Nhiệm vụ hiến định của tòa án nhân dân hiện nay gồm 3 nội dung: (1) bảo vệ công lý; (2) bảo vệ quyền con người, quyền công dân; (3) bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó, nhiệm vụ bao trùm là “bảo vệ công lý”.

1. Nhiệm vụ bảo vệ công lý

Có thể nói, ẩn sau thuật ngữ “Công lý” là một khái niệm phức tạp, đa diện, đa chiều, được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau (theo Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013). Ở góc độ chính trị - pháp lý, khái niệm công lý được bàn tới từ thời Hy Lạp cổ đại. Theo Aristotle (384-322 TrCN), công lý là sự công bằng, thi hành công lý tức là quyết định cái gì là công bằng? Ngay trong thời kì đầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và dân chủ chống lại Thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện ý niệm công lý là công bằng trên cơ sở pháp quyền cho tất cả mọi người. Trong điều thứ hai của Bản Việt Nam yêu cầu ca, Người viết:

“Hai xin phép luật sửa sang,

Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng.

Những toà đặc biệt bất công,

Dám xin bỏ đứt rộng dung dân lành ”

Một số từ điển pháp luật phổ biến trên thế giới cũng thường định nghĩa “công lý” là lẽ công bằng, lẽ phải đạt được qua thực thi pháp luật.1 Các từ điển tiếng Việt phổ thông ở Việt Nam định nghĩa công lý là lẽ phải chung cho tất cả mọi nguời và được xã hội thừa nhận.

Như vậy, hiểu một cách cơ bản nhất từ góc độ chính trị - pháp lý, công lý là lẽ phải, lẽ công bằng chung cho tất cả mọi người, được xã hội thừa nhận và đạt được thông qua thực thi pháp luật.

Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý có nghĩa là tòa án phải đem đến lẽ phải, sự công bằng trong các vụ tranh chấp mà mình xét xử. Quan trọng hơn, tòa án cũng phải cho xã hội thấy rằng lẽ phải, sự công bằng đã được thực thi trong mỗi vụ tranh chấp mà nó phân xử. Đó là chân lý hiển nhiên, đã trở thành khẩu hiệu của Tư pháp hiện đại: “không những công lý phải được thực thi mà mọi người phải thấy rằng công lý đã được thực thi”, Nếu tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi người dân sẽ nhận thức được rằng trong bộ máy nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn có một loại cơ quan xét xử chuyên nghiệp để đem lại lẽ phải, lẽ công bằng cho mình mỗi khi có tranh chấp, mỗi khi quyền lợi của mình bị xâm phạm và cần được bảo vệ; rằng cơ quan đó được giao sứ mệnh đem lại công lý cho mình dù kẻ xâm phạm tới quyền lợi của mình có sức mạnh, sự côn đồ hay ngông cuồng tới đâu, thậm chí là cơ quan nhà nước, bởi lẽ phán quyết của cơ quan đó được bảo đảm bằng cưỡng chế nhà nước và tất cả các bên, kể cả các cơ quan nhà nước có liên quan, đều phải tuân phục. Mặt khác, khi đưa tranh chấp ra xét xử trước tòa án, cho dù phán quyết cuối cùng có đúng với ý muốn vị kỉ của các bên hay không các bên cũng phải công nhận rằng đó là công lý đối với mình. Như vậy, tòa án phải thực hiện hoạt động xét xử cùa mình sao cho đối với người dân, tòa án và công lý là một, như chân lý, không thể tách rời.

Trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, chỉ có tòa án, chứ không phải cơ quan nhà nước nào khác, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Sở dĩ như vậy là vì chỉ có tòa án là cơ quan xét xử chuyên nghiệp, được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phân xử để tìm ra lẽ phải, lẽ công bằng trong những tranh cãi và xung đột lợi ích giữa các bên. Hoạt động xét xử của tòa án được thực hiện một cách công khai và tuân thủ các quy trình tố tụng chặt chẽ. Thẩm phán, những người trực tiếp xét xử, được đào tạo pháp luật bài bản, được trả lương từ ngân sách và không có lợi ích cá nhân liên quan tới vụ việc tranh chấp. Các cơ quan khác như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân... đều không có chức năng này. Tham gia các thủ tục tố tụng tư pháp còn có một số cơ quan nhà nước khác như cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân. Song các cơ quan này không có thẩm quyền đưa ra quyết định phân xử đối với tranh chấp mà chúng có những chức năng riêng. Cơ quan điều tra có chức năng điều tra làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân đại diện Nhà nước thực hiện quyền công tố trong các vụ án hình sự và tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, do không được trao thẩm quyền đưa ra quyết định phân xử cuối cùng nên các cơ quan này không được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý mà chỉ đóng vai trò nhất định trong quá trình tố tụng để từ đó tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý.

Như vậy, sẽ là không chính xác nếu nói rằng “tòa án có nhiệm vụ trừng trị vi phạm pháp luật và trấn áp tội phạm”. Trong một vụ án hình sự, cho dù người phạm tội đã nhận được hình phạt thích đáng với hành vi phạm tội của mình thì đó cũng không phải là do tòa án đã “trừng trị” họ mà đó là do tòa án đã thực thi công lý đối với họ, sau khi đã tiến hành quá trình xét xử dựa trên các nguyên tắc tố tụng công bằng. Với nhiệm vụ thi hành công lý, tòa án càng thể hiện rõ vị trí trung tâm của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp đầu tiên quy định rõ tòa án có nhiệm vụ thi hành công lý. Với quy định này, Hiến pháp năm 2013 cũng đã lần đầu tiên quy định nhiệm vụ của tòa án nhân dân khác với nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân. Trong khi nhiệm vụ nổi bật của tòa án nhân dân là bảo vệ công lý thì nhiệm vụ nổi bật của viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ pháp luật. Trong Hiến pháp năm 1980 và 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân được quy định nhiệm vụ chung là bảo vệ pháp chế Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa... (Điều 127 Hiến pháp năm 1980; Điều 126 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)). Những phân tích trên đây cho thấy, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ công lý của tòa án không những thực sự phù họp với chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của tòa án mà còn góp phần nâng cao thêm một bước địa vị của tòa án trong tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và hệ thống cơ quan tư pháp nói riêng.

Thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng là cơ sở để tạo ra lòng tin của người dân đối với tòa án. Tòa án không bảo vệ được công lý là điều tồi tệ nhất. Khi đó người dân sẽ nghĩ rằng tòa án không phải là nơi có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình và họ sẽ không tìm đến tòa án mỗi khi có tranh chấp. Nói cách khác họ mất niềm tin vào tòa án. Từ đó, họ mất đi niềm tin vào công lý trong xã hội. Mất đi lòng tin của người dân, sự tồn tại của tòa án sẽ trở thành vô nghĩa đối với xã hội. Tóm lại, chỉ khi nào hoàn thành được nhiệm vụ “bảo vệ công lý” thì tòa án mới có thể giành được niềm tin của xã hội.

2. Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Trong chế độ phản dân chủ, ngụy dân chủ, tòa án được xem là công cụ đàn áp người dân. Trong chế độ dân chủ, tòa án là nơi bảo vệ người dân, đem lại công lý cho người dân, bởi vì tòa án là cơ quan bảo vệ công lý, xét xử theo lẽ phải, lẽ công bằng trên cơ sở pháp luật. Quyền con người, quyền công dân được quy định trong hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tòa án đem lại công lý cho người dân tức là tòa án phải bảo vệ được quyền con người, quyền công dân. Công lý có nghĩa là hành vi vi phạm quyền của người dân phải được xác định và chịu chế tài thích đáng. Như vậy, nhiệm vụ “bảo vệ công lý” của tòa án đồng nghĩa với việc tòa án phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng có nghĩa là mỗi khi người dân cho rằng quyền của mình đã bị xâm phạm thì đều có quyền kiện tới tòa án để được bảo vệ. Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ kiện theo thẩm quyền cụ thể quy định tại các luật tố tụng, xác định cụ thể hành vi vi phạm, mức độ vi phạm và chế tài tương ứng đối với các vi phạm đối với quyền con người, quyền công dân. Cho dù chủ thể xâm phạm quyền con người, quyền công dân là ai cũng phải chấp hành quyết định của tòa án.

Trong bộ máy nhà nước hiện nay, “bảo vệ quyền con người, quyền công dân” không chỉ là nhiệm vụ của riêng tòa án nhân dân mà còn là nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân (Khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, tòa án và viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ này dưới các hình thức khác nhau phù hợp với chức năng của mình. Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người, quyền công dân chủ yếu thông qua thực hiện thẩm quyền kiểm sát đối với hoạt động điều tra hình sự, theo đó viện kiểm sát phê chuẩn các biện pháp tố tụng có thể hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Viện kiểm sát cũng có thể thực hiện quyền này thông qua thực hiện thẩm quyền kiểm sát xét xử và thi hành án hình sự. Nếu phát hiện có vi phạm quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực này viện kiểm sát có quyền tiến hành các biện pháp tố tụng phù hợp. Khác với viện kiểm sát, tòa án thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua hoạt động xét xử, theo đó, tòa án căn cứ vào tình tiết của vụ việc, các quy định của pháp luật, lẽ công bằng để ra phán quyết về hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân và quyết định chế tài thích hợp.

Về nguyên tắc, tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong quá trình thực hiện tất cả các hoạt động xét xử. Tuy nhiên, hoạt động xét xử thể hiện rõ nhất nhiệm vụ này là xét xử các vụ kiện hành chính. Trong các vụ kiện hành chính, người dân có thể trực tiếp kiện một cơ quan hành chính nhà nước nào đó vì đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm tới quyền của mình.

Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân là hết sức quan trọng. Song cần nhận thấy rằng với khung khổ pháp luật hiện nay, tòa án đang gặp những hạn chế lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Quyền con người, quyền công dân được quy định trước tiên trong hiến pháp. Các văn bản quy phạm pháp luật khác chỉ cụ thể hóa tinh thần của các quyền con người, quyền công dân. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vì vậy, gắn liền với thẩm quyền bảo vệ hiến pháp và giải thích hiến pháp. Tuy nhiên, quy định hiện hành của hiến pháp và pháp luật chưa trao cho tòa án thẩm quyền cụ thể này. Việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân của tòa án hiện nay mới chỉ dừng lại ở các quyền cụ thể quy định trong các văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

3. Nhiệm vụ bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Hai nhiệm vụ này có thể được xem là nhiệm vụ phái sinh từ nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Chế độ Xã hội Chủ nghĩa là chế độ được xây dựng trên nền tảng dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và bản chất nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa lấy nhân dân làm gốc và người dân làm trung tâm của sự phát triển. Cao hơn cả, một chế độ dân chủ với nhân dân phải là một chế độ coi trọng công lý, coi trọng lẽ phải và lẽ công bằng. Chế độ đó cũng phải là chế độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Khi người dân thấy rằng trong xã hội có công lý và sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân thì niềm tin vào chế độ xã hội được củng cố vững chắc. Như vậy, tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Ngược lại, nếu tòa án không bảo vệ được công lý, không cho thấy có công lý trong xã hội hoặc công lý quá xa với người dân thì sẽ lại là phản tác dụng. Bởi khi đó người dân sẽ không tin tưởng vào tòa án, vào công lý, dẫn tới mất lòng tin vào chế độ.

Tương tự, khi công lý được bảo vệ cũng có nghĩa là pháp luật (theo nghĩa rộng) được bảo vệ. Điều đó cũng có nghĩa là lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ. Như vậy, tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng có nghĩa là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)