1. Khái niệm oan và sai

Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Quá trình đó bao gồm nhiều hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án; của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, của người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nhiệm vụ của tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ không tránh khỏi những sai sót nhất định.

Oan” không phải là một khái niệm phức tạp. Nghĩa thông thường của từ này là “bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý”. Trên cơ sở này, khái niệm “oan” trong tố tụng hình sự gồm những nội dung sau:

Thứ nhất, công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc người đó chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.

Thứ hai, công dân đã bị truy tố ra Toà án để xét xử nhưng Toà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của Toà án cấp dưới bị Toà án cấp trên huỷ, tuyên bị cáo không có tội.

Thứ ba, công dân bị truy tố, xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm và bản án đã được Toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn. Pháp luật các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận và ở một chừng mực nhất định quy định các nội dung “oan” trong tố tụng hình sự

Tại Trung Quốc, các trường hợp sau được coi là oan:

1) Người bị tình nghi phạm tội bị bắt giữ nhưng chưa có dấu hiệu thực tế hoặc chưa có những chứng cứ thực tế là phạm tội.

2) Người chưa thực sự phạm tội nhưng đã bị giam giữ.

3) Người đã chấp hành hình phạt mà Toà án đã tuyên nhưng sau đó được xét xử lại theo trình tự kiểm tra, giám sát xét xử là vô tội.

Theo Bộ luật Hình sự Cộng hoà Liên bang Nga, thì các trường hợp sau được coi là oan:

1) Một người rõ ràng là không có tội nhưng đã bị người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

2) Một người bị tình nghi phạm tội hoặc bị tố cáo là đã thực hiện hành vi phạm tội bị kiểm sát viên hoặc người tiến hành điều tra sơ bộ truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật.

3) Một người bị bắt giữ trái pháp luật.

Nhìn chung, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không đưa ra một khái niệm chung về “oan” trong tố tụng hình sự, chỉ nêu các trường hợp cụ thể được coi là oan. Thiết nghĩ đây là một cách tiếp cận hợp lý. Vì việc thừa nhận trường hợp nào được coi là oan liên quan đến cả vấn đề bồi thường thiệt hại, nên tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của mỗi nước, ở mỗi thời kỳ nhất định mà pháp luật quy định cụ thể các trường hợp được coi là oan, từ đó đưa ra một cơ chế minh oan mang tính khả thi.

Theo từ điển tiếng Việt thì từ “sai’’ được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật.

Oan và sai trong tố tụng hình sự là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: việc làm oan người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật, còn sai được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hành vi sai pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng không dẫn đến việc làm oan người vô tội. Chẳng hạn: Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã hỏi cung bị can không đúng quy định của luật tố tụng hình sự (hỏi cung ban đêm...) hoặc do thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án, Thẩm phán đã áp dụng điều luật quy định tội phạm của Bộ luật hình sự không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Những trường hợp sai này không thuộc nội hàm khái niệm oan. Do vậy, “oan” và “sai” không được đồng nhất với nhau. Ta không nên dùng cụm từ “oan sai” mà chỉ sử dụng cụm từ “oan, sai” hoặc oan, sai độc lập trong những tình huống thích hợp. Sự nhầm lẫn trên mặc dù chỉ là về mặt ngôn ngữ, nhưng trong khoa học pháp lý thì ngôn ngữ pháp lý phải được sử dụng một cách chính xác. Đặc biệt, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không được phép đồng nhất hai khái niệm này với nhau, vì họ là những chủ thể tiêu biểu mang trong mình yếu tố văn hoá pháp lý của một quốc gia.

 

2. Oan và để lọt tội phạm trong tố tụng hình sự

Không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm là hai mục đích cơ bản nhất của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, được quy định tại Điều 1 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Hậu quả của việc làm oan người vô tội cũng nghiêm trọng như bỏ lọt tội phạm, chính vì vậy mà “đối với Toà án việc xử phạt một người không có tội cũng không đáng tha thứ và cũng nguy hiểm như bỏ lọt một kẻ phạm tội”. Để lọt tội phạm là hiện tượng tội phạm tuy đã được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã không xử lý người có hành vi phạm tội trách nhiệm hình sự dù có đủ điều kiện theo luật định hoặc những trường hợp hành chính hoá, dân sự hoá các vụ án hình sự. Để lọt tội phạm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng “tình hình tội phạm ẩn” mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã gây nên. Hiện tượng làm oan người vô tội cũng như bỏ lọt tội phạm đều để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với lại. Do đó, muốn khắc phục cả hai hiện tượng trên thì các cơ quan tiến hành tố tụng trước hết phải thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý tin báo tội phạm để không bỏ lọt tội phạm và hạn chế làm oan người vô tội.

 

3. Nguyên tắc bồi thường oan sai

Theo Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước:

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại

Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật này.

Nhà nướcgiải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

 

4. Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị oan sai

Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường oan sai gồm các bước sau:

 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường

Nội dung gồm có: Văn bản yêu cầu bồi thường; Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại; Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

Người yêu cầu bồi thường (sau đây gọi là người yêu cầu) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường hoặc Sở Tư pháp trong trường hợp chưa xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

 

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Nhận hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận hồ sơ và ghi vào sổ; cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu.

Nhận hồ sơ qua bưu điện: trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người yêu cầu.

 

Bước 3: Thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường

Thụ lý hồ sơ: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan giải quyết bồi thường phải thụ lý hồ sơ và vào sổ thụ lý.

Cử người giải quyết bồi thường: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải cử người giải quyết bồi thường.

 

Bước 4: Xác minh thiệt hại

Người giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc xác minh được yêu cầu trong hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ, người giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại. Đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn xác minh thiệt hại là 30 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ.

 

Bước 5: Thương lượng việc bồi thường

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiến hành thương lượng, việc thương lượng phải được hoàn thành. Đối với trường hợp nhiều tình tiết tiết phức tạp hơn, thời hạn thương lượng tối đa là 15 ngày.

 

Bước 6: Quyết định giải quyết bồi thường

Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng. Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày trao cho người yêu cầu bồi thường.

 

5. Trách nhiệm bồi thường oan sai theo quy định pháp luật

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

  • Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng.
  • Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.