Mục lục bài viết
1. Phân cấp quản lý hành chính là gì?
Phân cấp quản lý hành chính là chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lí nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lí nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật. Phân cấp quản lí hành chính là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình xã hội.
2. Quy định pháp luật về phân cấp quản lý hành chính nhà nước
Căn cứ Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định
"Điều 13. Phân cấp cho chính quyền địa phương
1. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.
3. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
4. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp."
Theo Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thì: Thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện phân cấp nhiệm vụ phải căn cứ vào khả năng tự cân đối ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương…
3. Nguyên tắc thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước
- Nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước.
Quản lý hành chính nhà nước là sự liên kết, phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống hành chính nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu thống nhất quyền lực nhà nước, quyền lực hành pháp, hành chính nhà nước mà các chủ thể quản lý dù có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm cụ thể khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện quyền lực nhà nước, đều hướng tới những mục tiêu chung, nhiệm vụ chung. Những mục tiêu chung, nhiệm vụ chung liên quan gắn kết với vấn đề chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... Do vậy, phân cấp quản lý hành chính nhà nước không phải lĩnh vực nào cũng có thể phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp. Để đảm bảo quyền lực nhà nước thống nhất, một số lĩnh vực, một số thẩm quyền được xem là đặc quyền của các cơ quan nhà nước ở Trung ương mà không thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương. Nhìn chung, những loại việc không thuộc chính quyền địa phương gồm: quốc phòng, đối ngoại, an ninh nội địa, quốc tịch, quy hoạch, sử dụng và khai thác các tài nguyên thuộc sở hữu quốc gia như hải đảo, thềm lục địa, bờ biển, tài nguyên dưới lòng đất. Một số thẩm quyền khi thực hiện phân cấp cho cấp dưới hay cho chính quyền địa phương đòi hỏi cơ quan nhà nước cấp trên phải có đủ năng lực kiểm soát việc thực hiện những thẩm quyền đó của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới.
- Nguyên tắc pháp chế.
Phân cấp quản lý hành chính nhà nước dù ở phương diện nào cũng phải thể hiện dưới hình thức các văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát. Thậm chí, việc phân cấp, phân công trong nội bộ của từng cơ quan hành chính nhà nước cũng phải được thể hiện bằng một văn bản pháp luật. Ví dụ, cấp trưởng phân công nhiệm vụ cho cấp phó phải được thể hiện cụ thể bằng các văn bản. Nguyên tắc pháp chế còn đòi hỏi khi tổ chức thực hiện phân cấp phải tuân thủ theo đúng trình tự, nội dung mà pháp luật quy định.
- Nguyên tắc cân đối.
Phân cấp quản lý hành chính nhà nước phải bảo đảm các cân đối sau đây: cân đối giữa nhiệm vụ được giao với năng lực thực hiện nhiệm vụ đó; cân đối giữa quyền hạn và trách nhiệm; cân đối giữa nhiệm vụ được giao với kinh phí để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đó (ngân sách); cân đối giữa thẩm quyền được giao với năng lực kiểm soát việc thực hiện các quyền đó của các cơ quan nhà nước cấp trên…
- Nguyên tắc phù hợp.
Phân cấp quản lý hành chính nhà nước phải bảo đảm tính phù hợp trên một số mặt sau đây: phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; phù hợp với đặc thù quản lý của từng ngành, từng lĩnh vực; phù hợp với đặc thù của từng địa phương về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán; phù hợp trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp hành chính...
- Nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả.
Đây là một nguyên tắc được chỉ đạo thực hiện trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cải cách hành chính. Việc thực hiện nguyên tắc này trong phân cấp quản lý hành chính nhà nước trước hết cần rà soát, đánh giá năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp hành chính, các cơ quan, tổ chức hành chính. Với một nhiệm vụ cụ thể, cấp nào có khả năng đạt được mục tiêu, chất lượng, yêu cầu quản lý với chi phí ít nhất và thời gian ngắn nhất thì nên giao cho cấp đó hoặc cơ quan đó. Mặc khác, nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả còn đòi hỏi việc giao quyền, giao nhiệm vụ phải được quy định cụ thể và đưa ra được các tiêu chí đánh giá.
- Nguyên tắc công khai, dân chủ.
Nguyên tắc công khai, dân chủ trong phân cấp quản lý hành chính nhà nước đòi hỏi các quyết định về phân cấp quản lý hành chính nhà nước phải được xây dựng, thảo luận, quyết định một cách công khai, dân chủ theo thẩm quyền. Phải công khai bằng nhiều hình thức để người dân biết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp, để người dân có điều kiện thực hiện quyền giám sát. Kết quả thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao của các cơ quan hành chính các cấp cũng phải được công khai để nhân dân biết...
4. Điều kiện thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước
Điều kiện thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước theo hướng chuyển giao một phần thẩm quyền của cơ quan hành chính cấp trên cho cấp dưới. Đây là một xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại, nhằm phát huy được các nguồn lực của địa phương, của cấp dưới, góp phần đẩy nhanh sự phát triển.
- Đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, phải có 2 điều kiện:
Thứ nhất, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ mà cấp trên giao cho. Đây là điều kiện để đảm bảo cân đối giữa nhiệm vụ được giao với năng lực thực hiện nhiệm vụ đó. Cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới không có được điều kiện này thì không thể chuyển giao thẩm quyền cho cấp đó.
Thứ hai, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức chủ chốt của cấp dưới. Đội ngũ cán bộ, công chức chủ chốt của cấp dưới phải tuyệt đối tin tưởng, trung thành với quốc gia mà đại diện là các cơ quan nhà nước trung ương; phải luôn luôn đặt lợi ích, chủ quyền quốc gia lên trên hết. Trên thực tế, điều kiện này khó xác định, định lượng, mà phải được trải nghiệm qua thời gian, thực tiễn mới dần dần được sáng tỏ. Những biểu hiện của tư tưởng địa phương, cục bộ là những dấu hiệu trái với điều kiện này.
- Đối với cơ quan nhà nước cấp trên, phải có 3 điều kiện:
Thứ nhất, phải có được các hệ thống kiểm soát hữu hiệu việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước; kiểm soát việc thực hiện những thẩm quyền đã trao cho cấp dưới. Các hệ thống kiểm soát phải gắn với các cơ quan nhà nước giao quyền; ngoài ra cần có các hệ thống kiểm soát độc lập, kiểm soát của các cơ quan tư pháp, tòa án, viện kiểm sát.
Thứ hai, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trong các hệ thống kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được giao của các cơ quan hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức kiểm soát phải có đầy đủ trình độ, kỹ năng, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao; phải tuyệt đối trung thành với nhà nước, đặt lợi ích của nhà nước, của quốc gia lên trên mọi lợi ích.
Thứ ba, cần có hệ thống các chế tài cụ thể, nghiêm minh để xử lý các vi phạm do cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới gây ra; đặc biệt, phải có những chế tài nghiêm minh để xử lý người đứng đầu các cơ quan hành chính đó.
Những điều kiện nêu trên đối với các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên liên quan đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý kết quả kiểm tra, kiểm soát.
5. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phân cấp quản lý hành chính nhà nước
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực theo mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý nhà nước và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, tiếp tục xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm cơ sở xác định biên chế, đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và điều phối cần thiết của trung ương đối với các địa phương việc thực hiện sau phân cấp;