việt Nam hiện nay.
Thực tế là, lĩnh vực pháp luật hình sự ở nước ta, do sự tách rời với phần còn lại của hệ thống pháp luật bởi quyết định của nhà lập pháp từ năm 1985 chỉ quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật hình sự, đã vận động với một tốc độ khá chậm so với các lĩnh vực pháp luật khác từ nhiều năm nay. Điều này là rõ ràng và có thể thấy được qua những khó khăn, vướng mắc của thực tiễn áp dụng pháp luật nêu ra trong nhiều bài viết đăng tải trên tạp chí Toà án nhân dân từ năm 1999 đến nay cũng như qua phần trình bày về thực trạng nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn trước - giai đoạn 1985- 1999. Tuy nhiên, như Các Mác đã nói: pháp luật chẳng qua chỉ là sự phản ánh của chế độ kinh tế và do chế độ kinh tế chi phối, nguồn luật hình sự Việt Nam hiện nay không thể không phản ánh những yêu cầu của nền kinh tế thị trường Việt Nam. Các yêu cầu này ngày càng trở nên mạnh mẽ khi Việt Nam hội nhập nhiều hơn, sâu rộng hơn vào các quan hệ kinh tê quốc tế với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như nhiều thể chế kinh tế đa phương mang tính chất toàn cầu khác.
Quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật này năm 2009, nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia” đã được xác định như là một trong những quan điểm chỉ đạo cơ bản nhất đối với người soạn luật. Những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất của Bộ luật hình sự năm 1999 so với Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như những sửa đổi, bổ sung của Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 đều đặt trọng tâm vào các quy phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực tội phạm xâm phạm sở hữu và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Hiện nay, một loạt các tội phạm mới về ngân hàng, chứng khoán, thuế, sỏ hữu trí tuệ, tội phạm sử dụng công nghệ cao được đưa vào Bộ luật hình sự làm cơ sở pháp lý đấu tranh vối những hành vi trái pháp luật nghiêm trọng trong các lĩnh vực này trên cơ sở quy định của các đạo luật chuyên ngành đã được ban hành từ trưóc. Tuy nhiên, cần thấy rằng, sự bổ sung này dường như chỉ mang tính chất thử nghiệm bởi quan điểm được đề ra khi soạn thảo Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 nói trên chỉ hạn chế trong phạm vi “tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cấp bách nhất nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Điều này cho thấy dự định của nhà làm luật Việt Nam muốn chuyển giao sứ mệnh hoàn thiện nguồn luật hình sự nước nhà cho các thế hệ tương lai, thế hệ sống trong một môi trường các quan hệ thị trường thực sự đã đi vào ổn định và phát triển ở trình độ tương ứng với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
3.2. Các loại Nguồn của luật hình sự giai đoạn sau năm 1999
Từ sự mô tả trên, thực trạng nguồn luật hình sự Việt Nam hiện nay có thể đi đến những quan sát có tính cách tỉ mỉ hơn. Cũng như giai đoạn trước, nguồn chính thức, cơ bản và chủ yếu của luật hình sự Việt Nam hiện hành là Bộ luật hình sự năm 1999 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Bộ luật này. Nghiên cứu Bộ luật hình sự năm 1999, không thể phủ nhận những điểm tiến bộ, mang tính chất phát triển của Bộ luật so với Bộ luật hình sự năm 1985. Sự tiến bộ này thể hiện ở chỗ nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt đã được thể hiện một cách rõ ràng hơn, sự phân biệt giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác đã được xác định về mặt luật định ở mức độ tối đa có thể, nhiều quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng mang tính chất rộng lượng khoan hồng hơn so với Bộ luật hình sự năm 1985.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lần lượt được ban hành. Cũng như giai đoạn trước, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 có thể được chia thành ba loại chính là: 1) Các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số loại hình phạt và biện pháp tư pháp (như Nghị định số 59/2000/NĐ-CP, Nghị định số 60/2000/NĐ-CP và Nghị định số 61/2000/ NĐ-CP được ban hành cùng ngày 30-10-2000 lần lượt quy định các vấn đề thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, vấn đề thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, vấn để thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo); 2) Các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (như Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8- 2000, Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007); 3) Các Thông tư liên tịch hướng dẫn các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, các tội phạm về ma tuý, hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hoá đơn thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài...
Điểm đáng chú ý là, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 được ban hành tương đối chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn, giải thích pháp luật hình sự trong thực tiễn. Bộ luật hình sự năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1999 và có hiệu lực từ ngày 01-7-2000 nhưng trong vòng mười năm sau đó, khi Bộ luật đã được sửa đổi, mổi có 12 Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số chương, điều của Bộ luật được ban hành. Nhiều quy định khó áp dụng của Bộ luật hình sự năm 1999, gây nhiều vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn như các quy định trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chương các tội phạm về chức vụ và chương các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, nhất là các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, có thể thấy một hiện tượng tương đối khó giải thích - đó là vấn để tính hiệu lực của các văn bản này. Cùng là các văn bản dưới luật, được ban hành để hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, song rất nhiều các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hiệu lực hồi tố trong khi các Thông tư liên tịch lại không quy định hiệu lực hồi tố. Đoạn cuối các Thông tư liên tịch thường viết: “Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày...” hoặc “Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo” nhưng đoạn cuối một số Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, chẳng hạn như Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 lại quy định: “Nghị quyết này được áp dụng khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực”. Theo quy định của Điều 76 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) và Điều 79 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì “chỉ trong những trường hợp cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước”. Trong lĩnh vực luật hình sự, nguyên tắc chung của việc áp dụng luật theo tinh thần Điều 7 Bộ luật hình sự là sẽ áp dụng hiệu lực trở về trước đối với những trường hợp có lợi cho người phạm tội. Đối chiếu nguyên tắc này với các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các Thông tư liên tịch, có thể thấy rằng không có cơ sở nào khẳng định quy định của Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là có lợi cho người phạm tội hơn là Thông tư liên tịch. Rõ ràng đây là mệt vấn đề đòi hỏi phải có sự giải thích rõ ràng hơn để tránh những bất hợp lý trong quá trình áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự hiện hành.
Bên cạnh các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các Thông tư liên tịch đã trình bày trên, vai trò của các công văn, các bản tổng kết thực tiễn hay các kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong các hội nghị tổng kết năm của ngành Toà án vẫn còn có một vai trò đáng kể trong hệ thống nguồn luật Việt Nam. Mặc dù chỉ có giá trị tham khảo trong thực tế, loại nguồn này luôn được tôn trọng bởi nó được ban hành từ phía Toà án nhân dân tối cao - cơ quan có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn và giám đốc hoạt động xét xử của các Toà án nhân dân cấp dưới. Trường hợp toà cấp dưới không tuân thủ các hướng dẫn, hay “án lệ” của Toà án tối cao thì nguy cơ bản án của Toà án cấp dưới đó bị kháng nghị, bị sửa, thậm chí bị huỷ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Theo quy định về khen thưởng, kỷ luật của ngành Toà án hiện nay, sẽ trừ điểm thi đua hoặc không xét khen thưởng trong trường hợp bản án bị sửa, bị huỷ do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Không được xét thi đua đồng nghĩa với việc Thẩm phán sẽ gặp khó khăn trong kỳ bổ nhiệm tới và như vậy sẽ không có thẩm phán nào tự đặt mình vào tình trạng bị coi là “không nắm được các hướng dẫn áp dụng pháp luật” của Toà án nhân dân tối cao. Có thể nói, đây là một trong những cơ chế “phi chính thức” thúc đẩy việc các hình thức biến thể của "án lệ" ở Việt Nam luôn được tuân thủ một cách nghiêm túc và triệt để trong phạm vi chừng nào các “án lệ” đó chưa bị huỷ bỏ, thay đổi bởi một "án lệ mới" hay một quy định của luật thành văn mới.
Cùng với các nguồn trực tiếp, các nguồn gián tiếp cũng có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống nguồn luật hình sự Việt Nam. Nguồn gián tiếp của luật hình sự Việt Nam được phản ánh trong hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành như Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật phá sản, Luật môi trường, Luật giao thông đường bộ, v.v. và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Trong giai đoạn từ năm 1999 đến nay, nguồn gián tiếp của luật hình sự Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam. Để làm rõ nội dung các cấu thành tội phạm của các tội phạm cụ thể được mô tả trong Bộ luật hình sự năm 1999, không thể không nghiên cứu các quy định của loại nguồn gián tiếp này.
Tiếp tục sự phát triển đã khởi sắc từ giai đoạn trước, khoa học pháp lý hình sự Việt Nam được đầu tư nghiên cứu, góp phần luận giải nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự. Thực tế, đây là loại nguồn cũng rất đáng được chú ý của luật hình sự Việt Nam hiện nay.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Nguồn của luật hình sự giai đoạn 1999 đến nay". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập