Mục lục bài viết
>> Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài, gọi số: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
1. Điều kiện để chuyển vốn đầu tư, tài sản ra nước ngoài
Để tiến hành hoạt động chuyển vốn đầu tư, tài sản đầu tư ra nước ngoài thực hiện dự án thì nhà đầu tư cần thỏa mãn điều kiện nhất định theo quy định pháp luật. Căn cứ vào Điều 66 Luật Đầu tư năm 2020 thì nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện như sau:
- Thứ nhất, nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
- Thứ hai, hoạt động đầu tư này đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
- Thứ ba, nhà đầu tư phải có tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài. Căn cứ vào Thông tư 12/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cụ thể tại các khoản 1, khoản 2 Điều 5 đã quy định nhà đầu tư thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ phải mở tài khoản vốn đầu tư, cụ thể: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng 01 (một) loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định pháp luật. Lưu ý:
+ Thứ tư, nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án.
+ Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần vốn góp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp
- Thứ năm, thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Xem thêm: Luật sư tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư
2. Nguồn vốn nào được nhà đầu tư sử dụng đầu tư ra nước ngoài?
Theo Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì một số nguồn vốn được nhà đầu tư sử dụng đầu tư ra nước ngoài quy định như sau:
- Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
- Tiền và tài sản hợp pháp khác theo quy định nêu trên bao gồm:
+ Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật;
+ Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;
+ Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm;
+ Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;
+ Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều này;
+ Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
- Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư năm 2020. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.
- Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Xem thêm: Luật sư tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh
3. Trình tự đăng ký chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
Để đăng ký chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thì cần thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây chính là thủ tù đăng ký tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài đối với nhà đầu tư không phải tổ chức tín dụng.
Pháp luật hiện hành quy định thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài được căn cứ vào Điều 10 Thông tư 12/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2022 về quản lý ngoại hối có hiệu lực từ 15/02/2023. Cụ thể:
Bước 1: Sau khi mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và trước khi thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện nộp 01 bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư là tổ chức có trụ sở chính, nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú. Bộ hồ sơ đó bao gồm một số văn bản tài liệu sau:
- Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt Giấy chứng nhận đầu tư tại nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp cho dự án tại nước tiếp nhận đầu tư.
- Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư trong đó nêu rõ số tài khoản, loại ngoại tệ.
- Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với trường hợp đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Văn bản giải trình về nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét hồ sơ, trường hợp cần thêm thông tin để đủ cơ sở xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký tài khoản và tiến độ chuyển vốn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản yêu cầu Nhà đầu tư bổ sung tài liệu, thông tin cần thiết trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của Nhà đầu tư.
Bước 3: Sau quá trình xem xét hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi cá nhân đăng ký thường trú sẽ trả kết quả với 02 trường hợp dưới đây:
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi Nhà đầu tư văn bản xác nhận đăng ký tài khoản, tiến độ chuyển vốn. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.