Mục lục bài viết
1. Quy định ban hành nguyên tắc cấp mã cơ sở khám, chữa bệnh
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, mã cơ sở khám, chữa bệnh gồm 05 ký tự thể hiện bằng số, bao gồm:
- 02 ký tự đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004; riêng cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng mã ký tự là 97, thuộc Bộ Công an là 98.
- 03 ký tự tiếp theo là thứ tự của cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, thành phố tương ứng bắt đầu từ 001.
Ví dụ: Mã cơ sở khám, chữa bệnh của bệnh viện Bạch Mai là: 01001; Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương là 01047; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn là 06001,...
Thông tin cấp mã gồm: tên cơ sở khám, chữa bệnh; mã cơ sở khám, chữa bệnh; địa chỉ; số giấy phép hoạt động,...
Trách nhiệm cấp mã cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Quân y – Bộ Quốc phòng; Cục Y tế - Bộ Công An tương ứng với phạm vi quản lý được phân công.
2. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Theo Điều 22 Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:
- Bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa.
- Bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân.
- Phòng khám đa khoa.
- Phòng khám chuyên khoa, bao gồm:
+ Phòng khám nội tổng hợp;
+ Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội;
+ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông;
+ Phòng khám chuyên khoa ngoại;
+ Phòng khám chuyên khoa phụ sản;
+ Phòng khám chuyên khoa nam học;
+ Phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt;
+ Phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng;
+ Phòng khám chuyên khoa mắt;
+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;
+ Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;
+ Phòng khám chuyên khoa tâm thần;
+ Phòng khám chuyên khoa ung bướu;
+ Phòng khám chuyên khoa da liễu;
+ Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền; Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
+ Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng;
+ Phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy;
+ Phòng khám, điều trị HIV/AIDS;
+ Phòng xét nghiệm;
+ Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang;
+ Phòng khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định
+ Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng;
+ Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp;
+ Phòng khám chuyên khoa khác.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình (hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình): Thực hiện thí điểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Nhà hộ sinh.
- Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:
+ Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp;
+ Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà;
+ Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài;
+ Cơ sở dịch vụ kính thuốc;
+ Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ;
+ Cơ sở dịch vụ y tế khác.
- Trạm y tế cấp xã, trạm xá.
- Cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo hình thức phòng khám đa khoa.
Cơ sở giám định pháp y tâm thần có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo một trong các hình thức bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa tâm thần.
Các cơ sở này phải đáp ứng điều kiện tương ứng với từng hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải thực hiện theo một trong các hình thức phòng khám đa khoa hoặc phòng khám nội tổng hợp và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó.
- Trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó.
Việc phân hạng thực hiện theo nguyên tắc nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa thì được xếp hạng IV, nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình bệnh viện thì được xếp theo hạng bệnh viện tương đương với quy mô của cơ sở đó.
- Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện của các cơ sở dịch vụ y tế quy định thì được bổ sung quy mô và phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng.
3. Tra cứu nơi khám chữa bệnh ban đầu đã được đăng ký
Tra cứu nơi đăng ký bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID:
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID bằng nhập mã số bảo hiểm xã hội và mật khẩu để đăng nhập nếu đã có tài khoản.
Bước 2: Sau khi đăng nhập xong, chọn mục quản lý cá nhân > Chọn Thẻ bảo hiểm y tế. Khi đó các thông tin về số thẻ bảo hiểm y tế, nơi khám chữa bệnh, hạn thẻ, quyền lợi sử dụng,… đều được hiển thị.
Bước 3: Sau khi hiển thị các thông tin của thẻ bảo hiểm y tế, bạn có thể bấm chức năng “Sử dụng thẻ” để lấy mã QR khi cần đưa thẻ cho nhân viên y tế kiểm tra dữ liệu tại nơi khám chữa bệnh.
Hoặc có thể chọn “Hình ảnh thẻ”, ứng dụng sẽ hiển thị tiếp thông tin của thẻ bảo hiểm y tế, bạn có thể bấm vào để xem.
Tra cứu nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu qua Cổng thông tin BHYT:
Để tra cứu cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên website baohiemxahoi.gov.vn người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sau đó kéo xuống phía dưới, chọn mục “Tra cứu trực tuyến”.
Bước 2: Chọn “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”.
Bước 3: Nhập Mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh. Sau đó tích chọn Tôi không phải người máy.
Bước 4: Chọn “Tra cứu”
Kết quả sẽ hiện thông tin của thẻ và Mã số nơi khám chữa bệnh ban đầu cho bạn.
Ví dụ đối với mã thẻ bảo hiểm y tế HS45010254xxxxx sẽ hiển thị như sau:
Thẻ hợp lệ! Mã thẻ: HS450xxxxx, Họ tên: Nguyễn A, Ngày sinh: xx/xx/20xx, Giới tính: Nam! (Địa chỉ: Xóm A, Xã B, Huyện C, Thành phố Hà Nội; Nơi KCBBĐ: 29xxx; Hạn thẻ: 01/07/202x – 30/06/202x; Thời điểm đủ 5 năm liên tục: 01/01/202x).
Tra cứu nơi khám bảo hiểm y tế ban đầu qua tin nhắn:
Theo Công văn số 815/CNTT-PM ngày 29/7/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ với một chiếc điện thoại, người tham gia bảo hiểm y tế đã có thể biết được thông tin thẻ bao gồm nơi khám chữa bệnh ban đầu thông qua một tin nhắn.
Để tra cứu, bạn soạn tin nhắn theo cú pháp: BH THE [mã thẻ BHYT] gửi 8079
Cước phí: 1.000 đồng/tin nhắn.
Ví dụ: BH THE DN42723639 gửi 8079
Nội dung tin nhắn nhận được sẽ có dạng tương tự như sau:
Mã thẻ: DN272XXXX. Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Trạm y tế phường xxx (TTYT quận xxx). Giá trị sử dụng từ 01/02/2022 đến 31/12/2023. Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ ngày 01/01/20xx.
Cách tra cứu danh sách bệnh viện đăng ký bảo hiểm y tế cùng mã cơ sở khám chữa bệnh:
Để tra cứu cụ thể tên cơ sở dựa trên mã số, thực hiện bằng cách truy cập trang Tra cứu cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bước 1: Chọn Tỉnh thành.
Bước 2: Chọn Quận/Huyện.
Bước 3: Tích vào ô “Tôi không phải là người máy”.
Bước 4: Chọn “Tra cứu”.
Xem thêm: Khám chữa bệnh trái tuyến, ngoại trú có được hưởng BHYT không?
Trên đây là nội dung về: "Quy định ban hành nguyên tắc cấp mã cơ sở khám, chữa bệnh" trường hợp còn điều gì thắc mắc vui lòng gọi 19006162 hoặc gửi qua email lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc