Từ 01.7.2006, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, nhưng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chưa có điểm dừng, mà ngược lại hình như vẫn gia tăng.
Trong hội thảo “Bảo vệ bản quyền ở Việt Nam” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cũng đã đề cập đến quyền tác giả trong ngành công nghệ thông tin. Theo đánh giá, đây là một trong hai vấn đề vi phạm bản quyền tác giả phổ biến nhất hiện nay. Việt Nam là một trong ba nước (cùng Trung Quốc và Indonesia) có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm lớn nhất thế giới, theo số liệu thống kê của Liên minh Doanh nghiệp Phần mềm, tỷ lệ xâm phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 92%(1).
Ngay trong cuộc Hội thảo khoa học này, Quý vị có chắc chắn rằng máy tính xách tay của mình (mặc dù đã sử dụng phần mềm điều hành có bản quyền) nếu có sử dụng thêm Từ điển mtd thì Quý vị đã trả tiền bản quyền cho Công ty phần mềm Lạc Việt chưa? Theo Lạc Việt ước tính, hiện nay có khoảng 1,5 triệu máy tính dùng từ điển mtd không có bản quyền. Với giá của mỗi bản mtd là 10 USD, Lạc Việt đã bị thiệt hại khoảng 15 triệu USD! Tình trạng đó là nguyên nhân khiến thị trường phần mềm ở Việt Nam không thể phát triển được.(2)
Chúng ta không thể đổ lỗi do thu nhập thấp nên người sử dụng buộc phải vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hãy nhìn sang các quốc gia khác cùng châu lục, mức sống của người dân Ấn Độ đâu có cao, nhưng Ấn Độ đã trở thành một trong các cường quốc hàng đầu thế giới về công nghiệp phần mềm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả chưa cao, nhưng bài tham luận này chỉ tập trung phân tích ở góc độ phân cấp quản lý.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 0986.386.648
1. Về thuật ngữ phân cấp quản lý được dùng trong bài tham luận
Thuật ngữ decentralization được sử dụng trong nghiên cứu về phân công, phân cấp và phân quyền trong tổ chức nhà nước. Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước cho các ngành quyền lực khác nhau đã được B. Montesquie đưa ra trong lý thuyết tổ chức nhà nước, theo Ông tổ chức nhà nước cần phải được tổ chức với mô hình gồm 3 loại cơ quan có quyền lực pháp lý được phân chia một cách tuyệt đối, đó là cơ quan lập pháp có quyền làm luật, cơ quan hành pháp có quyền thực thi luật và cơ quan tư pháp có quyền xét xử người vi phạm pháp luật đã được xác lập, các cơ quan này độc lập với nhau, đối trọng, kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau.(3)
Khác với B. Montesquie, J.J Rousseau cho rằng phân chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các cơ quan khác nhau trong tổ chức nhà nước đảm nhận là cần thiết, nhưng quyền lực nhà nước là không thể phân chia, quyền lực đó phải từ nhân dân mà ra, chính nhân dân mới là người giao cho các tổ chức nhà nước thực hiện quyền lực của mình (4).
Như vậy theo nghĩa thứ nhất, thuật ngữ decentralization được hiểu là sự phân công quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong tổ chức nhà nước.
Hiến pháp Việt Nam 1992 cũng khẳng định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữagiai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Trong các quyền đã nêu trên, quyền hành pháp là nhóm quyền lực mà Nhà nước sử dụng để đưa pháp luật vào đời sống, quản lý hoạt động của sự vận động, phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Tính chất chấp hành của cơ quan hành chính nhà nước đòi hỏi phải thiết lập mô hình hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước một cách khoa học nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, trong đó yếu tố quan trong nhất là việc phân công, phân cấp và phân quyền trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, việc phân quyền được hiểu là chuyển giao quyền từ cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp Trung ương xuống cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp dưới, như vậy thuật ngữ này đã mang nghĩa theo “chiều dọc”: cấp trên và cấp dưới. Mặt khác, trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần có sự phân công nhiệm vụ, phối hợp giữa các cơ quan ngang cấp, bởi vậy thuật ngữ này còn mang nghĩa theo “chiều ngang”. Thực tế, trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước có thể diễn đạt mối quan hệ “ngang – dọc”, đó là mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chung cấp trên và cấp dưới (giữa Chính phủ với Ủy ban Nhân dân các cấp), giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn với cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chung cùng cấp và mối quan hệ giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn cấp trên và cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn cấp dưới.
Trong khuôn khổ có hạn của một bài tham luận, tác giả không có ý định đi sâu phân tích thuật ngữ phân cấp quản lý, mà chỉ giới hạn nó theo các cách hiểu vừa nêu trên.
2. Thực trạng của việc phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
2.1. Mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước trong việc phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Trong tổ chức nhà nước, mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước rất quan trọng, bởi vậy khi xem xét hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trước hết ta phải khảo sát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
Để minh họa cho nhận định trên, ta khảo sát nhiệm vụ của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ – trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003 đã quy định nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như sau:
Điều 13. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, Hội đồng nhân dân tỉnhthực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 4. Quyết định biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Điều 21. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 4. Quyết định biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Mặc dù có thể làm mất thời gian của người đọc, nhưng người viết tham luận này cũng xin phép được chép nguyên văn phần trích các điều 13 và điều 21 của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003, phần viết nghiêng trong trích đoạn nói trên được xem xét dưới các góc độ sau:
- Chúng giống nhau tuyệt đối, bởi vậy có thể hiểu là khi Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh làm tròn trách nhiệm của mình thì Hội đồng Nhân dân cấp huyện không còn việc gì phải làm.
- Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, theo Luật Sở hữu trí tuệ thì cơ quan hành chính nhà nước được trao quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003 không trao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng Nhân dân cấp huyện nhiệm vụ cụ thể giám sát hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ mà chỉ trao nhiệm vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, được thể hiện ở ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả (một trong các dạng hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ). Bởi vậy, có thể đặt câu hỏi, nếu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì nó phải chấp hành Nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước cấp nào? Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất có thể sẽ nảy sinh mâu thuẫn được quy định tại điều 2 của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003: “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên” ít nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
2.2. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn trong việc phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Điều 11 của Luật Sở hữu trí tuệ đã trao rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (bao gồm tất cả các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ), cụ thể:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực hiện quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Bộ Văn hoá – Thông tin trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương theo thẩm quyền.
Như vậy, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các nhóm:
- Quyền tác giả và quyền liên quan do Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
- Quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
- Giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý.
Việc phân chia các nhóm của quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn khác nhau quản lý trong thực tế đã làm giảm hiệu quả quản lý mặc dù chúng vẫn đặt dưới sự quản lý chung của Chính phủ, bởi vì việc phối hợp giữa các cơ quan nói trên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ gần như là không có.
Ta hãy khảo sát việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với 3 đối tượng có quan hệ gần nhau nhất, đó là nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Luật sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhưng trong thực tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quản lý về tên thương mại.
Bộ Khoa học và Công nghệ (mà trực tiếp là Cục Sở hữu trí tuệ) có hệ thống quản lý về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý thống nhất tuyệt đối trong phạm vi cả nước, nên trong thực không có trường hợp xảy ra khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ, rất ít trường hợp xảy ra khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại đã nêu: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Cần phải lưu ý cụm từ “khu vực kinh doanh”, nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước đối với tên thương mại thì có thể sẽ đạt được hiệu quả quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ đã quản lý đối với nhãn hiệu. Nhưng trong thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao quyền quản lý đối với tên thương mại cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh, bởi vậy đã xảy ra trường hợp 2 chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực thuộc 2 tỉnh khác nhau (nhưng chỉ cách nhau một khoảng cách rất ngắn về địa lý) lại mang chung một tên thương mại. Như vậy việc phân cấp quản lý một cách thiếu thống nhất giữa các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn thuộc lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư đã làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Ta hãy khảo sát tiếp về sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ đã chỉ rõ, nhãn hiệu được coi là không có khả năng phân biệt nếu: “trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Nhưng như trên đã phân tích, việc quản lý nhãn hiệu và tên thương mại thuộc thẩm quyền của 2 Bộ khác nhau, bởi vậy trong thực tế đã xảy ra nhiều tranh chấp về các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp với nhau, mà phần thua thiệt không ai khác ngoài các doanh nghiệp, nhưng lại có nguyên nhân từ phía các cơ quan hành chính nhà nước, có thể điểm ví dụ: tranh chấp tên Thương mại Việt Thy do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp với nhãn hiệu Việt Thy do Cục Sở hữu Công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) cấp.
Trên đây bài tham luận đã khảo sát các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn cấp Trung ương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Để có cơ sở vững chắc khẳng định các luận điểm đã nêu ra, xin khảo sát thêm quy định của cấp tỉnh về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Hải Dương được đánh giá là một tỉnh có hệ thống quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tốt, là tỉnh duy nhất trong cả nước tổ chức cuộc thi về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào đêm 30.6.2006 (đêm trước khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực). Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đã giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh soạn thảo Quy định quản lý sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, về trách nhiệm của các cơ quan thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh được quy định cụ thể, nhất là đối với Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Kế hoạch và Đầu tư, ví dụ:
“Điều 38. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Tổ chức hướng dẫn việc chấp hành pháp luật sở hữu công nghiệp trong thủ tục đăng ký kinh doanh để bảo đảm không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước.
2. Không cấp phép đăng ký kinh doanh đối với tên doanh nghiệp trùng với các tên doanh nghiệp đã được đăng ký trước đó”.
Quy định trên rất rõ ràng, nhưng lại khó thực thi bởi vì Sở Khoa học và Công nghệ không được quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, lỗi này không thuộc tỉnh Hải Dương, mà thuộc về các quy định quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở cấp cao hơn.
Như vậy việc phân công quản lý một cách thiếu thống nhất giữa các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn ngang cấp đã làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
2.3. Phân cấp thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Trong mục 2.2. vừa điểm qua việc phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, mục này khảo sát việc phân cấp thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Tòa án, Thanh tra chuyên ngành văn hóa, khoa học và công nghệ, Quản lý thị trường, Cảnh sát điều tra tội phạm tật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Ủy ban Nhân dân các cấp…
Hiện nay ở Việt Nam chưa có Tòa án chuyên trách việc xét xử các tranh chấp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc xét xử này đều do Tòa Dân sự, Tòa Hình sự, Tòa Hành chính thuộc Tòa án Nhân dân các cấp đảm nhiệm, việc xét xử này mới chỉ đạt ở mức độ phân cấp, còn việc không phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng dẫn đến hiệu quả xét xử không cao, vì lẽ đương nhiên khó có thẩm phán nào có đủ năng lực xét xử tất cả các lĩnh vực. Vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn Nguyễn Quảng Tuân kiện bị đơn Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả là một ví dụ điển hình, nó thể hiện sự non kém trong xét xử của Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội khi xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sự minh bạch của Tòa án Nhân dân tối cao trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên lẽ ra sẽ hoàn chỉnh hơn nếu Thẩm phán không hỏi Luật sư của bên nguyên là thân chủ của anh đã đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với tác phẩm chưa? Vì lẽ, lý thuyết cơ bản nhất của quyền tác giả đã quy định việc đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm không phải là điều kiện bắt buộc để một tác phẩm được bảo hộ.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhiệm vụ của Hải quan được tiến hành các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, quy định này là đúng nhưng rất khó thực hiện. Chúng ta hãy so sánh quy định trên với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), điều 51 của Hiệp định này chỉ quy định về thủ tục kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu vi phạm nhãn hiệu và bản quyền (2 trong số nhiều đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ). Quy định của TRIPS đxa mở ra khả năng thực thi rất cao của của cơ quan Hải quan, bởi lẽ với khả năng có hạn, với trang bị không đầy đủ thì hải quan chỉ có thể kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vi phạm nhãn hiệu và bản quyền. Trong khi đó Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam lại “tham” quá, quy định cho Hải quan thẩm quyền rất lớn vượt quá khả năng của cơ quan này, thử hỏi với trình độ về sở hữu trí tuệ hiện nay, với trang bị hạn chế thì cơ quan Hải quan của Việt Nam làm sao có thể thẩm định được các vi phạm về sáng chế, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp… nếu mời chuyên gia thẩm định thì lại vượt quá thời gian tạm dừng thủ tục thông quan mà Luật sở hữu trí tuệ đã quy định. Bởi vậy trong thực tế, khi mà Hải quan chỉ đảm nhận được một số nhiệm vụ mà Luật Sở hữu trí tuệ quy định, các nhiệm vụ khác không có khả năng đảm nhận thì bỏ qua không thực thi, nên có xu hướng bỏ qua tất cả không thực thi. Do đó việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở biên giới thực tế đã bị bỏ ngỏ, qua đó cũng không khó hiểu lắm trước hiện tượng hàng giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ nước ngoài vẫn tràn ngập thị trường.
Có lẽ lực lượng quản lý thị trường là cơ quan vất vả nhất trong cuộc chiến chống hàng giả (trong đó có hàng giả về sở hữu trí tuệ), nhưng việc phân cấp quản lý (theo chiều “ngang”) giữa các cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra văn hóa, Thanh tra khoa học và công nghệ không cụ thể đã dẫn đến hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ không cao. Thanh tra khoa học và công nghệ là lực lượng có nghiệp vụ cao trong việc chống hàng giả về sở hữu trí tuệ thì lại không được phân công trực tiếp phụ trách thị trường mà chỉ xử lý các khiếu nại có liên quan đến sở hữu công nghiệp.
Trên đây đã khảo sát một số nét về phân cấp trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, những phân tích đó đã phần nào lý giải các hiện tượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng như đã nêu ở đầu bài tham luận.
Vậy có giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng đã nêu?
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Các nhà nghiên cứu đã nêu rất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bài tham luận này chỉ điểm các giải pháp cho vấn đề trên ở góc độ phân cấp quản lý.
3.1. Phân cấp nhiệm vụ của các cơ quan quyền lực nhà nước ở mỗi cấp về sở hữu trí tuệ
Các cơ quan này bao gồm: cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát và xét xử. Trước hết cần quy định cho rõ ràng và cụ thể nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng Nhân dân cấp huyện về sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó phải quy định rõ cho cả 2 cơ quan này nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của cơ quan hành chính nhà nước.
3.2. Phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Trong điều kiện hiện nay rất khó có thể trao toàn bộ các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tập trung vào một cơ quan quản lý nhà nước, bởi vậy phải chấp nhận một thực tế là có tới 3 Bộ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nhưng phải ban hành một quy định để nêu rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý nhà nước đối với tên thương mại, tránh tình trạng đã diễn ra như trùng tên thương mại trong cùng lĩnh vực kinh doanh, tên thương mại và nhãn hiệu trùng nhau và tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhau.
3.3. Phân cấp nhiệm vụ xét xử của Tòa án về sở hữu trí tuệ
Do đặc thù của hoạt động sở hữu trí tuệ, nên rất cần thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ thuộc Tòa án Nhân dân các cấp, Tòa chuyên trách này phải độc lập với Tòa Dân sự, Tòa Hình sự, Tòa hành chính…
Khi đã thành lập được Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ cần phân cấp nhiệm vụ xét xử về sở hữu trí tuệ cho mỗi cấp Tòa án.
3.4. Phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ đã nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm phải phối hợp công tác giữa các cơ quan này, chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan này nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguyên nhân từ việc không phối hợp công tác với nhau.
Bởi vậy cần có quy định cụ thể về phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Trên đây là một số phân tích và đề xuất dưới góc độ phân cấp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở h��u trí tuệ. Hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc cải cách hành chính ở nước nhà.
Chú thích:
1.Tham khảo thêm http://vietnamnet.vn
2.Tham khảo thêm http://vinhphucdost.gov.vn
3. B. Montesquie, Tinh thần pháp luật, (bản dịch tiếng Việt của Thanh Đạm), Nhà xuất bản Giáo dục, Trường Đại học KHXH&NV – Khoa Luật, Hà Nội, 1996.
4. J.J. Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, (bản dịch tiếng Việt của Thanh Đạm), Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Hành chính Quốc gia, Phân cấp quản lý trong quá trình chuyển đổi ở Việt Nam, Hà Nội, 2003.
2. Krsková A., Kapitoly z dejín Európskeho politického a právneho myslenia, Vydavatelské Oddelenie PF UK, Bratislava 1997
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Quy định quản lý sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
4. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004
SOURCE: KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “Phân cấp quản lý và cải cách hành chính – Kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý với Việt Nam”, do Viện KAF (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức tháng 10.2007. Website Đại học Quốc gia Hà Nội, http://www.vnu.edu.vn/ đăng lại vào thứ ba, 9 tháng 10, 2007
TÁC GIẢ - TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)