1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể

Điều 75, Bộ Luật lao động năm 2019 quy định về  thỏa ước lao động tập thể như sau:

Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.

Như vạy, “Thỏa ước lao động tập thể là tất cả các bản thoả thuận viết liên quan đến việc làm và điều kiện lao động được kí kết giữa một bên là người sử dụng lao động, một hoặc một nhóm hiệp hội giới chủ với bên kia là một hoặc nhiều tổ chức của người lao động. Trong trường hợp không có tổ chức đại diện cho bên lao động như đã nêu thì những người được tập thể lao động bầu ra và được trao quyền một cách hợp thức theo pháp luật của quốc gia cũng sẽ có quyền để thực hiện việc kí thoả ước tập thể".

 

2. Nội dung thỏa ước lao động tập thể

Căn cứ theo khoản 1 Điều 75, Điều 67 Bộ luật lao động 2019 thì nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể bao gồm:
Nội dung của thỏa ước lao động không được trái với quy định của pháp luật và có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung của thỏa ước lao động phải được thông qua dựa trên phần lấy ý kiến của người lao động. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được kí kết và thông qua khi trên 50% người lao động tán thành.
- Hợp đồng lao động phải theo pháp luật đã quy định ở BLLĐ 2019
– Quy định về việc làm và bảo đảm việc làm: Trong suốt thời gian quan hệ lao động thì người sử dụng phải đảm bảo việc làm cho người lao động; các biện pháp bảo đảm công việc; các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; chế độ trợ cấp thôi việc; trợ cấp thôi việc , trợ cấp mất việc; công tác đào tạo, quy trình đào tao….
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; thời giờ nghỉ ngơi; ngày nghỉ hàng tuần, ngày hàng năm; nghỉ phép, ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương;ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương….
– Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương: Quy định thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật; tiền lương tối thiểu; lương tháng, lương ngày; xét năng lương trước thời hạn, xét nâng bậc lương; các loại phụ cấp lương; nguyên tắc trả lương, thời gian trả lương hàng tháng; thanh toán tiền nghỉ hàng năm, tiền đi lại ; tiền lương trả cho giờ làm thêm;các tiền thưởng và các nguyên tắc chi thưởng……
– An toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động: tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phương tiện cung cấp phòng hộ cho người  lao động; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ; khám sức khỏe định kỳ….
– Bảo hiểm xã hội: các quy định mức đóng chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, có quy định về mua bảo hiểm tai nạn 24/24 cho người lao động…
Ngoài ra, nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Hiện tại thì chưa có mẫu văn bản pháp luật quy định về mẫu thỏa ước lao động tập thể, các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) hiện nay dựa trên thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ).
 

3. Vai trò của thỏa ước lao động tập thể

+ Thoả ước lao động tập thể tạo nên cộng đồng quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên.

Đối với quan hệ lao động trên cơ sở hợp đồng, Nhà nước không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên mà chỉ định ra khung pháp luật, các hành lang pháp lí để trên cơ sở đó các bên tự thương lượng thoả thuận. Vì vậy cácdoanh nghiệp cần kí kết thoả ước để cụ thể hoá quyền và nghĩa vụ của các bên cho phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thoả ước được kí kết không chỉ là sự cụ thể hoá các quy định của pháp luật mà nó còn tạo ra cộng đồng quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động. Lợi ích của các bên sẽ thống nhất với nhau hơn, đồng thời các bên có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ lao động. Dưới góc độ nào đó thì người sử dụng lao động và người lao động đều cần có nhau để đạt được mục đích của mình. Người sử dụng lao động cần đến sức lao động của người lao động để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua đó kiếm lời. Còn người lao động cũng cần cung ứng sức lao động của mình cho chủ sử dụng lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Xuất phát từ nhu cầu đó mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần thiết phải hợp tác với nhau trong mối quan hệ sử dụng lao động. Song hiệu quả của sản xuất kinh doanh lợi nhuận của chủ sử dụng lao động cũng như thu nhập của người lao động lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của hai bên và việc các bên thực hiện các cam kết của mình trên thực tế. Biện pháp tốt nhất và cũng là hữu hiệu nhất để nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên đồng thời cũng giúp các bên đạt được mục đích của mình chính là thỏa ước lao động tập thể.

* Thoả ước lao động tập thể góp phần điều hoà lợi ích ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột trong quan hệ lao động.

 Đối với người lao động, thỏa ước lao động tập thể sẽ tạo điều kiện cho họ được bình đẳng trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Nó nâng cao vị thế của người lao động tạo điều kiện để họ có được những thoả thuận có lợi hơn so với quy định của pháp luật cả về quyền lợi cũng như điều kiện lao động. Vì vậy khi thỏa ước lao động tập thể được kí kết nó sẽ hạn chế được những yêu sách bất thường từ phía người lao động đối với người sử dụng lao động, ngăn ngừa được những mâu thuẫn xung đột và tranh chấp trong quan hệ lao động. Mặt khác thỏa ước lao động tập thể được kí kết và thực hiện sẽ thống nhất được chế độ lao động đối với người lao động trong cùng một doanh nghiệp hoặc giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, nghề, bảo đảm ổn định việc làm cho người lao động. Còn đối với người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể sẽ giúp họ kiềm chế xu hướng lạm dụng quyền đối với v, đồng thời đảm bảo cho họ quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển doanh nghiệp. Hơn nữa thỏa ước lao động tập thể được kí kết sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động đối với việc thực hiện các nghĩa vụ lao động, nhờ đó mà sản xuất được nâng cao, lợi ích của chủ sử dụng được đảm bảo. Vì vậy thỏa ước lao động tập thể chính là biện pháp quan trọng để người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bằng việc tạo điều kiện cần thiết cho sự gắn bó chặt chẽ giữa cá nhân người lao động với tập thể lao động, giữa tập thể với người sử dụng lao động. thỏa ước lao động tập thể đã tạo điều kiện cho các quan hệ lao động diễn ra tốt đẹp, đảm bảo được “hoà bình công nghiệp”, sự ổn định và phồn vinh của doanh nghiệp. Thực tế tồn tại thỏa ước lao động tập thể trong hàng trăm năm qua và hiệu quả mà nó đem lại cho các quốc gia có nền kinh tế thị trường là một minh chứng có sức thuyết phục cho vấn đề này.

+ Thoả ước lao động tập thể là cơ sở pháp lí quan trọng để giải quyết các tranh chấp lao động.

Trong quá trình lao động không thể tránh khỏi những bất đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Có những bất đồng hai bên có thể tự dàn xếp thương lượng nhưng cũng có những bất đồng hai bên không thể thương lượng được làm nảy sinh tranh chấp. Tranh chấp lao động bao gồm hai loại: Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể (khoản 2 Điều 157 BLLĐ). Tranh chấp lao động cá nhân thường là tranh chấp về những vấn đề trong hợp đồng lao động. Vì vậy, hợp đồng lao động là căn cứ quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bên cạnh hợp đồng lao động thì thỏa ước lao động tập thể trong hợp đồng (vấn đề mà hai bên có tranh chấp) có phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hay không. Nếu thoả thuận đó trong hợp đồng lao động mà trái với thoả ước (theo hướng bất lợi cho người lao động) thì những thoả thuận trong thoả ước sẽ được coi là căn cứ để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Khác với tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể thường là những tranh chấp về thoả ước. Đó có thể là việc tranh chấp về việc các bên không thực hiện đúng những điều đã cam kết trong thoả ước hoặc cũng có thể là tranh chấp về các điều khoản đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế tại thời điểm phát sinh tranh chấp. Vì vậy, đương nhiên thỏa ước lao động tập thể sẽ là cơ sở pháp lí quan trọng để giải quyết các tranh chấp này.

* Thoả ước lao động tập thể là nguồn quy phạm đặc biệt bổ sung cho luật lao động.

Thỏa ước tập thể được hình thành trên cơ sở sự thương lượng thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động song thỏa ước lao động tập thể còn có tính quy phạm và được coi là “bộ luật con” của doanh nghiệp. Vì vậy thoả ước được kí kết sẽ là nguồn quy phạm bổ sung cho các quy định của pháp luật lao động tại đơn vị. Đặc biệt, nếu như những quy định của pháp luật mang tính quy phạm cứng, hợp đồng lao động đơn thuần là sự thoả thuận giữa hai bên thì thỏa ước lao động tập thể là sự kết hợp của hai yếu tố đó là tính chất quy phạm lại vừa mang tính thoả thuận. Chính vì vậy, thoả ước tập thể không chỉ đơn thuần là sự cụ thể hoá các quy định của pháp luật mà nó còn góp phần cho việc bố sung, hoàn thiện pháp luật lao động. Trong khuôn khổ pháp lí cổ điển, những điều kiện làm việc chủ yếu do luật lao động quy định. Hơn nữa phương pháp để nhà cầm quyền quy định các điều kiện làm việc cũng không hoàn hảo. Trong khế ước lao động cá nhân, những điều kiện làm việc ấy thường do người sử dụng lao động độc đoán ấn định. Vì thế mà người công nhân nhiều khi đã bắt buộc gặp phải sự độc đoán của chính quyền. Song trong thỏa ước lao động tập thể dân chủ hơn, bởi thoả ước là kết quả của sự thương lượng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động. Nó không phải là sự thoả hiệp giữa những cá nhân mà là sự thoả thuận giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Như vậy Thỏa ước lao động tập thể là sắc thái đặc sắc của luật lao động, có ưu điểm là uyển chuyển và dễ thích ứng với thực tại xã hội. Vì vậy mà thỏa ước lao động tập thể rất được thịnh hành ở các nước công nghiệp,đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

 

4. Ý nghĩa của thỏa ước lao động tập thể

-Thỏa ước lao đông tập thể là cơ sở pháp lý chủ yếu để từ đó hình thành nên một quan hệ lao động có tính tập thể: Thỏa ước lao động tập thể tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Hơn thế nữa nó còn tạo điều kiện để người lao đông, bằng sự thương lượng mặc cả, thông qua sức mạnh của cả tập thể với người sử dụng lao động để có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với quy định trong pháp luật.

-Thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể còn góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tạo ra những điều kiện để người lao động, bằng sự thương lượng, mặc cả, thông qua sức mạnh của tập thể với người sử dụng lao động để có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với sự quy định trong pháp luật.

-Thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể còn góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tạo ra những điều kiện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

-Ngoài ra, thỏa ước lao động tập thể cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết tranh chấp lao động tập thể, một khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra.

-Thỏa ước lao động tập thể nếu được ký kết đúng đắn, trên cơ sở bình đẳng, tự do thương lượng, hợp tác sẽ là nguồn quy phạm thích hợp tại chỗ bổ sung cho nội quy doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật trong doanh nghiệp và còn là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động.

 

5. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu 

Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

- Nếu một trong số nội dung của thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật thì nội dung vi phạm sẽ bị vô hiệu

- Thỏa ước lao động tập thể sẽ vô hiệu hoàn toàn nếu thuộc trong các trường hợp sau

+ Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật

+ Người ký kết không đúng thẩm quyền

+ Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Ví dụ : Thỏa ước lao động tập thể của công ty A được ký kết giữa đại diện tập thể người lao động là chủ tịch công đoàn và PGĐ tài chính của công ty. Trong trường hợp này, PGĐ tài chính của công ty không phải là người sử dụng lao động cũng như đại diện người sử dụng lao động do đó thỏa ước lao động tập thể của công ty A vô hiệu toàn bộ vì người ký kết không đúng thẩm quyền. nên thỏa ước tập thể bị vô hiệu.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến thỏa ước lao động tập thể nói chung hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực lao động, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến. Đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm của Luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý liên quan.