I. Tổng quan về EVFTA

EVFTA là hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển ở Châu Á. Đây là hiệp định thương mại tự do thứ 2 khu vực ASEAN với EU sau Singapore. Cùng với xu hướng các nhà đầu tư liên tục rút vốn và di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong những tháng gần đây, EVFTA đang góp phần biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất của Châu Á. Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ EVFTA so với các hiệp định khác vì Việt Nam và EU được coi là hai thị trường hỗ trợ, bổ sung. Việt Nam xuất khẩu hàng mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được. Như các sản phẩm thủy sản, trái cây nhiệt đới; trong khi đó các sản phẩm nhập khẩu mà EU cung cấp cũng là những sản phẩm mà Việt Nam không thể sản xuất được trong nước bao gồm máy móc, trang thiết bị, máy bay… Việt Nam đang nỗ lực và tiến bộ rõ rệt để đáp ứng các tiêu chuẩn cao được quy định trong EVFTA. Cùng với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững, cùng có lợi cho các lĩnh vực khác nhau và là công cụ hiệu quả để cân bằng các quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam.

II. Nội dung pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại hàng hóa quốc tế trong EVFTA

1. Thuế quan

     Hiệp định EVFTA mà Việt Nam ký kết thành công đã chính thức có hiệu lực trong đó có rất nhiều các quy định về ưu đãi thuế quan nhập khẩu thể hiện được mục đích tự do thương mại hàng hóa, mở cửa sâu rộng thị trường của Việt Nam và EU. Các điều khoản về thuế quan được quy định cụ thể cho mỗi bên ở Mục A Phụ lục 2 Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan của hiệp định này trong đó nêu rõ Biểu thuế của Liên Minh châu Âu (tiểu phụ lục 2-A-1), Biểu thuế của Việt Nam (tiểu phụ lục 2-A-2). Các hình thức ưu đãi thuế nhập khẩu:

+ Cam kết loại bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực: thuế nhập khẩu sẽ được loại bỏ (0%) ngay tại thời điểm EVFTA có hiệu lực;

+ Cam kết loại bỏ thuế quan theo lộ trình: thuế nhập khẩu sẽ được giảm dần và loại bỏ (về 0%) sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi EVFTA có hiệu lực. (Lộ trình phổ biến của EU theo hình thức này là 7 năm, Việt Nam là 10 năm);

+ Cam kết hạn ngạch thuế quan: một số ít các dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan, sẽ áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc thuế 0% chỉ cho một số lượng, khối lượng hàng hóa nhập khẩu nhất định; phần hàng hóa nhập khẩu vượt ra khỏi mức hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan mà áp dụng mức thuế thông thường (thuế MFN).

    Trong tổng thể cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,8% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

      Đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy). Hiện nay, EU là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán, nếu được ký kết, EVFTA có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên 30 đến 40% so với hiện nay.

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề liên quan đến thuế xuất, nhập khẩu là các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng được quy định tại Điều 3.1 Mục A Chương 3 Phòng vệ thương mại. Trong đó, các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh theo Điều VI của GATT 1994, Hiệp định chống bán phá giá và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Khoản 1). Các biện pháp phòng vệ thương mại được tuân thủ hoàn toàn theo các yêu cầu tương ứng của WTO và nên dựa trên một hệ thống công bằng và minh bạch (khoản 2).

2. Quy tắc về quy tắc xuất xứ:

         EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ, đây có thể là một lực cản đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. Hiệp định EVFTA đã cụ thể về các quy định xuất xứ trong Nghị định thư 01: Quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính nằm cuối hiệp định:

• Cam kết về điều kiện xuất xứ (nguyên tắc chung – áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa; nguyên tắc riêng – xác định xuất xứ áp dụng cho từng loại hàng hóa);

• Cam kết về thủ tục chứng nhận xuất xứ: Chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mang lại là tuân thủ các quy tắc về RoO. Một sản phẩm có gắn nhãn “Made in Vietnam” chưa hẳn đã có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam và ngược lại.

3. Quy định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại: 

       Chương 5 EVFTA bao gồm các cam kết ràng buộc Việt nam – EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại – technical barrier to trade (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu về bao bì, nhãn mác, hình dạng, thiết kế…) đối với hàng hóa. Nhấn mạnh nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc trong Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại của WTO, hai bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định TBT nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng các biện pháp TBT để bảo vệ trá hình cho sản xuất trong nước. Chương này áp dung đối với việc xây dựng ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, được quy định tại Phụ lục 1 của Hiệp định TBT mà có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa giữa các bên (Điều 5.3). Trong đó hàng hóa khuyến khích đáp ứng được tiêu chuẩn và bắt buộc đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật mà mỗi quốc gia đề ra. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc liên quan đến SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.

4. Quy định về môi trường:

       Trong hiệp định này, các cam kết về môi trường đuợc quy định hoàn toàn trong chương 13 và được chia ra thành các cam kết chung và các cam kết cụ thể. Cụ thể, các cam kết chung về tiêu chuẩn, quy định môi trường nội địa với những nội dung cơ bản về duy trì bảo vệ môi trường, quy định tại Điều 13.3 và vấn đề công khai minh bạch, quy định tại Điều 13.11 và Điều 13.12.  Còn, các cam kết cụ thể là những Điều 13.6, 13.7, 13.8, 13.9 tương ứng với các cam kết về biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững, quản lý bền vững các nguồn hải sản sống. Theo đó, Khoản 1 Điều 13.3 “hai bên nhấn mạnh rằng việc làm suy yếu mức độ bảo vệ môi trường và lao động gây bất lợi cho mục tiêu của Chương này và việc khuyến khích thương mại và đầu tư thông qua việc làm suy yếu mức độ bảo vệ luật pháp môi trường và lao động trong nước là không phù hợp.” Trong những cam kết cụ thể này, 2 bên chủ yếu thừa nhận tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.  Bên cạnh đó cam kết sẽ thực hiện các Công ước liên quan mà mình đã ký kết như UNFCC (Công Ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu 1992; Công ước đa dạng sinh học CBD; Công ứớc của Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS;… và các bên sẽ thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để cùng hướng đến mục tiêu phát triển thương mại gắn với phát triển bền vững. Với các hoạt động nhằm phát triển thương mại trên phạm vi toàn cầu giúp các quốc gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân. Khi mức sống được nâng cao thì người dân có nhiều sự lựa chọn đối với hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao để ưu tiên, đặc biệt họ ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ có nhãn sinh thái tự nhiên, thân thiện môi trường.

5. Cơ chế giải quyết tranh chấp:

          Cơ chế được EVFTA thiết lập để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa Việt Nam và EU với tính chất là phương thức giải quyết tranh chấp cuối cùng, khi các bên không giải quyết được tranh chấp bằng các hình thức khác. Cơ chế này bao gồm các quy trình và thời hạn cố định để giải quyết tranh chấp, theo đó hai Bên trước tiên phải tham vấn, nếu tham vấn không đạt được kết quả thì một trong hai bên có thể yêu cầu thiết lập một Ban hội thẩm bao gồm các chuyên gia pháp lý độc lập. Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, EVFTA cũng dự liệu một cơ chế khác mềm dẻo hơn: Cơ chế trung gian, để xử lý các vấn đề liên quan tới các biện pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và thương mại song phương. Khác với CPTPP, EVFTA khuyến khích các bên lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp thân thiện như: thương lượng, trung gian hòa giải hoặc tham vấn. Các quy định về tham vấn và thương lượng của EVFTA được thiết kế rất chi tiết, đặc thù và không giống với bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào mà Việt Nam đã ký kết.

6. KẾT LUẬN

     Việc chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên. EVFTA sẽ tạo khuôn khổ pháp lý và nâng cao cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU, nhưng cùng lúc cũng tạo ra rất nhiều thách thức. Các thách thức này không đến từ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành. Vì về cơ bản quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ đầu tư đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tuy nhiên, các thách thức lại chủ yếu đến từ việc tuân thủ và thực thi các cam kết của các Hiệp định và việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư vốn ngày càng hoàn thiện theo quy định của các Hiệp định.