1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020

Phạm vi điều chỉnh pháp luật được hiểu là phạm vi các quan hệ xã hội được pháp luật nói chung điều chỉnh. Và phạm vi điều chỉnh của một văn bản pháp luật là các vấn đề được đặt ra và giải quyết trong văn bản đó. Theo đó thì phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là sự quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. quy định về nhóm công ty. 

2. Đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp 2020

Đối tượng áp dụng của một văn bản Luật là sự giới hạn về những chủ thể được hoặc phải thực hiện theo quy định của văn bản luật này đưa ra. Theo đó, đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ bao gồm :

- Doanh nghiệp.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. 

3. Các loại hình doanh nghiệp mới nhất được quy định tai Luật Doanh nghiệp năm 2020

Doanh nghiệp được hiểu là một tổ chức kinh doanh, có các hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch. Với mục đích cao nhất của một doanh nghiệp chính là đem lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp nên việc lựa chọn một loai hình doanh nghiệp phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình là một yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết, là nền tảng, là bước đầu trong việc gây dựng sự nghiệp của một chủ doanh nghiệp. Theo đó, hiện nay có 05 loai hình doanh nghiệp với các đặc trưng pháp lý, hình thức tổ chức và khả năng huy động vốn khác nhau được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm: 

Thứ nhất, là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đây là một loại hình khá phổ biến trong giới kinh doanh ngày nay. Là một loại hình doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức là chủ sở hữu, góp vốn để thành lập. Đây sẽ là loại hình phù hợp với những doanh nhân có nhu cầu muốn kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, muốn tư bản thân làm chủ và khi đó, doanh nhân sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lê công ty 

Thứ hai,là Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Đây là loại hình doanh nghiệp có tối thiểu là 02 thành viên trở lên bao gồm cả cá nhân, tổ chức và với số lượng không quá 50 thành viên. Nếu quý khách muốn mở công ty chung với bạn bè, người thân, người quen biết.... để cùng hỗ trợ nhau kinh doanh thì Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là một sự lựa chọn mà quý khách có thể tham khảo. Đối với loai hình của công ty này, các thành viên sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm  hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty, ít gây rủi ro cho người góp vốn.

Thứ ba , là Công ty cổ phần. Đây cũng là một loại hình doanh nghiệp khá phổ biến, thường thấy trên thị trường lao động Việt Nam. Đối với công ty cổ phần thì vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau hay còn được gọi là cổ phần. Những người sở hữu chung số cổ phần sẽ được gọi với cái tên cổ đông (có thể gọi là cá nhân hoặc tổ chức).Công ty cổ phần quy định tối thiểu là 03 cổ đông và không có sự giới hạn về thành viên góp vốn. Do vậy, để lựa chọn loại hình thích hợp, thì vốn điều lệ chính là mấu chốt quan trọng mà quý khách cần phải cân nhắc khi tiến hành xây dựng cho mình một loại hình kinh doanh phù hợp 

Thứ tư, là Công ty hợp danh - một loại hình công ty dễ chiếm được sự tin cậy cho các đối tác kinh doanh. Bởi lẽ do đặc điểm nổi trội của công ty hợp danh là được lập nên bởi ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. 

Thứ năm là Doanh nghiệp tư nhân. Loại hình này sẽ thích hợp với những cá nhân muốn tự làm chủ, muốn có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên thì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, đó là một sự nhận biết rõ rệt giúp quý khách phân biệt được loại hình doanh nghiệp tư nhân với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. 

Như vậy, với 05 loai hình doanh nghiệp mà Luật Minh Khuê chúng tôi đã tóm gọn các đặc điểm cơ bản nhất ở trên, dựa trên nhu cầu kinh doanh của mình, chắc hẳn các doanh nhân sẽ có cho mình một sự lựa chọn hoàn hảo về loai hình công ty mà quý khách muốn đồng hành trên sự nghiệp của mình. 

4. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp năm 2020 chi tiết nhất

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp là một loại thủ tục hành chính, là bước khởi đầu để cho ra đời một công ty hợp pháp chính thức đi vào hoạt động kinh doanh của các doanh nhân. Theo đó để tiến hành thủ tục này, quý khách cần phải tuân thủ theo các trình tự sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: 

Đây có thể coi là bước quyết định cho việc thành lập một công ty của quý khách là sớm hay muộn. Bởi lẽ nếu hồ sơ của quý khách không hợp lệ, thiếu xót nhiều thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể phê duyệt việc thành lập công ty cho quý khách được. Khi ấy, quý khách sẽ mất thêm rất nhiều thời gian tìm hiểu để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, gây cản trở mong muốn được thành lập công ty đúng với thời gian dự định của mình. Vậy nên Luật Minh Khuê sẽ lưu ý cho quý khách những giấy tờ cần thiết sau đây bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung: 

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp: Với loại văn bản này, pháp luật có quy định mẫu riêng cho từng loại hình công ty. Quý khách cần lưu ý lựa chọn đúng mẫu văn bản tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT để tránh sai xót không đáng có

- Dự thảo điều lệ công ty, có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập công ty 

- Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập 

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến nhân thân của các thành viên, chủ sở hữu 

- Và các giấy tờ liên quan khác cần soạn thảo trong trường hợp cụ thể. 

Bước 2: Nộp hồ sơ: 

Sau khi đã hoàn tất về phần hồ sơ, quý khách sẽ tiến hành việc nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo các phương thức sau đây: 

- Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 

- Nộp qua đường bưu điện đến địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Nộp qua hệ thống online của Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: http://dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 3: Nộp kết quả: 

Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi đến quý khách giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 

Bước 4: Hoàn tất thủ tục sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Ngay sau khi quý khách nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quý khách phải tiếp tục tiến hành các thủ tục để công ty có thể được đi vào vận hành bao gồm: việc khắc dấu, đặt biển tại trụ sở chính của công ty, tiến hành thủ tục khai thuế và phát hành hoá đơn điện tử.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hê trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!