1. Giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng hình sự

BLTTHS 2015 không quy định cụ thể việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện ở giai đoạn nào của quá trình tố tụng mà chỉ quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm thì cần xác định chỉ có Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bởi vì xét xử là chức năng đặc thù của Tòa án. Bản chất của xét xử chính là việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án. Như vậy, trước khi ra bản án thì Hội đồng xét xử phải xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan), xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể phải có nghĩa vụ bồi thường (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan) hay nói cách khác Hội đồng xét xử cần xem xét giải quyết trong vụ án hình sự phần trách nhiệm dân sự liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ thể có quyền yêu cầu.

Cũng là giải quyết vấn đề dân sự, nhưng việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có những điểm giống và khác nhau với việc giải quyết tranh chấp dân sự theo tố tụng dân sự.

Sự khác nhau là:

- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được áp dụng theo thủ tục tổ tụng hình sự.

- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có thủ tục hòa giải.

- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Còn giải quyết tranh chấp dân sự thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về các bên đương sự.

Sự giống nhau là:

- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải tuân theo nguyên tắc trong tố tụng dân sự: Quyền tự quyết định và tự định đoạt của các đương sự.

- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải áp dụng các qui định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

2. Nguyên đơn dân sự là gì?

Kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003, khoản 1 Điều 63 BLTTHS năm 2015 định nghĩa: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Theo đó, nguyên đơn dân sự có thể là cá nhân bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Sự khác nhau giữa nguyên đơn dân sự và bị hại

Tuy cùng là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, nhưng giữa nguyên đơn dân sự và bị hại lại có những điểm khác nhau như sau:

- Nguyên đơn dân sự chỉ là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, còn bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

- Cùng bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra nhưng khác với bị hại, thiệt hại của nguyên đơn dân sự không phải là đối tượng tác động của tội phạm.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì mới được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là nguyên đơn dân sự, còn đối với bị hại, dù có hay không có đơn yêu cầu, họ vẫn được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là bị hại.

4. Nguyên đơn dân sự có quyền gì?

Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

- Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

- Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa;

- Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật

5. Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ gì?

Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

6. Nhưng điểm mới về nguyên đơn dân sự trong BLTTHS 2015

Về cơ bản, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn quy định nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng có hiệu quả hơn, ngoài kế thừa quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được thông báo kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự. Cụ thể là, quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 63; quyền đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; được thông báo kết quả giải quyết vụ án; quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; quyền xem biên bản phiên tòa; quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Về nghĩa vụ, ngoài việc có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được bổ sung thêm nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

7. Xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự

Thực tiễn cho thấy, việc phân biệt và xác định tư cách tố tụng của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gặp vướng mắc, có những quan điểm khác nhau.

Ví dụ: A và B là hai quân nhân thuộc đơn vị D. A đánh B gây thương tích cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện quân y C. Sau khi B ra viện, Bệnh viện quân y C đã làm thủ tục thanh toán với Cơ quan bảo hiểm quân đội. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Trường hợp này xác định tư cách tham gia tố tụng của Bệnh viện quân y C và Cơ quan bảo hiểm quân đội như thế nào? Cơ quan nào là nguyên đơn dân sự, cơ quan nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp này A phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra đối với B. Luật Bảo hiểm quy định các trường hợp không được chi trả như thiệt hại do tội phạm gây ra như gây tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích… A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích và bị kết tội có cơ sở khẳng định trường hợp này việc cứu chữa, điều trị cho B thuộc trường hợp bảo hiểm không chi trả, về nguyên tắc A phải bồi thường cho B nhưng chi phí điều trị đã được Bệnh viện quân y C thanh toán, vì vậy, xác định tư cách tham gia tố tụng của Bệnh viện quân y C là nguyên đơn dân sự, cơ quan bảo hiểm quân đội là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chi phí mà Bệnh viện quân y C chi trả cấp cứu, điều trị cho B thì A phải bồi hoàn, cần được xem xét lại vì cho đến nay không có quy định ngân sách cấp cho quân y chỉ dùng cho trường hợp bình thường, không dùng cho trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động bảo hiểm và hoạt động bảo đảm quốc phòng cho các cơ sở quân y là khác nhau về bản chất, mục đích và cách chi trả. Cho nên không thể vận dụng Luật bảo hiểm cho hoạt động bảo đảm của các cơ sở quân y. Cơ quan bảo hiểm quân đội đã chi trả số tiền cấp cứu điều trị B cho Bệnh viện quân y C, vì vậy xác định tư cách tham gia tố tụng của Cơ quan bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự mới đúng, Bệnh viện quân y C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Đồng tình với quan điểm thứ hai, trường hợp trên xác định tư cách tham gia tố tụng của Cơ quan Bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự vì bị tội phạm gây thiệt hại gián tiếp (nếu cơ quan Bảo hiểm quân đội có đơn yêu cầu A bồi hoàn tiền cấp cứu điều trị), Bệnh viện quân y C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì đã chi trả tiền cấp cứu điều trị cho B (cơ quan bảo hiểu đã thanh toán lại tiền cấp cứu điều trị cho Bệnh viện). Nếu cơ quan bảo hiểm quân đội không có đơn yêu cầu A hoàn lại tiền cấp cứu điều trị B, thì xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan bảo hiểm quân đội là người làm chứng.

Theo hướng dẫn của Tòa án quân sự Trung ương, việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với trường hợp trên như sau: Nếu Bệnh viện quân y đã làm hồ sơ thanh quyết toán và được Cơ quan Bảo hiểm quân đội duyệt chi thì xác định Cơ quan Bảo hiểm quân đội là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền này cho cơ quan bảo hiểm quân đội. Trường hợp Bệnh viện quân y đã chi trả và thanh toán tiền chi phí cứu chữa cho bị hại là quân nhân nhưng chưa được cơ quan Bảo hiểm quân đội thanh toán thì vẫn xác định Bệnh viện quân y là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; xác định cơ quan bảo hiểm quân đội là nguyên đơn dân sự nếu có đơn yêu cầu bị cáo bồi hoàn chi phí cấp cứu điều trị.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)