1. Các điều ước quốc tế làm cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS

- Trong các điều ước quốc tế đa phương thì các điều ước sau đây là cơ sở pháp để cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện hợp tác với các cơ quan tố tụng nước ngoài trong hoạt động TTHS, ba công ước quốc tế của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chín điều ước quốc tế và khu vực ASEAN về chống khủng bố; Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các Nghị định thư bổ sung; Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN. Hiện nay, Nhà nước ta trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê chuẩn việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam là thành viên chính thức của Interpol tháng 11 năm 1991 và Aseanapol 1996 nên điều lệ và những quy định chung của Interpol, Aseanapol đã điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể là thành viên, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.

- Các hiệp định song phương về TTTP, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù là cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS. Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết 24 hiệp định TTTP và dẫn độ với các nước như: Liên bang Cộng hoà XHCN Xô viết (10/12/1981); Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc (ngày 12/10/1982); Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri (ngày 18/01/1985); Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri (ký ngày 03/10/1986 và phê chuẩn ngày 05/6/1987); Cộng hòa Ba Lan (ký ngày 22/3/1993); Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (ký ngày 06/7/1998); Liên bang Nga (ngày 25/8/1998); Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký ngày 19/10/1998); Cộng hoà U-crai-na (ký ngày 06/4/2000); Mông Cổ (ngày 17/4/2000); Cộng hòa Bê-la-rut (năm 2000); Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về TTTP và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự (ký ngày 3/5/2002); Hàn Quốc (Nhà nước ta đã ký hai hiệp định: TTTP về hình sự; hiệp định về dẫn độ), Ấn Độ, Angiêri; ký các hiệp định về chuyển giao người bị kết án với Ôx-trây-lia, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Angiêri.

Hệ thống văn bản nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế trong TTHS.

- Cùng đó, Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ các nước liên quan đến hợp tác quốc tế trong TTHS, như các hiệp định về lãnh sự, các hiệp định, văn bản thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước trong hợp tác phòng, chống ma tuý và tội phạm với Chính phủ các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam đang sinh sống, làm việc như Cộng hoà Liên bang Nga, Hung-ga-ry; Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; Chính phủ Vương quốc Thái Lan, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa...

2. Phạm vi điều chỉnh của Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Một trong những nội dung mới quan trọng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là làm rõ khái niệm nội hàm, xác định cụ thể phạm vi và nguyên tắc áp dụng pháp luật khi thực hiện hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực tiễn hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự thời gian qua đã nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau liên quan những nội dung này, nhất là về phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Có ý kiến cho rằng, dựa theo kết cấu của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, có thể hiểu phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự bao gồm: (1) Tương trợ tư pháp về hình sự; (2) Dẫn độ; (3) Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, trong thực tiễn, phát sinh nhiều yêu cầu khác nằm ngoài phạm vi của 3 hoạt động nêu trên, chẳng hạn như: xử lý tài sản do phạm tội mà có, phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt... Những yêu cầu này cũng được thể hiện cụ thể trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia quy định các quốc gia thành viên có thể phối hợp, hỗ trợ nhau thực hiện: hợp tác quốc tế trong tịch thu tài sản (Điều 13); xử lý tài sản do phạm tội mà có bị tịch thu hoặc tài sản bị tịch thu (Điều 14); dẫn độ (Điều 16); chuyển giao người bị kết án (Điều 17); tương trợ pháp lý (Điều 18); phối hợp điều tra (Điều 19); các kỹ thuật điều tra đặc biệt (Điều 20). Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định các hoạt động hợp tác quốc tế giữa các quốc gia bao gồm: dẫn độ (Điều 44); chuyển giao người bị kết án (Điều 45); tương trợ pháp lý (Điều 46); chuyển giao vụ án hình sự (Điều 47); hợp tác thực thi pháp luật (Điều 48); điều tra chung (Điều 49); kỹ thuật điều tra đặc biệt (Điều 50). Nhằm xử lý những vướng mắc, bất cập nêu trên và bảo đảm sự thống nhất với quy định của Luật tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 xác định rõ: hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự là việc các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện các hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm: (1) Tương trợ tư pháp về hình sự; (2) Dẫn độ; (3) Tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; (4) Các hoạt động hợp tác quốc tế khác. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

3. Nguồn pháp luật điều chỉnh hợp tác quốc tế trong TTHS

Nguồn luật là một nội dung quan trọng nhằm xác định cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật, giúp cho quá trình thực thi, áp dụng pháp luật diễn ra thuận lợi. Hợp tác quốc tế trong hệ thống pháp luật nước ta được quy định ở BLTTHS, Luật tương trợ tư pháp và các hiệp định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hình sự mà Việt Nam đã ký kết với các nước.Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định rõ nguồn áp dụng, phạm vi áp dụng của các văn bản này. Khắc phục hạn chế đó, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định nguồn pháp luật áp dụng là: “Quy định tại BLTTHS, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Điều 491 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ ràng về phạm vi của hợp tác quốc tế trong TTHS “Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của BLTTHS, pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.” 

4. Quy định mới về cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự 

Đặc trưng của hợp tác quốc tế trong TTHS là quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia (nước yêu cầu và nước được yêu cầu), do đó, bên cạnh những thủ tục tố tụng thông thường của tố tụng hình sự, các hoạt động dẫn độ, tương trợ tư pháp, chuyển giao người phạm tội còn có các hoạt động ngoại giao giữa nước yêu cầu và nước được yêu cầu cần sự điều chỉnh của các quy tắc về ngoại giao và hợp tác quốc tế khác. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế trong TTHS, cụ thể: 

- Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Trong lĩnh vực dẫn độ, Nhà nước ta quy định Bộ công an là cơ quan trung ương giữ vai trò đầu mối và chỉ đạo thực hiện các hoạt động về dẫn độ. Trách nhiệm cụ thể của Bộ công an đã được quy định tại Điều 65 Luật tương trợ tư pháp 2007, tuy nhiên dẫn độ là một nội dung của hợp tác quốc tế trong TTHS cần phải quy định ở BLTTHS với tính chất quy phạm điều chỉnh quan hệ tố tụng hình sự đối với chủ thể liên quan. Điều 495 BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể như sau: “Bộ Công an là Cơ quan Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.”

 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật.

5. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong dẫn độ

Biện pháp ngăn chặn được sử dụng nhằm bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ. Về vấn đề này, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 đã quy định cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức. Có thể nhận thấy rằng, quy định này mới chỉ mang tính định hướng mà chưa quy định rõ những biện pháp ngăn chặn nào có thể được áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Theo thực tiễn áp dụng pháp luật thì các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với các trường hợp dẫn độ thường được hiểu là các biện pháp ngăn chặn áp dụng chung trong BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên với cách lý giải dẫn độ là một hoạt động tố tụng đặc biệt mà quá trình giải quyết yêu cầu dẫn độ có liên quan đến hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia thì cần quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng với người bị yêu cầu dẫn độ.

Khắc phục hạn chế này BLTTHS năm 2015 đã quy định về các biện pháp ngăn chặn đối với người bị yêu cầu dẫn độ tại Điều 502 BLTTHS gồm bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh. Điều luật này cũng quy định về căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, cụ thể như sau:

(i) Về căn cứ áp dụng: Biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ khi có đủ những điều kiện: Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật; Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ;

(ii) Về thẩm quyền: Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao quyết định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều này. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của người bị yêu cầu dẫn độ tại phiên họp. 

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)