Ngay từ  đầu thập niên 80, Nhà n­ước Việt Nam đã bắt đầu xây dựng pháp luật điều chỉnh các hoạt động sáng tạo (sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...) và các quy định tương xứng bảo hộ các sản phẩm trí tuệ đó của con người. Cho đến nay, hệ thống các quy định về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền SHTT nói riêng đã có những bước phát triển đáng kể, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tốc độ phát triển như vậy đã tương xứng với những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế hay chưa? đã tương xứng với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật hay không? Nói cách khác, trong khi chúng ta phát triển thì các quốc gia khác cũng không ngừng phát triển, vậy với tốc độ thế này thì liệu có đủ để thu hẹp khoảng cách giữa chúng ta với các quốc gia khác hay không? Hay chỉ đơn thuần là sự tăng trưởng về con số theo kiểu “ năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái” như các báo cáo thành tích vẫn không ngừng tôn vinh?

            Một trong nững thành tựu mà các nhà làm luật Việt Nam vẫn luôn tự hào là cho đến nay Việt Nam đã ban hành khá đầy đủ khung pháp luật về SHTT. Điều này là không sai, nhưng nếu ví hệ thống pháp luật, chính sách về thực thi SHTT như một công trình kiến trúc thì đây mới chỉ là “bộ khung” trong công trình đó. Để có được một công trình hoàn hảo hay ít nhất là chấp nhận được và sử dụng hiệu quả thì điểm mấu chốt là phải có nguyên vật liệu, phải có kiến trúc sư và công nhân lành nghề hoàn thiện “bộ khung” đó. Thậm chí ngay chính trong “bộ khung” được khen ngợi này cũng xuất hiện không ít bất cập, “cong vênh” cần sửa chữa. Có thể nhận dạng những bất cập trong hệ thống thực thi SHTT Việt Nam hiện nay qua một số điểm chính sau:

             Thứ nhất, quy định của pháp luật về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập và thiếu tính thực tế.

             Hai là,hệ thống cấn bộ thực thi quyền SHTT còn mỏng và tồn tại nhiều điểm yếu về chuyên môn và nhận thức

 Hai điểm bất cập trên đây chính là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mà không được xử lý kịp thời hiện nay. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nêu lên một số nhận định về hai vấn đề trên và tác động của chúng đến quá trình hội nhập của Việt Nam

 

Đối với vấn đề thứ nhất, có ba điểm lớn trong hệ thống các quy định của pháp luật, một là: Thiếu các quy định về hoạt động thực thi quyền SHTT. Một điển hình là háp luật hiện nay chưa có khái niệm cụ thể thế nào là “Thực thi quyền SHTT”. Đối với một quốc gia có trình độ không cao như Việt Nam, các quy định của pháp luật càng cụ thể bao nhiêu, rõ ràng bao nhiêu thì khả năng thực thi càng cao bấy nhiêu. Trên thực tế là khái niệm “Thế nào là thực thi quyền SHTT” chỉ tồn tại trong các nghiên cứu khoa học, báo cáo,…mà những tài liệu này thì tính phổ cập lại quá thấp. Không có một khái niệm, dù lai khái niệm chung nhất “Thế nào là thực thi quyền SHTT” ở một quốc gia có như chúng ta sẽ có thể dẫn đến tình trạng là các cán bộ Nhà nước hoặc chính doanh nghiệp không biết liệu hành vi của mình có phải là “thực thi quyền SHTT” hay không? hay chính các cơ quan có chức năng thực thi lại băn khoăn vì trách nhiệm của mình là “thực thi” và “hỗ trợ thực thi” nhưng lại không rõ việc mình làm có phải là “thực thi quyền SHTT” không? Chính vì pháp luật không rõ ràng nên hiện nay đang tồn tại một số quan điểm khác nhua về “Thực thi quyền SHTT” như sau:

 

Có quan điểm cho rằng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đ­ược hiểu không chỉ giới hạn ở nghĩa ng­ười nắm giữ quyền thực hiện các hành vi liên quan đến đối tượng sở hữu trí tuệ đư­ợc bảo hộ, mà hơn thế nữa còn có nghĩa là việc ng­ười nắm giữ quyền ngăn chặn và chống lại ng­ười thứ ba thực hiện trái phép các hành vi đó.

 

Quan điểm khác lại hiểu “thực thi quyền sở hữu trí tuệ” là toàn bộ các hoạt động nhằm đ­ưa các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, được thi hành trên thực tế”. Đây là cách hiểu mang tính phổ thông, gần với ý nghĩa thực hiện pháp luật. Theo cách hiểu này, thực thi quyền sở hữu trí tuệ chính là quá trình thực hiện toàn bộ các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ là các quy định về quyền của chủ thể đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, các biện pháp chống lại hành vi xâm phạm, mà còn bao gồm tất cả các quy định khác liên quan đến qúa trình xác lập quyền cho chủ thể.

 

Tham khảo Hiệp định TRIPS, tại điều 41 có đề cập một cách gián tiếp đến khái niệm “Thực thi quyền SHTT”, đó là “cho phép thực hiện các biện pháp hiệu quả để chống lại bất kỳ hành vi nào vi phạm quyền SHTT, bao gồm cả các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm và ngăn ngừa hành vi vi phạm có thể xảy ra trong tương lai”. Như vậy, chúng tôi cho rằng nhà làm luật Việt Nam nên đưa ra một khái niệm chung về “Thực thi quyền SHTT” theo hướng của quan điểm thứ nhất. Trong một nền văn hoá mà cái gì cũng muốn “nói có sách, mách có chứng” như Việt Nam hiện nay thì việc ban hành một khái niệm như vậy là không thừa.

 

Hai là, cấp hiệu lực của các văn bản về “Thực thi quyền SHTT” chưa tương xứng. Ngoại trừ Bộ luật dân sự và Bộ luật Hình sự, các văn bản pháp luật về SHTT hiện nay đều dừng lại ở mức văn bản dưới luật như Nghị định của Chính Phủ hoặc Thông tư của một Bộ. Chúng ta đều biết rằng Nghị định có chức năng chính là hướng dẫn Luật và do Chính Phủ (nghành hành pháp) ban hành do đó tính hiệu lực trước các cơ quan thuộc ngành tư pháp (Toà án, VKS) sẽ không cao vì sự tồn tại của Toà án, VKS về mặt nguyên tắc là độc lập với Chính Phủ và không phải chịu sự hướng dẫn của Chính Phủ. Đối với Thông tư, đây là văn bản do một Bộ ban hành nên rõ ràng hiệu lực áp dụng sẽ có phần giảm sút đối với các cơ quan thực thi thuộc Bộ khác (VD: Cơ quan Quan lý Thị trường thuộc Bộ Thương Mại nên việc áp dụng Thông tư 3055 của Bộ KH-CN sẽ có nhiều hạn chế). Thưc tế này là minh chứng cho nhu cầu bức thiết là cần phải ban hành một Bộ Luật về SHTT trong thời gian càng sớm càng tốt

 

Ba là, gia nhập và thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT. Một yêu cầu tiên quyết để Việt Nam hội nhập quốc tế và trở thành thành viên các tổ chức thương mại như WTO là chúng ta phải gia nhập  các điều ước quốc tế về SHTT. Ngược lại, sau khi gia nhập, các điều ước quốc tế sẽ là một nguồn luật quan trọng bổ sung cho các quy định nội địa về thực thi quyền SHTT. Cho tới nay, chúng ta mới chỉ tham gia một số Hiệp định, Công ước chủ yếu về SHCN (Công ước thành lập WIPO, Công ước Paris, Thảo ước Mađri, Hiệp ước PCT) việc tham gia các điều ước quan trong khác không những là điều kiện như đã nói ở trên mà còn là cam kết của chúng ta trong các thoả ước song phương. Theo Hiệp định Thư­ơng mại Việt Mỹ (BTA), thời điểm chót để Việt Nam gia nhập Công ước Bern bảo hộ bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật và Hiệp định UPOV về giống cây trồng là 2 năm. Hiệp định BTA đ­ược chính thức ký kết ngày 14/7/2000 và có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001, cho tới nay đã là tháng 3 năm 2004, thiết nghĩ không cần bình luận thêm

 

Đối với vấn đề thứ hai, vấn đề không nằm ở hệ thống pháp luật mà nằm ở hệ thống cán bộ thực thi pháp luật đó, hay nói cách khác là yếu tố con người. Bên cạnh những nguyên nhân được nêu lên trong bất kỳ báo cáo nào như: lực lượng thiếu hụt hay chế độ, lương bổng cong thấp, chúng tôi nhận thấy có hai điểm nổi cộm trong vấn đề này

 

Một là, trình độ chuyên môn của các cán bộ thực thi ít nhiều còn hạn chế. Một trong những lý do cơ bản là có không ít  cán bộ của chúng ta chưa kinh qua khoá đào tạo chính thức hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động đặc biệt này. Mặc dù Việt Nam có tới 2 Đại Học Luật (Hà Nội và TP HCM) cộng với khoa Luật ĐH quốc gia (Hà Nội và TP HCM) -tương đương một đại học -và khoa Luật của nhiều trường khác (Viện ĐH Mở, các ĐH Dân lập) nhưng môn học về pháp luật SHTT vẫn chỉ được coi là môn phụ, thậm chí cũng mới xuất hiện chính thức trong chương trình giảng dạy trong khoảng hai năm gần đây. Điều đó cũng đồng nghĩa là đa số các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên,… của chúng ta cần được đào tạo bổ sung về SHTT.

 

Hai là, vẫn tồn tại một số nhận thức sai lệch về bảo hộ quyền SHTT trong số các cán bộ thực thi. Thực tế thì hàng vi phạm quyền SHTT có thể vẫn đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh, chất lượng lại bán với giá rẻ nên không ít cán bộ (đặc biệt là các cán bộ cấp địa phương) cho rằng thực thi quyền SHTT không quan trọng lắm. Thậm chí việc yêu cầu một doanh nghiêp vi phạm SHTT ngừng sản xuất sẽ có tác động xấu đến thu nhập của công nhân làm việc cho doanh nghiệp đó, thất thu thuế cho địa phương,…Nhận thức kiểu này không phải là phổ biến nhưng cũng không phải không có, tác hại của nó đến đâu xin được phân tích trong phần tiếp theo đây. 

 

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ và tác động tới quá trình hội nhập.

 

            Mở cửa và Hội nhập, các khái niệm này đã và đang xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng với đủ hình thức và cách tiếp cận khác nhau. Nhưng tựu chung lại thì Mở cửa và Hội nhập phải gắn với việc tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế trên cơ sở cùng có lợi với mọi quốc gia, cộng đồng quốc tế và ngược lại giang rộng vòng tay chào đón cộng đồng quốc tế đến hợp tác với chúng ta. Một trong những điểm mấu chốt của Mở cửa và Hội nhập là đôi bên cùng có lợi và hệ quả của nó là chiếm được lòng tin của đối tác. Đây cũng chính là hai khía cạnh chịu tác động trực tiếp của hoạt động thực thi quyền SHTT của Việt Nam

 

            Để “có lợi”, trước tiên là tài sản của nhà đầu tư, giới kinh doanh, đối tác nước ngoài đến với chúng ta phải được bảo vệ, lợi nhuận của họ phải thuộc về họ, đấy là khẳng định không thể phủ nhận. Với khẳng định như vậy, nhà đầu tư, giới kinh doanh, đối tác nước ngoài sẽ không thể chấp nhận được nếu như một thứ tài sản dù vô hình nhưng rất quý giá của họ là quyền SHTT lại liên tục bị đánh cắp mà “kẻ cắp” thường lại là các doanh nghiệp nội địa. Theo số liệu của tổ chức Quốc tế IFPI (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Quốc tế), tình trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam so với các nước trong khu vực đứng thứ nhì (chỉ sau Trung Quốc). Theo báo cáo của Hiệp hội kinh doanh phần mềm (BSA), trong năm 2001, tỉ lệ in sang trái phép phần mềm ở Việt Nam là 94%. Đây là một tỉ lệ không nhỏ, nếu không muốn nói là quá lớn khiến mọi nhà đầu tư đều phải nghi ngại khi nhìn vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Vậy, các cơ quan thực thi đã làm được những gì? Theo thống kê của Cục sở hữu công nghiệp (nay là Cục SHTT), tính đến nay, Cục đã tiếp nhận gần 2000 vụ khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và riêng năm 2001, Cục Bản quyền tác giả đã giải quyết 29 vụ khiếu nại vi phạm quyền tác giả.  Tại Toà dân sự toà án nhân dân các tỉnh từ năm 1995-1997, có 20 vụ án về quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết. Trong đó, quyền tác giả là 02 vụ, quyền sở hữu công nghiệp là 18 vụ, riêng 9 tháng đầu năm 1998, đã thụ lý 12 vụ nhưng có đến 04 vụ bị đình chỉ. Những con số này cho thấy nỗ lực không nhỏ của chúng ta nhưng rõ ràng là con số này còn rất nhỏ, chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm nói ở phần trên.

 

Để “chiếm được lòng tin”, lẽ dĩ nhiên là Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc các cam kết và nỗ lực khắc phục tình trạng vi phạm quyền SHTT ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ cũng không cần nhắc đến thời hạn thực thi Hiệp định Việt-Mỹ cũng như một số Hiệp định khác (như Hiệp định bản quyền Việt Nam-Thuỹ sỹ), nếu Chính Phủ càng do dự bao nhiêu thì lòng tin của bạn bè quốc tế vào chúng ta càng sụt giảm bấy nhiêu. Còn nỗ lực khắc phục tình trạng vi phạm quyền SHTT thì không thể không nhắc tới. Với những quan điểm “bảo hộ” doanh nghiệp trong nước, “doanh nghiệp điah phương” như nói ở phần trên thì “cái được” là lợi nhuận của doanh nghiệp vi phạm, lương của công nhân,… nhưng “cái mất” thì có nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là “lòng tin” của nhà đầu tư, là thiện chí của cộng đồng quốc tế. Mất lòng tin sẽ sụt giảm đầu tư và kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế, không giải quyết được lao động mới, tài nguyên không được tận dụng. Giảm thiện chí của cộng đồng quốc tế có thể dẫn đến các biện pháp mạnh ngăn cản việc xuất khẩu hàng vi phạm hoặc tẩy chay hàng vi phạm, khi đó thì liệu “cái lợi” trước mắt có đủ bù lại “cái mất” lâu dài hay không?

 

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề không còn mới mẻ ở nước ta nhưng hiệu quả của hoạt động này sẽ không bao giờ là cũ. Hội nhập và phát triển là mục tiêu đã được Đảng và Nhà nước ta xác định, hy vọng là những khó khăn, bức xúc hay tồn tại trong lĩnh vực thực thi quyền SHTT không thể là rào cản ngăn Việt Nam hoàn thành mục tiêu lịch sử này.

                                                                       - Lê Hương Thảo -