Mục lục bài viết
- 1. Quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người
- 2. Cơ chế Hiến định bảo vệ, bảo đảm quyền con người
- 3. Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
- 4. Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
- 5. Yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
1. Quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người
Có thể nói rằng ghi nhận rõ ràng, cụ thể quyền con người và có những biện pháp bảo đảm quyền con người là một trong những thành tựu quan trọng của hoạt động lập hiến ở nước ta. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đưa lên Chương 2 của Hiến pháp sau Chương về hệ thống chính trị. Ngoài các quy định về quyền con người, Hiến pháp cũng có những quy định để bảo đảm thực hiện quyền con người. Có thể khái quát nội dung Hiến pháp về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong các điểm cơ bản sau:
Hiến pháp ghi nhận các quyền con người đồng thời quy định các bảo đảm cũng như trách nhiệm của Nhà nước để các quyền đó được thực hiện. Đó là quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
2. Cơ chế Hiến định bảo vệ, bảo đảm quyền con người
Cùng với việc quy định quyền con người, Hiến pháp cũng quy định những bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Hiến pháp quy định về trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người; Điều 3 đã khẳng định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đi cùng với các quy định về quyền con người, bao giờ cũng có quy định về trách nhiệm của Nhà nước hoặc bảo hộ của pháp luật nhằm thực hiện các quyền đó trên thực tế.
Hiến pháp quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Việc Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân được tổ chức theo cấp xét xử, không quy định Tòa án đặc biệt; quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội; quy định nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân như xét xử công khai, độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử, hai cấp xét xử, tranh tụng trong xét xử… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng.
Đồng thời, Hiến pháp quy định chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ sở Hiến định quan trọng cho việc cụ thể hóa trong luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm để Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 về quyền con người đã có bước phát triển vượt bậc trong tư duy cũng như thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
3. Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
“Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không côn cần thiết” (Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Đây là một nguyên tắc Hiến định quan trọng của tố tụng hình sự Việt Nam. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định rõ ràng rằng: trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là thuộc về cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Từ nội dung của điều luật có thể hiểu rằng, đối tượng của việc tôn trọng và bảo vệ ở đây, trong tố tụng hình sự, là quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả những người tham gia tố tụng: bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại; nguyên đơn dân sự; người tố giác, báo tin về tội phạm; người kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; bị đơn dân sự; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc của bị hại, đương sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ Hên quan đến vụ án; người làm chứng; người chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu; người giám định; người định giá tài sản; người phiên dịch; người dịch thuật.
4. Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là thuộc về các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và nội dung trách nhiệm đó bao gồm:
- Thông báo, giải thích cho những chủ thể nêu trên về các quyền và nghĩa vụ của họ cũng như thực hiện những việc cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện các quyền đó. Chẳng hạn, cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thông báo và giải thích cho người bị tạm giữ là người này có các quyền: được biết lý do mình bị tạm giữ, trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ. Đây là các quyền của người bị tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Tạo đầy đủ các điều kiện để công dân sử dụng đầy đủ và tiện lợi các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, trước hết là quyền bào chữa, quyền trình bày lời khai, chứng cứ mà không bị sức ép hay sự đe dọa nào; quyền khiếu nại, tố cáo các việc làm sai trái, xâm phạm quyền của họ hay của người khác trong quá trình tố tụng, quyền được Tòa án xét xử kịp thời.
- Bảo đảm sự bất khả xâm phạm về thân thể, bí mật điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử... cũng như sự bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm, tài sản, chỗ ở, đời sống riêng tư.
- Bảo vệ và bảo đảm sự an toàn về tính mạng và tài sản của những người tham gia tố tụng, chẳng hạn như bảo vệ người làm chứng, bị hại, người bị tố giác, bị can, bị cáo và những người thân thích của họ.
- Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại.
5. Yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Cần chú ý rằng, nội dung quy định tại Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đề cập việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân nói chung trong các hoạt động tố tụng; điều đó có nghĩa rằng đối tượng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích ở đây là mọi công dân có liên quan đến hoạt động tố tụng và trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, ưu tiên trong đó cần thuộc về việc bảo đảm và bảo vệ quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo - những đối tượng, những người mà khi khởi động tố tụng hình sự thì các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã đặt họ vào vị thế bị áp dụng các biện pháp pháp luật nhằm làm hạn chế tự do và các lợi ích nhất định vốn đang thuộc về họ trước đó, bởi trong mối quan hệ đó khả năng lạm dụng quyền lực là hiện thực mà đối tượng gánh chịu là không ai khác ngoài họ.
Để thực hiện được nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải “thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”. Chẳng hạn như việc Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới (Điều 41); hoặc chẳng hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát là phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì người ra lệnh bắt, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngày cho người bị giữ (khoản 6 Điều 110).