Mục lục bài viết
- 1. Nhu cầu giáo dục quyền con người
- 2. Nhận thức có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người
- 3. Nhận thức có vai trò biến những cam kết mang tính khế ước trở thành những quyền thực tiễn
- 4. Giáo dục quyền con người như thế nào?
- 5. Giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân
1. Nhu cầu giáo dục quyền con người
Hiện nay, bảo đảm quyền con người không còn là công việc của một cá nhân, cộng đồng người nhất định. Nhiệm vụ này đã trở thành sự nghiệp chung của toàn nhân loại tiến bộ. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, với tư cách là chủ thể thiết kế hệ thống các cơ chế bảo vệ quyền con người, Nhà nước luôn đóng một vai trò quan trọng có tính then chốt. Dưới góc độ pháp lý, quyền con người được nhìn nhận trong mối quan hệ pháp luật giữa một bên là quyền lực nhà nước và một bên là công dân. Quan hệ này mang tính hai chiều. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền con người và người dân được hưởng thụ sự bảo đảm này, đồng thời phải tuân thủ những quy tắc trong quản lý xã hội mà Nhà nước đã đặt ra. Chủ thể chính trong quá trình thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền con người ở đây không ai khác, đó chính là chủ thể mang quyền lực nhà nước và công dân. Như thế, trong vấn đề bảo đảm quyền con người, ngoài những chủ thể khác thì chủ thể chính trong quan hệ pháp luật quyền ở đây chính là cán bộ, công chức nhà nước người thực thi quyền lực nhà nước và công dân. Đây cũng là hai đối tượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính hiện thực của quyền con người trong đời sống hàng ngày.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay Đảng và nhà nước Việt Nam đang có rất nhiều động thái nhằm nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức nói riêng hướng tới mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ quyền con người bởi ở đâu đó đã xuất hiện sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng trong các tầng lớp nhân dân nói chung và một số cán bộ, công chức nói riêng. Những trường hợp chiến sĩ cảnh sát dùng súng bắn bị thương người tham gia giao thông, những vụ tra tấn thương tâm và man rợ, hành hạ người làm thuê như thời trung cổ hay những vụ chém, giết người giữa thanh thiên bạch nhật, sự hờ hững của cộng đồng trước những hành động côn đồ, dã man... Đó có thể chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng đã phản ánh trạng thái nhận thức chưa đầy đủ về quyền con người và về sự cần thiết phải tôn trọng phẩm giá con người cũng như cho thấy nguy cơ về những giá trị nhân bản đang bị lu mô.
2. Nhận thức có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người
Nhà nước với vai trò tổ chức quản lý của mình có nhiều phương thức khác nhau trong việc bảo đảm quyền con người từ những cam kết mang tính hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp cũng như những cam kết mang tính quốc tế trở thành những hành động thực tế bảo đảm mạnh mẽ việc thực thi các cam kết đó như việc tạo ra các bảo đảm về văn hóa, bảo đảm kinh tế, bảo đảm pháp lý, bảo đảm tư tưởng, bảo đảm xã hội và trong tất cả những biện pháp pháp lý hay phi pháp lý kể trên thì giáo dục quyền con người luôn đóng một vai trò quan trọng. Điều này được lý giải bởi:
Trước tiên, yếu tố nhận thức có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người. Để dẫn chứng cho vấn đề này thì lịch sử nhân loại luôn là một minh chứng mạnh mẽ nhất. Sự phát triển của quyền con người gắn liền với quá trình nhận thức giá trị bản thân của con người. Từ việc chấp nhận kiếp sống nô lệ như là một thực tế, một quy luật tất nhiên của tạo hoá thì con người đã biết vươn lên đấu tranh để giành lấy sự bình đẳng xóa bỏ chế độ nô lệ hà khắc mà ở đó con người chỉ được xem như một thứ hàng hoá không hơn không kém. Tương tự, ngày nay những quyền của người lao động, quyền của phụ nữ và trẻ em ngày càng được công nhận và bảo đảm một cách rộng rãi nhờ sự phát triển về nhận thức các giá trị quyền con người ỏ một mức độ cao hơn. Quyền con người tuy là những quyền mang tính tự nhiên, gắn liền với mỗi cá nhân khi họ sinh ra thế nhưng những tồn tại tự nhiên mang tính khách quan đó chỉ thực sự hiện hữu như một giá trị sống của nhân loại khi con người nhận thức được và ghi nhận nó trong hệ thống các giá trị xã hội. Từ đó cho thấy nhận thức đóng một vai trò quan trọng trong việc công nhận và phát triển quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
3. Nhận thức có vai trò biến những cam kết mang tính khế ước trở thành những quyền thực tiễn
Nhận thức về quyền con người còn có một vai trò to lớn hơn trong việc biến những cam kết mang tính khế ước giữa lực lượng cầm quyền và nhân dân trở thành những quyền thực tiễn. Việc con người nhận thức được quyền của mình, nhận thức được tầm quan trọng của việc được tôn trọng về phẩm giá sẽ tăng khả năng tự bảo vệ mình trước sự xâm phạm từ quyền lực công cũng như từ các chủ thể khác, đồng thời tăng cường sự tôn trọng đối với phẩm giá của các chủ thể khác trong cộng đồng. Tăng cường nhận thức về quyền con người là biện pháp quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người. Trong đó, giáo dục quyền con người là một hoạt động then chốt của quá trình nâng cao nhận thức về quyền con người hiện nay.
Giáo dục quyền con người là sự tác động có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới ý thức của con người, nhằm trang bị cho họ kiến thức về quyền con người để họ có ý thức đúng về quyền con người, tôn trọng, tự giác và có kỹ năng xử sự theo yêu cầu của việc bảo đảm, bảo vệ và thực hiện quyền con người. Nói một cách cụ thể hơn, giáo dục quyền con người là dạy cách phát huy năng lực, kiến thức và cách tự sửa chữa sai phạm trong việc bảo vệ những quyền tự nhiên của con người như: quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật, quyền an ninh thân thể, quyền không bị hình phạt tàn bạo và bất bình thường... Giáo dục quyền con người cũng là giáo dục về quyền dân sự, xã hội, kinh tế, văn hoá và sự tôn trọng quyền con người, giúp cho các chủ thể có kiến thức để bảo vệ quyền con người của mình mà cụ thể là: giáo dục quyền không bị phân biệt đối xử ở mọi khu vực và trình độ; quyền được thông tin về sức khỏe, dinh dưỡng, sinh sản và kế hoạch hoá gia đình; quyền được giáo dục; quyền bình đẳng giữa nam và nữ và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình và xã hội; quyền được làm việc và nhận được tiền công đủ cho mức sống; quyền tự do suy nghĩ, tư tưởng, tôn giáo; quyền có mức sống đầy đủ; quyền tham gia vào việc đưa ra các quyết định và chính sách ảnh hưởng đến cộng đồng, vùng, quốc gia và quốc tế.
Như vậy, từ khía cạnh mục tiêu, giáo dục quyền con người có vai trò đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giữa những quyền mang tính bản năng của con người tự nhiên và những quyền mang tính xã hội, giữa những quy định về quyền con người trong các văn bản pháp luật và thực tiễn áp dụng, là cầu nối những gì thuộc về khả năng, năng lực, nhu cầu của con người đến một trình độ, một ý nghĩa đầy đủ và toàn diện hơn về quyền con người. Do đó, cùng với pháp luật, giáo dục quyền con người chính là điều kiện để đảm bảo sự hiện diện trên thực tế các quyền con người.
4. Giáo dục quyền con người như thế nào?
Với phạm vi rộng rãi nói trên, giáo dục quyền con người có thể và cần thiết phải được triển khai trên bình diện rộng, với nhiều cấp độ, cho nhiều đối tượng, với nhiều nội dung và hình thức, kênh giáo dục khác nhau, tập trung trong một chiến lược giáo dục và bảo vệ quyền con người. Trên thực tế, giáo dục quyền con người hiện được tiến hành ở cấp độ quốc tế, khu vực và ở mỗi quốc gia. Khách thể của giáo dục quyền con người rộng và đa dạng, bao gồm không chỉ thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên) mà còn là các nhà nghiên cứu, các cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là các công chức hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ quyền con người. Nội dung giáo dục quyền con người rất phong phú và theo đó, giáo dục quyền con người có thể được thực hiện thông qua các kênh khác nhau: Sử dụng các loại hình thông tin đại chúng (sách báo, phát thanh, truyền hình); Thuyết giảng, tọa đàm, hội thảo, hội nghị; Thông qua các hoạt động nhân đạo; Xây dựng thành các chương trình đưa vào giảng dạy trong các cấp học Mỗi hình thức giáo dục đều bao chứa những nội dung nhất định hướng tới những mục tiêu xác định.
Với những nội dung phong phú đó, hoạt động giáo dục quyền con người không nằm ở giới hạn hẹp của hoạt động giáo dục vối nghĩa là dạy dỗ mà giáo dục quyền con người được hiểu ở một nghĩa bao quát hơn, đó chính là hoạt động nhằm xây dựng một văn hoá phổ biến về quyền con người, nó bao gồm các hoạt động đào tạo, phổ biến và thông tin về quyền con người. Giáo dục quyền con người phải hướng tới xây dựng được những kỹ năng cơ bản để mỗi cá nhân trong cộng đồng nhận thức được sự tôn trọng và bảo vệ phẩm giá bản thân cũng như của các chủ thể khác.
5. Giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân
Trong giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân, sự khác biệt quan trọng giữa hai loại đối tượng này thể hiện ở việc một bên là chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước và một bên là chủ thể chịu sự tác động của quyền lực nhà nước, ở đây, quyền con người chỉ được đảm bảo thực hiện khi có sự tác động từ hai phía. Chủ thể thực thi quyền lực phải đảm bảo thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình với thái độ tôn trọng phẩm giá con người. Chủ thể bị quản lý, chịu sự tác động của quyền lực nhà nước phải nhận thức được quyền của mình. Ngoài ra, xét về góc độ nhận thức, có thể nói lực lượng cán bộ, công chức có trình độ nhận thức cao hơn so với mặt bằng nhận thức của nhân dân nói chung nên sẽ cần có những cách thức, phương pháp giáo dục quyền con người cũng như nội dung giáo dục quyền con người không giống với giáo dục quyền con người cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, chính sự đa dạng về trình độ nhận thức, văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán của người dân cũng tạo ra sự đa dạng về phương pháp tiếp cận, truyền tải trong giáo dục quyền con người. Như vậy, việc tác động, định hướng trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người thông qua hoạt động giáo dục quyền con người đối với hai chủ thể này khác nhau cả về mục đích, nội dung lẫn phương pháp.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)