Mục lục bài viết
- 1. Sở hữu toàn dân là gì ?
- 2. Chi tiết 06 loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân
- 2.1 Tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật
- 2.2 Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
- 2.3 Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể
- 2.4 Tài sản được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ
- 2.5 Tài sản do chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam
- 2.6 Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án
- 3. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện như thế nào?
- 4. Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
1. Sở hữu toàn dân là gì ?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì hình thức sở hữu được quy định tại Mục 2 Chương XIII gồm có sở hữu toàn dân, sở hữu riêng, sở hữu chung. Đối với mỗi hình thức sở hữu, chủ sở hữu có những cách thức thực hiện và các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản khác nhau.
Về đối tượng sở hữu toàn dân, theo quy định tại Điều 197 BLDS 2015 thì bao gồm có đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Sở hữu toàn dân được hiểu là một hình thức sở hữu chung do toàn dân là chủ sở hữu mà Nhà nước là người đại diện, do đó không nên quy định sở hữu toàn dân như một hình thức sở hữu độc lập. Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân có sự khác biệt với các hình thức sở hữu chung khác nên cần quy định thành một mục riêng trong chế định về sở hữu chung.
2. Chi tiết 06 loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân được quy định tại Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
2.1 Tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật
Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm:
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
- Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
2.2 Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm:
- Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ).
- Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên).
- Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm).
- Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế).
- Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng).
2.3 Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể
Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng Mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm Điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (sau đây gọi là tài sản của quỹ bị giải thể).
2.4 Tài sản được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ
Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).
2.5 Tài sản do chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam
Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
2.6 Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án
3. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện như thế nào?
Nghị định nêu rõ việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan. Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan. Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Từ quy định này, có thể thấy tất cả các tài sản lớn nhất, quý nhất, liên quan mật thiết đến sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” là để bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản của quốc gia và từ đó bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân Việt Nam.
Vẫn theo Điều 53, Hiến pháp năm 2013, cần khẳng định chủ “sở hữu toàn dân” không đồng nhất với chủ “sở hữu nhà nước”. Quan hệ giữa “toàn dân” và “nhà nước” là quan hệ đại diện, và chế định đại diện đặc biệt này được quy định bởi Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, toàn dân ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản của họ; đương nhiên, toàn dân vẫn giữ quyền quyết định, nhà nước phải quản lý tài sản theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân, vì lợi ích của toàn dân.
Làm rõ “sở hữu toàn dân” cũng là để bảo đảm quyền chính trị của các công dân Việt Nam. Toàn dân có quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân của Nhà nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, mỗi công dân đều có quyền và nghĩa vụ thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia quản lý, giám sát nguồn vốn thuộc sở hữu toàn dân trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua đó thúc đẩy phát triển khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, và rộng ra là thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.
Việc quản lí, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vì và theo trình tự do pháp luật quy định.
Nhà nước giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước thực hiện 5 e3 quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lí, sử dụng tài sản đó.
Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền quản lí, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lộ.
4. Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được quy định tại Điều 4 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau
- Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.
- Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
- Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!