Mục lục bài viết
- 1. Sở hữu toàn dân là gì? Tài sản nào thuộc sở hữu toàn dân?
- 2. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân
- 3. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp
- 4. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân
- 5. Cá nhân, pháp nhân có được sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân không?
1. Sở hữu toàn dân là gì? Tài sản nào thuộc sở hữu toàn dân?
Chế độ sở hữu toàn dân là chế độ sở hữu gồm tổng thể các quy phạm pháp luật xác định chủ thể, khách thể, nội dung, phương thức thực hiện quyền sở hữu của toàn dân. Sở hữu toàn dân là hình thức cao nhất của sở hữu xã hội chủ nghĩa, trong đó các tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, các phương tiện và tài sản khác thuộc về nhà nước - người đại diện chính thức của nhân dân.
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí". Theo quy định của Điều 4 Luật đất đai năm 2013 thì: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
Để thống nhất với các văn bản pháp luật vừa nêu thi Điều 197 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:
Điều 197. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, Tài sản thuộc sở hữu toàn dân có thể chia thành ba nhóm sau:
- Thứ nhất, đó là các tài sản có tính đặc biệt bởi chúng là các yếu tố cấu thành nên lãnh thổ quốc gia và không là đối tượng của các giao dịch có mục đích chuyển quyền sở hữu đó là: các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, tài nguyên nước (sông, hồ, nguồn nước), tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng bển, vùng trời...
- Thứ hai, tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân: tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các phương tiện giao thông vận tải, trang thiết bị làm việc...; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia như hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước...
- Thứ ba, tài sản mà pháp luật quy định là thuộc sở hữu toàn dân; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; những di sản thừa kế mà ko có người thừa kế, người thừa kế không được quyền hưởng hoặc từ chối hưởng di sản...Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao tài sản khác cho Nhà nước.
Nhà nước là một bộ máy cơ quan quyền lực được tổ chức theo chiều dọc (bao gồm ủy ban nhân dân các cấp từ trung ương đến địa phương) và theo chiều ngang (bao gồm các Bộ, Ngành) không phải là chủ sở hữu các tài sản trên mà chỉ là đại diện cho toàn thể nhân dân quản lý tài sản để phục vụ cho lợi ích của toàn dân.
2. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Vì tài sản thuộc sở hữu toàn dân nên không thể tất cả mọi người dân đều đứng ra thực hiện quyền của chủ sở hữu.
Điều 198 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 198. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
2. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền làm chủ đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, mang tính định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo sự phát triển cân bằng lợi ích giữa các thành phần kinh tế trong xã hội.
Trong hệ thống cơ quan nhà nước, Chính phủ được Quốc hội giao cho trọng trách quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân bằng cách ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật để giao tài sản cho các cơ quan của nhà nước chiếm hữu tài sản, quy định về mục đích sử dụng tài sản phải tiết kiệm, hiệu quả và vì lợi ích của toàn dân. Các quy định về báo cáo kiểm kê tài sản toàn dân một cách định kỳ hay đột xuất cũng như việc ban hành chế độ thu thuế cùng với các chế tài hành chính, hình sự, dân sự là những biện pháp và cách thức cơ bản để Nhà nước thực hiện vai trò đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản toàn dân của mình.
"Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định" (Điều 199 Bộ luật dân sự 2015).
Những tài sản thuộc sở hữu toàn dân có tầm quan trọng đối với lợi ích của toàn dân cũng như lợi ích quốc gia nên việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chúng phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục luật định và trong phạm vi nhất định. Nguồn vốn được Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng yếu của đất nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội... phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan kiểm toán kiểm tra... Nếu chất lượng của các văn bản pháp luật không tốt, tạo ra các kẽ hở trong quản lý tài sản toàn dân thì rất dễ dẫn đến hiện tượng lạm quyền của một số cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý tài sản, gây thất thoát tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
3. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp
Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được Nhà nước - đại diện chủ sở hữu đầu tư, khai thác công dụng nhằm sinh lợi, sau đó khoản lợi này sẽ được sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng.
Theo Điều 200 Bộ luật dân sự 2015 thì "Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp ở đây có thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước và thuộc loại hình pháp nhân thương mại. Mục tiêu hoạt động của loại pháp nhân là tìm kiếm lợi nhuận nên việc quản lý nguồn vốn mà nhà nước đầu tư rất quan trọng. Nếu nhà nước đầu tư 100% vốn vào doanh nghiệp thì đó là doanh nghiệp nhà nước, còn nhà nước đầu tư vốn với các chủ thể khác thì đó là các công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Không chỉ có nguồn vốn mà các tài sản khác như đất đai, tài nguyên, rừng... cũng là những tài sản được Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng những trình tự, thủ tục luật định. Các pháp nhân này cũng phải tuân thủ các hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm các doanh nghiệp này thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình trên cơ sở lợi nhuận thu được.
4. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Theo quy định tại Điều 201, 202 Bộ luật dân sự 2015, tài sản thuộc sở hữu toàn dân có thể được giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.....
- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân là những pháp nhân nhà nước và cũng là các chủ thể được nhận tài sản toàn dân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Các nguốn vốn được Nhà nước giao thông qua quản lý và đầu tư vốn nhà nước phải bảo đảm được sử dụng đúng mục đích và theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước luôn có kế hoạch kiểm tra và giám sát việc sử dụng tài sản của những chủ thể này để phát hiện sớm nhất các hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời.
- Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là những pháp nhân phi thương mại, cũng là những chủ thể được Nhà nước giao cho tài sản toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ của mình. Việc quản lý, sử dụng những tài sản này của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong điều lệ hoạt động của các tổ chức đó và phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định. Các hoạt động thanh, kiểm tra và giám sát các chủ thể trên trong việc sử dụng tài sản toàn dân phải được thực hiện một cách nghiêm túc, theo định kỳ hoặc đột xuất do Nhà nước quy định.
5. Cá nhân, pháp nhân có được sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân không?
Về nguyên tắc, mọi chủ thể đều bình đẳng và đều có quyền được sử dụng, khai tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Các tài sản như đất đai, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác... đều được các cơ quan nhà nước giao cho các cá nhân và pháp nhân khai thác sử dụng, hưởng hoa lợi lợi tức từ tài sản. Tuy nhiên, song song với việc hưởng quyền thì các chủ thể này phải hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước bằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đóng thuế hay tham gia vào các hoạt động công ích, thiện nguyện vì lợi ích chung của cộng đồng.
Điều 203 Bộ luật dân sự quy định:
Điều 203. Quyền của cá nhân, pháp nhân đối với việc sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Cá nhân, pháp nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chính phủ phải lên được danh sách những tài sản nào đã được giao cho các chủ thể quản lý, nắm giữ, khai thác và những tài sản nào chưa được giao thì phải lên kế hoạch cụ thể để bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác. Việc bỏ hoang hóa ruộng đất, rừng và các nguồn tài nguyên khác sẽ dẫn đến tình trạng bị thất thoát tài sản, hoặc tài sản bị tiêu hủy.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Trân trọng./.