1. Các hướng dẫn hành động cho quốc gia

Văn kiện đưa ra hướng dẫn về 12 vấn đề nhằm giúp các quốc gia thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh HIV/AIDS. Các hướng dẫn này gắn liền với các chuẩn mực quốc tế hiện hành về quyền con người và được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế thu thập được trong các hoạt động trên lĩnh vực này trong nhiều năm, cụ thể như sau: Về cơ cấu tổ chức quốc gia: Các nhà nước cần thiết lập một cơ cấu tổ chức quốc gia hiệu quả để tổ chức những hoạt động đối phó với HIV/AIDS nhằm bảo đảm một sự tiếp cận có tính phối hợp, tính cùng tham gia, tính minh bạch và có trách nhiệm, lồng ghép nghĩa vụ về chính sách và chương trình liên quan đến HIV/AIDS trong hoạt động của toàn bộ các ban, ngành của chính phủ. Điều này có thể bao gồm việc thành lập một cơ quan liên bộ để quản lý chung hoạt động trên lĩnh vực này của tất cả các chủ thể có liên quan. Hỗ trợ các tổ chức cộng đồng: Các nhà nước cần bảo đảm để có sự tham vấn của cộng đồng trong mọi giai đoạn xây dựng, lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chính sách về HIV/AIDS, và bảo đảm rằng các tổ chức dựa trên cộng đồng được phép thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động của họ, kể cả trong các lĩnh vực về đạo đức, pháp luật và quyền con người. Rà soát, sửa đổi pháp luật về y tế công: Các nhà nước cần xem xét và sửa đổi pháp luật về y tế công để bảo đảm rằng những vấn đề về y tế công nảy sinh từ khía cạnh HIV/AIDS được chú trọng thoả đáng, rằng các quy định pháp luật áp dụng cho các bệnh lây truyền thông thường không áp dụng cho HIV/AIDS, và rằng các quy định pháp luật đó là phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.

2. Rà soát, sửa đổi pháp luật hình sự và hệ thống hình phạt

Rà soát, sửa đổi pháp luật hình sự và hệ thống hình phạt: Các nhà nước cần rà soát và sửa đổi luật hình sự và hệ thống hình phạt để bảo đảm rằng chúng tương thích với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người và không bị lạc hậu trong bối cảnh HIV/AIDS hoặc không hướng vào việc chống lại những nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Cụ thể, luật hình sự và những quy định về y tế công không nên bao gồm những tội phạm đặc biệt về hành vi cố ý lây truyền HIV hoặc những quy định cấm các hành vi tình dục (bao gồm ngoại tình, tình dục đồng giới nam, thông dâm và mua bán dâm) giữa những người đã thành niên. Luật hình sự không được cản trở quy định về phòng chống HIV/AIDS và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho những người hành nghề mại dâm và khách hàng của họ, cũng như không được ngăn cản các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ lây truyền HIV trong số những người sử dụng ma tuý và cung cấp sự chăm sóc, chữa trị liên quan đến HIV/AIDS cho những người này. Luật cần cho phép hoặc hợp pháp hoá và thúc đẩy các chương trình trao đổi bơm kim tiêm; huỷ bỏ các quy định hình sự hoá việc tàng trữ, cung cấp và phân phát bơm kim tiêm. Thêm vào đó, luật cần tạo điều kiện cho tù nhân (và nhân viên nhà tù nếu cần thiết) được tiếp cận với các thông tin, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS và những dụng cụ phòng tránh, đồng thời cấm các hình thức xét nghiệm bắt buộc và giam cầm cách ly những người tù nhiễm HIV dương tính... Rà soát, sửa đổi pháp luật về chống phân biệt đối xử và bảo vệ: Các nhà nước cần ban hành hoặc củng cố luật về chống phân biệt đối xử và những luật khác để bảo vệ những người sống chung và dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Điều này liên quan đến việc đảm bảo tính riêng tư, bảo mật và đạo đức trong nghiên cứu về HIV và trong xét nghiệm, điều trị những người nhiễm HIV. Luật về người khuyết tật cần bao gồm cả những người sống chung với HIV/AIDS. Cần sửa đổi những tập quán và luật tục có tính chất phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AIDS. Cần ban hành luật về bảo mật và đời tư trong đó cấm việc sử dụng và/hoặc xuất bản trái phép những thông tin cá nhân liên quan đến HIV/AIDS đồng thời, cho phép cá nhân có thể biết và yêu cầu sửa đổi hồ sơ y tế của mình để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân là chính xác, phù hợp, hoàn chỉnh và được cập nhật. Cũng cần ban hành hoặc sửa đổi các luật, quy định và thoả ước tập thể để bảo đảm các quyền tại nơi làm việc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS. Thêm vào đó, cũng cần ban hành các quy tắc đạo đức trong việc tham gia các nghiên cứu liên quan đến HIV/AIDS nhằm bảo vệ một số nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất trong bối cảnh người nhiễm HIV là phụ nữ, trẻ em, người có quan hệ tình dục đồng giới...

3. Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và phòng chống

Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và phòng chống: Các nhà nước cần bảo đảm sự sẵn có và cơ hội tiếp cận với các phương tiện và dịch vụ phòng chống HIV an toàn, hiệu quả với chi phí phù hợp. Điều này bao gồm các loại thuốc chống tái phát bệnh, các biện pháp chẩn đoán và các công nghệ liên quan tới việc chăm sóc mang tính phòng chống, chữa trị và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý: Các nhà nước cần cung cấp những dịch vụ pháp lý miễn phí nhằm giúp những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS biết về các quyền của họ và để tăng cường các quyền này. Trong vấn đề này, cần tận dụng các cơ chế bảo vệ và hệ thống Toà án, các cơ quan của Bộ tư pháp, kiểm tra, giám sát Quốc Hội, các uỷ ban về quyền con người và những cơ quan tiếp nhận khiếu nại về y tế, đồng thời, có thể gắn với những trung tâm trợ giúp pháp lý cộng đồng và/hoặc những dịch vụ pháp lý dựa trên mạng lưới các tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực đạo đức, luật, quyền con người và dịch vụ HIV/AIDS. Cũng cần hỗ trợ các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền và xây dựng lòng tự trọng cho những người sống chung với HIV/AIDS cũng như cho việc xuất bản và phổ biến những tài liệu pháp lý giới thiệu về quyền của những người sống chung với HIV/AIDS dưới dạng tài liệu hướng dẫn cho các quan chức, sổ tay, sách hướng dẫn thực hành, sách giáo khoa, giáo trình mẫu cho các khoá học luật và bồi dưỡng giáo dục pháp luật..

4. Tạo môi trường trợ giúp và thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em

Tạo môi trường trợ giúp và thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác: Các nhà nước cần thực hiện điều này bằng cách phối hợp với cộng đồng và thông qua đối thoại với cộng đồng nhằm phê phán những định kiến tiềm ẩn và những hành vi hay những ứng xử bất bình đẳng, đồng thời tổ chức các dịch vụ y tế xã hội đặc biệt nhằm trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương này. Thay đổi thái độ phân biệt đối xử thông qua giáo dục, đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng: Các nhà nước cần đẩy mạnh việc truyền bá rộng rãi và liên tục các chương trình giáo dục, đào tạo và các chiến dịch thông tin đại chúng nhằm thay đổi thái độ phân biệt đối xử và kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS. Điều này cần thực hiện qua việc hỗ trợ các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức phi chính phủ, mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm mục đích trên cũng như thông qua việc khuyến khích các cơ sở giáo dục, các tổ chức công đoàn và các công sở, xí nghiệp đưa các vấn đề về quyền con người của những người sống chung v ới HIV/AIDS vào những chương trình giảng dạy có liên quan, hỗ trợ các hoạt động tập huấn, hội thảo về đạo đức/quyền của những người có HIV cho các quan chức chính phủ, cảnh sát, quản giáo, các nhà chính trị cũng như các nhà lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo và các nhà chuyên môn.

5. Phát triển những tiêu chuẩn ứng xử cho các khu vực tư nhân, công cộng

Phát triển những tiêu chuẩn ứng xử cho các khu vực tư nhân, công cộng và những cơ chế để thực hiện các tiêu chuẩn liên quan đến HIV/AIDS: Các nhà nước cần bảo đảm rằng chính phủ và khu vực tư nhân sẽ xây dựng các bộ quy tắc ứng xử liên quan đến vấn đề HIV/AIDS trong đó đưa những nguyên tắc về quyền con người vào các bộ quy tắc về trách nhiệm và hoạt động chuyên môn cùng với những cơ chế để bảo đảm các quy tắc đó được thực thi. Giám sát và bảo đảm việc thực thi các quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS: Các nhà nước cần thực hiện các cơ chế giám sát và thực thi để bảo đảm thực hiện các quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS và của các thành viên trong gia đình họ. Việc này gắn với một loạt vấn đề như: (i) Thu thập thông tin về quyền con người và HIV/AIDS và sử dụng những thông tin đó làm cơ sở cho việc xây dựng và cải cách các chính sách, chương trình có liên quan; (ii) Thành lập các bộ phận chuyên trách về HIV/AIDS trong các cơ quan có liên quan của chính phủ; (iii) Hỗ trợ về chính trị, vật chất và nguồn nhân lực cho mạng lưới các tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực đạo đức, luật, quyền con người và dịch vụ HIV/AIDS cũng như các tổ chức dựa trên cộng đồng để giúp họ xây dựng năng lực trong việc phát triển và giám sát các tiêu chuẩn về quyền con người liên quan đến HIV/AIDS; (iv) Hỗ trợ việc thành lập các cơ quan quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm các cơ quan thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người sống chung với HIV/AIDS; (v) Thúc đẩy các quyền con người liên quan đến HIV tại các diễn đàn quốc tế và hỗ trợ lồng ghép vấn đề quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS vào những chính sách và chương trình của các tổ chức quốc tế. Hợp tác quốc tế: Các nhà nước cần hợp tác thông qua những chương trình liên quan và các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các vấn đề về quyền con người liên quan đến HIV/AIDS, cũng như để duy trì những cơ chế hữu hiệu về bảo vệ quyền con người trong bối cảnh HIV/AIDS trên thế giới.