Mục lục bài viết
Tình huống: Kính thưa Luật sư, vận đơn theo lệnh (Order B/L) và vận đơn đích danh (Straight B/L) là gì? Hiện nay trong mua bán hàng hóa quốc tế (mua bán hàng hóa vận chuyển bằng đường biển) nên sử dụng vận đơn theo lệnh (Order B/L) hay vận đơn đích danh (Straight B/L) là phù hợp?
Trân trọng!
Trả lời:
1. Mua bán hàng hóa quốc tế
Mua bán hàng hóa quốc tế bằng hợp đồng mua bán, vậy Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được hiểu là hợp đồng mua bán hàng hóa mà trong đó, hàng hóa được mua, bán có sự chuyển dịch qua biên giới của một Quốc Gia hoặc vùng lãnh thổ, hàng hóa được huyển dịch gữa các nước khác nhau qua biên giới, của khẩu, đường thủy....
Như vậy, biên giới có thể là biên giới lãnh thổ địa lý hoặc biên giới có tính pháp lý nhưng không dịch chuyển về lãnh thổ.
Cụ thể hơn tại Việt Nam, theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương Mại 2005 quy định: “Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”.
Vậy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là kết quả của một quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên để đạt được sự nhất trí trong giao thương quốc tế với nhau. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng đôi khi cũng gặp nhiều rắc rối do hệ thống pháp luật khác nhau và bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh giữa các nước, các vunbgf lãnh thổ. Chính vì điều đó, để tránh xảy ra tranh chấp, các bên cần chú ý một số vấn đề khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với nhau.
- Về vấn đề xác định chủ thể ký kết hợp đồng trong hợp đồng thương mại quốc tế:
Chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Quốc tịch đóng một vai trò rất quan trọng để các định một cá nhân hoặc pháp nhân của nước đó. Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia khác không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác.
- Về vấn đề xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
Về thẩm quyền ký kết giữa các bên, một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng ngược lại với một pháp nhân, chủ thể này không thể tự mình thực hiện ký kết mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết với bên đối tác trong hợp đồng.
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc Điều lệ công ty. Nhưng pháp luật mỗi quốc gia lại khác nhau, ví dụ như Luật Anh. Vương quốc Anh theo hệ thống thông luật, nên không có quy định cụ thể về ủy quyền. Tuy nhiên, các án lệ tại Anh công nhận sự ủy quyền mặc nhiên, tức là một C.E.O khi thực hiện nhiệm vụ điều hành công ty thì có quyền thực hiện những hành vi mà một C.E.O thông thường cần làm, nên có thể không cần giấy ủy quyền. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên nên tìm hiểu các quy định về thẩm quyền và ủy quyền của quốc gia đối tác hoặc yêu cầu bên kia cung cấp các giấy tờ để chứng minh hoặc cam kết mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng.
Một điểm cần lưu ý là thẩm quyền ký kết điều khoản trọng tài không trùng với thẩm quyền ký kết hợp đồng. Điều khoản trọng tài độc lập với hợp đồng, nhằm mục đích chọn ra cơ quan giải quyết tranh chấp.
Theo Điều 19 của Luật Trọng tài thương mại có quy định: “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài”. => Vì vậy, nếu các bên có quy định về điều khoản trọng tài thì cũng cần xác định rõ người ký hợp đồng có thẩm quyền hoặc được ủy quyền ký kết điều khoản trọng tài hay không.
- Về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
Hình thức của hợp đồng cũng là một điều cần lưu ý trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng.
Theo khoản 2 Điều 27 của Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định phải được ký kết bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu Điều 11 của Công ước Viên 1980 nên nhất thiết các hợp đồng được ký kết phải được thực hiện dưới hình thức văn bản. Nếu có sai phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. Phương án tốt nhất khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là nên soạn thảo hợp đồng bằng văn bản vì các nội dung sẽ được thể hiện rõ ràng, tiện lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này.
- Về vấn đề chọn luật áp dụng trong hợp đồng:
Ngoài việc các bên phải ghi rõ luật áp dụng trong hợp đồng thì điều khoản của Incoterms cũng thường xảy ra tranh chấp khi các bên không xác định cụ thể Incoterms năm nào hoặc ghi sai tên cảng. Thực tiễn xét xử cho thấy các trung tâm trọng tài thường chọn Incoterms năm gần nhất trong trường hợp các bên không ghi rõ. Bên cạnh đó, mỗi điều kiện Incoterms đi kèm cảng đến hay cảng đi khác nhau nên trong hợp đồng cần ghi chính xác.
- Về ngôn ngữ trong hợp đồng:
Theo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai, chính vì vậy, cách tốt nhất là các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ trong hợp đồng. Nếu trường hợp các bên không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý.
Trân trọng!
2. Mua bán hàng hóa vận chuyển bằng đường biển
- Cơ sở pháp lý: Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015
Theo khoản 1 Điều 145 của Bộ luật quy định về: "Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển" như sau:
"1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng."
Theo đó:
- Hàng hóa trong hơp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển;
- Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển. Trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển, người thuê vận chuyển được gọi là người giao hàng;
- Người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển;
- Khi người vận chuyển ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển thì người vận chuyển này là người vận chuyển thực tế, theo đó người vận chuyển thực tế là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Cũng theo Điều 146 của Bộ luật này quy định, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được chia thành 2 loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển như sau:
"1. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận.
2. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản."
=> Vậy tùy vào tính chất của hợp đồng mà hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được chia thành 2 loại khác nhau như trên.
Trân trọng!
3. Vận đơn theo lệnh (Order B/L)
Căn cứ vào khả năng chuyển nhượng (hay còn gọi là khả năng lưu thông) của vận đơn
Khi căn cứ theo tiêu chí này, vận đơn gồm có ba loại: Vận đơn theo lệnh (Order B/L), vận đơn đích đanh (Straight B/L) và vận đơn vô danh (Bearer B/L).
Đây là vận đơn mà tại ô “Người nhận hàng” (Consignee) không ghi tên người nhận hàng, mà ghi hai chữ “Theo lệnh” (To order) hoặc theo lệnh của một người nào đó được người giao hàng (Shipper) chỉ định phát lệnh trả hàng.
Ví dụ chứng minh: “Theo lệnh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam...” (To order of the Bank for Foreign Trade of Vietnam...). Trường hợp này vận đơn chỉ ghi hai từ: “Theo lệnh” (To order), mà không ghi rõ theo lệnh của ai, ai là người ra lệnh, lúc này người giao hàng mặc nhiên là người có quyền phát lệnh trả hàng.
Vì tính chất của vận đơn theo lệnh như vậy nên vận đơn theo lệnh này có thể chuyển nhượng được bằng cách người có quyền phát lệnh trả hàng ký hậu (ký ở mặt sau vận đơn). Nếu vận đơn không được ký hậu thì chỉ có người có quyền phát lệnh trả hàng mới có thể nhận được hàng từ người vận chuyển.
4. Vận đơn đích danh (Straight B/L)
Đây là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng, không giống vận đơn theo lệnh ta vừa phân tích là chỉ ghi chung chung nhất có thể. Theo đó, vận đơn đích danh chỉ có người nhận hàng có tên ghi trên vận đơn mới được nhận hàng đã đích danh chính người đó nhận. Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu.
=> Như vậy, đúng như tên gọi của mình, trên vận đơn đích danh, ở mục Consignee ghi thông tin đích danh tên và địa chỉ người nhận hàng. Do vậy mà chỉ có người có tên và địa chỉ trùng khớp với thông tin được ghi trên vận đơn này mới được nhận hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số trường hợp sử dụng vận đơn đích danh, ví dụ như Cá nhân gửi hàng cá nhân, hàng quà biếu, hàng triển lãm, hàng hoá vận chuyển trọng nội bộ công ty... Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng cho người khác bằng cách ký hậu chuyển nhượng.
5. Mua bán hàng hóa quốc tế nên sử dụng vận đơn theo lệnh (Order B/L) hay vận đơn đích danh (Straight B/L)?
Trong thực tiễn thương mại và hàng hải quốc tế cũng như quy định tại Điều 159 của Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, căn cứ vào khả năng chuyển nhượng lưu thông (Negotiability) của vận đơn, nguời ta phân chia vận đơn thành ba loại như sau:
- Vận đơn theo lệnh (Order B/L),
- Vận đơn đích danh (Straight B/L),
- Vận đơn vô danh (B/L to Bearer).
Trong ba loại nói trên, loại thứ ba là Vận đơn vô danh (B/L to Bearer) gần như ít xuất hiện trên thương trường quốc tế. Trong khi đó, loại thứ hai, vận đơn theo lệnh, được sử dụng rộng rãi trong thuơng mại quốc tế vì nó là một chứng từ có thể lưu thông đuợc, và một trong những chức năng của vận đơn loại này nó là chứng từ thể hiện quyền sở hữu hàng hóa (Document of Title)? Vì vậy ở nhiều nưóc, người ta có thể sử dụng nó để chiết khấu tại ngân hàng trước khi hàng về hay cầm cố thế chấp vay vốn tín dụng. Trên bề mặt vận đơn theo lệnh, nguời ta không ghi rõ tên và địa chỉ của người nhận hàng mà chỉ ghi chữ “theo lệnh: to order”, hoặc ghi rõ theo lệnh của ai đó ví dụ: nguời gửi hàng, một ngân hàng nào đó, nguời nhận hàng hoặc của một đại lý nào đó (to order of ).
Nếu không ghi rõ theo lệnh của ai thì hiểu là theo lệnh của người gửi hàng. Vận đơn theo lệnh có đặc điểm là có thể chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu (Endorsement). Có thể ký hậu để trống (Blank Endorsement) hay ký hậu cho một người cụ thể hoặc theo lệnh của một người nào đó. Điều này cũng đồng nghĩa quyền sở hữu định đoạt hàng hóa chỉ được chuyển giao khi vận đon đã được ký hậu.
Theo như phân tích ở trên, với vận đơn đích danh, trên bề mặt của nó, ở ô người nhận hàng (Consignee) bao giờ cũng phải ghi rõ tên và địa chỉ người nhận hàng. Chỉ có người có tên trên bề mặt vận đươn mới có thể nhận hàng, nghĩa là chỉ có họ mới có quyền định đoạt hàng hóa kể cả quyền khởi kiện người vận chuyển. Loại vận đơn này không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu, vì vậy loại vận đơn này ít lưu thông trong thương mại quốc tế. Với loại vận đơn này một khi đã được cấp phát thì cũng có nghĩa là quyền nhận hàng cũng như các quyền khác gắn với vận đơn đã chuyển sang người có tên đích danh ghi ở trong đó.
Thông thường vận đơn đích danh chỉ sử dụng khi gửi hành lý cá nhân hoặc gửi hàng trong nội bộ giữa các công ty con hay chi nhánh của một tập đoàn thương mại nào đó, hiếm khi dùng để thanh toán tiền mua bán hàng. Trong thực tiễn hàng hải quốc tế chỉ ai là người có tên trên vận đơn loại này mới nhận được hàng nên khi ký phát loại vận đơn này thường các hãng tàu thu hồi bản gốc ngay tại cảng xếp hàng hay nói chính xác hơn họ không cấp bản gốc, do đó trên bề mặt vận đơn loại này thường đóng dấu dòng chữ "đã thu hồi bản gốc: Surrendered” đi kèm theo dòng chữ “Không chuyển nhượng được: Non-Negotiable”. Khi hàng đến cảng đích, người nhận hàng chỉ cần bản sao và chứng minh được rằng mình là người nhận hàng đích danh ghi trong vận đơn đó là họ có thể nhận hàng.
Pháp luật những nước theo hệ thống Common Law như: Anh, Mỹ, Australia... các nước này coi vận đơn đích danh như là một giấy gửi hàng nên khi nhận hàng có thể không cần xuất trình bản gốc vận đơn. Một điều cũng cần lưu ý là theo quy định tại Điều 62 của Luật thương mại Việt Nam quy định rằng nếu hợp đồng mua bán không quy định khi nào quyền sở hữu hàng hóa chuyển từ người bán sang người mua thì quyền sở hữu đó sẽ được chuyển giao khi giao hàng. Nghĩa là vận đơn đích danh một khi đã được ký phát thì chỉ có người nhận hàng có tên trong đó mới có quyền định đoạt và nhận hàng, người gửi hàng có cầm nó trong tay cũng không làm gì được.
=> Như vậy, từ những đặc điểm nói trên của các loại vận đơn, nhất là vận đơn theo lệnh nên khi mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nên sử dụng loại vận đơn theo lệnh với những ưu điểm vốn có của nó, hết sức hạn chế việc sử dụng vân đơn đích danh bởi vì những hạn chế như trên. Hiện nay cũng không ít vụ lừa đảo đã xảy ra do người bán Việt Nam tin tưởng ở người mua nên đã đồng ý phát hành vận đơn đích danh cho ngừời mua nước ngoài...
Trân trọng!